25/05/2018, 14:07

Chùa Phước Điền

Chùa Hang, tên chữ Phước Điền Tự, tọa lạc nơi triền núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), Châu Đốc; là một danh lam - thắng cảnh của tỉnh An Giang và là một Di tích Lịch sử cấp quốc gia tại Việt Nam. Chùa Hang (Châu Đốc) ...

Chùa Hang, tên chữ Phước Điền Tự, tọa lạc nơi triền núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), Châu Đốc; là một danh lam - thắng cảnh của tỉnh An Giang và là một Di tích Lịch sử cấp quốc gia tại Việt Nam.

Chùa Hang (Châu Đốc)

Khởi đầu

Chùa Hang cách cụm di tích Chùa Tây An , Miếu Bà Chúa Xứ và Lăng Thoại Ngọc Hầu khoảng 1 km, nằm bên tuyến đường núi Sam - Nhà Bàng.

Ban đầu, khoảng năm 1840 – 1850, chùa chỉ là một am tu bằng tre lá, do Lê Thị Thơ (1818 - 1899), pháp danh Diệu Thiện, người Chợ Lớn, thạo nghề may (nên bà còn có biệt danh là Bà Thợ), tạo lập để làm nơi tu hành, khi tuổi hãy còn trẻ.

Chuyện kể, trước đây Bà Thợ cũng có một gia đình, nhưng vì nhà chồng quá hà khắc, nên bà phải lẩn trốn đến chốn biên thùy này, vừa bốc thuốc trị bệnh, vừa chuông mõ, ước mong sớm dứt nghiệp duyên.

Người ta còn kể, kề bên am tu có một hang núi sâu[1], có đôi mãng xà to lớn dị thường. Nhưng từ khi bà đến tu, đôi mãng xà không còn hung tợn nữa, mà thường đến nằm im lắng nghe kinh kệ. Bà đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà và sau khi bà qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất.

Tự viện nhỏ, bên chùa hang.

Ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1899), sư nữ Diệu Thiện (tức Bà Thợ) viên tịch, thọ 81 tuổi.

Ngày nay trong dân gian còn lưu truyền cuốn Sấm giảng Bà Thợ, lời lẽ giản dị dễ hiểu, khuyên người đời làm lành tránh dữ.

Tiếp nối

Năm 1885, do cảm mến đức độ của sư nữ Diệu Thiện, ông phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) ở Châu Đốc và nhân dân quanh vùng đã tự quyên góp tiền của, xây dựng lại chùa: nền lát gạch tàu, cột gỗ căm xe, kèo rui gỗ thao lao, lợp ngói móc...

Đến năm 1937, Hòa thượng Thích Huệ Thiện (1904 - 1990) trùng tu lần thức hai và ngày nay, vào đời trụ trì thứ ba, Hòa thượng Thích Thiện Chơn vẫn còn đang tiếp tục xây dựng...

Từ cổng chùa, theo nhiều bậc thang lên cao khoảng 300m là đến chùa. Chùa có hai khu vực, phần trên là chính điện thờ Phật, phía sau có hang mãng xà theo truyền thuyết; phần dưới thấp là nơi thờ Tổ, hai ngôi bảo tháp [2] và nhà khói (nhà nấu ăn).

Chùa có mặt chính 11m, mặt hông 10m, nền cuốn đá xanh cao ráo, tráng xi măng, lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột bê tông cốt sắt, lợp ngói đại ống. Trong chùa có nhiều hoành phi, liễn đối chạm khắc tinh xảo. Phía trước chùa có cây cột phướng cao hơn 20m. Dưới thềm chùa là hai tượng sư tử bằng xi-măng khá sinh động. Đứng ở đây, khách thập phương có thể nhìn cảnh núi cao, hoặc ngắm cảnh ruộng đồng bát ngát...

Ngoài ra, từ cổng nhìn lên, phía bên trái chính điện, có một ngôi chùa nhỏ, dáng cổ, có tầng, mái cong, xinh đẹp, hợp với cảnh núi. Cạnh đó, một nhà hai tầng, kiểu hiện đại với những căn phòng nhỏ gọn, là nơi sinh hoạt, tu học của các sư...

Ngày 10 tháng 7 năm 1980, Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam ra quyết định số 92/VHTT-Q.Đ công nhận Chùa Hang (Phước Điền Tự) là một Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Hang sâu, tương truyền là nơi ở của đôi mãng xà.
0