Chú bé sao băng
Ngày xửa ngày xưa, một hôm có hai bác tiều phu nghèo khổ đang đi xuyên qua một khu rừng thông rộng lớn để trở về nhà. Lúc đó vào mùa đông, đêm lạnh cắt da cắt thịt. Tuyết phủ dày trên đất và trên các cành cây, sương giá không ngừng quất vào các nhánh cây kêu tanh tách ở hai bên lối họ đi qua: Và ...
Ngày xửa ngày xưa, một hôm có hai bác tiều phu nghèo khổ đang đi xuyên qua một khu rừng thông rộng lớn để trở về nhà. Lúc đó vào mùa đông, đêm lạnh cắt da cắt thịt. Tuyết phủ dày trên đất và trên các cành cây, sương giá không ngừng quất vào các nhánh cây kêu tanh tách ở hai bên lối họ đi qua: Và khi đi tới thác Núi, họ thấy thác đang treo im lìm trong khoảng không trung vì vua Băng đã hôn lên nó. Trời lạnh buốt, đến nỗi cả chim muông cũng không còn biết xoay xở ra làm sao nữa.
– Hu, hú!
– Lão Sói vừa cằn nhằn, đuôi quấn giữa hai chân, vừa lê bước qua các bụi cây.
– Thời tiết ghê gớm hết chỗ nói. Thế mà cớ sao chính phủ không lưu ý tới, hử?
– Tuýt! Tuýt! Tuýt.
– Chú Sẻ lanh lông xanh kêu líu ríu.
– Mụ già Đất chết rồi, chết rồi. Người ta đã liệm mụ trong tấm vải tang trắng của mụ.
– Bà Đất sắp sửa lấy chồng, đây là chiếc áo cưới của bà ta.
– Các con chim nói thì thào với nhau như vậy. Đôi cẳng hồng của chúng đã bị giá làm tê cóng, nhưng chúng nghĩ, bổn phận của chúng là phải có một cái nhìn lãng mạn đối với hoàn cảnh. Lão Sói bèn gầm lên:
– Láo toét! Ta nói cho bọn bay biết, tất cả do lỗi của chính phủ, biết chưa? Mà nếu tụi bay không tin tao, tao sẽ ăn thịt ráo, biết chưa?
– Lão Sói có đầu óc hoàn toàn thực tiễn, chẳng bao giờ lão bị lúng túng để tìm ra một lý lẽ thích đáng.
– Thôi.
Chim Gõ Kiến bẩm sinh là một nhà triết học, nói.
– Về phần ta, ta chả cần gì đến một học thuyết nguyên tử mới giải thích được thế này thế nọ. Sự việc là thế thì nó là thế, mà hiện giờ trời đang lạnh khủng khiếp đấy.
Rõ ràng trời đang lạnh khủng khiếp. Những con sóc bé nhỏ sống trong cây giẻ to cao, cứ mãi cọ mũi vào nhau để giữ mình cho được ấm; các chú thỏ rừng nằm cuộn tròn trong hang, không dám đánh liều thò đầu ra ngoài dù chỉ để ngó một chút. Kẻ duy nhất có vẻ thích thú ấy là những bác cú to có cái đầu như mang sừng. Lông của họ cứng đơ vì sương muối, nhưng họ chả cần để ý, họ đảo tròn đôi mắt màu vàng, cất tiếng gọi nhau ngang qua khu rừng; Cú, cú, cú! Thời tiết mới đẹp không chứ! Cú, cú! Hai bác tiều phu vừa mải miết dấn bước, vừa thổi phù phù vào các ngón tay, đôi giày to sụ với đế cá sắt hằn vết đậm trên mặt tuyết đóng bánh. Khi thì họ thụt vào một con lạch sâu và lúc thoát ra được thì mình mẩy trắng lốp như bác thợ xay bột bên các thớt đá đang quay nghiền bột; khi thì họ trượt chân trên băng cứng trơn, ở đó nước đầm lầy đã đông lại, lúc đó các khúc củi buộc thành bó bị tuột ra, họ đành phải nhặt lên bó lại, có khi họ tưởng đã lạc đường, kinh hãi rụng rời, vì họ biết chúa Tuyết rất ác độc đối với những ai nằm yên trong đôi cánh tay của bà.
Nhưng họ đặt lòng tin vào thánh Mác-tanh phúc đức săn sóc đến mọi kẻ đi đường, cho nên họ quay trở lại, dò dẫm bước đi. Cuối cùng họ ra tới bìa rừng và xa xa trong thung lũng nằm phía dưới chân, họ thấy ánh lửa le lói trong làng, nơi họ sinh sống. Thấy đã thoát nạn, họ vui mừng khôn xiết, cười nói oang oang, và lúc đó, họ thấy mặt đất nom như một đóa hoa bằng bạc và mặt trăng như một đóa hoa bằng vàng. Tuy nhiên, sau khi đã vui cười họ trở nên buồn bã vì nhớ đến tình cảnh nghèo khổ của mình. Một người nói với người kia:
– Làm sao chúng mình lại vui đùa được nhỉ? Vì chúng mình biết, cuộc sống dành cho người giàu, chứ dành đâu cho những người như hạng chúng mình. Thà lúc nãy ở trong rừng chúng mình bị chết cóng, hoặc bị con thú dữ nào đó vồ chết, như thế còn hơn.
– Đúng đấy.
– Người bạn đáp.
-Kẻ ăn chả hết, người lần không ra. Thế giới này đã bị sự bất công cắt ra từng mảnh, nhưng chả có gì được phân chia đều, cả sự đau khổ cũng vậy. Nhưng trong khi họ đang cùng nhau than thở về nỗi cơ cực của mình thì bỗng xảy ra một điều lạ lùng. Lúc đó từ trên trời rơi xuống một ngôi sao sáng chói. Nó gieo xuống phía chân trời, lướt cạnh các ngôi sao khác, và trong khi ngắm nhìn sửng sốt, họ thấy dường như nó lặn mất ở sau một lùm cây liễu sát cạnh một trại cừu nhỏ cách xa chỗ họ đứng không quá một tầm ném đá.
– Đấy nhé! Ai tìm ra nó thì sẽ bắt được một hũ vàng!
– Họ kêu lên như vậy rồi hăm hở chạy tới để kiếm của. Một trong hai người nhanh chân hơn, bỏ xa bạn, xông bừa qua lùm liễu rồi sang được tới phía bên kia… ô kìa! Quả thật, có một vật gì bằng vàng nằm trên tuyết trắng. Bác hối hả lao về phía nó, rồi vừa cúi xuống bác vừa đặt tay lên nó: đấy là một chiếc áo dệt bằng vải quý thêu những ngôi sao nom rất kỳ lạ và được quấn lại thành nhiều lớp. Thế là bác kêu to, nói cho bạn biết mình đã tìm thấy kho vàng từ trên trời rơi xuống. Khi người bạn tới, hai người ngồi xuống nơi tuyết, gỡ nếp quấn của chiếc áo để hòng chia nhau các đồng tiền vàng. Nhưng chao ôi! Nào có thấy vàng bạc hoặc bất cứ thứ của cải nào, ngoài một đứa bé đang ngủ thiếp đi. Một người nói với người kia:
– Hy vọng của chúng mình là thế, kết thúc lại là thế! Cay đắng quá. Mà cái số chúng mình không may chút nào, vì một đứa bé thì đem lại lợi gì cho một thằng người, hở? Thôi, hãy bỏ nó lại đây, rồi cứ đường mà về. Chúng mình thuộc cánh nghèo, còn phải nuôi con cái đẻ ra, không thể xén phần bánh của chúng cho con kẻ khác được. Nhưng người bạn đáp:
– Thế sao được. Bỏ đứa bé lại đây để nó chết trong tuyết, thế thì độc ác quá. Tôi cũng nghèo như bác, nhà lại nhiều miệng ăn, chẳng có gì mà cho vào nồi, nhưng mặc, tôi cứ đem nó về nuôi. Nhà tôi sẽ chăm sóc nó. Thế là bác âu yếm bế đứa bé lên, quấn lại chiếc áo quanh người nó để tránh cho nó khỏi bị thấm cái khí lạnh khắc nghiệt, rồi bác đi xuống đồi về làng, trong khi người bạn hết sức ngạc nhiên trước sự dại dột cũng như lòng từ tâm của bác. Tới làng, người bạn nói:
– Bác đã có được đứa bé, vậy hãy dành cho tôi chiếc áo, vì lẽ chia phần với nhau là điều thích đáng thôi. Nhưng bác tiều phu đáp lại:
– Đâu được. Chiếc áo chẳng phải của bác, cũng chẳng phải của tôi, nó là của đứa bé. Nói xong, bác chúc bạn may mắn, rồi đi về nhà mình. Bác gõ cửa, người vợ ra mở, thấy chồng trở về với mình được yên ổn, chị vòng tay ôm lấy cổ chồng mà hôn, rồi chị đỡ lấy bó củi trên lưng bác xuống, phủi tuyết trên đôi ủng của bác rồi giục bác đi vào nhà. Bác nói với vợ:
– Đây này, tôi đã bắt được món này trong rừng, tôi đem nó về cho mình coi sóc.
– Miệng nói thế nhưng bác vẫn không nhúc nhích khỏi ngưỡng cửa.
– Cái gì vậy? – Chị vợ kêu lên.
– Cho tôi xem nào! Nhà mình nghèo xác nghèo xơ, thiếu bao nhiêu là thứ. Bác tiều phu bèn kéo chiếc áo ra và chỉ cho vợ xem đứa bé đang ngủ.
– ối trời! -Người vợ kêu lên.
– Nhà ta con cái nào có thiếu! Thế mà mình lại còn đi rước về một đứa trẻ. Biết đâu nó chẳng đem họa đến cho nhà mình. Mà phải săn sóc nó thế nào đây?
– Chị giận dỗi với chồng.
– Nhà nói thế sao được. -Người chồng đáp -Nó là chú bé Sao Băng.
Rồi bác thuật lại cho vợ nghe bác đã tìm thấy chú một cách lạ lùng như thế nào. Nhưng người vợ vẫn không nguôi giận, lại còn chế giễu, đay nghiến chồng và gào lên:
– Con cái mình thì thiếu cái bỏ vào mồm lại còn phải nuôi báo cô con kẻ khác hay sao? Có ai thương đến chúng mình? Ai đem bánh biếu mình nào?
– Nhà nói thế nghe sao được. Chúa săn sóc ngay cả đến bầy chim sẻ và cho chúng ăn kia mà.
– Thế mùa đông chim sẻ không chết đói lăn ra đấy sao? – Chị vặn lại. – Bây giờ không phải là mùa đông đấy nhỉ! Bác tiều phu chẳng đáp lại nửa lời, cứ đứng lì ra ở ngưỡng cửa, không chịu nhúc nhích. Một luồng gió lạnh lướt từ khu rừng thổi thốc vào cánh cửa để mở khiến chị vợ run lên, chị rùng mình bảo chồng:
– Sao mình không chịu đóng cửa lại? Đấy, gió lạnh buốt xương đang lùa vào nhà đấy. Rét ơi là rét!
– Trong một căn nhà có trái tim lạnh giá thì bao giờ gió buốt chả lùa vào, không phải thế sao?
Người chồng nói. Chị vợ không đáp mà chỉ rón rén bước lại gần bếp lửa.
Và một lát sau, chị xoay người lại, nhìn chồng rồi nước mắt chị trào ra. Thế là bác tiều phu nhanh chân bước vào nhà, trao đứa bé vào tay vợ; chị vợ hôn hít chú, đặt chú vào chiếc giường nhỏ bé ở đó đứa con út của họ đang nằm ngủ. Và ngày hôm sau, bác tiều phu lấy chiếc áo dệt bằng vải quý bỏ vào một chiếc rương to, còn cái vòng bằng mã não đeo ở cổ đứa bé, chị vợ cũng cởi nó ra rồi cũng bỏ nó vào rương. Thế là từ đấy chú bé Sao Băng được nuôi dưỡng với con cái bác tiều phu, ăn cùng bàn, cùng chơi với bọn chúng. Cứ mỗi năm qua, nhìn càng thấy chú xinh đẹp hơn, tất cả dân làng đều hết sức kinh ngạc, vì trong khi họ da ngăm đen và tóc đen thì chú trắng như ngà và thanh tú, tóc chú uốn búp, như những vòng hoa thủy tiên. Đôi môi chú cũng vậy, giống như những cánh hoa đỏ thắm, còn mắt thì nhỏ như những bông hoa tím bên cạnh dòng sông nước trong vắt, thân mình chú như hoa thủy tiên trên một cánh đồng chưa bị thợ gặt đụng tới. Tuy nhiên, vì xinh đẹp cho nên nó đâm ra xấu tính. Nó trở nên kiêu ngạo, độc ác, ích kỷ. Con cái bác và những đứa trẻ khác trong làng bị nó khinh bỉ, vì nó cho rằng chúng thuộc gia đình hèn hạ, còn nó thì thuộc dòng dõi cao quý, xuất thân từ một ngôi sao, và nó tự phong là chủ bọn chúng, xem chúng là tôi tớ của mình. Nó không thương xót chút nào những kẻ nghèo khổ, mù lòa, hoặc những người tàn tật và đau đớn vì một lẽ gì đó; trái lại nó thường ném đá vào họ, xua đuổi họ ra ngoài đường cái, bảo họ hãy đi ăn xin nơi khác; đến nỗi, trừ bọn trộm cướp ra, chẳng có ai đến làng đó ăn xin lần thứ hai. Thật tình, mê mẩn vì mình đẹp, nó sẵn sàng chế nhạo những kẻ ốm yếu và xấu xí, nó đem họ ra làm trò cười; nó chỉ ưa thích bản thân nó, và về mùa hạ, lúc trời lặng gió, nó hay nằm dài cạnh giếng trong vườn cây ăn quả của ông tu sĩ, nhìn xuống nước ngắm khuôn mặt đẹp diệu kỳ của chính nó, rồi cất tiếng cười, thích thú với vẻ đẹp của mình. Bác tiều phu và vợ thường phải quở mắng nó:
“Bố mẹ đây đâu có đối xử với con như con đã đối xử với những kẻ bị bỏ bơ vơ không ai cứu giúp. Cớ sao con lại độc ác đến thế đối với tất cả những ai cần được thương xót?” Cha xứ già cũng thường nhắn nó tới gặp ông và tìm cách dạy nó tình thương yêu các sinh vật. ông nói:
“Con ruồi là anh em với con. Đừng làm hại nó! Giống chim muông bay đây bay đó qua khu rừng có tự do riêng của chúng. Đừng đánh bẫy chúng chỉ để mà đùa nghịch. Chúa đã tạo ra con rắn thủy tinh và con chuột chũi, con nào cũng có nơi có chỗ của chúng. Con là ai mà dám mang đau khổ vào thế giới của Chúa? Ngay các gia súc trên đồng nội cũng ca tụng công đức của Người”.
Nhưng thằng bé Sao Băng đâu có đếm xỉa đến những lời khuyên đó; nó thường chau mày tỏ vẻ khinh thị rồi quay về với chúng bạn và cầm đầu bọn chúng. Còn tụi bạn thì nghe theo nó, vì nó xinh đẹp, nhanh nhẹn, lại biết nhảy múa, thổi sáo và chơi nhạc. Thằng bé Sao Băng dẫn chúng đi bất cứ đâu chúng cũng đi theo, nó bảo chúng làm bất cứ gì, chúng cũng làm. Khi nó lấy một nhánh lau nhọn sắc chọc thủng mắt của con chuột chũi thì chúng cười reo, và chúng cũng cười reo khi nó ném đá vào người bị bệnh phong. Việc gì nó cũng điều khiển chúng và chúng cũng trở nên lòng lim dạ đá như nó vậy. Thế rồi một ngày nọ, có một người đàn bà ăn xin khốn khổ đi qua làng. Quần áo bà rách tơi tả, chân bà rớm máu vì mải đi trên con đường cái gồ ghề lởm chởm, và cảnh ngộ của bà hết sức thảm thương. Mệt rã rời, bà ngồi bệt dưới một cây dẻ để nghỉ ngơi. Nhưng khi thằng bé Sao Băng nom thấy bà, nó liền nói với chúng bạn:
– Chúng mày trông kìa. Có một con mụ ăn xin ngốc nghếch đang ngồi dưới cái cây xinh đẹp lá xanh kia kìa! Ta lại đó, chúng mình đuổi cổ mụ đi, mụ xấu xí, vô duyên lắm! Thế rồi nó đi tới gần, ném đá vào bà, nhạo báng bà, còn bà thì nhìn nó với đôi mắt kinh sợ nhưng vẫn nhìn nó chằm chằm. Bác tiều phu lúc đó đang lắp cái khúc gỗ mới xẻ trong nhà chứa xe gần đấy, thấy thằng bé Sao Băng đang làm như vậy, bác vội chạy tới quở mắng nó:
– Rõ ràng lòng dạ mày ác nghiệt quá; mày chẳng biết thương xót là gì. Người đàn bà khốn khổ này đã làm hại gì mày mà mày nỡ đối xử với bà ta như thế? Thế là thằng bé Sao Băng giận đỏ mặt, giẫm chân thình thịch và nói:
– Tôi làm gì mặc tôi, ông là ai mà được hỏi? Tôi đâu có phải con ông mà ông bảo gì tôi phải làm nấy.
– Mày nói đúng đấy. – Bác tiều phu đáp.
– Có điều tao thấy thương hại mày khi tao tìm thấy mày trong rừng. Nghe đến những lời đó, người đàn bà thét lên một tiếng rồi ngất lịm. Bác tiều phu mang bà vào nhà mình và vợ bác trông nom săn sóc bà. Khi bà tỉnh lại, họ bèn đặt thức ăn thức uống trước mặt bà và tìm lời an ủi bà. Nhưng bà ta không thiết gì đến ăn uống mà chỉ hỏi bác tiều phu:
– Vừa rồi, có phải bác nói đã tìm thấy thằng bé ở trong rừng, phải không? Từ ngày đó đến nay, nó đã lên mười phải không?
– Phải đấy, bà ạ. – Bác tiều phu đáp.
– Chính tôi đã tìm thấy nó trong rừng, và từ bấy đến nay, nó đã lên mười.
– Bác thấy có dấu hiệu gì ở người nó? – Bà hỏi to.
– Ởcổ có đeo một dây chuyền hổ phách chứ gì? Còn người nó quấn trong một chiếc áo vải quý, có trổ sao, phải không?
– Đúng thế. – Bác tiều phu đáp.
– Y hệt như bà nói. Rồi bác mở rương, lấy chiếc áo và chiếc dây chuyền hổ phách bác cất trong đó, và bác đưa cho bà xem. Thấy những đồ vật đó, bà vui sướng đến khóc oà lên, bà nói:
– Nó là con trai tôi, tôi đã mất nó ở trong rừng. Bác làm phúc gọi nó nhanh nhanh cho tôi một tí. Tôi đã đi lang thang khắp thiên hạ để tìm nó đấy, bác ơi! Bác tiều phu cùng vợ bèn đi gọi thằng bé Sao Băng, họ nói với nó:
– Con đi vào nhà đi. Mẹ con đang đợi con trong ấy. Nghe nói thế, nó chạy vào, lòng tràn ngập nỗi kinh ngạc lẫn niềm vui sướng khôn xiết. Nhưng khi nom thấy người đàn bà ăn xin đang đợi nó, nó bèn cười chế giễu:
– Mẹ tôi đâu nào? Ngoài cái con mụ ăn xin hèn hạ này ra, tôi chả còn thấy ai cả.
– Ta là mẹ con đây, con ơi! – Người đàn bà đáp lại.
– Mụ điên hay sao mà nói thế, hở? – Sao Băng giận dữ hét.
– Ta không phải con cái gì của mụ hết. Mụ là con mụ ăn xin, lại xấu xí, rách rưới, thế thôi! Vậy mụ hãy cút khỏi đây, đừng có để ta nom phải cái mặt xấu xí của mụ nữa.
– Không được, quả con là thằng út của mẹ mà, mẹ để mất con trong rừng mà!
– Bà vừa khóc vừa quỳ xuống, giơ đôi cánh tay về phía con.
– Bọn kẻ trộm đã bắt trộm con, con có bị chết chúng cũng bỏ mặc, – bà lầm rầm,
– Nom thấy con mẹ đã nhận ra con ngay, mẹ cũng nhận ra các vật làm dấu nữa, chiếc áo ngoài dệt sợi bằng vàng, với chiếc dây chuyền hổ phách. Vậy mẹ van con đấy, hãy đến với mẹ, con ơi! Mẹ đã đi lang thang khắp thế gian này để tìm con. Con trai của mẹ, lại đây với mẹ. Mẹ cần đến tình thương yêu của con. Nhưng Sao Băng vẫn cứ đứng trơ trơ không nhúc nhích, lòng nó đã khép chặt; không còn nghe tiếng gì ngoài tiếng bà mẹ đang khóc vì đau buồn. Cuối cùng, nó nói với bà ta, giọng cục cằn:
– Nếu quả thật mụ là mẹ ta, thì tốt nhất là mụ phải đi khỏi nơi này, đừng có đến đây để khiến ta phải xấu hổ, bởi lẽ ta nghĩ ta là con của một vì sao nào đó, chứ đâu phải con một kẻ ăn xin như mụ đã nói. Đã thế, mụ hãy cút khỏi nơi đây, đừng để ta nom thấy mụ nữa.
– Ôi, con ơi! Thế con không muốn hôn mẹ trước khi mẹ ra đi sao? Mẹ đã chịu khổ trăm đường mới tìm ra con.
– Không! – Sao Băng nói
– Ta khó mà nhìn mụ được, mụ xấu xí quá! Chẳng thà hôn con rắn lục hay con cóc còn hơn hôn mụ. Thế là người đàn bà đứng lên, chân bước đi, miệng khóc than thảm thiết: còn thằng bé Sao Băng lúc thấy bà đã đi khuất thì bụng mừng rơn, nó trở lại với lũ bạn chơi để có thể nô đùa với chúng. Nhưng khi thấy Sao Băng tới, bọn trẻ chế nhạo nó:
– Ô kìa mày cũng xấu như con cóc, cũng ghê tởm như con rắn lục. Hãy cút đi, chúng tao không chịu để mày chơi với chúng tao đâu. Và chúng đuổi nó ra khỏi vườn. Thằng bé Sao Băng chau mày nghĩ thầm:
“Chúng nói thế là thế nào nhỉ? Được rồi, mình sẽ đi ngay tới giếng, nhìn xuống nước xem sao, nó sẽ cho mình hay mình đẹp biết ngần nào!” Thế là nó đi lại phía giếng nước, nhìn xuống đáy. Trời ơi! Mặt nó nom cũng như mặt con cóc và thân mình nó cũng phủ lớp vảy như rắn lục. Nó bèn gieo mình xuống cỏ, vừa khóc lóc vừa tự nhủ:
“Thôi, phải rồi, cơ sự thế này là do tội lỗi của mình. Mình đã ruồng bỏ mẹ, đã đuổi mẹ đi, lại còn kiêu ngạo và tàn nhẫn với mẹ. Đã thế thì mình phải đi khắp thiên hạ để tìm kiếm mẹ. Mà chưa tìm được thì mình chưa chịu nghỉ ngơi”. Vào lúc đó, đứa con gái út của bác tiều phu đến với nó; em đặt tay lên vai nó và nói:
– Anh ạ, anh không còn đẹp nữa, nhưng có hề gì. Anh cứ ở lại với bọn em, em không cười anh đâu mà! Sao Băng bèn nói với em bé:
– Không được, em ạ. Anh đã độc ác với mẹ anh cho nên anh phải bị trừng phạt thế này. Vậy thì anh phải rời khỏi nơi đây, đi khắp thiên hạ để tìm cho ra mẹ anh; lúc đó, mẹ sẽ tha tội cho anh.
Nói xong, chú bỏ đi. Chú chạy vào rừng, cất tiếng gọi mẹ hãy đến với chú, nhưng không mảy may có tiếng đáp lại. Suốt ngày, chú gọi mẹ chú, gọi mãi và lúc mặt trời lặn, chú nằm xuống ngủ trên chiếc giường bằng lá. Chim muông xa lánh chú, bởi chúng nhớ đến sự tàn bạo của chú. Chú thui thủi một thân một mình chỉ có con cóc ngắm nhìn chú và con rắn lục chậm chạp bò qua. Sáng ngày hôm sau, chú thức dậy, hái một vài quả rừng mọng chát ăn, rồi lại lên đường, xuyên qua khu rừng lớn, miệng khóc lóc một cách buồn thảm. Gặp bất cứ con vật nào, chú cũng hỏi thăm, tình cờ chúng có thấy mẹ chú không. Chú hỏi Chuột Chũi:
– Chũi ơi, em có thể đi được dưới mặt đất. Em nói cho anh hay, em có thấy mẹ anh dưới đó không? Chuột Chũi đáp:
– Anh đã chọc mù mắt em. Em có thể biết làm sao được? Nó nói với chim Sẻ Lanh:
– Sẻ Lanh ơi, em có thể bay trên ngọn cây cao và có thể nom thấy cả thiên hạ. Nói cho anh biết, em có thể nom thấy mẹ anh không? Sẻ Lanh đáp:
– Để đùa nghịch, anh đã xén đôi cánh của em. Em bay làm sao được? Có một con Sóc bé nhỏ sống trong một cây linh sam, nó chỉ một mình côi cút. Sao Băng hỏi Sóc:
– Mẹ anh đâu? Sóc đáp:
– Anh đã giết mẹ em. Anh tìm mẹ anh để giết bà ta, có phải không? Thế là chú bé Sao Băng bật khóc, cúi đầu, cầu xin các giống vật của Chúa hãy tha thứ cho chú, rồi chú lại dấn bước xuyên qua khu rừng để tìm kiếm người đàn bà ăn xin. Sang ngày thứ ba, chú tới được phía bên kia khu rừng và đi xuống đồng bằng. Khi đi qua các làng xóm, chú bị trẻ con chế giễu và ném đá; các chủ trại không cho phép chú nằm ngủ ngay cả ở chuồng bò, sợ chú có thể truyền bệnh nấm cho thóc lúa trong kho vì nom chú ghê tởm quá. Còn những người làm công thì đuổi chú như đuổi tà. Và chẳng có một ai đoái hoài xót thương chú.
Không ở nơi nào chú nghe nói đến người đàn bà ăn xin là mẹ chú, tuy rằng ba năm ròng rã, chú đã đi khắp đó đây. Thường khi chú tưởng mơ thấy bà trên đường cái phía trước mặt, chú bèn cất tiếng gọi và chạy đuổi theo bà cho đến lúc chân tứa máu vì vấp phải các vật nhọn cứng. Nhưng chú không tài nào đuổi kịp bà. Dân cư sống cạnh đường đi bao giờ cũng nói là họ không hề thấy bà hoặc ai đó giống bà; họ lấy nỗi đau buồn của chú làm trò giải trí. Trong khoảng thời gian ba năm, chú lang thang khắp nơi nhưng không đâu có tình yêu, lòng trìu mến, hoặc lòng thương hại đối với chú. Không hơn không kém, đó là một thế giới đúng như chú đã tự tạo ra cho chú vào những ngày chú kiêu căng tàn nhẫn. Rồi vào một buổi chiều, chú đi tới cổng một đô thị nằm trong vòng thành lđá vững chắc cạnh một con sông. Tuy mệt mỏi và chân sưng vù, chú vẫn cứ bước vào. Nhưng những người lính đứng gác liền hạ kích xuống chắn ngay lối vào; họ cục cằn hỏi chú:
– Mày tới đô thị này có việc gì?
– Thưa các ông, cháu đang đi tìm mẹ cháu. – Chú đáp.
– Xin các ông cho phép cháu đi qua, có thể mẹ cháu ở trong đô thị này. Nhưng đáp lại, họ chỉ chế giễu chú; rồi một người trong bọn vuốt bộ râu đen, hạ chiếc kích xuống và kêu lên:
– Tao nói thật, chứ mẹ mày mà thấy mày thì mụ ta chả mừng đâu; chả là mày xấu hơn con cóc trong đầm, con rắn trong bãi lầy. Thôi cút đi, cút đi, cút đi! Mẹ mày không có trong đô thị này! Một người lính khác, tay cầm cờ vàng, hỏi nó:
– Mẹ mày là ai? Cớ gì mày phải đi tìm mụ ấy?
– Mẹ cháu – chú đáp
– là một người ăn xin như cháu đây. Cháu đã đối xử tệ bạc với mẹ cháu. Xin phép ông cho cháu đi qua. Nếu quả mẹ cháu đã lưu lại trong đô thị này, mẹ cháu có thể tha tội cho cháu. Nhưng họ không chịu và lấy mũi giáo dứ dứ vào chú. Chú vừa khóc vừa quay đi thì có một người cùng bọn với họ đi tới. Y mang áo giáp trổ hoa bằng vàng, đầu đội chiếc mũ sắt trên có một con sư tử có cánh đang nằm. Hắn hỏi bọn lính rằng kẻ đang xin được vào đô thị là ai. Bọn lính thưa với hắn:
– Đó là một thằng ăn xin, con một mụ ăn xin. Bởi vậy chúng tôi đã đuổi nó đi.
– Đừng làm thế! Hắn cười to.
– Chúng mình hãy đem bán cái của nợ xấu xí đó làm nô lệ. Giá cả phải ngang giá một bát rượu vang ngon. Lúc đó, có một lão già với bộ mặt độc ác đang đi qua gần đấy. Lão bèn gọi to và nói:
– Tôi muốn mua nó theo giá đó.
Trả tiền xong xuôi, lão nắm tay Sao Băng dẫn chú đi vào đô thị. Sau khi đã đi hết rất nhiều đường phố, hai người tới một cánh cửa nhỏ lắp vào bức tường có một cây lựu bao phủ. Lão già dùng một chiếc nhẫn bằng ngọc thạch đụng khẽ vào cửa. Cửa mở ra. Họ bước xuống năm bậc thang bằng đồng để đi tới một khu vườn đầy những cây thuốc phiện đen và những chiếc chum bằng đất nung. Lão già rút từ chiếc khăn quấn đầu ra một chiếc khăn quàng bằng lụa, dùng nó bịt mắt chú bé Sao Băng lại, và đẩy chú đi lên trước lão. Khi chiếc khăn quàng được gỡ khỏi mắt, chú bé Sao Băng thấy mình đang ở trong một cái hầm được soi sáng bởi một cây đèn bằng sừng. Lão già đặt trước mặt nó một chiếc bánh mốc dọn trên một cái thớt rồi bảo:
“ Ăn đi”, lấy một ít nước uống mằn mặn đựng trong một chiếc cốc rồi bảo:
“Uống đi”. Chú ăn uống xong thì lão già bước ra, khóa cửa lại và còn buộc thêm bằng một dây xích thép. Lão già là một tay phù thủy cao cường nhất ở xứ Li-bi và đã học phép thuật với một người sống trong các ngôi mộ ở sông Nin. Ngày hôm sau lão đến nơi nhốt chú bé, lão cau mày nhìn chú nói:
– Trong một khu rừng gần cổng thành Gianơ đây, có ba đồng tiền vàng, một đồng sắc trắng, một đồng sắc vàng và đồng tiền thứ ba sắc đỏ. Hôm nay, mi phải đem về cho ta đồng tiền màu trắng; nếu không thế, ta sẽ quất cho mi một trăm roi. Thôi, hãy đi nhanh lên; lúc mặt trời lặn, ta đợi mi ở cửa vườn. Nhớ đấy, hãy đem về đồng tiền vàng sắc trắng; không thì sẽ khốn với ta. Vì mi là nô lệ của ta, ta đã mua mi với giá bằng một bát rượu ngon. Nói xong, lão bịt mắt chú bé Sao Băng lại với chiếc khăn quàng bằng lụa có in hình vẽ, dắt nó đi qua nhà, qua khu vườn cây thuốc phiện để rồi bước lên năm bậc thang bằng đồng. Đến đây lão dùng chiếc nhẫn mở cánh cửa con rồi đẩy chú bé ra đường cái.
Thế là chú bé Sao Băng ra khỏi cổng thành rồi đi tới khu rừng mà lão phù thủy đã nói với chú. Lúc này, nhìn từ phía ngoài thì thấy khu rừng rất xinh đẹp và nom như đầy chim chóc đang hót, các bông hoa thơm ngào ngạt, nên chú bé Sao Băng hớn hở bước vào. Tuy rừng đẹp thật đấy, nhưng chẳng giúp gì cho chú được, vì bất cứ chỗ nào chú đặt chân tới thì các cây tầm xuân và các cây gai từ mặt đất đâm lên tua tủa và cản bước chú, các cây tầm ma quái ác châm chích chú, các cây kê lá sắc như dao đâm vào da thịt chú. Chú đau đớn, khốn khổ vô cùng. Chú không thể tìm đâu ra đồng tiền vàng màu trắng mà lão phù thủy đã nói đến, tuy rằng chú đã tìm từ sáng đến trưa, rồi từ trưa đến lúc mặt trời lặn. Trời tối, chú quay mặt nhìn về hướng nhà, khóc lóc thảm thiết, chú biết những gì mà số phận đang dành sẵn cho chú. Nhưng khi chú ra tới bìa rừng, chú bỗng nghe từ một lùm cây vọng ra tiếng kêu của một kẻ nào đó hình như bị mắc nạn. Quên nỗi buồn khổ của riêng mình, chú quay lại, chạy tới nơi và trông thấy một chú Thỏ con bị sa vào bẫy mà một người thợ săn nào đó đã đặt. Chú bé Sao Băng thấy thương hại chú Thỏ bé nhỏ, chú giải thoát cho Thỏ và nói:
– Bản thân anh cũng là một tên nô lệ, nhưng anh có thể trả tự do cho em.
– Anh đã đem lại tự do cho em. – Thỏ nói.
– Em phải đền đáp anh thế nào đây?
– Anh đang đi tìm một đồng tiền vàng sắc trắng, anh đã tìm khắp mà chẳng thấy. Nếu anh không mang được nó về cho ông chủ anh, anh sẽ bị ông ta đánh.
– Anh hãy đi với em. – Thỏ đáp.
– Em dẫn anh đến chỗ có đồng tiền ấy, vì em biết người ta cất giấu nó ở đâu và vì mục đích gì. Thế là chú bé Sao Băng cùng đi với Thỏ và… ô kìa! trong kẽ nứt của một cây sồi to, nó nom thấy đồng tiền vàng sắc trắng mà nó đang mải tìm. Lòng tràn ngập vui sướng, chú bé Sao Băng nắm lấy đồng tiền vàng và nói với Thỏ:
– Ta giúp em được một việc; em đền đáp lại nhiều lần hơn; ta yêu thương em một, em đền bù lại gấp trăm lần.
– Không phải thế đâu. – Thỏ đáp.
– Anh đối xử với em thế nào, em đối xử với anh thế ấy thôi mà. Nói xong, Thỏ lon ton chạy đi và chú bé Sao Băng đi về phía đô thị. Ngay lúc đó, có một người đang ngồi ở cổng thành và đó là một người bị bệnh hủi. Trên mặt y, đeo lủng lẳng một chiếc mũ chùm bằng len xám, và qua lỗ nhìn, đôi mắt y rực sáng như than hồng. Lúc y thấy chú bé Sao Băng đi tới, y gõ gõ vào chiếc bát gỗ và rung rung cái chuông kêu lanh canh, rồi y gọi chú bé:
– Cho ta một đồng tiền kẻo ta chết đói mất. Vì họ đã đuổi ta ra khỏi thành mà chẳng có ai thương xót ta cả.
– Chao ôi!
– Chú bé Sao Băng kêu lên.
– Trong bị cháu chỉ có một đồng tiền. Cháu mà không đem về cho ông chủ cháu sẽ bị đòn, cháu là nô lệ của ông ta mà. Nhưng người hủi cứ nài nỉ, cầu khẩn cho tới khi chú động lòng thương và cho y đồng tiền vàng. Khi chú về tới nhà lão phù thuỷ, lão ra mở cửa cho chú, đưa chú vào trong nhà rồi hỏi:
– Mi có lấy được đồng tiền sắc trắng không?
– Cháu không lấy được. – Chú bé Sao Băng đáp. Thế là lão phù thủy nhảy bổ vào chú, đánh túi bụi. Lão đặt trước mặt chú một cái thớt không và nói:
“ Ăn đi”, lão lại đặt trước chú một chiếc cốc không và nói:
“Uống đi”, rồi lão lại đẩy chú vào hầm tối. Sáng ngày hôm sau, lão phù thủy đến chỗ chú bé Sao Băng và bảo:
– Nếu hôm nay mi không đem về cho ta đồng tiền vàng, ta nhất quyết giữ mi làm nô lệ và sẽ đánh cho ba trăm roi. Chú bé Sao Băng lại đi vào rừng, chú tìm kiếm đồng tiền vàng suốt ngày, nhưng không tìm được. Đến lúc mặt trời lặn, chú đành ngồi xuống và khóc. Trong khi chú khóc lóc, chú Thỏ con mà chú đã cứu thoát khỏi cạm bẫy đến với chú. Thỏ hỏi:
– Cớ sao anh khóc? Anh tìm gì ở trong rừng?
– Anh đang tìm một đồng tiền vàng giấu ở đâu đây. Anh mà không tìm được, anh sẽ bị đánh và bị giữ lại làm nô lệ.
– Hãy theo em.
– Thỏ ta kêu, rồi chạy qua khu rừng, tới một cái ao nước. Và đồng tiền vàng đang nằm ở dưới đáy ao.
– Thỏ ơi, biết cám ơn em thế nào được đây?
– Chú bé Sao Băng nói.
– Vì em xem, đây là lần thứ hai em cứu anh.
– Không phải thế đâu. – Thỏ đáp.
-Anh đã thương em trước kia mà! Nói xong, Thỏ lại lon ton chạy đi. Chú bé Sao Băng nhặt lấy đồng tiền vàng, bỏ vào bị và hối hả trở về đô thị.
Nhưng người hủi thấy chú tới, bèn chạy lại gặp chú; y quỳ xuống và kêu rên:
– Cho lão một đồng tiền, không thì lão chết mất.
– Trong bị cháu đây chỉ có một đồng tiền vàng. – Chú bé Sao Băng đáp.
– Nếu cháu không đem nó về cho ông chủ, cháu sẽ bị đánh đòn và bị giữ lại làm nô lệ. Nhưng người hủi khẩn nài nó một cách đau khổ đến nỗi nó động lòng thương xót y và cho y đồng tiền vàng. Khi nó về tới nhà lão phù thủy, lão ra mở cửa cho chú, đưa chú vào và hỏi:
– Mi có lấy được đồng tiền vàng không?
– Không! Chú bé Sao Băng đáp. Thế là lão phù thủy nhảy bổ vào chú, đánh túi bụi, lấy xích nặng xích chú lại, rồi một lần nữa tống chú vào ngục tối. Sáng ngày hôm sau, lão lại vào và nói:
– Nếu hôm nay mi đưa về được cho ta đồng tiền vàng sắc hồng, ta sẽ trả tự do cho mi, nếu không thì nhất quyết ta sẽ giết mi. Chú bé Sao Băng lại lên đường đi vào rừng, suốt ngày chú tìm kiếm đồng tiền vàng sắc hồng, nhưng chẳng tìm đâu ra. Chiều đến, chú ngồi xuống và khóc. Lúc ấy con Thỏ bé nhỏ chạy tới. Thỏ nói:
– Đồng tiền vàng màu hồng mà anh đang tìm nó ở trong cái hang phía sau anh kìa. Anh đừng khóc nữa và hãy vui lên.
– Anh biết lấy gì đền ơn cho em được? – Sao Băng nói.
– Em cứu anh, đây là lần thứ ba.
– Không phải thế. Chính anh thương em trước kia mà. Thỏ nói rồi lon ton chạy đi. Chú bé Sao Băng bèn đi vào trong hang; ở góc sâu nhất, chú tìm thấy đồng tiền vàng sắc hồng. Chú vội bỏ vào bị và hối hả đi về đô thị. Nhưng người hủi thấy chú tới bèn ra đứng ở giữa đường và kêu to:
– Hãy cho tôi đồng tiền vàng sắc hồng, nếu không tôi chết mất! Chú bé Sao Băng lại thấy thương xót y, chú vừa cho y đồng tiền vừa nói:
– Ông cần đến nó hơn tôi nhiều. Miệng nói thế, nhưng lòng chú nặng trĩu, vì chú biết số phận cay nghiệt như thế nào đang đợi chú. Nhưng lạ chưa! Khi chú đi qua cổng thành, lính canh đều cúi khom người tỏ ý tôn kính chú; và họ nói:
– Thái tử của chúng ta mới đẹp làm sao! Một đám đông dân chúng kéo theo chú, miệng hò reo:
– Trong khắp thiên hạ, quả là chả có ai đẹp thế này! Nghe nói vậy, chú bé Sao Băng bèn khóc và tự nghĩ:
“Họ đang chế giễu mình đây; họ đâu có đếm xỉa đến sự đau khổ của mình!”. Vì dân chúng tụ tập quá đông nên chú lạc mất đường, rồi cuối cùng chú thấy mình đang đứng trên một quảng trường, ở đó có cung điện nhà vua. Cổng cung điện bỗng mở ra, các tu sĩ cùng các quan đại thần chạy lại để gặp chú, họ cúi lạy trước mặt chú và tâu:
– Người là thái tử của chúng tôi, là con trai đức vua của chúng tôi. Chúng tôi đang đợi Người.
– Tôi đâu phải là con vua. – Chú bé Sao Băng đáp.
– Tôi chỉ là con một người ăn xin nghèo khổ. Mà tại sao các ông lại nói tôi đẹp? Vì tôi biết tôi nom gớm ghiếc kia mà. Thế là cái người mặc áo giáp khảm những hoa vàng, trên mũ trụ có con sư tử có cánh giơ cao chiếc khiên và nói to:
– Thưa điện hạ, cớ sao Người lại nói Người không đẹp? Chú bé Sao Băng nhìn vào chiếc khiên và… lạ chưa! Khuôn mặt chú lại như xưa, vẻ duyên dáng trước đây đã trở về với chú; và trong đôi mắt chú, chú thấy được điều mà trước đây chú chưa từng thấy. Các tu sĩ và các quan đại thần quỳ xuống và tâu trình:
– Từ lâu, đã có sấm truyền rằng Người trị vì đất nước chúng tôi sẽ tới vào ngày hôm nay. Bởi vậy cúi xin thái tử nhận chiếc vương miện và cây thiền trượng này. Xin vì lẽ công bằng và lòng từ bi mà Người hãy là vua của chúng tôi. Nhưng chú bé Sao Băng nói với họ:
– Tôi không xứng đáng bởi vì tôi đã từ bỏ mẹ tôi. Tôi cũng không thể nghỉ ngơi cho tới lúc tôi tìm ra bà và nhận được lời tha tội của bà. Vậy các ông hãy để tôi đi, vì tôi còn phải đi khắp thế gian, không thể nán lại đây, mặc dầu các ông đem cho tôi chiếc vương miện và cây thiền trượng. Vừa nói như vậy, chú vừa quay mặt đi, nhìn về phía con đường dẫn tới cổng thành và lạ chưa, trong đám đông chen chúc quanh lính tráng, chú thấy bà ăn xin, mẹ chú, và người bị hủi đã từng ngồi bên đường cái, đang đứng cạnh bà.
Từ đôi môi của chú, bật lên một tiếng mừng vui; chú chạy tới, và vừa quỳ xuống, chú vừa hôn những vết thương trên đôi bàn chân của họ, nước mắt đầm đìa thấm ướt các vết thương. Chú giập đầu xuống đất vừa khóc nức nở như một người mà trái tim có thể tan vỡ, chú vừa nói với mẹ:
– Mẹ ơi, con đã ruồng rẫy mẹ trong những ngày con kiêu căng tự mãn. Mẹ hãy nhận con trong giờ phút con tối tăm hèn hạ. Mẹ ơi, con dành cho mẹ lòng căm ghét; mẹ hãy ban cho con tình yêu thương. Mẹ ơi, con đã từ chối không nhận mẹ. Bây giờ mẹ hãy nhận con là con mẹ. Nhưng bà ăn xin chẳng đáp lại nửa lời. Thế là chú vươn tay, ôm lấy chân người hủi và nói với y:
– Đã ba lần, cháu đã cho bác lòng thương xót của cháu. Xin bác bảo mẹ cháu nói với cháu một lần nữa. Nhưng người bị hủi không đáp lại nửa lời. Chú bé Sao Băng bèn khóc nức nở rồi nói:
– Mẹ ơi, nỗi thống khổ của con nặng nề quá sức con phải chịu đựng. Xin mẹ hãy ban cho con tấm lòng vị tha của mẹ, để rồi con sẽ đi vào rừng. Đến đây, người đàn bà ăn xin đặt tay lên đầu chú và nói:
“Đứng lên”, người bị hủi đặt tay lên đầu chú và cũng nói:
“Đứng lên”. Đang quỳ sụp xuống, chú bèn đứng lên nhìn hai người thì… lạ chưa! Đó là vua và hoàng hậu. Hoàng hậu nói với chú:
– Đây là cha con, người mà con đã cứu giúp. Và vua nói:
– Đây là mẹ con, người mà con đã lấy nước mắt rửa sạch đôi bàn chân Người. Rồi họ ôm lấy chú, hôn chú và đưa chú vào hoàng cung, mặc cho chú quần áo sang trọng, đặt vương miện lên đầu chú, trao chiếc thiền trượng vào tay chú. Từ đó, chú bé Sao Băng trị vì thành bang nằm bên con sông, và làm chủ thành bang. Với tất cả thần dân, nhà vua mới tỏ ra công minh và nhân từ; tên phù thủy bị Sao Băng đuổi ra khỏi thành bang. Đối với bác tiều phu và vợ bác, vua gửi nhiều quà tặng quý giá; với con cái của họ, vua ban cho quyền cao chức trọng.
Nhà vua cũng không cho phép bất cứ ai được độc ác với chim muông, trái lại còn dạy cho họ lòng yêu thương trìu mến và lòng từ thiện; đối với người nghèo khổ vua cho cơm ăn, với những kẻ không có áo quần mặc, vua cho quần cho áo. Cảnh thái bình thịnh trị diễn ra trên đất nước của chú bé Sao Băng. Nhưng chú bé Sao Băng trị vì không được lâu dài vì nỗi đau đớn xưa kia của chú lớn quá và ngọn lửa thử thách gắt gao quá cho nên làm vua được ba năm thì chú mất. Và kẻ đến sau chú thì cai trị thần dân một cách độc ác xấu xa.