Cây bạch đồng nữ là gì?
Cây bạch đồng nữ hẳn là cái tên xa lạ với chúng ta, nhưng loại cây này lại là vị thuốc được dùng để chữa các bệnh phụ nữ và đau nhức xương khớp. Tìm hiểu thông tin cũng như công dụng của loại cây này qua bài viết dưới đây của caythuocdangian.com. Nội Dung Chính Gồm: Cây bạch đồng ...
Cây bạch đồng nữ hẳn là cái tên xa lạ với chúng ta, nhưng loại cây này lại là vị thuốc được dùng để chữa các bệnh phụ nữ và đau nhức xương khớp. Tìm hiểu thông tin cũng như công dụng của loại cây này qua bài viết dưới đây của caythuocdangian.com.
Nội Dung Chính Gồm:
Cây bạch đồng nữ là gì?
Còn được gọi là bần trắng, vậy trắng, mấn trắng, mò hoa trắng,… Tên khoa học là Clerodendron fragrans Vent., thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Tên dược từ lá là Folium Clerodendri và từ rễ là Radix Clerodendri.
Mô tả
Là cây thuốc nam quý, cây nhỏ, cao 1-1,5m. Lá mọc đối, rộng hình trứng, dài khoảng 10-20cm, rộng 8-18cm, phía cuống lá hình tim, đầu lá nhọn, mép lá có hình răng cưa to. Cuống lá dài khoảng 8cm, mặt trên của lá có màu xanh sẫm. có lông ngắn, mặt dưới xanh nhạt hơn, trên đường gân lá có lông mềm. Khi vò nát lá sẽ có mùi hôi đặc trưng.
Hoa màu trắng ngà hoặc hồng nhạt, mọc thành dạng mâm xôi, chia thành nhiều tán và có mùi thơm. Đài hoa giống hình phễu, phần trên xe thành 5 thùy hình 3 cạnh tròn. Phía dưới tràng hoa hình ống nhỏ, dài 2,5-3cm, có 4 nhị dính trên miệng ống tràng. Vòi nhụy ngắn hơn chỉ nhị. Quả dạng hạch hình cầu, còn đài tồn tại bao ở ngoài.
Phân bố và thu hái
Cây mọc hoang ở nhiều nơi, cả những nơi núi cao hay vùng đồng bằng trên nước ta. Ngoài ra, cây còn có ở một số tỉnh miền nam Trung Quốc, Indonexia và Philipin. Hoa nở vào tháng 7-8 và quả chín vào tháng 9-10.
Bộ phận sử dụng làm thuốc là lá và rễ cây. Lá được thu hái quanh năm, sau đó đem về phơi trong bóng râm hoặc sấy khô, bảo quản và dùng dần. Lá tốt nhất được hái vào lúc cây sắp ra hoa. Còn phần rễ sau khi đào về rửa sạch đất cát, phơi khô, khi dùng có thể dùng cả củ hoặc thái lát mỏng.
Thành phần hóa học
Chưa có nghiên cứu cụ thể để chỉ ra rõ thành phần của cây mò hoa trắng. Nhưng nước sắc lá được chỉ ra là có rất nhiều muối camxi. Theo Trung dược chí hóa học dữ dược lý, trang 68, Khâu Thần Ba đã cho thấy một loài Clerodendron trichotomum Thumb hay có tên gọi là xú ngô đồng, đây là loài rất hay được dùng nhưng chưa có mặt ở nước ta mà chỉ có ở Trung Quốc, có rất nhiều muối canxi, các ancaloit như orixin, oxiridin, iso-orixin, kokusagin và tinh dầu.
Theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam, trong cây Clerodendrum petasites có chứa flavonoid, tamin, cumarin, acid nhân thơm, dẫn xuất amin có nhóm carbonyl. Trong cây Clerodendrum paniculatum L. có ethuylcholestan-5, 22, 25, vết anthcian.
Trong đông y, bạch đồng nữ có vị đắng nhạt, tính mát có tác dụng giải nhiệt, giải độc, trừ phong thấp và tiêu viêm.
Tác dụng và một số cách dùng cây bạch đồng nữ chữa bệnh
1. Hạ huyết áp: Phòng đông y thực nghiệm kết hợp với bộ môn dược liệu của Viện Đông Y nước ta đã nghiên cứu được vào ăm 1968 cho thấy được một số tác dụng của cây như hạ huyết áp do dãn mạch ngoại vi, lợi tiểu và ngăn chặn phản ứng viêm do phenol gây ra trên tai thỏ.
Một nghiên cứu lâm sàng khác của Trần Gia Kỳ và Vương Ngọc Nhuận (Thượng Hải trung dược tạp chí 4, tr 5-10, 1957) cũng đã chỉ ra tác dụng này của một loài cây bạch đồng nữ khác có tên là xú ngô đồng đã giới thiệu ở trên. Thí nghiệm này được áp dụng trên động vật và có đến một nửa số động vật đó có huyết áp giảm đột ngột, một nửa còn lại giảm xuống từ từ nhưng kéo dài.
2. Tác dụng kháng viêm: Trong mô hình gây phù thực nghiệm trên chuột với Kaolin, cây mò hoa trắng có biểu hiện rõ rệt làm giảm phù và tác dụng chống viêm cấp tính. Và có khả năng chống viêm mạn tính đối với mô hình gây u hạt thực nghiệm với Amian ở chuột, nhưng kết quả tương đối yếu.
Thí nghiệm tấm kim loại nóng của Edy và Leimbach đã chỉ ra, cây bạch đồng nữ làm hạ đường huyết và giảm đau đối với chuột trắng.
3. Chữa bệnh bạch đới, khí hư: Lấy 10-12g lá bạch đồng nữ khô, đun sôi lấy nước uống trong ngày, có thể thêm đường cho dễ uống. Uống vào thơi điểm sau khi hết kinh 5-7 ngày, liên tục trong 2-3 tuần.
Hoặc dùng 20g lá mò hoa trắng, 10g ngải cứu, 10g trần bì, 10g ích mẫu, 10g hương phụ, sắc với 1 lít nước uống trong ngày. Liệu trình 2-3 tuần sau chu kỳ kinh nguyệt.
(theo kinh nghiệm dân gian)
4. Trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều: Lấy 2g lá bạch đồng nữ, 2g ích mẫu, 2g ngải cứu, 2g hương phụ, sắc 3 lần, cho đến khi nước cô lại thành cao lỏng khoảng 20ml, cho thêm đường rồi đóng ống 10ml. Cho ống vào trong nồi đun sôi trong 1 giờ. Ngày uống từ 3-6 ống, uống trước ngày kinh 10 ngày, thực hiện liệu trình trong 2-3 tháng.
(theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS.TS Đỗ Tất Lợi, bài thuốc cao hương ngải)
5. Trị thấp khớp, sưng nóng, đỏ đau: Dùng 80g bạch đồng nữ, 120g dây gắm, 8g cây tầm xuân, 8g cảnh dâu, 8g cà gai leo, 8g đơn răng cưa, 8g đơn mặt trời, 8g đơn tướng quân, sắc lấy nước uống 2 lần trong ngày.
(theo kinh nghiệm dân gian)
6. Chữa vàng da và niêm mạc mắt bị vàng thẫm, nước tiểu có sắc tố mật: Lấy 10g rễ cây bạch đồng nữ, đun sôi với 400ml nước cho đến khi còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc dùng rễ bạch đồng nữ và xích đồng nam sắc lấy nước uống.
(theo kinh nghiệm Bệnh Viện Lạng Sơn, Việt Nam)
7. Điều trị vàng da do mắc bệnh về gan: Dùng 20g cả rễ và thân cây mò hoa trắng khô và 20g cà gai leo, sắc với 1 lít nước cho đến khi còn 500ml thì chia uống nhiều lần trong ngày.
(theo kinh nghiệm dân gian)
8. Trị lở ngứa, mụn nhọt, chốc đầu: Lấy lá và thân cây bạch đồng nữ rửa sạch, đun lấy nước tắm và gội đầu hàng ngày cho đến khi khỏi hẳn.
(theo kinh nghiệm dân gian)
9. Chữa viêm gan: Dùng 15g lá mò hoa trắng, 12g nhân trần, 15g diệp hạ châu, 15g chi tử, sắc với 600ml nước, uống trong ngày. Liệu trình 3-4 tuần.
(theo nguồn báo mạng)
10. Điều hòa kinh nguyệt: 16g bạch đồng nữ, 2g ngải cứu, 2g nghệ vàng, 10g đậu đen, 4g ích mẫu, 15g hương phụ, đun sôi lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
(nguồn báo mạng)
Lưu ý
Theo y học dân gian Nepan, dùng lá non, ngọn non và rễ tươi của cây bạch đồng nữ ép lấy nước uống còn có tác dụng trị giun sán cực hiệu quả. Tại Ấn Độ, lá bạch đồng nữ kết hợp với chồi lá ổi bào chế thành dạng thuốc nhão trị bệnh đau dạ dày và đầy hơi, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê.
Phụ nữ mang thai tuyệt đối không dùng cây bạch đồng nữ. Không tự ý áp dụng các bài thuốc trên khi chưa hỏi ý kiến của thầy thuốc.