Chẳng dễ để tìm người quen trong đám đông
Dù đã kết hôn 10 năm rồi, thì bạn cũng khó mà tìm được ông xã hay bà xã trong một đám đông. Đó là vì não của chúng ta coi cái đám lộn xộn các gương mặt này như là một tập hợp các gờ và đường kẻ mờ mờ. Hiện tượng này được gọi là crowding, xảy ra khi người ta cố gắng nhận diện một người quen ...
Dù đã kết hôn 10 năm rồi, thì bạn cũng khó mà tìm được ông xã hay bà xã trong một đám đông. Đó là vì não của chúng ta coi cái đám lộn xộn các gương mặt này như là một tập hợp các gờ và đường kẻ mờ mờ.
Hiện tượng này được gọi là crowding, xảy ra khi người ta cố gắng nhận diện một người quen nào đó trong một đám đông.
"Crowding có thể tiết lộ một trong những cơ chế cơ bản của hệ thống thị giác, được dùng để lọc ra những mẩu thông tin ít ỏi có ích từ một biển thông tin", David Whitney, một nhà tâm lý tại Trung tâm Não và Tư duy ở Đại học Davis, bang California, Mỹ, cho biết.
Whitney và cộng sự đã thực hiện 5 thí nghiệm trên các tình nguyện viên để đo khả năng nhận diện của họ về một khuôn mặt hoặc một ngôi nhà quen thuộc trong đám đông các khuôn mặt hoặc ngôi nhà khác. Những bức ảnh sẽ loé sáng trên màn vi tính và người xem phải chỉ đúng khuôn mặt (hoặc căn nhà) cần tìm ở bên phải, trái hoặc không hề hiển thị.
Kết quả là, các tình nguyện viên gặp khó khăn gấp đôi khi xác định các khuôn mặt quen được bao quanh bởi những khuôn mặt trực diện khác. Còn khi quan sát ảnh của những ngôi nhà hoặc các khuôn mặt lộn ngược, người tham gia chẳng mấy khó khăn khi phân biệt mục tiêu.
Suy luận từ việc quan sát trên màn hình ra đời thực, các nhà nghiên cứu phỏng đoán các bức ảnh mặt trực diện đã làm nhiễu lẫn nhau, khiến cho việc chọn ra một khuôn mặt trong đám đông là rất khó khăn.
Kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng chữa cho các bệnh nhân bị rối loạn nhận diện mặt hoặc giảm khả năng tập trung hình ảnh. Về lâu dài, nó có thể giúp các nhà khoa học phát triển một hệ thống thị giác nhân tạo cạnh tranh với con người.
T. An