Chúng ta cảm nhận được sự đau đớn của người khác
Một nghiên cứu tại Anh chứng minh rằng nhiều người trong chúng ta cảm thấy ngứa rát hoặc đau khi chứng kiến đồng loại vật vã vì chấn thương. Với phần lớn nhân loại, câu nói: "Tôi cảm nhận được nỗi đau của bạn" chỉ là cách để chúng ta bày tỏ sự thông cảm với sự đau đớn về thể chất hay nỗi ...
Một nghiên cứu tại Anh chứng minh rằng nhiều người trong chúng ta cảm thấy ngứa rát hoặc đau khi chứng kiến đồng loại vật vã vì chấn thương.
Với phần lớn nhân loại, câu nói: "Tôi cảm nhận được nỗi đau của bạn" chỉ là cách để chúng ta bày tỏ sự thông cảm với sự đau đớn về thể chất hay nỗi thống khổ về tinh thần của người khác. Nhưng các nhà tâm lý của Đại học Birmingham, Anh cho rằng một số cá nhân thực sự cảm thấy đau khi chứng kiến người khác vật vã hay la hét vì đau đớn. Để chứng minh, họ mời 123 sinh viên trong trường tham gia một thử nghiệm.
Theo Telegraph, các chuyên gia cho sinh viên xem video, ảnh về những tình huống chấn thương của vận động viên và bệnh nhân trong bệnh viện. Trong số những hình ảnh mà sinh viên xem có cảnh cầu thủ gãy chân, vận động viên quần vợt bị trật khớp và bệnh nhân nhăn nhó khi y tá tiêm thuốc. Tất cả sinh viên nói rằng, ít nhất một bức ảnh hay đoạn video gợi nên "một phản ứng tình cảm" trong họ, chẳng hạn như ghê tởm, sợ hãi hoặc buồn.
Nhưng điều quan trọng hơn là 1/3 số sinh viên nói rằng họ cũng cảm thấy đau đớn khi xem những hình ảnh. Một số người cảm thấy ngứa ran hoặc đau, một số khác lại thấy đau như bị dao đâm. Cảm giác đau đớn chỉ xuất hiện thoáng qua ở một số người, song nó tồn tại vài giây ở nhiều người khác.
Ảnh minh họa của corbis.com.
Các nhà khoa học lặp lại thử nghiệm với 10 sinh viên trong nhóm cảm thấy đau, ngứa hoặc buốt. Trong lúc sinh viên xem ảnh, video các nhà nghiên cứu tiến hành chụp cắt lớp não của họ. Sau đó cũng chụp cắt lớp não của 10 người nói rằng họ không cảm thấy gì khi chứng kiến sự đau đớn của người khác. Ảnh chụp não của hai nhóm được so sánh với nhau.
Kết quả cho thấy những vùng não xử lý cảm xúc của cả hai nhóm đều hoạt động khi họ xem ảnh, video. Tuy nhiên, cường độ hoạt động của những vùng xử lý cảm giác đau đớn trong nhóm "siêu nhạy cảm" mạnh hơn và lâu hơn so với nhóm kia. Điều đó cho thấy cảm giác đau của họ thực sự tồn tại, chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng.
"Phát hiện của chúng tôi giải thích hiện tượng chỉ có một số cá nhân giúp đỡ người bị đau đớn trong khi nhiều người khác thờ ơ. Một bộ phận nhân loại thực sự có phản ứng về mặt thể chất khi nhìn người khác bị thương hoặc thể hiện sự đau đớn. Giúp đỡ người bị đau là cách để họ thoát khỏi cảm giác khó chịu trong chính cơ thể họ", tiến sĩ Stuart Derbyshire, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Những sinh viên "siêu nhạy cảm" nói với Derbyshire rằng họ không thích xem phim kinh dị, chiến tranh, hành động và thường lảng tránh những bản tin có hình ảnh đau thương.
Telegraph cho rằng nghiên cứu của Đại học Birmingham cũng giải thích hiện tượng một số người "có cảm giác đau đớn về mặt chức năng" mặc dù họ chẳng mắc bất kỳ bệnh tật nào.
Nhưng tại sao một số cá nhân cảm nhận được nỗi đau của đồng loại, trong khi nhiều người khác không có phản ứng đó?
Các nhà khoa học cho rằng khả năng cảm nhận nỗi đau của đồng loại xuất hiện trong quá trình tiến hóa của loài người. Ở thời tiền sử, khả năng đó khuyến khích tổ tiên của chúng ta xây dựng mối quan hệ gần gũi với nhau hơn.