07/02/2018, 23:57

Cảm nhận về tâm trạng của người vợ với nỗi sầu chia li trong đoạn trích Sau phút chia li (trích Chinh phụ ngâm khúc)

Hướng dẫn Trong văn học Việt Nam, nỗi sầu chia li đã được nhiều tác giả quan tâm và phản ánh. Nguyễn Dữ có những dòng về sự ngóng trông của người vợ có chồng đi chinh chiến: Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn ngoài vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn ...

Hướng dẫn

Trong văn học Việt Nam, nỗi sầu chia li đã được nhiều tác giả quan tâm và phản ánh. Nguyễn Dữ có những dòng về sự ngóng trông của người vợ có chồng đi chinh chiến: Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn ngoài vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không sao ngăn được. (Người con gái Nam Xương). Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã viêt rất cảm động về sự chia tay đau buồn của đôi vợ chồng trẻ:

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

(Truyện Kiều)

Nhưng có lẽ, chưa có nỗi sầu nào bi thương bằng nỗi sầu chia li của người chinh phụ được diễn tả trong Chinh phụ ngâm khúc.

Chinh phụ ngâm khúc là một sáng tác văn chương xuất hiện vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. Cả khúc ngâm là nỗi sầu nhớ thương vời vợi của người vợ có chồng ra trận. Nỗi sầu ấy đậm đặc ngay từ sau phút chia li:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Người chồng chia tay vợ lên đường chinh chiến (một cuộc chinh chiến vô nghĩa đối với họ), người vợ trẻ về một mình trong cô đơn, buồn tủi:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Chao ôi, có sự chia tay nào xót thương hơn thế, có sự ngăn cách nào khắc nghiệt hơn thế. Cả một nỗi sầu chia li nặng nề đã phủ lên khí trời, sắc núi:

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Sự đoái trông của người vợ trẻ thật tội nghiệp. Nàng muốn níu giữ lại mà hình bóng người chồng cứ xa dần, để rồi chỉ còn lại là không gian xa thẳm. Giữa khung cảnh tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh, người vợ càng trở nên lẻ loi, cô quạnh. Sự chia li từ chỗ mới chỉ là cách ngăn, chẳng mấy chốc đã tăng lên nhanh chóng cả về không gian và tâm trạng:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại

Bến Tiêu Dương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Từ câu Chàng thì đi cõi xa – Thiếp thì về buồng cũ đến Chốn Hàm Dương – Bến Tiêu Tương rồi lại Bến Tiêu Tương – Cây Hàm Dương, thì sự ngăn cách đã lên đến mấy trùng, như mấy trùng nỗi nhớ thương sầu muộn trong lòng người chinh phụ.

Đối với bất kì ai, khi người thân của mình phải đi vào chốn cõi xa mưa gió (chốn binh đao khói lửa, nơi chiến trận thảm khốc), cũng đều có tâm trạng buồn đau thương nhớ. ở người chinh phụ, nỗi buồn đau sầu muộn ấy còn thêm bội phần bởi cái tình chồng vợ đương độ đằm thắm gắn bó thiết tha (còn ngảnh lại – hãy trông sang). Gắn bó mà không được gắn bó, gắn bó mà phải chia li. Thực là oái oăm và nghịch chướng. Thực là thương tâm và đau xót bởi cái cảnh người thì tận chốn Hàm Dương, kẻ thì mãi Bến Tiêu Tương.

Cái tên Hàm Dương – Tiêu Tương (dù là được dùng theo bút pháp ước lệ của văn chương cổ điển) vẫn còn là những địa danh để người vợ có ý niệm về độ xa cách, nhưng đến bốn câu thơ tiếp theo thì cả ý niệm ấy cũng không còn, sự xa cách đã đến cực độ:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Trong cảnh trời cao đất rộng, thăm thẳm mênh mông đến khôn cùng., nỗi sầu chia li của người vợ đã trở thành khối sầu, núi sầu chất chồng, đè nặng cả trái tim và tâm hồn nàng, để rồi sau đó sẽ theo nàng về chốn buồng cũ, đè nặng lên cuộc sống mòn mỏi ngóng trông đến hoá đá của nàng.

Tình cảm vợ chồng và nỗi khát khao hạnh phúc lứa đôi của người vợ trẻ thật mãnh liệt, nó làm lay động tâm thức bao thế hệ bạn đọc.

Chỉ có tấm lòng đầy ắp tình yêu thương của nhà thơ mới có thể chia sẻ và diễn tả một cách xúc động đến thế.

Thu Trang

0