Chứng minh Đây thôn Vĩ Dạ là một tình yêu đơn phương cay đắng.
Ai đã từng đến với xứ Huế mộng mơ, chắc chắn sẽ không thể quên được những cảnh đẹp nơi đây: sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ. Cảnh đẹp nơi đây đã từng làm say đắm tâm hồn bao nhà thơ, trong đó có Hàn Mặc Tử. Có lẽ bởi vậy mà Hàn Mặc Tử đã viết Đây thôn Vĩ Dạ - một bức tranh thật đẹp về cảnh vật ...
Ai đã từng đến với xứ Huế mộng mơ, chắc chắn sẽ không thể quên được những cảnh đẹp nơi đây: sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ. Cảnh đẹp nơi đây đã từng làm say đắm tâm hồn bao nhà thơ, trong đó có Hàn Mặc Tử. Có lẽ bởi vậy mà Hàn Mặc Tử đã viết Đây thôn Vĩ Dạ - một bức tranh thật đẹp về cảnh vật và con người xứ Huế. Đối với riêng tôi, ấn tượng sâu đậm nhất mà bài thơ để lại là: mối tình yêu đơn phương, thầm lặng và cay đắng của thi nhân đối với người con gái thôn Vĩ.
Tiếp theo những dòng cảm xúc ở khổ thơ đầu, khổ thơ thứ hai, nhà thơ miêu tả cảnh sông nước, gió mây, trăng xứ Huế. Vừa là buổi bình minh ở khổ thơ một, đến đây đã là một đêm trăng sáng. Trong đêm trăng ấy, cảnh và người vẫn đẹp nhưng buồn, nỗi buồn của sự chia li:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?.
Gió và mây vẫn luôn gắn bó với nhau nhưng nhà thơ lại thấy “gió theo lối gió, mây đường mây”, mây và gió đi ngược chiều nhau. Dòng sông Hương lặng lờ trôi đi như mang nặng một nỗi buồn. Dòng Hương Giang vẫn đẹp, hiền hòa như thế, nay như ngừng trôi. Nhà thơ đã cực tả nỗi buồn ấy bằng từ “buồn thiu” - nỗi buồn cô đơn đến hiu hắt, nhũn mềm như mất hết sự sống. Bên cạnh dòng Hương Giang, những rặng ngô, bãi mía cũng xao xuyến một nỗi buồn. Hoa bắp khẽ lay động rung mình vì mây, gió, đi vắng hết, trả lại sự lạnh lẽo, trống vắng giữa không gian mênh mang. Nếu trong khố thơ thứ nhất là cả thế giới hiện thực thì sang khổ thơ thứ hai này, ta không thể phân biệt được đâu là thực, đâu là hư nữa, càng lúc cái thế giới mơ mộng ảo lại càng lấn át cái thế giới hiện thực. Trước cảnh vật buồn và ảm đạm, trống vắng ấy, nhà thơ như thoáng thấy, hay chỉ là mong mỏi bóng người xuất hiện:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Câu thơ vừa như khẳng định vừa như phủ định, vừa hỏi vừa nhớ thương vì thi sĩ như nhìn thấy con thuyền và bóng người trên bến sông. Cảnh thực mà cứ như ảo. Sông Hương đã trở thành “sông trăng”, thuyền thật đã trở thành “thuyền trăng”. Hai câu thơ đã bộc lộ một cách kín đáo khát vọng về một tình yêu say đắm, đầy ảo mộng của nhà thơ, con người đang phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo. Hình ảnh trăng có rất nhiều ý nghĩa, trăng có thể là cô gái quê hương ẩn hiện bên bến sông quê, trăng cũng có thể là linh hồn tác giả muốn trở về thôn Vĩ Dạ để tìm tình yêu, tìm hạnh phúc. Bốn câu thơ ở khổ hai có nhịp điệu khoan thai, nhẹ nhàng nhưng cũng thấm thía, khắc sâu một nỗi buồn chia li, nỗi buồn của một tình yêu đơn phương cay đắng, không được đáp lại. Đọc thơ, rồi tưởng tượng, hóa thân vào cảm xúc của nhà thơ, tôi cũng thấm thía một nỗi buồn... và cay đắng.
Xuống khố thơ thứ ba, tình yêu tha thiết, trăn trở, đầy ảo mộng của thi sĩ vẫn tiếp tục được giãi bài nhưng càng lúc càng trở nên cay đắng, chua xót hơn.
Mơ khách đương xa, khách dường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
“Em” - người con gái quê hương hiện lên không phải bằng hình hài, vóc dáng mà trong màu áo trắng - “trắng quá”. Hình ảnh cô gái Huế chập chờn trong giấc mơ của nhà thơ tạo ra một nổi bâng khuâng, ngơ ngẩn. Phải chăng ở nơi thi sĩ đứng, sương khói cũng trắng và mù mịt nên màu áo cô gái cũng như nhuộm màu sương khói nên trắng đến kì ảo. Người mặc áo trắng đứng giữa đêm trăng là một hình ảnh không chỉ có màu mà như thấm cả cảm xúc rợm ngợp của con người. Thi sĩ như choáng ngợp, sững sờ, ngỡ như hai người gặp nhau nhưng vẫn xa nhau ngàn trùng. Bóng dáng người con gái hiện lên quá đổi thân mật, nhưng cũng quá mơ hồ, huyền ảo. Hai câu thơ cuối cất lên trĩu nặng nỗi xót xa, cay đắng của một tình yêu đơn phương.
Hình bóng người con gái quê hương ngày càng xa dần, xa dần rồi mất hút trong tầm mắt, có muốn níu kéo cũng không thể:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
“Ở đây” là nơi nào? Có thể là đêm trăng thôn Vĩ khi nhà thơ trở về, cũng có thể là nơi tác giả đang dưỡng bệnh. Nhưng dù là nơi nào thì tác giả vẫn cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi trước một tình yêu đơn phương, huyền ảo.
Hai câu thơ kết lại bài thơ vừa đưa ra một nơi chốn cụ thể, vừa làm người đọc thắc mắc về một hình ảnh mơ hồ: “ai” đã xuất hiện năm lần trong bài thơ, nhưng vẫn không đem lại điều chắc chắn gì về con người mà tác giả nhắc tới. Thôi thì đành tự mình giữ lấy mối tình đơn phương để khát vọng còn mãi. Đọc câu thơ “ở đây.. ”, tôi vô cùng ấn tượng hình ảnh “sương khói mờ nhân ảnh” và tôi chợt nhớ, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều phải từng viết: “Cái quay búng sẵn trên đời. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Cung oán ngâm khúc). Đọc thơ và suy nghĩ, tôi cứ bâng khuâng thương cảm cho khiếp người, nhất là những số phận đắng cay vừa gặp cảnh ngộ éo le về bệnh tật vừa bị hụt hẫng về một tình yêu dang dở, đắng cay như thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử.
Vậy đấy, bài thơ được viết bằng cảm xúc, tình cảm sâu lắng, thầm kín của bản thân Hàn Mặc Tử, người sống cách nay trên nữa thế kỉ. Đọc bài thơ, nhất là khổ thơ 2, 3, bằng một ấn tượng sâu sắc, tôi hiểu được nó bằng sự rung động của trái tim. Bài thơ là bức tranh đẹp bởi nó là sự hòa quyện giữa tình yêu con người và cảnh thiên nhiên, với quê hương, đó là tình yêu ngọt ngào, còn với tình yêu đôi lứa thì... chứa chan bao hẫng hụt đắng cay... Thi phẩm kết thúc nhưng vẫn để lại dư âm sâu lắng trong lòng tôi về một khát vọng được yêu, được hạnh phúc đến cháy bỏng và mối tình đơn phương cay đắng. Đây xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào thơ mới, hay vì nó thấm thía cảm hứng nhân văn, hay và ấn tượng vì lời thơ đẹp, nhiều câu thơ ám ảnh và nhiều hình ảnh... bâng khuâng, mơ mộng, lãng mạn.