06/02/2018, 10:00

Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kì mạn lục)

Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nguyễn Dữ, quê ở huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sống ở thế kỉ XVI, thời kì triều đình nhà Lê đã bắt đầu khủng hoảng. Học rộng, tài cao, nhưng Nguyễn Dữ chỉ làm quan ...

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Dữ, quê ở huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sống ở thế kỉ XVI, thời kì triều đình nhà Lê đã bắt đầu khủng hoảng. Học rộng, tài cao, nhưng Nguyễn Dữ chỉ làm quan một năm rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ già và viết sách.

Tác phẩm Truyền kì mạn lục viết bằng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian và dã sử, truyền thuyết của Việt Nam. Tất cả gồm 20 truyện.

2. Tóm tắt truyện Chuyện người con gái Nam Xương

Vũ Thị Thiết là người thuỳ mị, nết na, tư dung tốt đẹp. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, một người không có học, tính lại đa nghi. Trương Sinh đi lính,

Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng, nuôi con. Bà cụ qua đời. Sau khi giặc tan, Trương Sinh trở về. Khi ngồi với con, thấy bé Đản nói rằng có một người cha đêm nào cũng đến “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh ghen, nghi ngờ vợ, mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi. Vũ Nương ra bến Hoàng Giang than thở và tự vẫn. Một đêm bé Đản lại trỏ cái bóng mà bảo là cha mình đến. Trương Sinh lúc ấy mới biết mình ngờ oan cho vợ.

Có một người làng là Phan Lang bị chết đuối nhưng vốn là ân nhân của Linh Phi nên được cứu vào cung nước của rùa thần. Tại đây ông ta gặp Vũ Nương. Vũ Nương gửi một chiếc hoa vàng và dặn nếu Trương Sinh nhớ tình cũ thì lập đàn giải oan, nàng sẽ trở về. Phan Lang về gặp Trương Sinh, đưa chiếc hoa vàng. Trương Sinh lập đàn giải oan. Vũ Nương có trở về thấp thoáng trên sông nhưng không thể trở về nhân gian được nữa.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Truyện gồm ba phần:

– Phần một từ đầu đến "như đối với cha mẹ đẻ mình": Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách do chiến tranh và phẩm hạnh của nàng.

– Phần hai từ “Qua năm sau” đến “việc trót đã qua rồi!”: Nỗi oan khuất và cái chết của Vũ Nương.

– Phần ba còn lại: Cuộc gặp gỡ kì lạ giữa Phan Lang và Vũ Nương trong cung nước của rùa thần. Vũ Nương được minh oan nhưng không trở lại nhân gian được nữa.

2. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong các hoàn cảnh khác nhau. Trong cuộc sống vợ chồng, nàng không để xảy ra mối bất hoà. Khi tiễn chồng đi lính nàng bày tỏ sự thương nhớ và chỉ mong chồng bình yên khiến mọi người “ứa hai hàng lệ”. Những ngày vắng chồng, nàng làm tròn bổn phận người con dâu hiếu thảo với mẹ chồng, chăm sóc con và không nguôi nhớ chồng. Khi chồng nghi oan, nàng cố tìm cách thanh minh, nhưng không kết quả. Nàng đã tìm đến cái chết để giải thoát. Nhìn chung trong các hoàn cảnh, Vũ Nương thể hiện là người phụ nữ hiền thục, đảm đang, hiếu thuận, thương chồng con, hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình.

3. Vũ Nương phải chịu cái chết oan khuất vì những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Vì chiến tranh phong kiến, vì chế độ gia trưởng, trọng nam khinh nữ, vì luật lệ hà khắc đối với người phụ nữ. Nguyên nhân trực tiếp là do người chồng vô học, đa nghi, hay ghen và gia trưởng, độc đoán. Trương Sinh đã không cho Vũ Nương cơ hội trình bày, thanh minh. Dân làng thanh minh, biện bạch cho nàng cũng vô ích. Chính vì nỗi oan không giải được nên Vũ Nương đã tìm đến cái chết để giải thoát.

4. – Cách dẫn dắt câu chuyện của tác giả khéo léo và hợp lí. Trương Sinh ít học, đa nghi, lại nghe lời nói hồn nhiên từ miệng con trẻ. Điều đó càng làm cho tính ghen và nghi ngờ của chàng tăng lên mạnh mẽ. Chàng đã không cho vợ có cơ hội thanh minh. Lời nói hồn nhiên của Đản đã gây ra mối nghi ngờ và cũng chính Đản đã giải mối nghi đó một cách dễ dàng. Trương Sinh tỉnh ngộ thì đã muộn.

– Truyện có những yếu tố đối thoại. Tuy mới ở mức sơ khai, ban đầu, nhưng nó đã làm cho nhân vật có tiếng nói. Những lời độc thoại dài góp phần khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật và bộc lộ tính cách. Đoạn đối thoại giữa Đản và Trương Sinh vừa đẩy truyện lên cao trào, vừa cởi nút câu chuyện hợp lí.

5. Những yếu tố kì ảo của truyện chủ yếu ở phần thứ ba: việc Phan Lang thả con rùa sau khi được báo mộng ; việc Vũ Nương, Phan Lang lọt vào cung nước của rùa thần ; những mĩ nhân trong cung nước ; việc Phan Lang bình yên trở về gặp Trương Sinh và kể lại chuyện gặp gỡ kì lạ với Vũ Nương ; cảnh Vũ Nương ngồi kiệu hiện ra giữa dòng. Đưa những yếu tố kì ảo vào truyện, tác giả muốn mở rộng phạm vi hiện thực, tạo ra cơ sở để minh oan cho Vũ Nương, khẳng định lòng trong trắng của nàng. Đồng thời một lần nữa tố cáo chế độ phong kiến hà khắc đã không có chỗ cho những người phụ nữ đẹp người, đẹp nết như Vũ Nương.

Mai Thu

0