15/06/2018, 09:06

Công bố sự thật về bệnh nhân đầu tiên sử dụng kháng sinh penicillin

Việc Alexander Fleming phát hiện ra penicillin vào năm 1928 thường được kể lại như một sự tình cờ. Ngày hôm ấy, Fleming quá mệt nên đã lười không rửa những đĩa thí nghiệm của mình. Hôm sau, khi thức dậy, ông thấy một đĩa petri sạch bóng vi khuẩn. Thì ra chủng nấm sinh sôi trong đĩa thí nghiệm ...

Việc Alexander Fleming phát hiện ra penicillin vào năm 1928 thường được kể lại như một sự tình cờ. Ngày hôm ấy, Fleming quá mệt nên đã lười không rửa những đĩa thí nghiệm của mình. Hôm sau, khi thức dậy, ông thấy một đĩa petri sạch bóng vi khuẩn.

Thì ra chủng nấm sinh sôi trong đĩa thí nghiệm đó đã tiết ra kháng sinh giết chết vi khuẩn xung quanh nó. Và nhờ sự lười biếng của chính mình - Fleming đã may mắn cứu được cả thế giới.

Thế nhưng, mọi chuyện không hề tình cờ và đơn giản như vậy. Thực tế, vài năm sau khi penicillin được tìm ra, vị bác sĩ người Scotland đã lao vào công cuộc điều chế penicillin tinh khiết nhưng đều thất bại.

Sau đó hơn 1 thập kỷ, công việc mới được bàn giao lại cho Howard Florey, Ernst Chain và Norman Heatley ở Đại học Oxford. Phải vào thời điểm Thế chiến II đặt ra yêu cầu chữa trị các vết thương cho binh lính thì công việc mới được xúc tiến mạnh.

Alexander Fleming
Alexander Fleming phát hiện ra penicillin vào năm 1928, nhưng ông không điều chế được thuốc penicillin.

Bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng penicillin là một cảnh sát có tên là Constable Albert Alexander. Theo những tài liệu ghi lại, Alexander đã bị nhiễm trùng máu, xuất phát điểm chỉ từ việc ông bị gai hoa hồng đâm khi đang tỉa hoa trong một khu vườn xinh đẹp ở ngôi làng Wootton, Oxfordshire, đầu mùa thu năm 1940.

Đó là thời điểm mà các nhà nghiên cứu cảm thấy rằng họ có thể thử nghiệm penicillin trên người – sau khi loại thuốc này đã chữa khỏi nhiễm trùng ở chuột và chứng minh sự an toàn của nó trên cơ thể một tình nguyện viên mắc bệnh nan y đồng ý thử nghiệm nó.

Tình hình của Alexander nhanh chóng xấu đi sau khi nhiễm trùng máu tiến triển. Nằm trong bệnh viện Radcliffe ở Oxford, người ông đầy các vết áp-xe và một mắt đã buộc phải phẫu thuật cắt bỏ.

Vậy là các bác sĩ cho rằng penicillin là cơ hội cuối cùng của ông và quyết định sử dụng thử nghiệm nó. Trong vòng 5 ngày, Alexander đã được tiêm 200 mg penicillin, sau đó tăng lên 300 mg mỗi 3 tiếng đồng hồ.

Các bác sĩ ghi nhận một sự hồi phục đáng chú ý diễn ra với Alexander chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, công thức thuốc penicillin khi đó đã khiến nó bị bài tiết ra khỏi cơ thể nhanh đến nỗi, Florey so sánh nhiệm vụ của mình giống như cố gắng đổ đầy một chiếc bồn tắm không đậy nắp cống thoát.

Đó cũng là lý do các bác sĩ phải sử dụng số lượng liều lớn, mỗi 3 tiếng đồng hồ một lần, thay vì 12 tiếng một liều như kháng sinh ngày nay.

Nước tiểu của Alexander được thu thập rồi mang đến đơn vị sản xuất penicillin tại Trường Bệnh học Sir William Dunn. Ở đây, Chain tuyệt vọng thu thập và chiết cất lại lượng penicillin quý giá trong nước tiểu của Alexander để tái sử dụng. Nhưng ông đã không thể thu thập đủ. Alexander tái phát và cuối cùng đã chết.

Hoa hồng gai
Hóa ra chuyện gai hồng khiến Alexander bị nhiễm trùng máu chỉ là ngụy tác.

Mặc dù điều trị thất bại, sự hồi phục tạm thời của Alexander đã thuyết phục được các nhà khoa học, rằng trong trường hợp họ có đủ penicillin, Alexander sẽ được chữa khỏi hoàn toàn.

Cùng với Heatley, Florey đã tới Hoa Kỳ. Ở đây, ông đã thuyết phục được một số công ty dược phẩm lớn (bao gồm Merck, E R Squibb & Sons, Charles Pfizer & Co. và Lederle Laboratories) mở rộng quy mô sản xuất penicillin.

Kết quả là vào cuối Thế chiến II, hàng ngàn binh sĩ Đồng minh đã sống sót sau những vết thương chiến trường và được điều trị các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, kể cả bệnh lậu. Cuộc cách mạng kháng sinh khi đó mới chính thức bắt đầu.

Gần đây, tác giả Mike Barrett trên trang Mosaic đã phỏng vấn Sheila LeBlanc, con gái của Constable Alexander, vẫn còn sống ở California. Barrett gửi email cho Sheila với một số câu hỏi và nhận lại câu trả lời từ bà.

Sheila kể lại, sau khi cha bà qua đời vào năm 1941, bà và anh trai được đưa vào trại trẻ mồ côi vì mẹ của cả hai, Edith, cần phải làm việc.

Howard Florey
Howard Florey thuyết phục các công ty dược Mỹ sản xuất kháng sinh hàng loạt, khi đó kỷ nguyên kháng sinh mới bắt đầu.

Vào những năm 1950, Sheila phải lòng một anh chàng Mỹ. Họ kết hôn và chuyển đến Mỹ. Mãi cho đến những năm 1960, gia đình của Sheila mới nhận ra Albert Alexander trong các ghi chú về lịch sử y tế, sau khi một nhà báo người Đức xuất hiện trước cửa nhà Edith Alexander và hỏi liệu ông ấy có thể xin một bức ảnh của bệnh nhân đầu tiên được chữa trị bằng penicillin.

Sự thật Sheila cung cấp, hóa ra chuyện gai hồng khiến cha bà bị nhiễm trùng máu chỉ là ngụy tác, mặc dù Sheila nhớ lại rằng nhà bà thực sự có một khu vườn hoa hồng xinh đẹp. Cha cô bị nhiễm trùng từ một vết rách gần miệng, xảy ra trong một cuộc tấn công ném bom của Đức tại Southampton, nơi ông đóng quân vào tháng 11 năm 1940.

0