Cây ích mẫu là gì
Từ hồi còn nhỏ, tôi thường nghe các cụ kể nhiều về công dụng của cây ích mẫu như điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng, mệt mỏi vào những ngày đèn đỏ. Người ta còn điều chế thuốc viên từ loại cây này để cho tiện sử dụng. Sau này, khi tìm hiểu sâu hơn tôi phát ...
Từ hồi còn nhỏ, tôi thường nghe các cụ kể nhiều về công dụng của cây ích mẫu như điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng, mệt mỏi vào những ngày đèn đỏ. Người ta còn điều chế thuốc viên từ loại cây này để cho tiện sử dụng. Sau này, khi tìm hiểu sâu hơn tôi phát hiện ra ích mẫu còn có nhiều tác dụng thú vị hơn nữa. Những thông tin này được ghi rất chi tiết và đầy đủ trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi. Ngoài những kiến thức có trong cuốn sách này, tôi không khuyến khích bạn làm theo các tài liệu vặt trên mạng vì chúng chưa được chứng minh và không có dẫn chứng cụ thể. Nếu có điều kiện, xin hãy mua cuốn sách trên để tìm hiểu, đó là một cuốn sách rất giá trị.
Tóm tắt nội dung bài viết:
Còn được gọi với các tên khác như ích mẫu thảo, chói đèn, sung úy. Tên khoa học Leonurus heterophyllus Sw. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Cây cung cấp cho ta 2 vị thuốc:
- Ích mẫu hay ích mẫu thảo (Herba Leonuri) là toàn bộ phận trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây.
- Sung úy tử (Fructus Leonuri) là quả chín phơi hay sấy khô. Nhiều người vẫn gọi nhầm là hạt ích mẫu.
Về tên khoa học của cây trước đây căn cứ vào những tác giả trong và ngoài nước, vẫn xác định là Leonurus sibiricus L. Hiện nay theo sự điều tra đối chiếu mới, cây ích mẫu nhân dân ta vẫn dùng làm thuốc phải xác định là Leonurus heterophyllus Sw. mới đúng. Cây Leonurus sibiricus L. cũng có ở Việt Nam nhưng ít phổ biến hơn. Cần chú ý nghiên cứu lâm sàng cũng như hóa học và dược lý.
Mô tả cây:
Cây ích mẫu có tên như vậy vì có ích cho người mẹ (ích là có ích, mẫu là mẹ). Tên Leonurus do chữ Hy Lạp leon là sư tử, oura là đuôi, heterophyllus là lá có hình dạng biến đổi, vì cây giống đuôi sư tử có là hình dạng thay đổi.
Ích mẫu là một cỏ sống 1-2 năm, cao 0,6m đến 1m. Thân hình vuông, ít phân nhánh, toàn thân có phủ lông nhỏ ngắn. Lá mọc đối, tùy theo lá mọc ở gốc, giữa thân hay đầu cành mà có hình dạng khác nhau. Lá ở gốc, có cuống dài, phiến lá hìn tim, mép có răng cưa thô và sâu; lá ở thân có cuống ngắn hơn, phiến lá thường xẻ sâu thành 3 thùy, trên mỗi thùy lại có răng cưa thưa; lá trên cùng phần lớn không chia thùy và hầu như không cuống.
Hoa mọc vòng ở kẽ lá. Tràng hoa màu hồng hay tím hồng, xẻ thanh hai môi gần đều nhau. Quả nhỏ, 3 cạnh, vỏ màu xám nâu.
Ngoài cây ích mâu mô tả trên, cần chú ý phát hiện và phân biệt cây ích mẫu Leonurus sibiricus L. (tạm gọi là cây ích mẫu hoa to) vì cây này khác cây ích mẫu nói trên ở hoa to hơn, dài hơn, lá phía trên vẫn chia 3 thùy. Ta có thể tóm tắt sự khác nhau giữa 2 cây như sau:
(1) Lá trên cùng không chia thùy, tràng hoa dài 9-12mm, môi trên, môi dưới gần bằng nhau… Leonurus heterophyllus
(2) Lá trên cùng xử 3 thùy, tràng hoa dài 15-20mm, môi dưới ngắn hơn môi trên… Leonurus
Phân phối thu hái và chế biến:
Ích mẫu hiện nay chủ yếu mọc hoang, thường ở ven suối, ven sông nơi đất cát, còn mọc hoang ở ruộng hoang, ven đường. Gần đây một số nơi đã bắt đầu trồng để làm thuốc. Nhưng chưa ai tổng kết cách trồng như thế nào để có hiệu quả cao nhất.
Hiện nay nhu cầu ích mẫu rất lớn chỉ trồng vào thu hái cây mọc hoang không đủ. Chúng tôi tóm tắt một số kinh nghiệm trồng ích mẫu tại trậm trồng cây thuốc Nam Xuyên (Trung Quốc) để tham khảo:
Khi thí nghiệm người ta phân biệt ba loại: Ích mẫu mùa đông cần trồng vào mùa thu, ích mẫu mùa xuân gieo trồng vào mùa xuân hay mùa thu, ích mẫu mùa hạ cũng có thể trồng vào mùa xuân hay thu. Loại mùa hạ cho hiệu suất cao nhất (9 tấn khô 1 hecta), nhưng thời gian từ khi gieo đến khi thu hoạch trên 10 tháng, còn các loại mùa đông và mùa xuân chỉ cần 8 tháng nhưng năng suất chỉ được 4-6 tấn khô 1 hecta. Gieo hạt thẳng thành luống, mỗi luống cách nhau 17cm, trên mỗi luống cây nọ cách cây kia 7cm cho sản lượng cao nhất. Mỗi hecta cần từ 8 đến 9 kg hạt giống. Khi trồng cần trộn hạt với tro bếp. Vào khoảng tháng 5-6, lúc một nửa số hoa của cây bắt đầu nở thì bắt đầu thu hái. Đem về phơi khô hay sấy khô là được. Nếu muốn thu hoạch hạt (quả) thì cần chờ khi hoa trên cây đã tàn hết, thu hoạch đến đâu dũ hết quả đến đó, mỗi hecta cho từ 350 đến 370 kg quả khô. Mùa thu hoạch cây: tháng 5-9, mùa thu hoạch quả: tháng 8-10.
Về thành phần hóa học:
Cây ích mẫu Leonurus heterophyllus chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ chúng tôi thấy phản ứng ancaloit và tanin (7-8%), flavonozit.
Từ cây ích mẫu Leonurus sibiricus, các nhà nghiên cứu Nhật Bản (Nhật Bản dược vật học tạp chí 1930, tr. 153-158) đã chiết được 0,05% ancaloit gọi là leonurin C13H19O4N4 có độ chảy 238oC.
Năm 1958, một số tác giả khác (Bắc Kinh y học viện học báo kỳ I) đã chiết từ ích mẫu Leonurus sibiricus 5 chất có tinh thể: 2 chất đầu là ancaloit và gọi là leonurin A: C20H32O10N6 có độ chảy 229-230oC, leonurin B: C14H24O7N4 và ba chất sau không phải ancaloit và có độ chảy 77-78oC, 86-87oC và 141-142oC.
Năm 1940, Thang Đằng Hán (1940 J. Chem. Soc. vol. 7, No2) chiết từ phần tan trong nước một chất gọi là leonuridin công thức C6H12O3N2 có độ chảy 211,5-222oC. Trong cây và quả ích mẫu, Hứa Thực Phương (J. Chem. Soc. vol 2, No3) còn báo cáo chiết được một ancaloit khác còn gọi là leonurinin có độ chảy 262-263oC với công thức C10H14O3N2.
Tỷ lệ ancaloit cao nhất vào tháng 5, sau đó giảm xuống. Ngài ra trong cây ích mẫu còn có tanin, chất đắng, saponin và 0,03% tinh dầu.
Hoạt chất của ích mẫu như thế cũng chưa được xác định chắc chắn, nhưng trên cơ sở dược lý người ta thấy trong ích mẫu có 2 loại hoạt chất: Một loại hoạt chất tan trong ête có tác dụng ức chế tử cung, một loại hoạt chất không tan trong ête có tác dụng kích thích tử cung.
Gần đây người ta thấy trong ích mẫu có 3 flavonozit, một trong số flavonozit được xác định là rutin, một glucozit có cấu tạo steroit, một ít tanin, trong toàn cây có leocacdin cùng cấu trúc với stachydrin, một ít tinh dầu. Ancaloit không có tác dụng chữa bệnh.
Tác dụng dược lý:
1. Tác dụng trên tử cung. Nước sắc ích mẫu Leonurus sibiricus 1/5.000 hay 1/1.000 có tác dụng kích thích đối với tử cung cô lập của thỏ cái (dù có thai hay không có thai).
Thỏ cái gây mê bằng urêtan rồi cho uống nước sắc ích mẫu cũng thấy có tác dụng kích thích trên tử cung tại chỗ của thỏ.
Dung dịch nước 10% ích mẫu khô tác dụng trên tử cng mạnh hơn là dung dịch rượu 20%.
Tác dụng của ích mẫu trên tử cung cũng giống như tác dụng của cựa lõa mạch (Claviceps purpurea).
Điều đáng chú ý là dung dịch rượu hay dung dịch nước ích mẫu tác dụng lên tử cung thì bắt đầu có một giai đoạn hưng phấn.
Nếu trước khi sắc ích mẫu, dùng ête để loại phần tan trong ête đi thì hiện tượng ức chế tử cung không thấy nữa.
2. Tác dụng trên huyết áp. Nước sắc ích mẫu tuy không có tác dụng trực tiếp trên huyết áp nhưng làm giảm tác dụng của adrenalin trên mạch máu.
Cao ích mẫu làm giảm huyết áp, nhất là đối với thời kỳ đầu của bệnh cao huyết áp.
3. Tác dụng trên kim mạch. Loài ích mẫu Leonurus quinquelobatus và Leonurus cardia có tác dụng tốt trên tim mạch và đối với cơ tim có bệnh.
4. Tác dụng đối với hệ thần kinh của ích mẫu Leonurus sibiricus mạnh hơn tác dụng cảu Vale-rian và của Muyghe (Convallaria maialis).
5. Tác dụng kháng sinh đối với một số vi trùng ngoài da. Theo Trung Hoa bì phụ khoa tạp chí (số 4-1957, trang 286-292) một số tác giả nghiên cứu thấy nước chiết ích mẫu tỷ lệ 1:4 có tác dụng ức chế với trình độ khác nhau đối với một số vi trùng gây bệnh ngoài ra.
6. Tác dụng trên viêm thận và phù cấp tính. Trên lâm sáng, ích mẫu chữa khỏi một số trường hợp viêm thận và phù (Trung y tạp chí số 6, 1959 và Trung y dược 1966 kỳ 4, 26).
Về công dụng và liều dùng
Từ lâu vị ích mẫu được nhân dân ta dùng chữa bệnh phụ nữa, nhất là đối với phụ nữ sau sinh nở, do đó có câu ca dao:
Nhân trần, ích mẫu đi đâu
Để cho gái đẻ đớn đau thế này?
Thường ích mẫu dùng trong trường hợp đẻ xong bị rong huyết (cầm máu từ cung), chữa viêm niêm mạch dạ con, kinh nguyệt quá nhiều.
Còn dùng chữa huyết áp cao, thuốc bổ huyết, các bệnh về tuần hoàn cơ tim, thần kinh của tim, chứng tim hẹp nhẹ (stenocardie), chữa lỵ.
Quả ích mẫu dùng với tên sung úy tử làm thuốc thông tiểu, chữa phù thũng, thiên đầu thống (glôcôm).
Dùng ngoài thân và quả ích mẫu giả đắp hay sắc lấy nước rửa chữa một số bệnh như sưng vú, chốc đầu, lở ngứa.
Theo sách cổ, ích mẫu có tính chất: Vị cay, đắng, tính hơi hàn, có khả năng trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoặt huyết điều kinh, những người có đồng tử mở rộng không dùng được.
Liều dùng hàng ngày từ 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc hay nấu thành cao. Quả ích mẫu dùng với liều 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
Các bài thuốc từ ích mẫu:
1. Bài thuốc cao:
Cây ích mẫu nấu với nước, cô đặc cao mềm. Trong nhân dân trước đây thường dùng loại cao này.
Loại cao bán trên thị trường hiện nay thường không phải chỉ có vị ích mẫu, mà thường phối hợp nhiều vị khác nhau, ví dụ cao của Thanh Hóa gồm ích mẫu nước 800g, ngải diệp 200g, hương phụ tứ chế 250g (căn bản theo đơn cao hương ngải thêm bớt một chút).
Đơn cao của Quốc doanh dược phẩm Nghệ An gồm ích mẫu 70%, xuyên khung 2%, đương quy 10%, bạch thược 3%, thục địa 1%, bắc mộc hương 1%, đại táo 2%. Ngay tại mỗi nơi, tùy theo thời kỳ, công thức cũng thay đổi cho nên khi dùng và theo dõi kết quả cần chú ý để tránh nhầm lẫn.
Cao ích mẫu hiện nay được thống nhất theo đơn: Ích mẫu 800g, ngải cứu 200g, hương phụ 250g, tá dược (xiro, cồn 15%) vừa đủ 1000g.