18/06/2018, 16:04

Chinh An Nam kỷ lược

Nguồn ảnh :Nguyễn Duy Chính Thiên ký sự Chinh An Nam kỷ lược một cái nhìn của người Trung Hoa về tình hình Việt Nam cuối thế kỷ XIX N guyễn Quốc Vinh Xưa và Nay.- 1999.- Số 61B (1.980) Chinh An Nam kỷ lược ghi chép sơ lược về cuộc chinh phạt An Nam là một thiên ký sự, ...

chinh an nam ki luoc

Nguồn ảnh :Nguyễn Duy Chính

Thiên ký sự Chinh An Nam kỷ lược một cái nhìn của người Trung Hoa về tình hình Việt Nam cuối thế kỷ XIX

Nguyễn Quốc Vinh

Xưa và Nay.- 1999.- Số 61B (1.980)

Chinh An Nam kỷ lược ghi chép sơ lược về cuộc chinh phạt An Nam là một thiên ký sự, được chép lại trong quyển thứ mười của bộ Tiểu phương hồ trai dư địa tùng sao được khắc in vào năm 1887. Tác giả là Sư Phạm, người gốc Triệu Xuyên (Vân Nam), sinh năm 1751 và mất năm 1811. Ông là tác giả của nhiều công trình sử liệu đồ sộ về Vân Nam và các nước lân cận (nhất là Miến Điện, nơi đã xảy ra nhiều lần chinh phạt dưới thời Càn Long). Toàn văn khá ngắn, chỉ vỏn vẹn gồm 2257 chữ. Có thể tóm tắt nội dung thành những phần chính sau:

1. Bối cảnh dẫn đến việc chinh phạt:

– Quan hệ giữa Trung Quốc và người Việt Nam từ xưa đến nay (cuối đời Gia Long).
– Sự loạn ở Việt Nam vào năm 1788: phản ứng của Trung Quốc.
– Nguồn gốc sự loạn lạc ở Việt Nam: tường trình của một bề tôi nhà Lê lưu vong với Tổng đốc Vân Qúy (Phú Cương).
– Thông tin của tuần phủ Quảng Tây (Tôn Vĩnh Thanh) về số người nhà Lê sang tị nạn.

2. Vai trò của quân Điền [Vân Nam] trong cuộc chinh phạt Việt Nam.

– Xuất xứ và công tác hậu cần.
– Lộ trình chi tiết từ Vân Nam đến Tuyên Quang.
– Thông tin về chiến tích và thất bại của quân Việt [Lưỡng Quảng].
– Thuận lợi của quân Điền [Vân Nam] trong việc ra quân và rút quân.

3. Bình luận về vai trò của đất Điền trong việc chế ngự người Việt Nam:

– So sánh cuộc nổi dậy của Tây Sơn ngày nay với nhà Mạc trước đây.
– Sách lược chia để trị đối với người Việt.

Thiên ký sự này có khá nhiều ưu khuyết điểm lẫn lộn. Phần tường thuật khá dài về tình hình rối loạn ở Việt Nam là một thông tin gián tiếp từ một vong thần nhà Lê nên có ít nhiều sự lầm lẫn về sự kiện và năm tháng, đồng thời có thái độ thù địch đối với phong trào Tây Sơn. Tuy độ chính xác không cao, phần ký sự này vẫn có giá trị đáng kể vì nó phản ảnh lượng nhiễu thông tin và sự hiểu biết mơ hồ về tình hình Việt Nam, không riêng gì đối với người Trung Hoa mà ngay cả giữa Bắc Hà với Nam Hà. Một thông tin gián tiếp khác có giá trị bổ sung cho các nguồn sử liệu Việt Nam là danh sách họ tên của mẹ, vợ và con trai Lê Chiêu Thống.

Sư Phạm đã cung cấp được nhiều thông tin khá tỉ mỉ về công tác hậu cần và về lộ trình tiến quân từ Vân Nam đến Tuyên Quang, hầu như vẽ ra được một bản đồ địa hình sinh động suốt 1100 dặm đường biên giới Việt-Thanh. Việc binh dịch ở đây quy mô khá lớn và đồ sộ, với 2 vạn phu phen và 3 nghìn trâu ngựa để vận lương, tuy không lên đến cả chục vạn quân như sử Việt Nam vẫn viết, nhưng hẳn là phải lớn hơn con số nửa chục vạn quân chính quy từ Vân Nam như chép trong chính sử Trung Quốc. Nhưng có lẽ vì quân Điền [Vân Nam] chỉ đóng một vai phụ khá khiêm nhường so với quân Việt [Lưỡng Quảng] trong chiến trận Việt Nam nên ở đây lại nhắc rất ít hoặc chỉ gián tiếp đến tình hình chiến sự trên trục lộ chủ đạo từ Lạng Sơn vào Thăng Long.

Ngoài quan điểm bá quyền nước lớn trong phần bình luận, thiên ký sự này còn bộc lộ quan điểm địa phương cục bộ khi đề cao tài ứng xử của quân Vân Nam bảo toàn lực lượng mà quay về trong khi quân Lưỡng Quảng tan vỡ trước đòn phản công của Tây Sơn. Một chi tiết đáng quan tâm, mặc dù chưa rõ độ tin cậy của nó, là thông tin về sự rút quân khá trễ của quân Vân Nam mãi đến ngày 21 tháng Giêng, tức là nữa tháng sau khi quân Tây Sơn đại thắng ở Thăng Long. Hơn nữa, công trạng được quy cho trung thần nhà lê là Hoàng Văn Thông (chắc là Hoàng Văn Đồng như sử Việt Nam vẫn quen chép) là điều đáng nghi ngờ vì sử Việt Nam (dựa theo chính sử của nhà Nguyễn) vẫn cho rằng Hoàng Văn Đồng là kẻ phản thần nhà Lê đã bán đứng em trai Lê Chiêu Thống và Lê Duy Chỉ cho Tây Sơn.

Trước đây chỉ có cố học giả Hoàng Xuân Hãn là đã nhắc đến thiên kí sự Chinh An Nam kỷ lược này, nhưng chỉ trích dẫn một vài đoạn ngắn để khảo chú cho bản dịch thiên Càn Long chinh phủ An Nam Ký(1) (trích từ bộ Thánh vũ ký) của Ngụy Nguyên viết vào giữa thế kỷ 19(2). Thiết nghĩ rằng thiên ký sự ngắn này vẫn đáng cho ta lưu ý vì nó là một bản tường thuật hiếm hoi của một nhân chứng đương thời. Có lẽ chỉ có bộ ký sự của Trần Nguyên Nhiếp (bí thư của Tôn Sĩ Nghị) là có giá trị thời sự lớn hơn mà thôi, nhưng tiếc rằng bộ An Nam quân doanh kỷ lược vẫn chưa được công bố đầy đủ để tham khảo(3). Giới thiệu thiên ký sự Chinh An Nam kỷ lược của Sư Phạm nhằm góp chút tư liệu đối chứng để chúng ta tham khảo thêm về một sự kiện trọng đại vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Vì khuôn khổ tạp chí có hạn, chúng tôi phải lược bỏ một vài đoạn.

Ghi chép sơ lược về cuộc chinh phục An Nam

Sư Phạm (là người) Triệu Xuyên soạn.

Nước An Nam vào thời đường (Nghiêu), Ngu (Thuấn) là đất Nam Giao, vào thời nhà Chu là đất Việt Thường, vào các thời Hán, Đường và Ngũ Quý đều thuộc nội địa (Trung Quốc). Đến thời Tống thì cũng bị bỏ mất theo đất Vân Nam. Vào đầu đời Vĩnh Lạc nhà Minh có bình định An Nam, (nhưng) chẳng bao lâu thì bỏ mất trở lại. Vào tháng 6 năm Mậu Thân đời Càng Long (1788), nước ấy có loạn, vua nước ấy xuất vong, gia đình quyến thuộc cùng các đại thần trốn chạy sang nội địa [Trung Quốc], đến gửi thân ở đất Việt là ngài Tôn Vĩnh Thanh nghe chuyện, rồi tổng đất đốc Việt [Quảng] Tây. Tuần phủ đất Việt là ngài Tôn Vĩnh Thanh nghe chuyện, rôi tổng đốc đất Việt [Lưỡng Quảng] là ngài Tôn Sĩ Nghị nghe và tra hỏi tận nơi, lại còn gấp rút đến Nam Ninh[**](4). Hoàng thượng xuống mệnh cho các đất Điền và Việt cùng cất quân thảo phạt. Ngài Tôn (Sĩ Nghị) làm tổng lãnh quân đội, các đề trấn trở xuống đều nhận cờ tiết, còn quân Điền thì dùng làm thanh viện. Bởi vậy vào lúc tổng đốc đất điền là Phú Cương đốc quân nghỉ tại khai Hóa thì bất chợt có mệnh vua ban xuống, nhưng chỉ truyền cho tra xét sư loạn ở An Nam, bởi chưa chắc sư loạn ấy lại tự dưng mà xảy ra. Vừa dịp trong bọn bề tôi nước An Nam trốn chạy sang Trung Quốc có kẻ từ đất Việt Tây do nẻo Khai Hóa mà trở về nước mình, ngài Phú (Cương) cho gọi để tra hỏi, hắn kể đầy đủ nguyên ủy dẫn đến sự loạn.

(…) Năm Càn Long thứ 50 (1785) vua Cảnh Hưng bệnh, Trịnh Đống(5) giết thái tử của vua(6), sắp sửa lập em vua Cảnh Hưng là ông Hoàng Tư Lê Duy Cẩn(7), (nhưng) các quan An Nam không chịu phục. Trịnh Đống ngầm tính rằng vua Cảnh Hưng mà chết thì ta sẽ lên thay. Thế nhưng lại ngại mối thù nối đời với Quảng Nam, phải diệt trước thì mới khỏi hậu hoạn. Gặp khi đất Tây Sơn thuộc về vua Quảng Nam có thổ tù là anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lừng danh hào kiệt, được Trịnh Đống rất mực chiêu dụ cùng tiêu diệt vua Quảng Nam rồi sẽ lấy đất ấy cho họ. Nhạc để bụng chuyện Trịnh Đống, thế nhưng lại nhân dịp này bắt (cá) hai (tay), giả vờ trình bày với vua Quảng Nam, thỉnh xin lĩnh binh thảo phạt Trịnh Đống, trúng vào ý muốn của mình nên (vua Quảng Nam) bèn thuận cho. Vua Quảng Nam đem binh giao cho Nguyễn Nhạc, lập tức bị hắn và Trịnh Đống hợp lại giết. Cả nhà vua Quảng Nam đều bị diệt(8). Nguyễn Nhạc chiếm giữ được đất Quảng Nam, Trịnh Đống cho rằng đất ấy ở cuối biển, giữ thì khó, (nên) tạm giao cho hắn, (rồi) một mình về kinh thành nhà Lê, lúc đó là tháng sáu năm Càn Long thứ 51 (1786)(9). Từ đó anh em Nguyễn Nhạc nhờ vào Quảng Nam, chiêu tập binh mã ngày càng cường thịnh, chiếm giữ Phú Xuân, tự lập làm vua Thái(10) (…)

Có tên Cống Chỉnh là thuộc hạ của Hoàng Đình(11) oán Trịnh Tông giết chủ mình, thề báo thù, sang đầu hàng Nguyễn Nhạc ở Quảng Nam, mưu diệt Trịnh Tông. Vì thấy hắn là gia nhân họ Trịnh nên anh em Nguyễn Nhạc nghi ngại chẳng chịu dùng, sau đó vì hắn cố công chiếm đất Chiêm Thành mới tin, bèn hưng binh đến Lê kinh đánh giết Trịnh Tông, diệt nhà hắn. Vua Lê thấy anh em họ Nguyễn giết Trịnh Tông trừ hậu hoạn, mừng to, xét thấy chẳng có gì để đền đáp công ơn, bèn giữ Nguyễn Huệ ở lại đất Lê, rồi lấy con gái gả cho hắn. Nguyễn Nhạc nén giận, rồi về Quảng Nam. Vào tháng 7 năm [Càn Long] thứ 52 (1787), vua Lê mất, cháu tự tôn là Lê Duy Kỳ lên ngôi, lấy hiệu là vua Chiêu Thống(12). Nguyễn Huệ ở kinh thành nhà Lê cướp đi voi ngựa vàng bạc các thứ, vào giữa tháng tám cùng vợ về Quảng Nam lại bi Nguyễn Nhạc chiếm đoạt tài vật của mình, do đó anh em bất hòa. Nguyễn Huệ ở riêng ra Phú Xuân, đắp lũy xây thành, sai tướng của mình là tiết chế Nguyễn Nhậm(13) dẫn quân công phá kinh thành nhà Lê(14). Cống Chỉnh chết trận, vua Lê Chiêu Thống trốn chạy đến Sơn Nam. Nguyễn Nhậm chiếm giữ được kinh thành nhà Lê, các quan trấn thủ các phủ châu huyện kẻ trốn thì trốn, kẻ hàng thì hàng. Nguyễn Nhậm sai bè đảng của mình chia ra giữ các nơi trọng yếu, lại còn có ý soán nghịch, mà Ông Hoàng Tư Lê Duy Cẩn liền đầu hàng giặc, nhận phong làm Sùng Nhượng công vậy(15). Năm [Càn Long] Thứ 53 (1788), Nguyễn Huệ lại dẫn đến mấy vạn quân đến kinh thành nhà Lê, đánh tiếng rằng Nguyễn Nhậm khinh chủ, chém rắn, rồi sai người mời tự quân Chiêu Thống về phục vị, nhà vua biết lòng dạ hắn khó lường, chẳng chịu ra mặt, còn thần dân ở kinh thành nhà Lê cũng không chịu phục. Huệ chẳng dám ở kinh thành nhà Lê, bèn ra lệnh tiêu hủy thành nội, cung thất miếu đền gạch đá cây gỗ, vơ vét tài vật, theo đường thủy mà về Phú Xuân, để lại ba ngàn người giữ thành nhà Lê.

Nước An Nam có 38 phủ, 56 châu, 118 huyện, số đầu hàng Nguyễn (Tây Sơn) rất nhiều, chỉ có Tuyên Quang và Hưng Hóa là chưa hàng. Gia đình quyến thuộc của vua Lê từ kinh thành nhà lê bị thất tán, lần lược đến đất tiếp giáp Quảng Tây, qua sông cầu cứu nơi Trung Quốc. Lời hắn kể như vậy.

Ngoài ra quan tuần phủ đất Việt (Quảng) còn hỏi riêng được và kê khai ra danh tính những người quyến thuộc của tự tôn An Nam quốc vương cùng bọn tùy tùng di mục là: Nguyễn Thị Ngọc Tố là mẹ của Lê Duy Kỳ, Nguyễn Thị Ngọc Thụy là vợ Lê Duy Kỳ, Lê Duy Thuyên ba tuổi là con trai Lê Duy Kỳ, bọn đàn ông có chức phận là sáu người, bọn đàn bà có tước vị là sáu người, bọn nô bộc theo hầu gồm ba mươi sáu tên.

Ngày 27 tháng 10 năm ấy (1788), khi ngài Phú (Cương) cùng đề đốc Ô Đại Kinh đem tám nghìn quân đi. Vào đầu thời nhà Nguyên, việc chinh phạt An Nam nhờ vạn hộ quý bang hiến là Lưu Thế Anh lĩnh quân mở đường từ Thủy Bình vào An Nam, mỗi 30 dặm lại lập một trại, 60 lại đặt một trạm, mỗi trại mỗi trạm đồn trú 300 quân. Thế nhưng lúc đó theo Quảng Tây ra đi đến An Nam thì gần, còn nay Vân Nam cách đó xa hơn, nên chỉ lập ra 25 đài trạm, chở lương 4 vạn thạch, phu phen 2 vạn tên, ngựa 2 nghìn cỗ, trâu 2 nghìn con, mỗi đài phu phen 400 tên, binh đinh 20 tên, ngựa 10 cỗ, phu phen dư và ngựa dư làm dự bị, tiếp ứng tới lui, lập đài từ cửa quan Mã Bạch trở đi, đến trấn Tuyên Hóa thì ngừng, tổng cộng hai mươi đài, suốt đường là một trăm dặm.

Mã Bạch thuộc Khai Hóa là đất nội địa [Trung Quốc], đó là đất sở trị của quan binh Khai Hóa.

Trước đó, ngày hai mươi tám tháng mười, ngài tổng đốc Tôn (Sĩ Nghị) đem đề đốc Quảng Tây là Hứa Thế Hanh ra cửa Trấn Nam Quan, tiến theo đường Lạng Sơn. Ngày 13 tháng 11 đánh bại quân giặc ở sông Thọ Xương, ngày 15 đến Thị Cầu, giặc chặn đường ở sông Phú Lương, tiến đánh thì giặc vỡ to, ngày 20 vào kinh thành nhà Lê, định vị cho tự tôn Lê Duy Kỳ. Thành thử khi quân Điền đến điếm thì An Nam đã bình định rồi vậy. Gặp khi có lệnh ban sư, ngày 21 tháng giêng năm sau dẹp đài về Vân Nam. Xét thấy rằng sở dĩ quân Điền thẳng tiến mà không bị ngăn là nhờ Hoàng Văn Thông(17) mở đường. Hoàng Văn Thông là bề tôi họ Lê, trung với nhà Lê. Gặp Nguyễn [Tây Sơn], quốc dân nhà Lê lắm kẻ phản mà theo Nguyễn, chỉ mình Văn Thông giữ cho nhà Lê. Gặp khi đại binh nam chinh(18), Văn Thông bèn mở đường cho quân Điền. Trên hơn nghìn dặm quân đi có sẵn nệm chiếu. Quân Việt bị đổ vỡ, chỉ mỗi quân Điền được rầm rộ mà về, há chẳng phải công của Hoàng Văn Thông sao? (…)

Chú thích:

Chúng tôi xin đặc trong ngoặc tròn (-) những chữ do chính mình thêm thắt, và trong ngoặc vuông [-] những cụm từ đồng nghĩa với nguyên văn, để làm sáng nghĩa và xuôi mạch văn cho bản dịch; và xin dành các cước chú để đốI chứng và bình luận về nội dung một số chi tiết và sự kiện lịch sử.

(1) Theo đúng tự dạng nhuyên văn chữ Hán, không hiểu tại sao cụ Hãn lại quyết định đọc chữ “phủ” thành chữ “vũ”?
(2) Hoàng Xuân Hãn, “ Việt – Thanh chiến sử, theo Ngụy Nguyên”. Saigon: Sử Địa số 9 và 10 (1968).
(3) Cố học giả Trần Văn Giáp đã phát hiện bộ sách chép tay gồm 3 quyển này tại Bắc Kinh quốc lập đồ thư quán vào năm 1954, và sau đó Văn Tân đã trích dẫn một số đọan đối chứng trong cuốn Cách mạng Tây Sơn (Hà NộI:NXB Văn Sử Địa, 1958.tr. 115, 134-135). GS Phan Huy Lê cho chúng tôi biết rằng tạI Bắc Kinh, nhưng tiếc là chưa có điều kiện thuận tiện để công bố và giới thiệu tường tận hơn.
(4) Nguyên văn chữ Hán “ diệc trì vãng Nam Ninh [**], bị mất hai chữ.
(5) Sử Việt Nam vẫn quen chép là Trịnh Sâm, giữ ngôi chúa từ 1767 đến 1782.
(6) Đúng ra thì Trịnh Sâm đã giết thái tử Lê Duy Vĩ từ năm 1771.
(7) Đúng ra thì Lê Duy Cẩn là con trai thứ tư của vua Lê Cảnh Hưng, được lập làm thải tử sau khi Lê Duy Vĩ bị Trịnh Sâm giết năm 1771.
(8) Đúng ra thì hai chúa Nguyễn (Phúc Thuần và Phúc Dương) bị Nguyễn Huệ bắt và giết năm 1777, không có sự tham gia của quân Trịnh. Cả họ chúa Nguyễn đều bị giệt, chỉ trừ có Nguyễn Ánh trốn thoát được.
(9) Đúng ra thì Trịnh Sâm chỉ sai Hoàng Ngũ Phúc làm tướng nam chinh năm 1774. Hoàng Ngũ Phúc đã rút về giữ Thuận Hóa rồI mất năm 1775. Sau đó Nguyễn Nhạc được chúa Trịnh ban tước Cung quốc công và cho trấn nhậm Quảng Nam vào năm 1777. Còn Trịnh Sâm mất vào năm 1782.
(10) Đúng ra thì Nguyễn Nhạc đã lên ngôi hoàng đế ở Qui Nhơn và đặt niên hiệu là Thái Đức từ năm 1778, mãi đến năm 1786 mới chiếm được Phú Xuân.
(11) Sử Việt Nam vẫn quen chép là Hoàng Đình Bảo.
(12) Đúng ra là vào năm 1786, Nguyễn Nhạc ra Bắc sau khi vua Lê Cảnh Hưng đã qua đời, sau đó cả hai anh em Nhạc, Huệ cùng về Nam một lượt.
(13) Sử Việt Nam vẫn quen chép là Vũ Văn Nhậm, là con rễ của Nguyễn Nhạc.
(14) Vào năm 1787.
(15) Đúng ra thì Lê Duy Cẩn đã bị giáng chức thái tử từ năm 1783 do áp lực của kiêu binh, còn đến năm 1788 lại được Vũ Văn Nhậm rồi sau đó là Nguyễn Huệ cử làm giám quốc.
(16) Sử Việt Nam vẫn quen chép là Tự Long.
(17) Sử Việt Nam vẫn quen chép là Hoàng Văn Đồng, vốn là thổ tù cha truyền con nối ở đất Tuyên Quang, đã từng chống lại rồi thua phải hàng triều đình Lê-Trịnh vào năm 1779.
(18) Nguyên văn chữ Hán “hội [*]đại binh nam chinh”, bị mất một chữ.

Nguồn bài đăng

Tham khảo: Bản dịch của Nguyễn Duy Chính

0