12/06/2018, 16:01
Sử dụng giáo trình New English File sơ cấp trong dạy kỹ năng Nói cho sinh viên không chuyên năm thứ nhất tại ĐHVH HN
(ĐHVH HN) - Từ lâu, tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc ở hầu hết các trường học ở Việt Nam, đặc biệt là các trường đại học. Có ...
(ĐHVH HN) - Từ lâu, tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc ở hầu hết các trường học ở Việt Nam, đặc biệt là các trường đại học. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dạy và học môn tiếng Anh như: tài liệu, phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, ý thức của sinh viên, v.v, trong đó tài liệu học tập đóng vai trò khá quan trọng. Bài viết tập trung vào đánh giá tính phù hợp của giáo trình New English File sơ cấp trong việc dạy và phát triển kỹ năng Nói cho sinh viên không chuyên năm thứ nhất tại Đại học Văn hóa Hà Nội, qua đó đưa ra một vài đề xuất giúp các giờ học Nói trở nên thiết thực và hiệu quả hơn.
1.Đánh giá tài liệu
1.1.Định nghĩa
Tomlinson (1998) cho rằng ‘đánh giá tài liệu là đánh giá có hệ thống về giá trị của tài liệu liên quan đến mục tiêu của chúng và mục tiêu của người sử dụng chúng.’
Nunan (1988) lại nhận định rằng đánh giá tài liệu nên là ‘một quá trình chứ không phải là sản phẩm cuối cùng’. Điều đó có nghĩa là việc đánh giá có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong quá trình thiết kế tài liệu. Cùng chung quan điểm với Tomlinson, ông cũng nhấn mạnh rằng việc đánh giá là để xác định xem các mục đích và mục tiêu của một chương trình ngôn ngữ có đạt được hay không.
Định nghĩa của Brown về đánh giá tài liệu (1995) có thể được xem một định nghĩa toàn diện hơn cả khi nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập thông tin có liên quan, từ chương trình giảng dạy, tài liệu đến những người tham gia. ‘Đánh giá là thu thập và phân tích có hệ thống tất cả các thông tin cần thiết có liên quan để thúc đẩy cải tiến giáo trình và hiệu quả của nó, cũng như thái độ của những người tham gia trong bối cảnh của một tổ chức cụ thể.’
1.2.Hình thức đánh giá
Nhìn chung, có ba hình thức đánh giá tài liệu mặc dù chúng được các tác giả đặt bằng những tên gọi khác nhau. Robinson (1991) phân loại các hình thức đánh giá tài liệu thành: đánh giá sơ bộ; đánh giá hình thành và đánh giá tổng kết. Trong khi đó, Tomlinson lại đặt tên chúng lần lượt là: đánh giá trước khi sử dụng; đánh giá trong khi sử dụng và đánh giá sau khi sử dụng.
Đánh giá sơ bộ hoặc đánh giá trước khi sử dụng diễn ra trước khi khóa học bắt đầu với mục đích chọn tài liệu phù hợp với đối tượng người học.
Đánh giá hình thành hoặc đánh giá trong khi sử dụng được thực hiện trong khi khóa học đang diễn ra, và các phát hiện nhằm để sửa đổi tài liệu cho phù hợp với đối tượng người học.
Đánh giá tổng hợp hoặc đánh giá sau khi sử dụng là để xác định giá trị của tài liệu sau khi chúng được áp dụng.
Vì giáo trình New English File đã được sử dụng trong trường được bốn năm học nên trong bài viết này, chúng tôi chọn đánh giá tổng kết hay đánh giá sau khi sử dụng để nghiên cứu sự phù hợp của tài liệu trong dạy kỹ năng Nói cho sinh viên không chuyên năm thứ nhất.
1.3.Tiêu chí đánh giá
Tiêu chí là cơ sở mà người đánh giá phụ thuộc vào đó để đưa ra phán quyết. Do vậy, xác định các tiêu chí đánh giá phải được xem xét kỹ càng trước khi tiến hành đánh giá. Các tác như Cunningsworth (1995), Hutchinson & Waters (2001) và McDonough & Shaw (2003) đều cho rằng các tiêu chí đánh giá tài liệu phụ thuộc vào những gì đang được đánh giá và tại sao chúng cần được đánh giá. Các tiêu chí đánh giá tài liệu, đặc biệt là giáo trình được đề xuất bởi Cunningsworth (1995) đang được coi là phổ biến nhất. Đó là: mục đích và cách tiếp cận; thiết kế và tổ chức; nội dung ngôn ngữ; kỹ năng; chủ đề; phương pháp và sách giáo viên.
2.Giáo trình New English File
2.1.Mô tả giáo trình
Giáo trình New English File, được thiết kế bởi các tác giả Clive Oxenden, Christina Latham –Koenig và Paul Seligson, được cho là một cuốn sách khá hoàn chỉnh cho cả giáo viên và học sinh. Giáo trình được phát triển từ hai cuốn sách gốc là English File 1 (1996) và English File 2 (1997), bao gồm: sách học trên lớp dành cho sinh viên, sách bài tập, sách giáo viên, CD hoặc băng cassette và đặc biệt là trang Web có các bài tập và trò chơi tương tác. Cuốn sách tương đương mức A1 trên Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) và dẫn vào mức A2. Giáo trình này được Nhà xuất bản Đại học Oxford xuất bản lần đầu tiên trên toàn thế giới vào năm 2004.
Sách dành cho sinh viên có 9 đơn vị bài học (unit), trong đó mỗi đơn vị được chia thành 4 phần A, B, C, D, ngoại trừ bài học cuối cùng (bài 9). Cuối mỗi bài học có phần tiếng Anh thực hành (Practical English), phần viết (Writing), phần ôn tập và kiểm tra (Revise & Check). Điều đặc biệt về cuốn sách so với các sách giáo khoa phổ biến khác cùng cấp độ là bên cạnh phần ngữ pháp và từ vựng được trình bày rõ ràng, cuốn sách khá chú trọng vào phần Phát âm (gồm nguyên âm, phụ âm, trọng âm, các nhóm phụ âm, âm câm, v.v) giúp học sinh học nói tiếng Anh hiệu quả hơn.
2.2.Phân tích tài liệu
Theo chương trình giảng dạy môn tiếng Anh tại Đại học Văn hóa Hà Nội, sinh viên phải đạt được trình độ A1 sau năm học đầu tiên. Bảng dưới đây phân tích các hoạt động nói trong giáo trình New English File so với mục tiêu sinh viên cần đạt được ở kỹ năng Nói tương đương mức độ A1.
Mục tiêu sinh viên cần đạt được đối với kỹ năng Nói ở mức độ A1 | Các hoạt động Nói trong giáo trình New English File | |
1 | Có thể giới thiệu bản thân hoặc ai đó: tên, quê quán, tuổi, trường học, tình trạng hôn nhân, địa chỉ, số điện thoại, v.v | Bài 1A: Giới thiệu tên Bài 1B: Giới thiệu các quốc gia và quốc tịch Bài 1C, 2C: Phỏng vấn để lấy thông tin cá nhân |
2 | Có thể mô tả ngắn gọn về gia đình | Bài 2A: Miêu tả một gia đình tiêu biểu ở Anh Bài 2D: Hỏi và trả lời về các thành viên trong gia đình |
3 | Có thể mô tả ngắn gọn nơi sống | Bài 6A: Hỏi và trả lời về ngôi nhà/ căn hộ của bạn Bài 6B: Miêu tả một căn phòng Bài 6C: Miêu tả về người hàng xóm Bài 6D: Miêu tả thị trấn của bạn Bài 8D: Hành vi của người dân ở nước của bạn |
4 | Có thể thể hiện nhu cầu cơ bản của bản thân (ví dụ: thức ăn, đồ uống, đi vệ sinh, v.v.) | Bài 7B: Bạn uống bao nhiêu nước mỗi ngày? Bài 8C: Một món quà đặc biệt |
5 | Có thể liệt kê một số mục trong một chủ đề (ví dụ: công việc, quốc gia, quốc tịch, thực phẩm, v.v.) | Bài 1B: Quốc gia và quốc tịch Bài 1D: Các đồ dùng phổ biến Bài 4 (phần Practical English): Quần áo Bài 6A: Nhà và nội thất Bài 7A: Nhật ký về đồ ăn cho ngày hôm qua |
6 | Có thể nói những gì mình thích và không thích | Bài 3D: Hỏi và trả lời về thời gian yêu thích của mình (ngày nào trong tuần, tháng nào, mùa nào, v.v.) Bài 4B: Hỏi và trả lời về các hoạt động ưa thích của mình Bài 4C: Diễn viên, chương trình, phim ưa thích Bài 4D: Âm nhạc yêu thích |
7 | Có thể đếm, cho số lượng, nói thời gian và ngày giờ | Bài 3B: Nói thời gian Bài 3D: Hỏi và trả lời về ngày sinh Bài 7B: Bạn uống bao nhiêu nước mỗi ngày? |
8 | Có thể nói ngắn gọn các hoạt động hàng ngày, các hoạt động trong quá khứ, kinh nghiệm hay sự từng trải | Bài 2C: Trò chơi: Hãy đoán công việc của tôi Bài 3B: Phỏng vấn: Lịch trình hàng ngày Bài 3C: Phỏng vấn: Lối sống Bài 5B: Hãy tìm ra một người mà.... Bài 5C: Phỏng vấn: Một đêm ngoài trời Bài 5D: Phỏng vấn cảnh sát Bài 9A: Hãy tìm ra người mà... |
9 | Có thể nói về thời tiết với các tính từ như: nóng, lạnh, có nắng, v.v. | Bài 8B: Hỏi và trả lời về thời tiết ở nước bạn |
10 | Có thể mô tả ngắn gọn các kế hoạch trong tương lai | Bài 7C: Trò chơi: Thay đổi kỳ nghỉ Bài 7D: Đóng vai: Xem bói |
2.3.Ưu điểm
Có thể chỉ ra một vài ưu điểm sau của giáo trình New English File trong dạy kỹ năng Nói cho sinh viên không chuyên năm thứ nhất.
-Bảng phân tích trên cho thấy nội dung của giáo trình New English File tương đối phù hợp với mục tiêu của khóa học trong việc giảng dạy và phát triển kỹ năng Nói cho sinh viên không chuyên năm thứ nhất.
-Kỹ năng Nói không được dạy riêng biệt mà là một kỹ năng tích hợp trong giáo trình, được dạy xen kẽ cùng các kỹ năng khác để phát triển cùng một chủ đề. Ví dụ, trong bài 3, ở phần Đọc hiểu, sinh viên được yêu cầu nối các câu hỏi với các câu trả lời để phỏng vấn một nhân vật là Carla về những khoảng thời gian ưa thích của cô ấy (ngày nào trong tuần, tháng nào trong năm, mùa nào, lễ hội nào, v.v.). Trong phần Nói ngay theo sau, sinh viên phải thực hiện đoạn phỏng vấn theo cặp, hỏi và trả lời về cùng chủ đề. Đây có thể được xem là một quan điểm khá hiện đại trong dạy và học ngoại ngữ vì nó thể hiện định hướng giao tiếp của cuốn sách. Do vậy có thể khẳng định giáo trình New English File khá phù hợp cho việc dạy và phát triển kỹ năng Nói.
-Các hoạt động nói trong cuốn sách khá đa dạng, được phân loại logic và sắp xếp theo thứ tự: Phần thực hành có kiểm soát (controlled practice) và phần thực hành theo khuôn mẫu (mechanical drills) được yêu cầu thực hiện trước, sau đó mới đến các phần thực hành nói tự do hơn.
-Sách có bố cục khá hấp dẫn. Các phần thực hành Nói được trình bày bắt mắt với nhiều tranh, ảnh, bảng biểu và biểu đồ. Hơn nữa, phần hướng dẫn cho các hoạt động nói là khá rõ ràng và dễ hiểu đối với sinh viên. Những điều này tưởng chừng đơn giản nhưng chúng có ảnh hưởng khá lớn đến sở thích và động lực của người dùng sách.
-Cuốn sách chú trọng nhiều đến phần phát âm (Pronunciation) như nguyên âm, phụ âm, trọng âm của từ, trọng âm trong câu, nhóm các phụ âm, âm câm, v.v. Ngoài ra, phần Phụ lục của cuốn sách còn có tổng hợp Ngữ pháp, Từ vựng, Âm vị, các hoạt động giao tiếp bổ trợ, danh sách các động từ bất quy tắc, v.v giúp sinh viên tự tin hơn khi nói tiếng Anh.
-Các hoạt động nói được thiết kế khá phong phú với các hình thức như: làm việc theo cặp; làm việc theo nhóm; đóng vai; thảo luận; đối thoại với giáo viên, v.v. Các hoạt động này làm tăng thời gian giao tiếp của sinh viên trong giờ học, từ đó giúp các em cải thiện khả năng nói tiếng Anh của mình.
2.4.Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm nổi trội, cuốn sách còn có một số nhược điểm:
-Giáo trình không cung cấp các chiến lược giao tiếp cơ bản như cách thức để mở đầu, phát triển và kết thúc một cuộc hội thoại hay các ‘mẹo giao tiếp’ để cuộc nói chuyện trở nên tự nhiên và thú vị hơn.
-Một số chủ đề nói chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên trong trường, đặc biệt là sinh viên theo học các khối nghệ thuật như các chủ đề: mua sắm quần áo, hàng xóm, các cuộc phiêu lưu, v.v.
2.5.Một số đề xuất giúp việc sử dụng giáo trình hiệu quả hơn
Từ việc chỉ ra các nhược điểm của cuốn giáo trình trong việc dạy kỹ năng Nói cho sinh viên không chuyên năm thứ nhất, một vài đề xuất được đưa ra dưới đây giúp việc sử dụng cuốn sách hiệu quả hơn.
-Giáo viên nên cung cấp cho sinh viên các chiến lược giao tiếp cơ bản trong giờ học nói để sinh viên có thể duy trì hội thoại một cách tự nhiên, đồng thời giúp ngăn ngừa hoặc sửa chữa các lỗi trong quá trình giao tiếp.
-Giáo viên có thể bỏ qua một số chủ đề nói chưa thực sự phù hợp với các ngành học của sinh viên trong trường và thay vào đó là các chủ đề mang tính thời sự hay các chủ đề khác nhận được nhiều sự chú ý từ các em.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao trong các giờ học nói, giáo viên có thể cung cấp trước từ vựng, mẫu câu liên quan đến chủ đề hoặc yêu cầu sinh viên tìm hiểu trước. Giáo viên cần khai thác thêm các thông tin liên quan đến kỹ năng Nói trong cuốn sách như phần Phát âm (Pronunciation). Đặc biệt, giáo viên có thể tổ chức một số trò chơi vào các khoảng thời gian khác nhau trong giờ học Nói, chẳng hạn như vào đầu giờ học để gây hứng thú học tập cho sinh viên, vào giữa giờ học giúp sinh viên luyện tập và thực hành việc sử dụng ngôn ngữ, vào cuối giờ học để giảm căng thẳng và giúp sinh viên củng cố kiến thức đã học.
Kết luận
Ở trên, giáo trình New English File sơ cấp được đánh giá là một cuốn sách khá phù hợp để dạy kỹ năng Nói cho sinh viên không chuyên năm thứ nhất tại Đại học Văn hóa Hà Nội với nhiều điểm mạnh như: đáp ứng mục tiêu của khóa học; kỹ năng Nói tích hợp; định hướng giao tiếp; hoạt động nói đa dạng; bố cục hấp dẫn, v.v. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra một số nhược điểm của cuốn sách, qua đó đưa ra một vài gợi ý để các giờ học nói thực sự bổ ích và hiệu quả với các em sinh viên.
--
Tác giả: Nguyễn Thanh Tâm (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế)
--