Đặc điểm sinh lý sinh sản của bò cái sữa
Sự thành thục sinh dục và chu kỳ động dục ở bò cái Nắm được kiến thức sinh lý sinh sản rất quan trọng cho phép chúng ta quản lý và điều hành hiệu quả quá trình chăn nuôi sinh sản; có những can thiệp cũng như những quyết định kịp thời và đúng đắn trong những tình huống cần thiết. Bò cái có hai ...
Sự thành thục sinh dục và chu kỳ động dục ở bò cái
Nắm được kiến thức sinh lý sinh sản rất quan trọng cho phép chúng ta quản lý và điều hành hiệu quả quá trình chăn nuôi sinh sản; có những can thiệp cũng như những quyết định kịp thời và đúng đắn trong những tình huống cần thiết.
Bò cái có hai buồng trứng hình trái xoan, kích thước 4 cm x 3 cm x 1,5 cm. Buồng trứng có hai chức năng: ngoại tiết – sản sinh ra tế bào trứng và nội tiết – sản sinh ra các hormon, tham gia điều tiết hoạt động sinh sản của bò sữa.
Buồng trứng có số lượng tế bào trứng lớn nhất lúc bào thai được 3,5 tháng tuổi – khoảng 3.000.000 tế bào trứng. Trong giai đoạn phát triển bào thai, con số này giảm dần và vào lúc sinh còn 500.000 tế bào trứng. Trước khi thành thục tính dục, các tế bào trứng phát triển, có thể đạt tới giai đoạn nang trứng, tuy nhiên không xảy ra rụng trứng mà các nang trứng bị thoái biến. Hiện tượng thoái biến xảy ra trong suốt đời sống con vật, để sau cùng buồng trứng không còn hoạt động nữa ở những bò cái già. Lát cắt buồng trứng
1- Nang nguyên thuỷ 5- Nang cấp ba thoái hoá 2- Nang cấp hai 6- Thể vàng phát triển 3- Nang cấp ba 7- Thể vàng đang thoái hoá 4- Nang de Graaf (nang cấp 3 phát triển)
Sự thành thục sinh dục ở bê cái là một quá trình phức tạp. Đến nay người ta vẫn chưa giải thích được cơ chế xuất hiện thành thục sinh dục và cũng rất khó xác định được chính xác thời điểm bắt đầu xuất hiện thành thục sinh dục.
Một số công trình nghiên cứu cho rằng, ở bê cái luôn có một lượng nhỏ hormon estrogen được tiết ra. Hormon này tác động kìm hãm lên các tế bào thuỳ trước tuyến yên, làm cho nó không mẫn cảm với Gonadotropin Releasing Hormone (Gn- RH) do Hypothalamus tiết ra. Vào thời điểm trước khi xuất hiện thành thục sinh dục, nhờ tác động của một tác nhân mang tính tiên phát có nguồn gốc từ cấu trúc thần kinh cao cấp, tác động kìm hãm của các estrogen lên tuyến yên bị loại bỏ. Từ đó, dưới tác động kích thích của Gn-RH, tuyến yên bắt đầu tiết vào máu Lutein Hormone (LH) và Folliculin Stimulin Hormone (FSH) với lượng lớn hơn. Các hormon này tác động làm cho các bao noãn phát triển, tiếp theo là sự rụng trứng và hình thành thể vàng. Quá trình thành thục sinh dục được đặc trưng bằng việc hoàn thiện dần dần các mối quan hệ phức tạp trong hệ thống dưới đổi – tuyến yên – buồng trứng, dưới ảnh hưởng của tác nhân thần kinh trung ương. Thành thục sinh dục là thời kỳ trong đó diễn ra các thay đổi về lượng. Đó là: buồng trứng bắt đầu tiết một lượng estrogen lớn hơn, dưới tác động của các hormon này, cơ thể và các cơ quan sinh dục phát triển mạnh hơn, các dấu hiệu sinh dục thứ cấp xuất hiện rõ nét hơn.
Tuổi xuất hiện thành thục sinh dục ở bò cái tơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các yếu tố quan trọng nhất là:
Giống: giống bò sữa hay giống bò thịt, giống bò ôn đới hay giống nhiệt đới.
Động dục lần đầu xuất hiện ở những con bò tơ hướng sữa sớm hơn so với những con bò tơ thuộc các giống hướng thịt. Bò cái giống sữa châu Âu đạt đến tuổi thành thục sinh dục (tuổi xuất hiện chu kỳ động dục đầu tiên) vào lúc 10 tháng tuổi (biến động từ 7 đến 18 tháng), sớm hơn so với các giống bò nhiệt đới: thành thục sinh dục lúc 16 – 24 tháng tuổi.
Mức dinh dưỡng của gia súc: ví dụ, nhóm bò tơ Lang trắng đen được nuôi dưỡng với khẩu phần giầu năng lượng, động dục ở tuổi sớm hơn, trung bình hai lần so với những con được nuôi với khẩu phần nghèo năng lượng.
Khí hậu và mùa bê sinh ra: mùa của bê được sinh ra và nhiệt độ môi trường trong đó bê được nủôi dưỡng cũng có những ảnh hưởng cơ bản lên sự xuất hiện thành thục sinh dục. Nhìn chung, những con bò tơ được sinh vào tháng 9 thành thục sinh dục sớm hơn một cách đáng kể so với những con được sinh vào tháng 3.
Quản lý hệ thống chăn nuôi: sự hiện diện của những con bò cái trưởng thành khác và của bò đực giống trong đàn làm cho bò tơ xuất hiện thành thục sinh dục sớm hơn.
Trong thực tế, ở đại gia súc nhai lại, hoạt động sinh dục bắt đầu sớm hơn rất nhiều trước khi kết thúc phát triển cơ thể. Tuy nhiên, sự xuất hiện thành thục sinh dục và động dục lần đầu gắn liền với việc cơ thể đạt khối lượng và kích thước nhất định. Trong nội bộ của một giống, khối lượng cơ thể của gia súc hình như là một yếu tố có tính quyết định hơn so với yếu tố tuổi, trong việc xuất hiện lần động dục đầu tiên. Một số số liệu về sinh sản của các giống bò ở Nam Việt Nam
(Nguồn: Technology of Day Valorization 1990 – 1993: Project STD 2)
Để không làm tổn hại đến sự phát triển của cơ thể bò cái, chỉ nên tiến hành phối giống sau khi thấy bò cái tơ xuất hiện 2-3 chu kỳ động dục và khối lượng cơ thể của nó bằng 3/4 khối lượng cơ thể của bò cái trưởng thành. Việc xác định thời điểm tối ưu để phối giống cho bò cái tơ mà dựa vào tuổi của nó (tuổi tính bằng tháng kể từ khi đẻ) là không phù hợp. Tốt nhất là phải xem xét xem bò cái tơ đó đã đạt được khối lượng cần thiết chưa. Cụ thể, trong điều kiện ở nước ta, đối với bò cái tơ hướng sữa chỉ nên phối giống khi đạt khối lượng trong khoảng từ 300 – 350 kg.
Bò cái tơ sau khi thành thục sinh dục và bò cái trưởng thành sau khi đẻ có biểu hiện động dục mang tính chu kỳ. Gọi là chu kỳ động dục. Độ dài chu kỳ động dục ở bò cái và bò tơ thay đổi trong những giới hạn khá rộng. Đa số các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đều chấp nhận độ dài 20 ngày ở bò tơ và 21 ngày ở bò cái trưởng thành. Người ta không quan sát thấy hiên tượng tăng độ dài của chu kỳ động dục cùng với sự tăng lứa tuổi hay tăng số lứa đẻ.
Nhìn từ quan điểm sinh học, chu kỳ động dục ở gia súc cái, trong đó có bò cái, là tập hợp của một số chu kỳ (pha) khác nhau:
Pha động dục: là pha mà gia súc cái cho phép gia súc đực phối. Độ dài pha động dục khoảng 15 giờ ở bò tơ và 18 giờ ở bò cái đã đẻ nhiều lần. Rụng trứng xảy ra khoảng 12 giờ sau khi kết thúc thời gian động dục, hoặc trung bình khoảng 30 giờ sau khi bắt đầu động dục. Đó là thời kỳ duy nhất trong chu kỳ động dục mà con cái có khả năng thụ thai.
Pha sau động dục: là pha tiếp theo của pha động đục và kết thúc với việc hình thành thể vàng, nó có độ dài khoảng 2 – 3 ngày.
Pha yên tĩnh:là pha dài nhất của chu kỳ động dục. Đặc trưng của pha này là sự có mặt của thể vàng trên buồng trứng và nó kéo dài khoảng 15 ngày, ở bò cái vắt sữa, thời gian của pha này thay đổi rất nhiều. Sự thay đổi của pha này là nguyên nhân kéo dài chu kỳ động dục.
Pha tiền động dục: là khoảng thời gian giữa lúc bắt đầu thoái hoá chức năng của thể vàng và xuất hiện các dấu hiệu động dục đầu tiên. Pha cuối cùng này thông thường kéo dài khoảng 2 – 3 ngày.
Các pha của chu kỳ động dục nêu trên mang nhiều ý nghĩa mồ tả lý thuyết. Điều quan trọng trong thực tế là chỉ tồn tại hai pha cơ bản: pha nang và pha lutein (pha thể vàng – đặc trưng tương ứng là hoạt động của các bao nang trên buồng trứng và sự có mặt của thể vàng. Trong pha thứ nhất, các hormon estrogen và androgen được tổng hợp và tiết vào máu, còn trong pha thứ hai – progesteron. Trong thời gian pha nang, ở bò cái, thông thường có một, rất ít khi có hai hay nhiều bao nang phát triển, đạt đến rụng trứng. Bò cái có những biến đổi về hành vi và thể chất. Trong pha lutein có sự “yên lặng’’ tương đối của các mô và các bộ phận sinh dục, gia súc cái tỏ ra yên tĩnh và không quan tâm đến sự hiện diện của đực giống.
Những thay đổi hình thái trong buồng trứng:
Các công trình nghiên cứu những năm gần đây chỉ ra rằng, trong chu kỳ động dục ở bò, các nang trứng cấp 3 (kích thước > 0,5 cm) phát triển có tính chu kỳ theo dạng sóng nang (Folicular Wave). Đó là sự phát triển đồng loạt của một số bao nang (có thể lên tới 15 bao nang) trong cùng một thời gian. Trong một chu kỳ động dục có thể có 2 – 3 hoặc thậm chí 4 đợt sóng nang phát triển.
Đợt sóng nang đầu tiên bắt đầu giữa ngày thứ 3 và ngày thứ 4,sau khi rụng trứng và đợt sóng tiếp theo xuất hiện sau đó 5 đến 10 ngày. Những nang trứng của lớp sóng đầu tiên đều thoái hoá và vào cuối chu kỳ động dục chỉ có nang trứng của lớp sóng thứ hai hay thậm chí của lớp sóng thứ ba là đạt tới kích thước lớn, thành thục hoàn chỉnh (nang de Graaf) và sau đó vỡ ra (thoát noãn).
Thể tích của các nang trứng tăng mạnh nhất vào ngày cuối cùng của chu kỳ, trước khi rụng trứng. Điều đó chủ yếu là do vào lúc này, tính thấm của thành các mạch máu và thành các nang tăng mạnh nhất.
Sau khi trứng rụng thì thành bao nang co lại. Các tế bào của màng trong hoà lẫn vào các tế bào màng hạt (zona granulose). Trong một nang trứng nguyên vẹn (trước khi thoát noãn) thì màng hạt không chứa mạch máu. Nhưng ngay sau khi rụng trứng, các mạch máu và các tế bào liên kết xuyên xen kẽ giữa các tế bào màng hạt và các tế bào này chuyển thành tế bào thể vàng lutein – có khả năng sản sinh ra progesteron (trước khi rụng trứng thì các tế bào này không sản sinh ra các hormon).
Trong suốt các chu kỳ động dục, các nang trứng phát triển và thoái hoá liên tục. Một số nang trứng đạt tới kích thước lớn đáng kể và có thể sờ thấy được nhưng cũng khó xác định nó là nang trứng thuộc loại nào. Giai đoạn (pha) của chu kỳ được xác định bằng cách sờ qua trực tràng chủ yếu dựa trên sự hiện diện và phát triển của thể vàng.
Biến đổi của các cơ quan sinh dục khác:
Dưới tác động của hormon, các cơ quan sinh dục khác cũng có những biến đổi mang tính chu kỳ. Tử cung có những biến đổi sâu sắc nhất vào thời kỳ bò cái động dục, như: trương lực tăng, co bóp, sung huyết… Đây chính là sự chuẩn bị cho quá trình thụ tinh và mang thai.
Các dấu hiệu động dục:
Các dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài của động dục là những biến đổi về mặt thể chất và hành vi. Khi thả gia súc tự do thì dễ đàng quan sát các dấu hiệu này. Chính vì vậy, khi xây dựng chuồng trại nên dự kiến một nơi, một khoảng trống để thả gia súc trong một vài giờ mỗi ngày. Cũng có thể thả gia súc ra bãi chăn để quan sát các dấu hiệu động dục.
Về mặt thể chất, quan sát thấy:
– Âm hộ sưng và ẩm ướt, niêm mạc đường sinh dục sung huyết và không dính.
– Từ cổ tử cung chảy ra dịch trong suốt và dẻo. Có thể thấy dịch 1 – 2 ngày trước khi động dục thực sự.
– Lông ở phần mông xù lên.
– Thấy các vết dịch khô hoặc vết máu xung quanh âm hộ và cuống đuôi.
Thực tế là các gia súc động dục thường mẫn cảm, người ta có thể thấy các dấu vết giầy xéo trong chuồng, các dấu vết trên phần hông con vật do nhảy lên nhau.
Tuỳ theo mức độ tự do để thực hiện các hoạt động, thấy gia súc có những hành vi sau đây:
Gia súc bồn chồn, mẫn cảm, hay chú ý đến sự xuất hiện của người hay của gia súc khác.
– Kêu rống, đặc biệt là vào ban đêm.
– Nếu quan sát vào ban đêm, thấy gia súc ở tư thế đứng trong khi những con khác nằm.
– Gối đầu lên phần hông của những con khác.
– Nhảy lên những con gia súc khác trước khi bắt đầu động dục.
– Đứng yên khi có một gia súc khác nhảy lên.
– Liếm và húc đầu lên những con khác.
– Hít và ngửi cơ quan sinh dục (hành vi đặc trưng như con đực).
– Ăn kém ngon miệng và sản lượng sữa có thể giảm.
Thông thường, trong khi bò cai động dục, tất cả các dấu hiệu động dục không thể quan sát được trên cùng một gia súc. Tuy nhiên, sự hiện diện của một trong những dấu hiệu này cũng đủ cho người chăn nuôi hoặc một cán bộ kỹ thuật phát hiện ra bò cái hoặc bò tơ đang động dục. Trong thực tế, việc phát hiện bò cái hoặc bò tơ động dục gặp khó khăn do pha này ngắn so với toàn bộ chu kỳ động dục.
Chỉ tiêu duy nhất chắc chắn 100% động dục là phản xạ đứng yên của gia súc động dục khi bị con gia súc khác nhẩy lên. Một con bò cái nhẩy lên một con bò cái khác thường là dấu hiệu nó sắp động dục hoặc động dục đã trôi qua một vài ngày. Cũng có thể xảy ra là những gia súc đang có chửa thể hiện dấu hiệu động dục, tuy nhiên khi bị những con khác nhẩy lên thì chúng không có phản xạ đứng yên (khoảng 5% bò sữa đang chửa có biểu hiện động dục với những hành vi liên quan, nhưng không xảy ra rụng trứng).
Năng lực của con người có tầm quan trọng đặc biệt trong vấn đề phát hiện động dục và điều khiển quá trình sinh sản ở bò. Cần phải ý thức rằng, phát hiện động dục là một công việc có chương trình và chính xác chứ không phải là những quan sát ngẫu nhiên. Để bảo đảm cho công việc này chính xác và hiệu quả cần có một cuốn sổ ghi chép và theo dõi động dục, cũng như diễn biến quá trình sinh sản của từng con bò cái.
Nội dung ghi chép trong sổ này rất quý giá. Nó cho phép biết rõ những gia súc nào sẽ động dục và chúng cần được quan sát chu đáo vào những thời điểm nhất định.
Để phát hiện động dục tốt, đòi hỏi phải quan sát 3 lần (sáng, trưa và tối) trong một ngày, độ dài mỗi ỉần quan sát phụ thuộc vào số lượng gia súc trong đàn. Tốt nhất là quan sát vào sáng sớm và chiều tối. ở các.nước nhiệt đới như nước ta, phát hiện động dục vào buổi chiều tối đặc biệt quan trọng. Bởi vì trong thời gian ban ngày, do trời nóng, hoạt động tự phát của các gia súc giảm tới mức tối thiểu.
Điều tiết hormon trong chu kỳ động dục
Nhiều hormon tham gia vào quá trình điều tiết chu kỳ động dục ờ bò cái, ảnh hưởng trực tiếp hoặc cơ bản lên diễn biến của chu kỳ. Đó là:
Các hormon – thần kinh do vùng dưới đồi (hypothalamus) tiết ra.
Chúng là những hormon giải phóng: gonadotropin releasing hormoa (GaRH), ví dụ: folliculin releasing hormon (FSH-RH),lutein releasing hormon (LH-RH)… hoặc ức chế: gonadotropin inhibiting hormon (GnIH). Vai trò của các hormon này là điều hoà sự phân tiết các gonadotropin của thuỳ trước tuyến yên vào tuần hoàn máu.
Các hormon glucoprotein khác nhau do thuỳ trước tuyến yên sản xuất ra và tham gia vào chu kỳ động dục:
Folliculin stimuling hormon (FSH) – Hormon này kích thích sự phát triển các nang trứng, có sự hiệp đồng với LH.
Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt tính đặc trưng của hormon gonadotropin FSH ở bò cái ít được nghiên cứu và người ta vẫn còn tranh cãi về vai trò đồng tác động của nó trong việc lớn lên và phát triển của các bao nang. Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng FSH không tham gia nhiều vào điều tiết các chức năng sinh sản ở bò cái.
– Lutein hormon (LH) – Hormon lutein hoá. Nó kích thích sự phát triển các nang trứng, có sự hiệp đồng với FSH. Đồng thời gây ra rụng trứng và lutein thể vàng; tạo thuận lợi và giữ cho thể vàng tiết progesteron.
Nhiều công trình nghiên cứu và số liệu thực nghiệm khẳng định rằng hai hormon gonadotropin trong máu ngoại vi (FSH và LH) biến đổi theo nhịp và điều đó là do chúng được tuyến yên xuất tiết theo nhịp. Biên độ và tần số của nhịp tiết là kết quả của mối quan hệ tương hỗ giữa các hormon, nồng độ của chúng. Vào cuối pha nang và đầu pha thể vàng của chu kỳ, nhịp phóng tiết LH rất mau: khoảng 20 – 30 lần mỗi ngày, nhưng với biên độ thấp. Trong khi đó, vào giữa pha thể vàng, nhịp tiết thưa nhưng với biên độ lớn hơn. Lúc gần rụng trứng xảy ra những biến đổi về tần số và biên độ tiết LH và hình thành “đỉnh trước rụng trứng” của hormon này trong máu.
Các hormon do buồng trứng tiết ra giữ vai trò thiết yếu trong quá trình sinh sản là 17β estradiol, progesteron, testosteron. Các chất có hoạt tính sinh dục yếu hơn như: 17α estradiol.
Trước đây người ta thường phân loại các hormon sinh dục steroid thành hormon “đặc trưng giống đực” (bao gồm: testosteron, androsteron, androstendion…) và các hormon “đặc trưng giống cái” (bao gồm: estrogen, progesteron…). Ngày nay, với sự phát triển của phương pháp miễn dịch phóng xạ, các nhà nghiên cứu đã xác định hoàn toàn chính xác là các tuyến nội tiết đặc trưng của con cái có thể tiết các androgen và ngược lại, các tuyến nội tiết đặc trưng của con đực có thể tiết các estrogen. Ví dụ: các buồng trứng của bò cái có thể sản sinh ra lượng hormon androgen lớn gấp 5 – 10 lần lượng hormon estrogen.
Nhìn chung, động thái hàm lượng testosteron trong huyết thanh cũng tương tự như của 17β estradiol. Tuy nhiên, trong thời gian pha thể vàng người ta thấy có các thời kỳ tăng tiết androgen, đặc biệt là vào nửa sau của chu kỳ. Về ý nghĩa sinh học của các androgen ở bò cái, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và người ta vẫn chưa xác định được chính xác vai trò của nó. Có giả thiết cho rằng, chúng đồng tác động với các estrogen.
Ở bò cái không có chửa, các bao nang trong buồng trứng được xem là nguồn xuất tiết cơ bản hormon estrogen. Trong số các estrogen, 17β estradiol có hoạt tính sinh học mạnh nhất. Mức steroid này trong huyết thanh rất thấp trong suốt thời gian chu kỳ động dục. Sau khi thoái hoá thể vàng và ngay trước khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng của động dục, hàm lượng hormon này tăng lên.
Người ta cũng quan sát thấy có sự tăng mang tính chu kỳ hàm lượng 17β estradiol vào đầu pha thể vàng (ngày thứ 4 – thứ 6 của chu kỳ động dục). Đó là do sự phát triển nhanh chóng của các bao nang vào thời kỳ này. Nhưng các bao nang không thể phát triển đến giai đoạn nang de Graaf và chúng bị thoái hoá.
Prostaglandin F2cx: do nội mạc tử cung không chửa tiết ra, bắt đầu từ ngày thứ 17 của chu kỳ, tác động của nó là làm tiêu biến thể vàng.
Ở bò cái, prostaglandin F2a được tiết vào máu theo nhịp sóng; mỗi sóng kéo dài một vài giờ, tiếp theo là những khoảng thời gian bằng nhau. Biến đổi hàm lượng trong huyết tương của progesteron (1) prostaglandin F2α(2)và 17β estradiol (3) vào thời gian chu kỳ động dục ở bò cái
Có những bằng chứng không thể bàn cãi là, cả những chất nội tiết khác như: prolactin, cortisol…cũng tham gia vào quá trình điều hoà chu kỳ động dục ở bò cái. Bằng các mối lên hệ tương hỗ phức tạp, chúng cạnh tranh các vị trí liên kết trên các bộ phận tiếp nhận của các cơ quan; chúng tác động đồng thời hay tác động đối kháng hoặc tham gia vào cơ chế điều khiển ngược.
Gần đây, người ta đã khám phá ra là tuyến epiphyse (và melatonin, tạo ra từ các tế bào của tuyến này), các hợp chất opioid (các pentapeptid, gọi là endorfin và enkefalm) cũng tham gia vào diễn biến bình thường của quá trình sinh sản.
Sự thay đổi hàm lượng progesteron có ý nghĩa cực kỳ quan trọng ở bò cái. Một vài ngày sau khi hình thành thể vàng, khoảng ngày thứ 3, thứ 4 của chu kỳ, mô lutein bắt đầu tổng hợp progesteron và tiết vào máu, từ đây hormon đi vào các dịch sinh học khác, bao gồm cả sữa. Trong thời gian pha thể vàng của chu kỳ, hàm lượng progesteron luôn luôn ở mức cao. Độ lớn của thể vàng khi hoạt động mạnh nhất có thể đạt tới 2cm. Theo con đường liên hệ ngược âm tính, lượng progesteron cao trong máu kìm hãm hypothalamus tiết Gn- RH và tuyến yên tiết LH và FSH. Điều đó làm ngừng sự phát triển của các bao nang trên buồng trímg. Tác động của progesteron tạo ra sự yên lặng tương đối trên các buồng trứng; hàm lượng trong huyết tương của các hormon khác tham gia điều tiết chức năng sinh sản đều ở mức thấp; gia súc cái trở nên trầm lặng trong thời gian pha thể vàng.
Về cuối chu kỳ động dục, vào khoảng ngày thứ 16, thứ 17, dưới tác động của các estrogen buồng trứng và với sự phối hợp của progesteron, nội mạc tử cung bắt đầu tăng cường tiết prostaglandin. Sau lđii được tổng hợp, thông qua các mạch lâm ba và các tĩnh mạch vùng, prostaglandin được vận chuyển từ tử cung đến buồng trứng (đến thể vàng), làm thoái hoá hình thái và chức năng của thể vàng. Vì vậy, hàm lượng progesteron trong máu và trong các dịch sinh học giảm xuống đột ngột, sau đó hàm lượng của hormon này giữ ở mức rất thấp, liên tục trong thời gian pha nang, bao gồm cả thời kỳ động dục và rụng trứng, cho tới khi hình thành một thể vàng mới.
Sự giảm nhanh mức progesteron là một trong những thời điểm mấu chốt trong diễn biến chu kỳ động dục. Mức progesteron giảm đột ngột là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra hiện tượng ngừng tổng hợp prostaglandin F2α (Kindahl và cs., 1980).
Khi thoái biến thể vàng và hàm lượng progesteron giảm nhanh chóng tới mức cơ sở, hàm lượng các estrogen và đặc biệt là 17p estradiol trong huyết tương bắt đầu tăng lên. Vào thời gian này, tác động ngược âm tính, khống chế lên hypothalamus và thuỳ trước tuyến yên, do hàm lượng progesteron cao không còn tồn tại. Vì vậy, hiệu quả tác động theo đường liên hệ ngược dương tính do tăng mức estradiol được thực hiện và kích thích sự tiết Gn-RH từ hypothalamus vào hệ mao quản tuyến yên. Estradiol cũng làm tăng độ mẫn cảm của các tế bào thuỳ trước tuyến yên đối với Gn-RH. Dưới tác động phối hợp của Gn-RH và sự tăng độ mẫn cảm của các tế bào thuỳ trước tuyến yên, LH và FSH được tiết ra với hàm lượng lớn. Kết quả là thúc đẩy sự phát triển của nang de Graaf. Khi hàm lượng estradiol đạt đến ngưỡng cao cần thiết, xuất hiện “đỉnh trước rụng trứng” của LH. Hormon này kích thích hàng loạt quá trình và kết thúc bằng sự rụng trứng. Biến đổi hàm lượng trong huyết tương của 17β estradiol (1), progesteron (2), testosteron(3), LH (4) và FSH (5) vào thời gian trước và sau rụng trứng ở bò cái
Độ dài thời gian từ khi bắt đầu động dục đến khi rụng trứng cũng như một số mối quan hệ tương hỗ khác được trình bày ở bảng. Đây là các số liệu trung bình và chúng chỉ có giá trị định hướng. Việc sử dụng các dữ liệu này trong thực tế chỉ có thể có ích nếu biết phối hợp với kiểm tra cơ quan sinh dục qua trực tràng một cách cẩn thận và chính xác. Mối liên hệ giữa các khoảng thời gian từ khi bắt đầu động dục đến xuất hiện đỉnh LH và đến khi rụng trứng (n = 12) (Theo Bankov và CS-1989)
Ứng dụng định lượng hormon trong thực tế:
Định lượng LH để xác định thòi điểm thụ tinh nhân tạo thích hợp
Viện Chăn nuôi – 1998: tiến hành định lượng LH trong huyết thanh bằng phương pháp miễn dịch enzym (EIA): trong thời gian bò cái động dục, cứ 4 giờ lấy máu một lần để xác định đỉnh LH tiền rụng trứng và xác định thời điểm phối tinh thích hợp.
– Thụ tinh nhân tạo sau đỉnh 4-6 giờ, kết quả thụ thai đạt 81,08% (30 con thụ thai trong số 37 con được TTNT).
– Phối theo phương pháp cũ (quy luật sáng – chiều): thụ thai đạt 75% (9 con có chửa trong tổng số 12 con được phối).
Xác định hàm lượng progesteron trong sữa để chẩn đoán sớm có chửa:
Trong phần lớn chu kỳ động dục, hàm lượng của progesteron thay đổi từ 1 – 4 ηg/ml. Vào ngày động dục, ở 94,23% số bò cái có hàm lượng progesteron dưới 2 ηg/ml.
Hàm lượng progesteron trong sữa lớn hơn trong máu và hiện nay phương pháp miễn dịch phóng xạ (radio immuno assay – RIA) được sử dụng rộng rãi để xác định hàm lượng hormon này và để chẩn đoán sớm có chửa.
Để tiến hành xét nghiệm, bò cái phải trong thời gian tiết sữa. Sau khi phối tinh 20 ngày, lấy mẫu sữa và định lượng progesteron bằng RIA.
– Nếu hàm lượng progesteron thấp, dưới 2 ηg/ml thì chắc chắn (100%) bò cái không có chửa; gia súc có thể đang động dục và có thể cho phối tinh.
– Nếu như hàm lượng cao trên 2 ηg/ml (2 – 6 ηg/ml), bò cái có khả năng đã thụ thai (độ chính xác 70 – 75% – do có thể sau này phôi bị chết). Cơ chế điều tiết hormon chu kỳ động dục ở bò cái
– Điều khiển ngược vòng dài (long feedback)
– Điều khiển ngược vòng ngắn (short feedback)
– Điều khiển ngược vòng cực ngắn (ultra-short feedback)