Cư xử của mẹ là chìa khóa dẫn đến sự quan tâm chăm sóc con cái của bố
Các bà mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các ông bố quan tâm chăm sóc đứa con sơ sinh đến mức nào. Một công trình nghiên cứu trên 97 cặp vợ chồng phát hiện rằng các ông bố tham gia vào việc chăm sóc trẻ sơ sinh mỗi ngày nhiều hơn nếu họ nhận được sự khích lệ tích cực từ người bạn ...
Các bà mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các ông bố quan tâm chăm sóc đứa con sơ sinh đến mức nào. Một công trình nghiên cứu trên 97 cặp vợ chồng phát hiện rằng các ông bố tham gia vào việc chăm sóc trẻ sơ sinh mỗi ngày nhiều hơn nếu họ nhận được sự khích lệ tích cực từ người bạn đời.
Thực chất, sự khích lệ này quan trọng thậm chí sau khi xem xét quan điểm của cả bố và mẹ về việc ông bố nên tham gia đến mức nào, chất lượng chung của mối quan hệ làm bố mẹ, và việc các bà mẹ làm việc bên ngoài nhiều bao nhiêu.
Thêm vào đó, niềm tin của các ông bố về việc họ nên tham gia vào chăm sóc trẻ ra sao lại không có ý nghĩa gì khi bị các bà mẹ chỉ trích vai trò làm bố của họ. Nói cách khác, những ông bố không hiện thực hóa niềm tin của mình khi phải đối diện với các bà mẹ đặc biệt xét nét.
Theo Sarah Schoppe-Sullivan, đồng tác giả của công trình và là giảng viên bộ môn khoa học gia đình và phát triển con người tại ĐH Bang Ohio, “Bà mẹ là người cầm lái. Họ có thể khuyến khích ông bố và mở cánh cửa cho họ tham gia vào việc chăm sóc con, hoặc chê bai và đóng sập cánh cửa đó. Đây là bằng chứng thực tế đầu tiên cho thấy các bà mẹ, thông qua hành vi của mình, đóng vai trò là người canh cửa quyết định việc các ông bố tham gia vào chăm sóc trẻ nhiều đến mức nào.”
Schoppe-Sullivan tiến hành nghiên cứu cùng với Elizabeth Cannon, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Bang Ohio, Geoffrey Brown và Sarah Mangelsdorf, ĐH Illinois, và Margaret Szewczyk Skolowski. Kết quả của họ đăng tải trên ấn bản tháng 6 năm 2008 tờ Journal of Family Psychology.
(Ảnh: ) |
Công trình trên khảo sát 97 cặp vợ chồng ở vùng tây trung nước Mỹ, những cặp đã kết hôn hoặc đang sống chung và bà mẹ đang mang thai khi nghiên cứu bắt đầu. Trước khi sinh, các cặp này trả lời một bài khảo sát về niềm tin và vai trò của người cha trong việc chăm sóc con cái. Khoảng 3.5 tháng sau khi đứa trẻ ra đời, các nhà nghiên cứu tiến hành bản đánh giá trong gia đình.
Các cặp điền vào bản câu hỏi mà mỗi người báo cáo lại cách ứng xử của bà mẹ. Họ được hỏi về việc người mẹ phản ứng lại vai trò làm cha với thái độ khuyến khích (ví dụ như bảo ông bố là anh đã làm đứa trẻ vui biết mấy) hay chỉ trích (cáu bẳn hoặc đảo mắt) thường xuyên đến mức nào. Họ cũng điền vào bản câu hỏi khảo sát người bố tham gia vào việc chăm sóc trẻ nhiều bao nhiêu và bố mẹ hòa hợp thế nào khi chăm sóc trẻ.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu quay lại cảnh các cặp tiếp xúc với đứa trẻ để xem vai trò của người bố và khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh của họ. Các cặp được yêu cầu thay quần áo cho trẻ cùng nhau và các nhà nghiên cứu theo dõi để phát hiện ai là người làm việc chủ yếu cũng như các ông bố tiếp xúc với trẻ như thế nào.
Phát hiện về tầm quan trọng của bà mẹ với vai trò của ông bố trong việc chăm sóc đứa trẻ là quan trọng vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đây là công trình đầu tiên khảo sát những điều các bà mẹ thực sự làm trên cơ bản mỗi ngày mà có thể có ảnh hưởng lên hành vi của bố. Trong khi các học giả đề nghị rằng những hành vi “canh cửa” xảy ra, công trình này chưa thể khẳng định được.
“Phần lớn những công trình khác chưa xét đến hành vi thực chất của bà mẹ. Trong nhiều trường hợp, các nhà nghiên cứu sử dụng bảng câu hỏi để hỏi các cặp phụ huynh về việc các ông bố nên tham gia vào nuôi dưỡng con cái nhiều đến mức nào, và sau đó liên hệ đến câu trả lời trong báo cáo của các cặp phụ huynh về các bà mẹ và vai trò của ông bố trong việc chăm sóc con."
Thêm vào đó, phần lớn các lý thuyết về sự ngăn cản của bà mẹ tập trung vào việc phản ứng tiêu cực của mẹ sẽ ngăn cản các ông bố chăm sóc trẻ đến mức nào. Nhưng công trình này cho thấy sự khuyến khích của mẹ có thể cũng quan trọng, hoặc còn quan trọng hơn, trong việc hình thành vai trò của bố. “Khuyến khích là rất quan trọng, và thực sự tạo khác biệt trong việc khiến các ông bố tham gia tích cực ra sao.”
Schoppe-Sullivan thận trọng cho rằng phương thức của công trình này nghĩa là các nhà nghiên cứu không thể chứng minh được hành động nào là nguyên nhân và đâu là hệ quả. Nói cách khác, chúng ta không thể chứng minh được sự khuyến khích của bà mẹ luôn luôn đem lại sự hợp tác của ông bố hay là ngược lại, hợp tác của bố ảnh hưởng lên sự khuyến khích của mẹ.
Có khả năng là kết quả đi theo cả hai hướng. “Ví dụ, nếu các ông bố miễn cưỡng thức dậy trong đêm vì đứa bé, các bà mẹ sau một thời gian sẽ thôi không yêu cầu nữa.” Tuy nhiên, cũng có lý khi tin rằng mẹ có ảnh hưởng lên bố hơn là chiều ngược lại. “Mẹ vẫn được xem là người chăm sóc trẻ chính trong xã hội của chúng ta, vì vậy họ có thể có ảnh hưởng lớn hơn.”
Tuy nhiên, Schoppe-Sullivan đã bắt đầu một cuộc nghiên cứu mới sẽ mở rộng những phát hiện này. Bà vừa nhận được giải thưởng Sự nghiệp trị giá 400.000 đô-la từ Quỹ Khoa học quốc gia, điều này sẽ giúp bà tiến hành nghiên cứu dài hạn trên 170 cặp đang trông đợi đứa con đầu lòng để khảo sát nguyên nhân hệ quả của việc ngăn cản của mẹ. Những kết quả này có thể đem lại nhiều thông tin về việc các bà mẹ ảnh hưởng hành vi của bố đến mức nào và ngược lại.