25/05/2018, 10:05

Chấm dứt quan hệ tài sản do vợ hoặc chồng chết

Trường hợp phần tài sản chung không xác định được .Trong điều kiện vợ chồng chung sống với nhiều người khác trong một đại gia đình, thì khi vợ hoặc chồng chết, người còn sống thường chỉ giữ lại những tài sản gọi là của riêng mình hoặc những ...

Trường hợp phần tài sản chung không xác định được.Trong điều kiện vợ chồng chung sống với nhiều người khác trong một đại gia đình, thì khi vợ hoặc chồng chết, người còn sống thường chỉ giữ lại những tài sản gọi là của riêng mình hoặc những tài sản chung của vợ chồng tồn tại dưới dạng của cải tích lũy (vàng, bạc, đá quý,...) và được họ giữ riêng trong quá trình chung sống với đại gia đình

Các của cải tích lũy được giữ lại, bởi ngay trong thời kỳ hôn nhân, những thứ này đã là “những cái riêng” tồn tại trong không gian hẹp của vợ chồng: chúng thường được cất giữ trong phòng riêng, được để trong tủ khoá riêng.
; các tài sản khác tiếp tục nằm trong khối tài sản của đại gia đình. Nói chung, việc một thành viên đại gia đình (mà không phải là chủ gia đình) chết không làm phát sinh vấn đề thanh toán và phân chia khối tài sản thuộc quyền quản lý của đại gia đình. Nếu ra khỏi đại gia đình, người vợ (chồng) còn sống mà không phải là chủ gia đình thường được phép mang theo, ngoài các tài sản riêng, những của cải tích lũy thuộc khối tài sản chung của vợ chồng và, tuỳ trường hợp, có thể có thêm một ít tài sản được trích từ khối tài sản của đại gia đình. Việc xác định phần tài sản được giao cho người đi ra thường được thực hiện theo thoả thuận giữa người đi ra và gia đình.

Vấn đề thanh toán tài sản chung của vợ chồng, mà việc giải quyết có tác dụng đặt cơ sở cho việc xác định thành phần tài sản có, tài sản nợ thuộc di sản, cũng không được đặt ra trong trường hợp này. Riêng việc trích tài sản chung của đại gia đình để cấp cho người đi ra thường được tính toán trên cơ sở cân đối tài sản có-tài sản nợ của đại gia đình. Phần tài sản được giao cho người đi ra được trích từ khối tài sản có ròng: đại gia đình chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số nợ của gia đình đối với người thứ ba. Giải pháp này được chấp nhận cả trong trường hợp phân chia bằng con đường tư pháp.

Trường hợp phần tài sản chung xác định được. Nếu phần tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của đại gia đình xác định được bằng tỷ lệ, thì phải tiến hành thanh toán phần đó và phân chia tài sản chung giữa vợ chồng và đại gia đình. Các tài sản được chia cho vợ chồng sẽ được nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng để chia trong khuôn khổ thanh toán quan hệ tài sản và phân chia tài sản chung của vợ và chồng. Trên thực tế, các đương sự tiến hành phân chia cả di sản của người chết và người đi ra sẽ nhận phần của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng cùng với cả phần mình được hưởng trong di sản do vợ (chồng) để lại. Nếu người đi mang theo cả con thì còn được nhận phần di sản mà các con được hưởng. Cần lưu ý rằng di sản trong trường hợp này thường được hiểu như là phần của người chết trong khối tài sản chung của đại gia đình cộng với các tài sản riêng của người chết mà mọi người đều biết: vợ (chồng) còn sống sẽ không kê khai các tài sản chung khác cũng như các tài sản riêng của người chết mà được cất giữ riêng.

Di sản hỗn hợp. Theo một tập quán lâu đời, khi cha hoặc mẹ chết, thìkhông có chuyện thanh toán phần quyền hay phân chia gì cả, đối với tài sản chung của vợ chồng. Toàn bộ khối tài sản của gia đình, bao gồm tài sản chung của vợ chồng và các khối tài sản riêng của mỗi người sẽ được đặt dưới sự quản lý của người còn sống. Khi người này, đến lượt mình, cũng chết, thì toàn bộ khối tài sản đó (bao gồm cả tài sản có và tài sản nợ) sẽ được giao lại cho con cháu. Ở góc độ pháp luật thừa kế, ta nói rằng khối tài sản được cha mẹ giao lại cho con cháu là một di sản hỗn hợp gồm di sản của cha và di sản của mẹ. Việc thanh toán quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong trường hợp này là việc không cần thiết, do không có ai có lợi ích để làm việc đó. Tập quán này cho đến nay vẫn được tôn trọng trong một số cộng đồng dân cư ở nông thôn và một số gia đình có cơ sở kinh tế là một doanh nghiệp thủ công, tiểu công nghiệp truyền đời, thậm chí trong những gia đình mà chủ gia đình là người lao động tự do, cá thể và không có nhiều của cải để lại cho những người thừa kế.

Di sản độc lập. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau khi vợ hoặc chồng chết, người còn sống không thể hoặc không muốn duy trì khối tài sản của gia đình. Trong điều kiện đó, việc phân chia các tài sản liên quan là điều khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra ở góc độ pháp luật hôn nhân và gia đình: khối tài sản chung của vợ chồng sẽ được thanh toán và phân chia như thế nào ? Luật viết hiện hành không có câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi này. Thực tiễn, về phân mình, có xu hướng chấp nhận giải pháp đơn giản: khối tài sản chung được chia đôi; một nửa thuộc di sản của vợ (chồng) đã chết; một nửa thuộc khối tài sản riêng của chồng (vợ) còn sống; tất cả những đóng góp cụ thể của vợ, chồng vào việc tạo dựng khối tài sản chung không được đặt thành vấn đề.

0