27/05/2018, 02:24

Chọn lọc bò sữa làm giống

Các tính trạng chọn lọc cơ bản của bò sữa Các tính trạng của bò sữa không phải có giá trị như nhau. Tuỳ theo mục đích chọn giống người ta mong muốn con giống có được một số tính trạng đạt được những yêu cầu nhất định. Các tính trạng cơ bản của bò sữa thường được quan tâm là: sản lượng sữa, hàm ...

Các tính trạng chọn lọc cơ bản của bò sữa

Các tính trạng của bò sữa không phải có giá trị như nhau. Tuỳ theo mục đích chọn giống người ta mong muốn con giống có được một số tính trạng đạt được những yêu cầu nhất định. Các tính trạng cơ bản của bò sữa thường được quan tâm là: sản lượng sữa, hàm lượng mỡ, protein và vật chất khô trong sữa, thể trọng, kích thước và hình dạng bầu vú, hệ số ổn định của chu kỳ sữa, tốc độ thải sữa, hiệu quả sử dụng thức ăn, khả nãng sinh sản. thời gian sử dụng, kha năng kháng bệnh, các đạc trưng cơ bản về ngoại hình thể chất, v.v…

Trong thực tế việc chọn lọc với tất cả các tính trạng như vậy không thể thực hiện được. Trong đàn gia súc khó mà tìm được một cá thể nào thoả mãn được yêu cầu của nhà chọn giống về tất cả các tính trạng mong muốn. Vì vậy số lượng các tính trạng đưa vào chọn lọc sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết quả chọn lọc. Số lượng tính trạng sử dụng khi chọn lọc càng nhiều thì hiệu ứng chọn lọc đối với từng tính trạng riêng biệt càng thấp. Ngược lại, chọn lọc theo một tính trạng thì có thể thu được kết quả tốt về tính trạng đó trong một thời gian ngắn. Như vậy khi số lượng các tính trạng được sử dụng càng nhiều thì việc chọn lọc theo từng tính trạng riêng càng phức tạp và khó khăn. Cho nên về lý thuyết và thực hành chọn giống bò sữa cần phải biết được mức độ tương quan di truyền giữa các tính trạng để có thể xác định được ảnh hưởng của việc chọn lọc tính trạng này đến sự thay đối của tính trạng khác như thế nào.

Những tính trạng quan trọng nhất của bò sữa thường được quan tâm chọn lọc là:

– Sản lượng sữa/chu kỳ 305 ngày. Đay là tính trạng quan trọng để đánh giá tiềm năng cho sữa của bò.

– Sản lượng sữa/100kg thể trọng (hệ số năng suất sữa). Đây là chỉ tiêu quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi bò sữa vì nó liên quan đến tỷ lệ phần thức ăn chi phí cho duy trì cơ thể và phần thức ăn dùng cho sản xuất sữa. Một con bò quá to có thể cho nhiều sữa nhưng thường không kinh tế vì số lượng thức ăn cần cho 1 kg sữa có thể quá cao do phải chi phí lớn cho nhu cầu duy trì cơ thể.

– Tỷ lệ mỡ sữa. Đây là chỉ tiêu phản ánh chất lượng sữa và giá bán 1 kg sữa thường được tính theo tỷ lệ mỡ sữa. Hơn nữa chỉ tiêu này thường có tương quan dương với các chỉ tiêu chất lượng sữa khác nhưng lại có tương quan âm với sản lượng sữa, nên nếu không chọn lọc theo chỉ tiêu này mà chỉ chọn lọc theo sản lượng sữa thì dễ làm giảm chất lượng sữa.

– Sản lượng sữa tiêu chuẩn (4% mỡ). Chỉ tiêu này nhằm chuẩn hoá chất lượng sữa trước khi so sánh năng suất.

Để chọn lọc theo nhiều tính trạng, có thể chọn lọc theo 3 phương pháp sau đây:

– Chọn lọc lần lượt theo từng tính trạng: trong một vài thế hệ chỉ chọn lọc trên một tính trạng (ví dụ sản lượng sữa), đến khi đạt được mức độ dự định thì chuyển sang chọn lọc theo tính trạng khác.

– Chọn lọc theo mức không phụ thuộc: Xác định yêu cầu tối thiểu cho mỗi tính trạng và tiến hành chọn lọc đồng thời trên tất cả các tính trạng cần chọn lọc. Những con có các chỉ tiêu vượt các giá trị tối thiểu đó thì mới được chọn lọc để làm giống.

– Chọn lọc theo chỉ số chọn lọc: Đánh giá tổng hợp bò cái thống nhất trong một chỉ tiêu tổng hợp (hay chỉ số). Một chỉ số như vậy có thể phối hợp nhiều tính trạng với nhau trên cơ sở xác định tầm quan trọng tương đối của mỗi tính trạng, sự tương quan giữa các tính trạng với nhau, hệ số di truyền, hệ số lặp lại và giá trị kinh tế của từng tính trạng.

Đánh giá và chọn lọc trâu bò đực giống

Để có được bò đực giống tốt người ta phải tiến hành đánh giá và chọn lọc theo nguồn gốc, cá thể và đời sau.

Đánh giá và chọn lọc theo nguồn gốc

Muốn tiến hành đánh giá và chọn lọc theo nguồn gốc cần phải có hệ phả của con vật. Nội dung đánh giá theo nguồn gốc bao gồm các tính trạng về ngoại hình, mức độ thành thục, năng suất và chất lượng sữa, thời gian sử dụng làm giống của các tổ tiên.

Đọc thêm  Làm thế nào để nuôi bò sữa có lời?

Khi đánh giá và chọn lọc theo hệ phả cần chú ý mấy điểm sau:

– Tổ tiên càng xa thì mức độ ảnh hưởng di truyền càng giảm.

– Giá trị của hệ phả được nâng lên nếu các tổ tiên xuất sắc gặp nhiều lần.

– Nếu các tổ tiên được chọn lọc qua đời sau thì việc chọn lọc theo tổ tiên sẽ có giá trị lớn.

– Thông tin về anh chị em ruột thịt và nửa ruột thịt có ý nghĩa quan trọng vì những con này thừa hưởng cùng nguồn gen với con vật đang được xem xét.

Đánh giá và chọn lọc theo cá thể

Đực giống phải có sức khoẻ tốt, mang các đặc tính của giống và thể hình phù hợp với hướng sản xuất, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về giống. Đực giống tốt có tốc độ sinh trưởng cao, thể trọng lớn, thể hình cân đối. Các khớp chắc chắn và cử động đứt khoát. Hệ cơ phát triển, đường sống lưng bằng phẳng, ngực rộng và sâu, lưng và hông rộng, mông phát triển tốt, bốn chân cân đối, lông trơn, không dòn. Các cơ quan sinh dục chính và thứ cấp phát triển tốt. Đặc biệt, các chỉ tiêu về tinh dịch phải tốt.

Bò đực giống không được phép có các khuyết tật về ngoại hình như đầu quá to và quá sâu, vai lưng kết hợp không tốt,hông lõm,mông dạng mái nhà, chân vòng kiềng, xương cổ chân trước cong, dạng chân voi (chân sau), lông không đều và dòn.

Đánh giá và chọn lọc theo đời sau

Mục đích dùng đực giống là để lấy đời sau, do đó thực chất giá trị của đực giống là biểu hiện của nó thông qua đời sau. Bởi vậy việc đánh giá và chọn lọc đực giống theo chất lượng đời sau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ý nghĩa của việc đánh giá và chọn lọc được nâng lên rõ rệt khi áp dụng thụ tinh nhân tạo, đặc biệt là sử dụng tinh đông viên và tinh cọng rạ vì các kỹ thuật này giúp làm tăng số lượng đòi sau của mỗi đực giống và cho phép giữ được một lượng tinh lớn cho đến khi có kết luận qua đánh giá qua đời sau mới quyết định việc sử dụng.

Những yêu cầu khi đánh giá đực giống theo đời sau

– Chỉ những con đực đạt yêu cầu khi đánh giá theo nguồn gốc và ngoại hình thể chất mới được dự kiểm tra đời sau.

– Đánh giá ở đời sau phải dựa vào không chỉ một mà phải trên một tập hợp các tính trạng.

– Phải tiến hành trong những điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng đảm bảo sự phát triển bình thường và sự biểu hiện các chất lượng sản phẩm của đời sau và cố gắng càng gần với các điều kiện sản xuất mà sau này sử dụng đực giống đó.

– Những bò cái được dùng để ghép đôi với bò đực cần kiểm tra phải có chất lượng, đặc tính giống và nguồn gốc gần với mức trung bình của thành phần bò cái dự kiến sau này sẽ sử dụng tinh của những bò đực được kiểm tra.

– Số lượng bò cái ghép với mỗi đực giống kiểm tra phải đảm bảo thu được số con đủ để đánh giá chính xác chất lượng giống của chúng. Thường người ta dùng 25 – 30 đời sau/đực giống. Số lượng đời sau càng nhiều thì kết luận càng chính xác nhưng đòi hỏi tốn nhiều chi phí cho việc kiểm tra.

Các bước tiến hành để đánh giá đực giống theo đời sau

– Chọn đối tượng: Chọn những bê đực đạt yêu cầu khi đánh giá về nguồn gốc và giám định sơ bộ về ngoại hình lúc 1 tuổi (không dưới 75 điểm).

– Nuôi dưỡng đến 14 – 15 tháng tuổi, lấy tinh dịch kiểm tra, nếu tốt thì cho phối với những bò cái đã chọn trong vòng 2 – 3 tháng để thu được lứa bê đồng đều, tránh ảnh hưởng của mùa vụ. Chênh lệch sản lượng sữa bình quân của các nhóm cái không được quá 10%, giữa các các thể không quá 20%.

– Trong khi chờ kết quả kiểm tra, khai thác tinh dịch làm tinh đông viên/cọng rạ dự trữ ít nhất là 5000 liều.

– Khi bê sinh ra (bê cái) nuôi dưỡng chăm sóc cẩn thận. Khi bê cái đến 18 tháng tuổi bắt đầu cho phối giống và khi chúng đẻ thì bắt đầu theo dõi sức sản xuất của lứa 1.

Đọc thêm  Một số giống bò sữa phổ biến trên thế giới

Dựa vào các kết quả thu được sẽ tiến hành các phương pháp đánh giá.

Các phương pháp đánh giá đực giống

Có thể chia các phương pháp được áp dụng từ trước tới nay thành các nhóm cơ bản như sau:

– So sánh các nhóm con gái của các đực giống với nhau. Trong phương pháp này con gái của các đực giống khác nhau được nuôi ở các trại thí nghiệm đặc biệt với các điều kiện tương tự nhau và được tiêu chuẩn hoá.

– So sánh sức sản xuất của con gái đực giống với với chỉ tiêu trung bình của đàn hay của một nhóm trong đàn có các điều kiện tương tự, ví dụ như bạn đàn cùng tuổi, hay so với tiêu chuẩn của giống. Tuỳ theo mức độ sai khác mà con đực được xếp vào các cấp khác nhau.

– So sánh sức sản xuất của con gái với sức sản xuất của mẹ chúng.

– Đánh giá đực giống theo giá trị giống ước tính dưới dạng một chỉ số. Phương pháp này phối hợp nhiều thông tin từ tổ tiên đến đời sau vào trong một chỉ số duy nhất biểu thị tiềm năng sản xuất của chúng. Hiện nay người ta đã xây dựng những phần mềm chuyên đụng để ước tính giá trị giống của bò đực giống.

Đánh giá và chọn lục bò cái giống

Nội dung đánh giá và chọn lọc bò cái về nguyên tắc cũng bao gồm nguồn gốc, cá thể (ngoại hình thể chất và sức sản xuất) và đời sau. Tuy nhiên do số lượng đời con sinh ra từ một con bò cái không lớn nên việc chọn lọc thường chỉ áp dụng chặt chẽ đối với đàn cái hạt nhân là nhưng con sẽ được chọn lọc để làm mẹ đực giống sau này.

Đánh giá và chọn lọc theo nguồn gốc

Việc đánh giá và chọn lọc bò cái giống theo nguồn gốc về nguyên tắc cũng tương tự như đối với bò đực giống.

Đánh giá và chọn lọc theo cá thể

Bò cái giống phải được đánh giá và chọn lọc theo cả ngoại hình thể chất (NHTC) và sức sản xuất (SSX).

Ngoại hình thể chất

Đánh giá và chọn lọc bò cái theo sức khoẻ và NHTC có ý nghĩa lớn bởi vì chỉ có những con khoẻ mạnh thì mới có khả năng cho sức sản xuất cao. Bò cái phải có hệ xương chắc chắn, ngực sâu, rộng, lưng bằng phẳng, phần giữa của thân mình phát triển tốt, mồng tương đối dài và phẳng, tuyến sữa phát triển tốt, tĩnh mạch vú ngoằn ngoèo nổi rõ. Chân phải chắc chắn, cân đối. Lông đều, sừng chắc và trơn. Bò cái thân rộng tốt hơn hẹp thân cao chân. Bò phải có thể trọng thích hợp vì trong phạm vi nhất định thì khi tăng thể trọng SSX sẽ tăng lên, nhưng quá phạm vi đó thì SSX sẽ giảm xuống. Thể trọng hợp lý nhất là khi hệ số năng suất sữa (kg sữa/100kg thể trọng) đạt được mức cao nhất. Hình dạng và kích thước bầu vú và núm vú cũng có ý nghĩa quan trọng vì có liên quan đến năng suất sữa và kỹ thuật vắt sữa bằng máy.

Sức sản xuất

Có thể đánh giá và chọn lọc bò cái theo các chỉ tiêu sau:

– Sản lượng sữa của kỳ cho sữa cao nhất.

– Sản lượng sữa bình quân/chu kỳ.

– Sản lượng sữa suốt đời.

– Sản lượng sữa/100kg thể trọng (hệ số năng suất sữa).

– Chất lượng sữa (hàm lượng mỡ, protein và VCK).

Hệ số ổn định (%) =  Sản lượng sữa thực tế X 100 / Sữa ngày cao nhất  X số ngày cho sữa

– Tốc độ thải sữa: khối lượng sữa vắt được/phút.

Bên cạnh các chỉ tiêu kể trên khi đánh giá bò cái cần tính đến khả năng sinh sản của nó bằng cách tính số con thu được trong thời gian sử dụng hay tính chỉ số sinh sản (K):

K = Số bê sinh ra trong thời gian sử dụng/ Tuổi sử dụng bò cái (năm)

Chọn lọc theo đời sau

Về nguyên tắc có thể đánh giá bò cái theo đời sau, nhưng trong thực tế rất ít khi được thực hiện. Đó là vì trong một đời bò cái số lượng con thu được và sử dụng không lớn. Vả lại khi biết được sức sản xuất của con gái thì bò mẹ thường là không còn sống nữa.

0