Chiêng cổ Chắp P’la của người Chăm H’Roi
Nhạc cụ truyền thống chiếm giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, nó gắn liền với cuộc sống, trong lao động cũng như trong sản xuất, góp phần làm phong phú thêm cho tâm hồn, tình cảm của mỗi dân tộc và chiêng cổ Chắp P’la của người Chăm ...
Nhạc cụ truyền thống chiếm giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, nó gắn liền với cuộc sống, trong lao động cũng như trong sản xuất, góp phần làm phong phú thêm cho tâm hồn, tình cảm của mỗi dân tộc và chiêng cổ Chắp P’la của người Chăm H’roi- Vân Canh, Bình Định cũng được coi là như vậy. Ngay từ khi ra đời, bộ chiêng này đã là một nhạc cụ hoàn chỉnh với âm thanh, âm sắc tạo nên vẻ độc đáo trong nền âm nhạc cổ truyền dân tộc nói chung và của tộc người Chăm H’roi- Vân Canh, Bình Định nói riêng.
Cấu trúc của bộ chiêng cổ Chắp P’la bao gồm 5 cái lớn nhỏ khác nhau và được sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn hoặc từ lớn đến nhỏ. Theo quan niệm của người Chăm H’roi thì bộ chiêng này được chia làm 3 mảng và mỗi mảng giữ một vai trò, vị trí nhất định. Mảng đầu là hai chiêng lớn được ví như mặt trăng hiền dịu, mảng 2 là hai chiêng nhỏ được ví như mặt trời soi sáng vạn vật. Mảng 3 là một chiêng lỡ nằm ở giữa được ví như trái đất với muôn loài sinh sống và nó được coi là vai trò trung tâm, quan trọng bậc nhất của bộ chiêng cổ Chắp P’la này. Về cách biểu diễn Chắp P’la thì có năm người phụ trách 5 cái chiêng thêm, một người cầm lục lạc, có nghĩa là cái xà reo, 1 người cầm khăn lặp có nghĩa là cái chập chả, phía trước của chiêng có một người múa xoan và một người chỉ huy cho cả dàn nhạc, kèm theo đội đánh cồng là ba người nữa, tổng cộng là 12 người, theo sau đó là một đội múa xoan, tất cả cùng nắm tay nhau và nhảy múa theo dàn cồng chiêng, thể hiện tính cộng đồng rất cao.
Trong kỹ thuật diễn tấu so với các loại nhạc cụ khác thì chiêng cổ Chắp P’la khó hơn, nó đòi hỏi nghệ nhân phải có sự cảm nhận được những âm thanh huyền ảo của núi rừng hoang sơ mà oai linh, hùng vĩ cùng với sự phối hợp chặt chẽ từ những giai điệu, tiết tấu của bộ chiêng này. Đặc biệt trong khi diễn tấu, các mảng này không được trùng lặp với nhau. Có thể nói, chiêng cổ Chắp P’la có một vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như cuộc sống bình thường của người Chăm H’roi- Vân Canh. Nó luôn được tấu lên đầu tiên trong bất kỳ một dịp lễ hội nào, từ việc tổ chức lễ hội vui chơi, hay như cầu trời khấn đất cũng như khi tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.