Cội rễ của học hành thì cay đắng, nhưng quả của nó thì ngọt ngào
Câu ngạn ngữ của người Hi Lạp nhấn mạnh mối quan hệ qua lại giữa cội rễ đắng cay và quả ngọt ngào. Đây là quan hệ nhân quả: có trải qua quá trình học hành khổ ải thì mới mong có được những thành quả tốt đẹp. Xét từ ý nghĩa này, câu ngạn ngữ là một chân lí, đúng với mọi cá nhân, mọi hoàn cảnh, mọi ...
Câu ngạn ngữ của người Hi Lạp nhấn mạnh mối quan hệ qua lại giữa cội rễ đắng cay và quả ngọt ngào. Đây là quan hệ nhân quả: có trải qua quá trình học hành khổ ải thì mới mong có được những thành quả tốt đẹp. Xét từ ý nghĩa này, câu ngạn ngữ là một chân lí, đúng với mọi cá nhân, mọi hoàn cảnh, mọi thời đại.
- Người Hi Lạp rất có lí khi dùng hình ảnh cội rễ để nói về quá trình học tập của con người. Cội rễ thường kín đáo, khuất lấp cũng như việc học thường âm thầm, lặng lẽ. Nhưng đáng bàn hơn trong câu ngạn ngữ là từ cay đắng. Cội rễ của học hành thì cay đắng có nghĩa, học tập là một quá trình khổ ải, gian nan. Sở dĩ việc học thường được xem là khó, là khổ, vì nó luôn đòi hỏi phải nhận thức cái mới, cái chưa biết. Từ chưa biết đến biết là cả một chặng đường không hề ngắn. Đối với người học, bất cứ một tri thức mới nào cũng đều là những “câu đố" đầy bí ẩn, thách thức. Từ chuyện học để biết đọc, biết viết thuần thục tiếng mẹ đẻ đến học để thành thạo một ngoại ngữ, từ việc học để biết tính toán đơn giản đến học để nắm vững một môn khoa học phức tạp... cái khó cứ thế mà không ngừng nhân lên. Nó buộc con người phải huy động cao nhất khả năng làm việc của trí tuệ. Học tập, vì thế, không có chỗ cho sự an nhàn, biếng nhác.
- Việc học rất khổ ải bởi đó còn là quá trình đánh thức mọi năng lực của con người. Trong học tập, mỗi người phải là một chủ thể tích cực, tiếp nhận tri thức bằng khối óc năng động của mình. Từ tri thức đã nắm bắt được, người học phải biết hình thành các kĩ năng, vận dụng vào thực tế, giải quyết bao nhiêu vấn đề đặt ra. Có như vậy mới thực hiện đúng phương châm học tập hiện đại được UNESCO đúc kết: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
- Nếu hình ảnh cội rễ trong câu ngạn ngữ này được dùng để chỉ quá trình học tập, thì hình ảnh quả lại nói về thành quả có được từ quá trình gian khổ ấy. Những quả kết nên từ cội rễ đắng cay của việc học đúng là hết sức ngọt ngào. Nhờ khổ công học tập, nhiều người có được vị thế xứng đáng trong xã hội, được hưởng thụ mức sống cao về vật chất và tinh thần. Nhờ học tập, con người được hưởng niềm hạnh phúc của sự hiểu biết, khám phá, sáng tạo. Chính học tập nâng con người lên một tầm cao mới, giúp con người thoả mãn những hoài bão, khát vọng lớn lao.
-
- Đối với mỗi học sinh, câu ngạn ngữ của người Hi Lạp thực sự là một lời nhắc nhở. Hằng ngày, chúng ta thường xuyên nếm trải những khó khăn, gian khổ của việc học hành và những thành quả ngọt ngào thì vẫn còn xa vời phía trước. Đối mặt với một đề văn lạ, một bài toán mới, nhiều người không khỏi nản lòng, nhụt chí. Nhìn người khác thành công trong học hành, ta có thể nghĩ rằng, vinh quang đó không thể dành cho ta. Những lúc như vậy, hãy nhớ rằng, không ai có được kết quả tốt đẹp mà không từng trải qua những khó nhọc, gian lao. Rõ ràng, chỉ có một con đường: phải chăm sóc cội rễ đắng cay của học hành mới xứng đáng được hưởng nhũng quả ngọt mà nó sinh ra.
(Lưu ý: Để bài viết có sức thuyết phục cao, bên cạnh thao tác lập luận, người viết cần chọn những dẫn chứng phù họp với từng luận điểm được nêu trong bài.)