24/04/2018, 20:37

Cảm thụ của em về hình tượng vầng trăng trong bài thơ “Trăng ơi… từ đâu đến?” của Trần Đăng Khoa, Bài thơ mang vẻ đẹp...

Trăng ơi… từ đâu đến? – Cảm thụ của em về hình tượng vầng trăng trong bài thơ “Trăng ơi… từ đâu đến?” của Trần Đăng Khoa. Bài thơ mang vẻ đẹp hồn nhiên, ngộ nghĩnh như một bài đồng dao quen thuộc. Trần Đăng Khoa có 2 bài thơ Trăng: bài “Trăng sáng sân nhà ...

Trăng ơi… từ đâu đến? – Cảm thụ của em về hình tượng vầng trăng trong bài thơ “Trăng ơi… từ đâu đến?” của Trần Đăng Khoa. Bài thơ mang vẻ đẹp hồn nhiên, ngộ nghĩnh như một bài đồng dao quen thuộc.

Trần Đăng Khoa có 2 bài thơ Trăng: bài “Trăng sáng sân nhà em” viết năm lên 8 tuổi, và bài “Trăng ơi… từ đâu đến?” viết năm lên 10 tuổi, vào một đêm trung thu đẹp.

Bài thơ được viết theo thể thơ 5 chữ, gồm có 6 khổ thơ. Câu “Trăng ơi… từ đâu đến?” được điệp lại 5 lần, đều đứng đầu khổ thơ (1-5). Trăng được ví với quả chín, mắt cá, quả bóng. Trăng được hóa thành: “lửng lơ lên”, “không bao giờ chớp mi”, “trăng bay”, trăng “thương Cuội”, “trăng soi chú bộ đội”, “trăng đi khắp mọi miền”. Không gian nghệ thuật được mở rộng trên một khung cảnh bao la: cánh rừng, biển xanh, sân chơi, từ lời ru của mẹ hiền, trên đường hành quân của chú bộ đội… trăng đến “khắp mọi miền” gần xa của đất nước.

Bài thơ mang vẻ đẹp hồn nhiên, ngộ nghĩnh như một bài đồng dao quen thuộc: “Ông giẳng, ông giăng – Xuống chơi với tôi – Có bầu có bạn – Có ván cơm xôi…”.

Tác giả vừa hỏi vừa tự trả lời, so sánh, nhân hóa kết hợp với điệp từ, điệp cú tạo nên vần thơ đẹp, hình tượng đẹp, cảm xức ngạc nhiên, bâng khuâng. Ba khổ thơ đầu đầy thi vị. Hình tượng thơ cũng là vẻ đẹp của vầng trăng thu.

Từ cánh đồng xa hiện lên, “Trăng hồng như quả chín – Lửng lơ lên mái nhà?”. Ánh trăng hồng dịu ngọt.

Từ biển xanh mọc lên, “Trăng tròn như mắt cá – Không bao giờ chớp mi”. Ánh trăng thu trong xanh.

Từ một sân chơi, trăng tròn,”Trăng bay như quá bóng – Bạn nào đá lên trời” vẫn bản ghi là: “Đứa nào đá lên trời”.

Hình tượng nào cũng độc đáo, giàu trí tưởng tượng, có nhiều khám phá mới mẻ. Chất thơ, hồn thơ ở đây là sự ngộ nghĩnh, trong sáng, hồn nhiên

Khổ thơ thứ tư là một liên tưởng khéo. Vần thơ gắn liền với lời ru con của mẹ hiền, hòa nhập với cổ tích, với đồng dao. Một em bé lên 10 tuổi mà viết được những câu thơ như thế này thật là “ghê gớm”:

“Trăng ơi… từ đâu đến?

Hay từ lời mẹ ru

Thương Cuội không được học

Hú gọi trâu đến giờ!”

Khổ thứ 5 nói về trăng chiến trường. Khổ 6 nói về vẻ đẹp trăng và vẻ đẹp Đất Nước. Ý tưởng sâu sắc, nhưng ngôn ngữ thơ chưa vươn tới tầm ý tưởng ấy. Điệp ngữ “hay từ” xuất hiện nhiều lần tạo nên bao bâng khuâng xúc động; em bé vừa trò chuyện với trăng vừa tự khám phá tâm hồn minh.

Bài thơ ‘Trăng ơi… từ đâu đến?” là một bài thơ trăng đẹp. Tinh yêu trăng, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước hội tụ qua những vần thơ nên thơ và thật thơ.

0