Về tác phẩm Những trò lố, hay là Va-ren và Phan Bội Châu
Hướng dẫn Truyện ngắn này đăng báo Người cùng khổ số 36, 37 tháng 9 và 10 năm 1925 ở Pháp, nhưng bấy giờ Bác Hồ đang ở Quảng Châu (Trung Quốc). Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải ngày 18-6-1925 và đưa về giam ở Hà Nội. Tin ấy truyền ra, một phong trào đấu ...
Hướng dẫn
Truyện ngắn này đăng báo Người cùng khổ số 36, 37 tháng 9 và 10 năm 1925 ở Pháp, nhưng bấy giờ Bác Hồ đang ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải ngày 18-6-1925 và đưa về giam ở Hà Nội. Tin ấy truyền ra, một phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu dấy lên sôi sục khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước, với nhiều hình thức khác nhau, nhiều mức độ khác nhau, kéo dài trong nhiều tháng cho đến khi Phan Bội Châu được thả ra ngày 24 tháng 12 năm ấy.
Bấy giờ tình hình Đông Dương có nhiều gay cấn, đặc biệt thực dân Pháp lo sợ trước ảnh hưởng ngày càng to lớn của Cách mạng tháng Mười. Chúng cử tên Alexandre Varenne sang làm toàn quyền…
… Thực dân Pháp cử tên đảng viên bị đuổi khỏi Đảng Xã hội này là nhằm dùng cái nhãn hiệu đảng viên xã hội của hắn để lừa bịp nhân dân ta.
Hòa vào phong trào đấu tranh chung, từ ngoài nước, vừa khi tên thực dân này xuống tàu sang Đông Dương, Bác cho đăng bài này ở Paris, vừa cho độc giả Pháp, vừa cho độc giả các thuộc địa và Việt Nam.
Bài viết trong không khí đấu tranh đã thành quen thuộc ở Pháp, có sự ủng hộ của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của Đảng Cộng sản Pháp. Câu chuyện vạch trần bộ mặc lừa bịp của tên chính khách đảng viên cũ Đảng Xã hội khi hắn tuyên bố hắn sẽ "chăm sóc" đến vụ Phan Bội Châu, nhưng thực chất hắn thi hành chính sách thực dân bỉ ổi, đem lợi lộc dụ dỗ người chí sĩ, làm nổi bật tư cách giả dối, đê hèn của tên phản bội bên cạnh sự hoành tráng, lồng lộng của người chiến sĩ hi sinh vì nước, từ đó phỉ báng sự phản bội, thóa mạ sự lừa bịp của chủ nghĩa thực dân và ca ngợi tinh thần chiến sĩ một mực kiên trinh son sắt.
Bài văn dùng thể truyện ngắn có tính chất tưởng tượng và tiên đoán, lại phớt lên một màu sắc châm biếm rất trí tuệ.
Truyện nhan đề: Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu. Vậy kết cấu đều theo thứ tự:
Trò lố thứ nhất là phần mở đầu: ông Varenne hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu.
Trò lố thứ hai: ông Varenne lại được người ta chăm sóc. ông được giới quan chức dân đón rước linh đình và được nhân dân Việt Nam ngoài đường phố cũng hoan nghênh theo kiểu riêng của mình.
Trò lố thứ ba: ông Varenne lại tiếp tục được người ta chăm sóc. Cái bóng của hoàng đế mời vào cung, mời ăn yến và gắn bội tinh.
Trò lố thứ tư là chủ yếu: ông Varenne đến gặp Phan Bội Châu trong nhà ngục, khua ba tấc lưỡi dụ dỗ người chiến sĩ nhưng vô hiệu. Người lính gác thì cho là người tù có một lần nhếch mép cười ruồi. Một người khác thì cho là Phan Bội Châu nhổ vào mặt Varenne.
Trò lố thứ nhất: ông Varenne hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu.
Phong trào đòi thả Phan Bội Châu nổ ra khắp nơi. Báo chí Trung Quốc đăng tin. Tỉnh trưởng Triết Giang phản đối với lãnh sự Pháp. Chi bộ Việt Nam của Hội Liên hiệp các Dân tộc bị áp bức ở Á Đông ra tuyên cáo kêu gọi nhân dân các nước bị áp bức lên tiếng đòi Pháp phải thả nhà chí sĩ. Ở Pháp cũng sôi nồi: hội họp, đánh điện, viết bài trên báo, phát hành truyền đơn. Thái độ kiên quyết…
… Trong nước còn rầm rộ gấp bội. Điện từ các nơi, các tổ chức, các giới, kể cả Việt kiều ở Campuchia, Lào, kể cả những người Pháp tiến bộ, thư gửi các báo, bài đăng báo, rồi hội họp, đón xe Varenne. Hội Việt Nam thanh niên in hàng nghìn truyền đơn gởi đi khắp nơi, sang Pháp, Hội Quốc liên, Tòa án quốc tế La Haye, đại sứ các nước ở Paris, Việt kiều ở mọi nơi. Cảm tình đối với nhà chí sĩ thật sâu sắc. Lòng căm phẫn trong nhân dân đối với tội ác của thực dân hừng hực như núi lửa…
Ấy, lời hứa chăm sóc của vị toàn quyền được nhắc lại ba lần, nhưng ba thực tế kia đã bắt đầu cải chính một cách lạnh lùng và đưa đến cái thực tế thứ tư là Phan Bội Châu cứ hãy ở tù. Hứa như vậy, không phải là trò lố thì là gì? "Cứ cho rằng một vị toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa", câu đó là một lời châm biếm xứng đáng với thứ hứa hẹn – toàn quyền ấy…
Trò lố thứ hai: ông Varenne lại được người ta chăm sóc.
Ông Varenne chăm sóc vụ Phan Bội Châu thì chưa thấy nhưng lại thấy ông được người ta chăm sóc. Trước hết là các quan chức thực dân. Không đi sâu miêu tả các loại đón rước, lời văn sắc nhọn chỉ đúc lại trong mấy hình thức tiếp với rước, chúc với tụng và bao trùm lên con người ông toàn quyền một mớ những cảm giác mềm mại, êm ru, mát rượi của sự nịnh nọt: nào là quấn quýt, lôi kéo, nào giằng co, ru vỗ, ấp ủ. Còn sự chăm sóc nào tốt đẹp hơn? Mọi sự chăm sóc đặc biệt là để ngài tuần du một vòng, thị sát lũ con dân thuộc địa da vàng được đặt dưới sự dìu dắt của ngài và chiêm ngưỡng cái kết quả khai hóa của nước mẹ là thành phố…
Trò lố thứ ba: ông Varenne lại tiếp tục được người ta chăm sóc.
Một sự chăm sóc nữa cũng đáng kể. Đó là sự chăm sóc của hoàng đế hay là cái bóng của hoàng đế… Không phải vì tính chất sang trọng, cao cả của sự đón rước, mà do tính chất ứ lạ của nó. Kì dị thay là trong không khí xứ lạ, mà đích thân ngài toàn quyền cũng biến thành một thứ của lạ.
Hoàng đế thì thành cái bóng của hoàng đế vừa với ý nghĩa là một thứ bóng ma vừa với ý nghĩa là một thứ bù nhìn. Đi với ma thì vận áo giấy, cho nên ngài toàn quyền trở thành hiện thân của nước Pháp và hóa ra như một vật vô tri. Ngài sẽ mụ đi vì quá say sưa. Đến nỗi hầu như hoàn toàn trao thân cho bàn tay của người khác chăm sóc. Người chăm sóc ấy phô bày đủ mùi vị xứ lạ dù chỉ ở mấy đốt ngón tay, những ngón tay dài và mảnh, lấp lánh ngọc đỏ xanh, người ta còn nhớ cái chụp đèn trên đầu người này ở một bài khác cùng một tác giả. Còn bản thân ngài toàn quyền biến thành của lạ ấy lại hầu trở thành ngoan ngoãn như đứa trẻ con: người ta mời vào thì vào, người ta mời ăn thì ăn, người ta gắn mề đay thì đặc gắn mề đay.
Được chăm sóc đến mức mê mẩn như vậy, tưởng không còn có thể hơn nữa. Cho nên sự chăm sóc của ngài toàn quyền đối với Phan Bội Châu cũng đang còn mê mẩn như bản thân ngài. Vậy nên Phan Bội Châu vẫn ngồi tù.
Trò lố thứ tư là chủ yếu: ông Varenne chăm sóc Phan Bội Châu
Ấy là khi đã thừa mứa, chán chê, mê mẩn cái chăm sóc của người khác đối với ngài, ngài mới thực hiện cái chăm sóc của ngài đối với Phan Bội Châu. Kể ra như vậy là ngài giữ lời hứa. Có điều quá muộn. Trong hơn tháng ngài ngắm trời ngắm biển, trong non tháng ngài thể thao đôi mắt, đôi tai, cái bụng để thưởng thức cái mê li của tuần với du của chúc với tụng, của tiệc với tùng, thì chính quyền thực dân ở Hà Nội đã đem ra xử án và kết tội tử hình rồi tội chung thân người tù đặc biệt…
… Thành phố Sài Gòn của Tổ quốc ta đó, nơi người cầm bút mô tả đây đã đứt ruột tạm rời ra đi mười mấy thu trước, thành phố thân yêu, trìu mến. Ấy mà nó hiện lên đây như thế nào?
Anh cu li xe kéo kia tại sao lại hiện ra trước? Để vả vào mồm văn minh của thực dân thì đã đành. Nhưng sâu hơn, sao đó không phải là một hình ảnh thu nhỏ của nhân dân lao động xứ ta, chân đất, lưng còng kéo cỗ xe của cuộc đời nô lệ? Trừ tên quan cầm quạt ung dung với cái bội tinh công lao chó ngựa ra, nhân dân Việt Nam rút lại chỉ có thế. Đằng sau cái cười là cái chua chát. Còn quả dưa hấu? Nó là một nét mát tươi trong cảnh đời nắng gắt. Nhưng sao nó lại mổ phanh bụng và đổ máu? (nguyên văn: des pastèques éventrés saignent). Có phải là nét bút ngẫu nhiên, hững hờ? Không, đó là một dụng ý. Đất nước dưới ách thực dân, cho đến thiên nhiên giàu có, tươi mát cũng hóa tổn thương, chảy máu. Đằng sau cái dí dỏm là một sự căm hờn, một lòng thương mênh mông.
Sài Gòn của những năm 20 là như vậy: nghèo khỗ, đau thương, nô lệ. Nhưng dưới mắt thực dân, dù là toàn quyền, cái nghèo khổ, đau thương, nô lệ ấy lại biến thành những điều kì ảo, huyền diệu. Hai con mắt của ngài toàn quyền hẳn được một bữa tiệc ngắm nhìn kì thú.
… Bài văn nói đó là một cuộc chạm trán. Hơn là một cuộc so sánh. Có phải ngẫu nhiên mà lại trưng ra hai bên thành như hai bức liễn đối nhau? Biền ngẫu là một biện pháp không có trong văn Pháp. Trùng lặp, chồng chất định ngữ cũng vậy. Tại sao ở đây lại dồn dập bao nhiêu định ngữ, bao nhiêu mệnh đề chú giải, định nghĩa như vậy? Sáu định ngữ cho tên ấy và tám định ngữ cho bậc này. Nếu không dụng ý đối lập hai bên cho rõ trắng đen, dụng ý nói cho đầy đủ để cho tên phản bội hiện hình thành tên phản bội dù nó đội trăm thứ lốt, để cho bậc anh hùng rực sáng lên, xứng đáng với người danh hùng, mặc dù bị trăm nghìn lần, trăm nghìn thứ che lấp.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Thế là nó chỉ vào ngực nó mà bảo người tù nhìn cái gương sáng ngời của đích thân nó: trước tôi là đảng viên xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm toàn quyền.
Những ba tầng nêu gương mà toàn gương sáng ngời cả. Lần cuối lại lấy cả mình ra mà nói, như cắt ruột gan mà khuyến khích, cổ vũ, thuyết phục, chí nghĩa chí tình, mà người nghe cứ lặng thinh, lạnh ngắt. Cái dửng dưng Im lặng ấy làm cho nó sửng sốt cả người.
Tác giả giải thích rất nhẹ nhàng. Không phải vì lời nói không hoa mĩ, không phải vì điều nói ra không xuất phát từ ruột gan, không phải gương nêu ra không thật. Chỉ vì kẻ này không hiểu người kia, kẻ kia không hiểu người này. Nói trắng ra: tên phản bội làm sao hiểu nổi bậc anh hùng, người anh hùng thì hiểu sao được tên phản bội. Hiểu sao nổi là hiểu sao nổi cái cao cả. Còn hiểu sao được tâm địa phản trắc, cơ hội mà có thể điềm nhiên, thỏa mãn với phản trắc, cơ hội.
Liền mấy trang sách đều một giọng bay bướm, hoa mĩ của bọn chính khách tư sản chuyên nghề bịp bợm bằng món hàng hùng biện rỗng tuếch.
Liền mấy trang đều một hình ngài toàn quyền nói, đều lấy cái tôi của ngài làm trung tâm: tôi đem tự do đến, tôi yêu cầu, ttôi biết rõ chính tôi là người đầu tiên, ông nghe tôi, tôi có thể kể, tôi xin kể, tôi được vinh dự, ông hãy nhìn tôi này, trước tôi là đảng viên xã hội giờ đây tôi làm toàn quyền.
Thực ra, bài này không chĩ nhằm đề cao tinh thần kiên trinh bất khuất của vị anh hùng cứu nước, phỉ báng tư cách đê hèn, đầu óc cơ hội của tên thơ lại thực dân bán rẻ lương tâm, phản bội giai cấp. Nó còn xuyên qua hành vi tên này mà vạch mặt lừa bịp, đểu cáng của chủ nghĩa thực dân Pháp xảo quyệt và tàn bạo, thân phận bù nhìn bợ đỡ của triều đình Huế, phơi trần bộ mặt cơ hội phản phúc đối với giai cấp công nhân của một loại chính khách đang huênh hoang trên trường chính trị Pháp bấy giờ, cũng như của ngay bản thân cái tập đoàn Đảng Xã hội đệ nhị quốc tế lúc đó. Và xa hơn, như một tiếng đệm làm nền, cả cái tinh thần dân tộc kín đáo nhưng đậm đà, gởi gắm có vẻ bâng quơ vào một quả dưa hấu, một anh cu li xe, một đám quần chúng bị đế quốc khinh khi nhưng thông minh sắc sảo, một nụ cười nhếch mép rất nho phong thâm thúy.
Thu Trang