Cùng tìm hiểu về kỹ thuật ướp xác
Chúng ta chắc hẳn đều biết ướp xác là cách duy nhất để bảo quản người chết không bị phân hủy bằng quy trình đặc biệt. Ướp xác đã xuất hiện ở Ai Cập từ năm 4000 TCN và vẫn còn phổ biến cho tới ngày nay. Một số nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô cũ và gần đây nhất ...
Chúng ta chắc hẳn đều biết ướp xác là cách duy nhất để bảo quản người chết không bị phân hủy bằng quy trình đặc biệt. Ướp xác đã xuất hiện ở Ai Cập từ năm 4000 TCN và vẫn còn phổ biến cho tới ngày nay. Một số nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô cũ và gần đây nhất là Venezuela thì đều đã có hoặc bắt đầu nghiên cứu ướp xác với mục đích lưu giữ thi hài lãnh tụ của họ vĩnh viễn. Những với một số nước phương Tây thì ướp xác lại nhằm mục đích khác là trì hoãn quá trình thoái hóa tự nhiên của cơ thể, để bảo quản thi thể trong một thời gian ngắn trước khi tiến hành hỏa táng hay chôn cất, không phải là để giữ xác vĩnh viễn.
>>>
Xác ướp đầu tiên
Người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên tiến hành ướp xác từ những năm 4000 TCN. Họ bọc thi hài người chết vào trong quần áo rồi thiêu trong hỗn hợp than charcoal và cát lấy từ Sông Nile. Đối với người Ai Cập, ướp xác là công việc chuẩn bị trước khi mai táng người chết mang tính lễ nghi tôn giáo và chuẩn bị cho cuộc sống sau khi về với thế giới bên kia.
Người Ai Cập tin vào sự bất từ và hồi sinh sau khi chết. Vì thế thi hài người chết cần được bảo quản trong tình trạng tươi mới nhất, để có thể hấp thu lại linh hồn, trái tim và lý trí. Dĩ nhiên là ngày nay mọi người đều đã quá quen thuộc với những xác ướp Ai Cập xuất hiện trong phim ảnh vì kỹ thuật tinh vi hiệu quả của người Ai Cập khiến họ trở nên quá nổi tiếng. Theo ước tính của các nhà khoa học, tính đến thời điểm người Ai Cập dừng việc ướp xác vào những năm 700 SCN thì họ đã ướp xác được 730 triệu người.
Ngày nay chúng ta đã hiểu rõ hơn về quy trình ướp xác của người Ai cập, thông qua sự miêu tả của sử gia Hy Lạp Herodotus ở thế kỉ thứ 5 sau CN:
1. Não và các cơ quan nội tạng phải được tách khỏi xác và ngâm rửa trong rượu cọ. Sau đó các bộ phận đó được cất giữ trong các bình thảo dược đặc biệt.
2. Cơ thể còn lại sau đó được bỏ thêm vào bột nhựa thơm và các chất nhựa khác cùng nước hoa trước khi được khâu lại.
3. Tiếp theo, cơ thể được bảo quản trong kali nitrat trong 70 ngày.
4. Sau 70 ngày, thi hài được rửa sạch lại một lần nữa và bọc lại trong cuộn băng mà ta vẫn thường thấy ở các xác ướp trong phim ảnh, game rồi được nhúng qua chất keo dính.
5. Khi xử lý xong, xác ướp sẽ được đặt vào trong quan tài và đem đi chôn cất.
Tuy nhiên, quy trình qua các bước ở trên chỉ được thực hiện đối với các thành viên của gia đình quý tộc, còn đối với những tầng lớp khác trong xã hội thì quy trình này đơn giản hơn. Ví dụ như, thi hài sẽ được tiêm chất dầu chiết xuất từ cây tuyết tùng và ngâm trong kali nitrat trong 70 ngày. Sau đó, dầu tuyết tùng sẽ được hút ra cùng với các phần thịt của thi hài, trong khi da và xương đều được giữ lại. Đối với các gia đình nghèo khổ nhất trong xã hội, ruột được rút sạch và cái xác được ngâm trong kali nitrat trong khoảng thời gian ngắn hơn.
Ướp xác ở các nền văn minh cổ đại khác
Người Ai Cập là những người đầu tiên ướp xác người chết và sau đó họ lan truyền tục lệ này tới các nền văn minh xung quanh. Người Assyrian sử dụng mật ong thì người Ba Tư thì sử dụng sáp để ướp xác. Sau khi bắt đầu phổ biến ở các nước châu Phi và châu Á, ướp xác bắt đầu vươn tới biên giới châu Âu. Tuy nhiên mỗi nơi đều có kỹ thuật ướp xác của riêng họ.
- Guanche, dân bản địa trên đảo Canary loại bỏ các cơ quan nội tạng mềm và làm đầy các phần trống của cơ thể bằng muối và bột được bào chế từ các loại thực vật trên đảo.
- Bộ lạc Jivaro ở Ecuador và Peru thì sử dụng kỹ thuật khác khi hun xác chết trên lửa nhỏ vì họ tin làm như vậy để duy trì sự bất tử.
- Người Tây Tạng tới ngày nay vẫn sử dụng kỹ thuật ướp xác truyền thống được truyền lại, giữ toàn bộ xác chết trong chiếc hộp lớn chứa đầy muối trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, một số nền văn minh cổ đại không chấp nhận tập quán này của người Ai Cập. Người Do Thái, người Babylon và Sumerian rất ít khi tiến hành ướp xác người chết.
Ướp xác hóa học
Tuy nhiên khi đến thời trung đại ở Châu Âu, phong trào ướp xác đã suy giảm. Lý do là vì, kỹ thuật ướp xác trở nên đắt đỏ khi sử dụng thảo dược và các vật liệu khác mà thậm chí nhiều gia đình quý tộc cũng không đủ khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quan điểm tôn giáo đối lập chống lại tục lệ này. Tuy vậy thì vào một số thời điểm thì nguyên nhân nằm ở chỗ cần “khoảng lặng” để phát triển kỹ thuật ướp xác lên mức độ cao hơn.
Kỹ thuật ướp xác đã đạt được những bước tiến to lớn trong thời kì Phục Hưng. Phục Hưng là một phong trào văn hóa đã tác động sâu sắc tới đời sống trí thức châu Âu trong thời sơ kỳ hiện đại. Bắt đầu ở Ý, lan ra khắp châu Âu vào thé kỉ 16, ảnh hưởng của nó hiện diện trong văn học, triết học, mĩ thuật, âm nhạc, chính trị, khoa học, tôn giáo, và các khía cạnh khác của đời sống tinh thần.Thời kì này, con người hướng sự quan tâm tới khoa học nói chung và cơ thể con người. Nhà khoa học lẫy lừng thời Phục hưng Leonardo da Vinci đã phát triển một phương pháp cho phép tiêm các chất vào mạch máu người, tiền đề của ướp xác hóa học.
Sau thời của Vinci, thì nhà giải phẫu người Hà Lan, Fredrik Ruysch, được coi là người đầu tiên ướp xác với phương pháp bơm chất hóa học vào cơ thể. Cho tới thế kỉ 19, người Pháp và người Ý đã đạt được những bước tiến lớn trong công nghệ ướp xác sử dụng chất hóa học được bơm trực tiếp vào mạch máu. Cách này tỏ ro ưu việt so với những cách trước đây vì hiệu quả với mọi bộ phận của xác chết. Trong thời kì này các chất hóa học phổ biến được sử dụng là arsenic (thạch tín), kẽm clorua, đồng sunfat, kali cacbonat, nhôm sunfat và thủy ngân diclorua.
Ướp xác hiện đại
Các nhà ướp xác hiện đại đều là những người có chuyên môn trong ngành giải phẫu, bệnh lý học, vi sinh học, hóa học, thẩm mỹ học. Ở Mỹ, để tham gia công việc này, các ứng viên phải hoàn thành khóa đào tạo về các ngành trên, và được cấp bằng trước khi bước chân vào nghề. Vậy còn quy trình để ướp xác thì như thế nào?
Quy trình ướp xác đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Mỗi trường hợp đòi hỏi cách xử lý khác nhau ví dụ như yêu cầu về khử trùng, bảo quản, phục chế. Nhưng nói chung quy tình ướp xác hiện đại ngày nay bao gồm những bước cơ bản như dưới đây:
1. Xác chết được đặt lên bàn phẳng sau khi đã được tắm rửa sạch sẽ.
2. Dung dịch ướp xác được bơm vào các mao mạch máu thông qua một ống tube nhỏ kết nối với máy ướp xác. Dung dịch này là hỗn hợp gồm nước và các chất có tác dụng bảo quản như formaldehyde (ở Việt Nam gọi là foóc môn) sẽ hút bớt nước và làm khô các tế bào. Sự có mặt của các chất này sẽ giúp xác chết khó bị phân hủy hơn do vi sinh vật và vi khuẩn khó có thể phát triển được trên vật chủ do bất lợi về mặt môi trường.
3. Lượng chất ướp xác được sử dụng sẽ khác nhau, tùy từng trường hợp . Trung bình, cần tới 3,8 lít dung dịch đối với mỗi 22,7kg xác chết.
4. Máu sau đó sẽ được hút bỏ khỏi hệ thống tuần hoàn.
5. Mạch máu được bó lại và khâu lại vết cắt.
6. Các phần còn trống bên trong cơ thể được xử lý bằng cách hút bỏ các chất lỏng và khí còn lại, đồng thời bơm thêm vào chất ướp xác đã sử dụng ở bước 2.
7. Lau rửa và mặc trang phục cho người chết.
8. Trang điểm để khôi phục vẻ ngoài cho người chết.
Trong suốt quá trình ướp xác, người thực hiện phải hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng khi điều chỉnh dung dịch ướp xác và cắt bỏ nội tạng. chỉ cần những lúc hơi “mạnh tay" sẽ khiến cho người chết bị mất nước nhanh và cơ thể bị căng phồng.
Ưu nhược điểm của ướp xác hiện đại
Cho tới nay, vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi xung quanh việc ướp xác. Quan điểm ủng hộ thì cho rằng ướp xác giúp gia đình và người thân có thời gian thu xếp tang lễ, vận chuyển người chết từ nơi xa về (ví dụ từ nơi chiến trường chẳng hạn). Bên cạnh đó, ướp xác còn giúp loại trừ nguy cơ bệnh tật truyền nhiễm từ việc xác chết phân hủy. Đặc biệt nếu người chết là nạn nhân của tai nạn xe cộ hay bệnh tật mãn tính, ướp xác là vô cùng quan trọng với người nhà; giúp khôi phục nạn nhân về trạng thái nguyên vẹn nhất, tươi tắn để giảm bớt đau thương đối với người thân.
Đối lập lại, những người không ủng hộ ướp xác xuất phát từ lý do tôn giáo và môi trường. Người Do Thái chính thống giáo và người theo đạo Hồi không ướp xác người chết, người theo Đạo Phật và đạo Hindu thì ủng hộ hỏa táng.
Về mặt môi trường, thì ướp xác sử dụng formaldehyde, rất độc hại bị liệt vào danh sách chất có khả năng gây ung thư. Vì vậy người thực hiện công việc này cần trải qua tập huấn và sử dụng trang thiết bị bảo vệ khi tác nghiệp. Ngoài ra, việc formaldehyde bị thải bừa bãi ra môi trường cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Mỗi năm ở Mỹ, lượng dung dịch ướp xác ngấm vào đất có thể làm đầy 8 lần bể bơi tiêu chuẩn của Olympic. Hơn nữa, đất đai thì có hạn, nên khó có đủ không gian để lưu trữ các thi hài sau khi ướp xác. Tuy vậy, thì khó có thể phủ nhận mà ướp xác đem lại.Chúng ta cũng nên nhấn mạnh rằng, việc ướp xác ngày nay là vì mục đích ngắn hạn, là biện pháp chuẩn bị cho việc tang lễ (trừ một số trường hợp vì mục đích tưởng niệm) hơn là vì lý do tôn giáo hay liên quan đến tâm linh như những người sống ở thời cổ đại.