Phát biểu suy nghĩ của mình về câu nói Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông
Hằng ngày, ta phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn đến từ mọi phía. Và ngay trong lòng ta cũng không phải đã không từng dựng lên những trở ngại đối với chính bản thân mình. Những lúc ấy, lời nhắc nhở của Nguyễn Bá Học sẽ như tiếp thêm nghị lực cho ta để ta vững bước trên con đường mà mình đã chọn. ...
Hằng ngày, ta phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn đến từ mọi phía. Và ngay trong lòng ta cũng không phải đã không từng dựng lên những trở ngại đối với chính bản thân mình. Những lúc ấy, lời nhắc nhở của Nguyễn Bá Học sẽ như tiếp thêm nghị lực cho ta để ta vững bước trên con đường mà mình đã chọn.
- Mỗi đời người là một cuộc hành trình không ngưng nghỉ. Cuộc hành trình ấy không phải bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió, mà nhiều khi phải đối mặt với không ít
trở ngại, thách thức. Thách thức ấy đến từ đâu? Làm sao vượt qua được chúng để cập bến thành công? Câu nói nổi tiếng của Nguyễn Bá Học - một nhà giáo, nhà văn của những thập niên đầu thế kỉ XX - sẽ giúp ta tìm câu trả lời: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".
- Là một nhà văn, Nguyễn Bá Học đã chọn lối nói hình ảnh để diễn đạt quan điểm của mình. Hình ảnh "đường đi" mà ông dùng trong câu nói chắc chắn không phải là con đường với nghĩa là nơi con người đi lại bằng các phương tiện giao thông. Ở đây, tác giả muốn nói đến đường đời. Trong văn học cũng như trong ngôn ngữ đời sống, hai chữ "đường đời" không hề xa lạ. Người ta vẫn thường dùng hình ảnh "con đường" để chỉ sự vận hành của cuộc sống xã hội cũng như cuộc hành trình của một đời người.
- "Ngăn sông cách núi" là những khó khăn do bên ngoài đưa đến, như ta thường nói là khó khăn khách quan, ngoài ý muốn của con người. Khi đã dùng hình ảnh đường đi, thì "ngăn sông cách núi" là cách nói rất phù hợp. Sông núi do trời đất dựng nên đã vô tình cản trở bước chân con người trong những chuyến đi. "Lòng người ngại núi e sông" phải hiểu là những trở ngại trong chính bản thân người đi đường, nói cách khác, đó là những khó khăn chủ quan. Với cách diễn đạt như vậy, Nguyễn Bá Học muốn nói rằng: trên đường đời, chướng ngại đáng sợ nhất không phải là những khó khăn bên ngoài, do khách quan đưa đến, mà là khó khăn bên trong, do lòng người dựng lên.
- Khi phát biểu quan điểm của mình, Nguyễn Bá Học hoàn toàn ý thức được rằng "ngăn sông cách núi" là điều có thật, không thể phủ nhận. Trên mỗi bước đường đời, luôn tiềm ẩn những hiểm hoạ, thách thức. Nhiều lúc, những khó khăn đến từ mọi nẻo, bất ngờ, không lường trước được. Tuy nhiên, vấn đề mà ông muốn đề cập ở đây là thái độ, tinh thần của con người khi đối mặt với khó khăn. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", cha ông ta đã đúc kết như thế. Trên đường đi, cũng núi ấy, sông ấy, có người hăng hái băng vượt, có người nản chí, thoái lui. Một khi con người thiếu nghị lực, không có chí tiến thủ thì chướng ngại dẫu nhỏ cũng thành lớn, họ dễ quay gót đầu hàng. Ngược lại, với người giàu ý chí, đầy quyết tâm thì trở ngại dẫu lớn cũng thành nhỏ, có thể vượt qua.
- Cũng cần thấy rằng: khi nhấn mạnh tinh thần, khả năng vượt khó, Nguyễn Bá Học không cổ động cho thái độ duy ý chí. Câu nói của nhà văn gọi cho ta suy nghĩ: biết được những thách thức, khó khăn trên đường đời là hết sức cần thiết. Phải luôn tỉnh táo để nhận ra những cản trở đến từ khách quan, từ đó tìm cách giải quyết. Thực tế, không ít người thất bại cay đắng vì đã không tính hết những trở lực đối với công việc của mình. Song mặt khác, không vì thấy khó khăn mà trở nên bối rối, e ngại. Không dám đối đầu vượt qua thách thức là biểu hiện của tinh thần bạc nhược, của tâm lí thất bại chủ nghĩa. Nó sẽ triệt tiêu lòng hăng hái, lửa nhiệt tình, chí tiến thủ và nhất là làm mất đi sự năng động, sáng tạo.
- Chủ ý của Nguyễn Bá Học ở câu nói này là kích thích tinh thần vượt khó của mọi người, nhất là lứa tuổi thanh niên. Nhưng câu nói không sa vào triết lí, rao giảng khô khan, mà như được đúc kết từ những tấm gương thành công nhờ vượt khó. Quả thật, từ xưa đến nay, từ đông sang tây, có biết bao nhiêu con người với nghị lực phi thường đã vượt lên hoàn cảnh và họ đã được đền bù xứng đáng bằng vị ngọt của thành công. Ta không thể quên thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký vốn là người bại liệt hai tay, nhưng bằng sự tập rèn không mệt mỏi, đôi chân đã làm được mọi việc, không khác gì đôi bàn tay của người khéo léo. Ở vào hoàn cảnh như Nguyễn Ngọc Ký, người ta nghĩ rằng để sống được đã là khó, mấy ai dám mơ tới một vị trí, một sự nghiệp mà con người tàn tật ấy đã đạt được bằng sự kiên trì vượt khó kì diệu của mình.
- Nhìn những thành quả di truyền học hiện nay, xin đừng quên vị tu sĩ Men-đen đã phải trả giá bằng bao nhiêu lần thí nghiệm thất bại. Nếu vị thầy tu này nản chí, không biết những thành quả của ngành sinh học kia bao giờ mới được tìm ra. Lịch sử khoa học còn ghi lại rõ ràng tấm gương những nhà toán học dám lao vào giải những bài toán khiến nhân loại bao đời bó tay. Khó khăn mà họ đối mặt đúng là chất chồng như núi, vì có những điều tưởng nằm ngoài khả năng trí tuệ con người. Nhưng, bằng sự kiên trì, chịu khói bằng nghị lực vô biên, họ đã chứng minh rằng không có gì ngăn, nổi con người trên con đường khám phá, sáng tạo. Những chân trời khoa học được mở ra bởi bộ óc vĩ đại của những con người không bao giờ "ngại núi e sông". Chính nhà khoa học ấy hiểu hơn ai hết rằng: trong mỗi thành công, tài năng chỉ chiếm 10%, còn 90% là mồ hôi, nước mắt. Những giọt mồ hôi âm thầm đổ trên từng trang sách, trong phòng thí nghiệm và những thành quả mà các nhà khoa học gặt hái được là bằng chứng hùng hồn chứng minh: mọi thành công trên đường đời đều được quyết định bởi một phần quan trọng: tinh thần, ý chí, nghị lực của con người.
- Câu nói của nhà văn Nguyễn Bá Học được cất lên cách đây đã gần một thế kỉ. Cuộc sống đã có bao đổi thay, nhưng ý nghĩa thiết thực của câu nói này thì vẫn không hề phai nhạt. Trong một bức thư gửi cho thanh niên, Bác Hồ cũng dạy: Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên.
Lời dạy của Hồ Chủ tịch cũng chính là thông điệp mà Nguyễn Bá Học gửi đến cho các thế hệ.