16/01/2018, 13:09

Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của Ô Hen-ri – Văn mẫu lớp 8

Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của Ô Hen-ri – Văn mẫu lớp 8 Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng – Bài số 1 Ai đã từng đọc những truyện ngắn của nhà văn người Mĩ O’Hen-ri (1862 – 1910) hẳn sẽ cảm nhận một điều: từ hiện thực cuộc sống đầy rẫy những bất công vô lý, ...

Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của Ô Hen-ri – Văn mẫu lớp 8

Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng – Bài số 1

Ai đã từng đọc những truyện ngắn của nhà văn người Mĩ O’Hen-ri (1862 – 1910) hẳn sẽ cảm nhận một điều: từ hiện thực cuộc sống đầy rẫy những bất công vô lý, đem đến bao bất hạnh cho những cuộc đời nghèo khổ, nhà văn luôn khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn những con người ấy qua những tình huống truyện bất ngờ, cảm động

Chiếc lá cuối cùng là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn ắp tràn tình thương yêu và niềm tin với con người, một bức thông điệp khẳng định sứ mạng và sức mạnh của nghệ thuật chân chính.

Câu chuyện kể về cuộc sống chật vật của những người hoạ sĩ nghèo: hai nữ họa sĩ trẻ Xiu và Giôn-xi sống cùng căn hộ với người họa sĩ già Bơ-men. Những khó khăn về vật chất đã vắt kiệt sức sáng tạo, khiến họ lâm vào cảnh bi đát. Cụ Bơ-men suốt bốn chục năm mơ ước vẽ một bức kiệt tác mà không thực hiện được, đành phải ngồi làm mẫu cho các họa sĩ trẻ để kiếm chút tiền còm nuôi thân. Giôn-xi bị sưng phổi, bệnh tật và nghèo túng đã lấy nốt của cô niềm tin vào cuộc sống. Chỉ còn lại Xiu mòn mỏi với những bức vẽ và ám ảnh bởi suy nghĩ của Giôn-xi: cô gái bệnh tật ấy đang đếm từng chiếc lá rơi để chờ định mệnh phán quyết mạng sống của chính mình, với niềm tin khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô sẽ ra đi… Không gian cuộc sống của những con người khốn khổ ấy lạnh lẽo u ám như mùa đông, nặng trĩu những buồn lo.

Đáng sợ làm sao khi mỗi ngày trôi đi trong gió tuyết và những cơn mưa lạnh lẽo dai dẳng, những chiếc lá thường xuân tiếp tục rơi xuống, chỉ còn lại một chiếc lá cuối cùng để Giôn-xi như nhìn thấy cái chết của mình đang đến gần. Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy rối lòng, bất lực trước một con người đã buông xuôi, chán sống. Bởi thế nhà văn đã tập trung miêu tả khoảnh khắc căng thẳng của Xiu và cụ Bơ-men lúc Giôn-xi đang ngủ: “Họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì”. Có lẽ trong giây phút đó, họ đã nhìn thấy nhánh thường xuân cuối cùng trụi lá rồi chăng? Dường như cùng với cái khắc nghiệt của trời đông, mưa gió, họ có thể đoán trước được điều gì khi Giôn-xi tỉnh dậy vào sáng hôm sau và thấy chiếc lá cuối cùng đã rụng.

Trong hoàn cảnh này, người đau khổ nhất không phải là Giôn-xi mà chính là cô gái trẻ Xiu. Bởi lẽ, cô là người sẽ phải chứng kiến toàn bộ tấn bi kịch sắp diễn ra vào sáng hôm sau khi Giôn-xi lại nhìn ra cửa sổ. Nhà văn không mô tả cụ thể tâm trạng Xiu, chỉ cho biết cô “tỉnh dậy sau khi chợp mắt được một tiếng đồng hồ”,như vậy có nghĩa là cô đã phải trải qua một đêm trắng đầy âu lo thổn thức, trong sự bồn chồn và bất lực. Một đêm mưa gió ngoài trời dữ dội, một chiếc lá mong manh bám trên bức tường gạch chắc chắn sẽ bị vùi dập tơi tả, không chống chọi nổi sự tàn phá của tự nhiên. Điều đó có nghĩa là sau phút kéo mành lên, Giôn-xi sẽ nhìn thấy cái chết của chính mình. Nhưng Xiu cũng không thể chịu được khoảnh khắc nhìn thấy “Giôn-xi đang mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành mành màu xanh đã kéo xuống”. Không kéo mành lên cũng không được, vì như vậy Xiu sẽ mang mặc cảm chính mình mới là người gây ra cái chết của Giôn-xi. Ta hiểu tâm trạng của cô khi làm theo một cách chán nản, bản thân cô cũng không còn phương cách nào giúp cho người đồng nghiệp, người em gái kia từ bỏ suy nghĩ điên rồ đáng sợ kia.

Chính vào lúc ấy, một hình ảnh bất ngờ đã làm đảo lộn mọi dự đoán, đảo ngược cả tình huống tưởng như chắc chắn trong dự định của Giôn-xi, trong nỗi lo của Xiu và trong sự thất vọng của mọi người. Tình huống ấy đã thắp lại niềm hy vọng như một phép màu: vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Có lẽ người vui mừng nhất lúc này là Xiu, vì chiếc lá cô nhìn thấy không phải là một ảo ảnh: “Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ”. Còn Giôn-xi? Cô cũng nhận ra: “Đó là chiếc lá cuối cùng”, thừa nhận sự thật một cách miễn cưỡng và tiếp tục suy nghĩ: “Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết”.
Giôn-xi thật đáng thương nhưng cô cũng thật đáng trách khi vẫn đeo đuổi ý định từ bỏ cuộc sống. Cô chìm đắm trong ý nghĩ kỳ quặc của mình, mặc kệ những sợi dây ràng buộc cô với tình bạn và với thế gian cứ lơi lỏng dần từng sợi một.Cô đã phụ lòng của Xiu, bởi lẽ cô đã xem nỗi đau của mình lớn hơn tất cả mọi sự quan tâm lo lắng của mọi người. Trong thời điểm ấy, sẽ không ai có thể giúp đỡ cô, ngoại trừ chính bản thân cô. Thời gian một ngày kéo dài đằng đẵng để Giôn-xi chứng kiến chiếc lá thường xuân chống chọi với mùa đông khắc nghiệt. Chiếc lá bướng bỉnh ấy không chấp nhận sự buông xuôi của một cô gái còn quá trẻ. Thế nhưng, khi con người ấy đã chấp nhận đầu hàng số phận, thì sức mạnh của màn đêm buông xuống, gió bấc ào ào, mưa đập mạnh vào cửa sổ lại có một uy lực khiến cho Giôn-xi không còn một niềm tin nào vào sự sống của chính mình. Sự cố chấp ấy quả thật đáng chê trách.

Nhà văn đã tạo ra một tình huống thử thách trước số phận của Giôn-xi, để rồi, cuối cùng người đọc có thể thở phào nhẹ nhõm: “chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”. Chiếc lá mong manh ấy đã chiến thắng được thời tiết khắc nghiệt, để tạo ra một bước ngoặt trong nhận thức của Giôn-xi. Cuối cùng, cô gái ấy đã nhận ra sự ích kỷ tồi tệ của bản thân mình. Chiếc lá cuối cùng đã cứu sống một sinh linh. Trước hết là thức tỉnh khát vọng sống tiềm ẩn trong tâm hồn của Giôn-xi, để cô nhận ra: “có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội.”. Phép nhiệm màu đã xảy ra, vượt qua tất cả những quy luật thường tình của thiên nhiên tạo hoá, khiến Giôn-xi không hiểu và không sao hiểu được. Phải chăng, Thượng đế chí công và nhân từ không nỡ để một cô gái trẻ phải sớm giã từ cuộc sống? Không những thế, sau thời khắc bừng tỉnh, cô gái Giôn-xi đã lại bắt đầu mơ ước về tương lai: “một ngày nào đó em sẽ vẽ được vịnh Na- plơ”. Thượng đế thật công bằng, vị thượng đế ấy có tên là… Bơ-men.

Người hoạ sĩ già khốn khổ ấy không có quyền năng tối thượng của Thượng đế, nhưng ông có một trái tim giàu lòng thương cảm. Hoá ra, trong thời điểm làm mẫu cho Xiu, con người ấy đã đi đến một quyết định táo bạo, đoạt quyền của Đấng-toàn-năng bằng chính khả năng của mình. Con người đã bốn mươi năm theo đuổi kiệt tác mà không thành công đã tạo nên một kiệt tác cuối cùng của đời mình: chiếc lá cuối cùng! Khi bắt tay vào công việc, người nghệ sĩ chân chính ấy đã âm thầm hành động với ước nguyện thật cao cả: trả lại niềm tin vào sự sống cho Giôn-xi. Không ai được biết có bao nhiêu tinh hoa đã phát tiết trong giờ phút vẽ nên chiếc lá trên tường của cụ Bơ-men. Tất cả đều diễn ra quá bất ngờ, đến nỗi cả Xiu là người đã chứng kiến giờ phút chiếc lá cuối cùng rụng xuống cùng cụ Bơ-men cũng phải bàng hoàng. Ta chợt hiểu những lời nói hối hả của cô với Giôn-xi: “Em thân yêu, thân yêu. Em hãy nghĩ đến chị, nếu như em không còn muốn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?”. Cô đã hiểu tất cả, nhưng không dám nói rõ cho Giôn-xi, bởi lẽ cô chưa thể hình dung ra phản ứng của Giôn-xi trước một sự lừa dối bắt nguồn từ lòng tốt của người hoạ sĩ già. Lời nói ấy còn bộc lộ một niềm sung sướng vô biên của Xiu trước giải pháp tình thế mà cụ Bơ-men đã nghĩ ra trong đêm chiếc lá cuối cùng thực sự đã rụng xuống. Bởi thế, lần kéo mành vào hôm sau, ta không còn gặp tâm trạng chán nản đến cùng cực của Xiu nữa.

Vì sự sống của một cô gái, cụ Bơ-men đã bất chấp thử thách của thời tiết khắc nghiệt, quên đi sự sống của bản thân mình. Có lẽ bản thân cụ cũng không ngờ đó là bức vẽ cuối cùng của cuộc đời mình, nhưng chắc chắn một điều khi người hoạ sĩ ấy vẽ chiếc lá, bức vẽ ấy không nhằm để lưu lại tên tuổi nghệ sĩ với đời. Điều đáng quan tâm lúc đó là sự sống đã tắt trong tâm hồn một cô gái trẻ, làm thế nào để cô thôi không bị ám ảnh bởi quy luật lạnh lùng của tạo hoá, để rồi vươn lên giữa cuộc đời bằng chính sức sống tiềm tàng trong tâm hồn cô. Đó là lúc người hoạ sĩ già ấy hiểu thấu sứ mạng vinh quang và cao cả của nghệ thuật: hướng về con người chứ không phải là nhằm tạo chút danh tiếng hão huyền, nghệ thuật chỉ thật sự bắt đầu khi sáng tạo của người nghệ sĩ giúp ích cho đời.

Cuối cùng thì Giôn-xi đã vượt qua cửa ải của chính mình, trở lại với niềm tin sự sống nhờ niềm tin vào sức sống mãnh liệt từ chiếc lá cuối cùng – tác phẩm của cụ Bơ-men. Nhưng người nghệ sĩ già ấy đã phải trả một cái giá quá đắt bằng chính mạng sống của mình. Giôn-xi chỉ được biết điều ấy khi đã thật sự bình phục bằng nghị lực của chính mình. Qua lời thuật lại của Xiu, ta hiểu được lòng biết ơn của Xiu đối với người hoạ sĩ cao cả ấy, và cô muốn nhắc nhở Giôn-xi không thể vô ơn trước sự hy sinh của một con người chân chính, vì sự sống của đồng loại đã không ngần ngại xả thân. Cụ Bơ-men đã nhiễm chính căn bệnh sưng phổi của Giôn-xi vào lúc tạo nên chiếc lá cuối cùng giữa một đêm đông mưa gió lạnh lẽo. Chi tiết xúc động này khiến ta tin rằng Giôn-xi dù biết rằng chiếc lá ấy là một sản phẩm nhân tạo, nhưng chắc chắn cô sẽ không bao giờ hối hận trước một sự lừa dối cao cả như thế, Người hoạ sĩ già Bơ-men là hiện thân của sự cao thượng, lòng vị tha, đức hy sinh của một con người chân chính.

Câu chuyện kết thúc bằng một sự đảo ngược tình huống lần thứ hai. Chiếc lá cuối cùng là một sự lừa dối, nhưng lại là một sự lừa dối cao cả để đem lại niềm tin vào sự sống cho con người. Kiệt tác cuối cùng của người họa sĩ già đã được ra đời nằm ngoài tất cả mọi dự đoán của công chúng. Nhưng chiếc lá cuối cùng ấy mãi mãi là bằng chứng của tấm lòng yêu thương con người. Bởi thế, Chiếc lá cuối cùng sẽ mãi bất tử với thời gian.

Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng – Bài số 2

Truyện “Chiếc lá cuối cùng" tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Ô Hen-ri. Truyện chỉ có ba nhân vật, những họa sĩ nghèo: Xiu, Giôn-xi và cụ già Bơ-men.

Ô Hen-ri là cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Mĩ đầu thế kỉ XX. Giải thưởng Ô Hen-ri là giải thưởng văn chương ở Mĩ dành cho những truyện ngắn hay nhất hàng năm. Tên tuổi nhà văn mãi mãi lưu danh hậu thế.

Truyện “Chiếc lá cuối cùng" tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Ô Hen-ri. Truyện chỉ có ba nhân vật, những họa sĩ nghèo: Xiu, Giôn-xi và cụ già Bơ-men. Truyện có kết cấu chặt chẽ, hầu như không có chi tiết nào thừa, diễn biến xúc động như khi nói về trận ốm kéo dài của Giôn-xi và cái chết bất ngờ của cụ Bơ-men. Có ý kiến cho rằng:

Truyện “Chiếc lá cuối cùng' của Ô Hen-ri là bức thông điệp màu xanh về tình thương và sự sống của con người".

Truyện “Chiếc lá cuối cùng" của Ô Hen-ri đã thể hiện một tình bạn cao quý cám động. Giôn-xi và Xiu là hai nữ họa sĩ trẻ, tuy nghèo mà lắm ước mơ, nhiều yêu thương. Họ gắn bó với nhau về những sở thích và về nghệ thuật mà kết thành
chị em cùng chung nhau thuê một phòng họa nơi phố nghèo. Mùa đông năm ấy, chứng viêm phổi hoành hành đã "đánh ngã hàng chục nạn nhân'. Giôn-xi cũng bi cảm lạnh, nằm liệt giường. Mọi thứ thuốc men đều trớ thành "vô dụng", cô yên trí là mình "không thể khỏi được". Giôn-xi lại bị ám ảnh, một khi chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân phía cửa sổ rụng xuống thì cô "cũng ra đi thôi". Sự sụp đổ về tinh thần của cô họa sĩ trẻ bất hạnh làm cho bệnh tình ngày thêm trầm trọng.

Chính trong hoàn cảnh bi đát ấy, tình bạn được thử thách. Xiu thương đứa em nuôi vô cùng, cô đã khóc "đến ướt đẫm cả một chiếc khăn trải bàn Nhật Bản”. Xiu lo âu. Xiu săn sóc và hết lòng chạy chữa cho em. Xiu làm việc nhiều hơn để kiếm thêm tiền mua thuốc và thức ăn cho Giôn-xi. Khi đứa em tội nghiệp "nằm yên lặng và trắng nhợt như một pho tượng bị đổ”  thì Xiu vẫn kiên nhẫn an ủi em. Cô nói qua làn nước mắt:

“Em thân yêu, em yên dấu!… Em hãy hứa với chị là hãy nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa…". Em hãy cố ngủ đi"…

Xiu đã tận tình săn sóc em, lúc thì quấy nước súp gà, lúc thì pha sữa với rượu Boóc-đô, lúc thì đặt thêm gối, lúc thì mời bác sĩ, lúc thì cầu cứu bác Bơ-men. Xiu đã giành giật với tử thần để chạy chữa cho đứa em nuôi bé bỏng tội nghiệp.

Xiu là hiện thân của tấm lòng trắc ẩn vị tha, là một con người giàu đức hi sinh thầm lặng, có một trái tim nhân hậu mênh mông. Xiu là một nhân vật rất đẹp làm ta xúc động và ngưỡng mộ về một tình bạn, tình chị em thủy chung, cao quý. Nhân vật Xiu tỏa sáng "bức thông điệp màu xanh" của “Chiếc lá cuối cùng".

Để cứu người khỏi tai họa, có những con người đứng trước cái chết không hề sợ chết. Cụ già Bơ-men, một họa sĩ già là một con người giàu đức hi sinh như vậy. Năm ấy, cụ Bơ-men đã 60 tuổi, khắc khố, đã 40 năm cầm bút vẽ mà vẫn không với tới được "gấu áo vị nữ thần" của nghệ thuật. Tuy vậy, cụ đã nói với cô Xiu: "Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất…". Ông không ngồi làm mẫu nữa, mà đã đứng trong cơn mưa lạnh lẽo, dai dẳng, pha lẫn tuyết đang đổ xuống, chỉ mặc một cái áo sơ mi cũ màu xanh, đứng suốt đêm âm thầm sáng tạo nên "chiếc lá cuối cùng", "chiếc lá dũng cảm". Gió bấc lồng lộn, nhưng chiếc lá thường xuân "đơn độc" ấy vẫn bám chắc lấy cành. Giày và áo quần cụ họa sĩ đã ướt sũng và lạnh buốt. Cụ Bơ-men đã chết vì sưng phổi. Chiếc lá cuối cùng do cụ "vẽ” nên đã đánh lui thần chết, cứu sống cô Giôn-xi. Quên mình để cứu người là một hành động cao cả. Cái chết của cụ già Bơ-men đẹp hơn mọi bài ca. Nếu Chúa bị đóng đinh chịu nạn vì hạnh phúc của con người, thì cụ Bơ-men cao đẹp thay đã xả thân vì sự sống của Giôn-xi. Cụ đã vĩnh viễn ra đi, nhưng chiếc lá cuối cùng là một kiệt tác, cụ để lại cho đời, vì sự sống và hạnh phúc của con người thì còn lại mãi mãi. Giôn-xi khỏi bệnh, cô lặng ngắm "tác phẩm kiệt xuất' của cụ Bơ-men, và cô xúc động nghĩ: "Cụ vẽ nó vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng" với tất cả tình thương và lòng biết ơn vô hạn. Hơn một thế kỉ nay, hàng triệu độc giả trên hành tinh đã cúi đầu nghiêng mình trước nghĩa cử và cái chết của họa sĩ già Bơ-men.

“Chiếc lá cuối củng” là một trong những tác phẩm văn học nước ngoài đã đem đến cho chúng ta nhiều nhã thú. 'Bức thông điệp màu xanh" ấy, mãi mãi tươi non trong lòng người. Tình bạn bè, tình chị em, tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh của họa sĩ trẻ và già ấy làm cho người đọc tin yêu hơn vào lòng tốt của con người. Nó nhắn nhủ nhân loại: hãy phấn đấu cho hạnh phúc của con người, hãy đem nghệ thuật phục vụ con người, vẻ đẹp nhân văn, giá trị nhân bản của “Chiếc lá cuối cùng" đã rung động tâm hồn mỗi chúng ta.

Nghệ sĩ Bơ-men đã ngã xuống vì nghệ thuật, đã hi sinh vì sự sống và hạnh phúc của con người. Nghệ thuật hướng tới con người là nghệ thuật cao đẹp nhất, lâu bển nhất!

Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng – Bài số 3

Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn O’Hen-ri. Cậu chuyện là hiện thực cuộc sống đầy rẫy những bất công vô lý, đem đến bao bất hạnh cho những cuộc đời nghèo khổ. Tuy vậy, nhà văn lại tìm thấy và khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn những con người ấy qua những tình huống truyện bất ngờ, cảm động.

Câu chuyện kể về cuộc sống nghèo của ba người hoạ sĩ nghèo: Xiu, Giôn-xi, Bơ-men. Cụ Bơ-men suốt bốn chục năm mơ ước vẽ một bức kiệt tác mà không thực hiện được, đành phải ngồi làm mẫu cho các họa sĩ trẻ để kiếm chút tiền còm nuôi thân. Xiu vẫn mòn mỏi với những bức vẽ. Giôn-xi bị sưng phổi, dần mất niềm tin vào cuộc sống: cô đếm từng chiếc lá rơi, với niềm tin khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô sẽ ra đi…

Mỗi ngày trôi đi với mưa gió lạnh lẽo và khắc nghiệt, cây thường xuân cứ thế trút dần những chiếc lá trên cành để rồi còn một chếc duy nhất. Giôn-xi như nhìn thấy cái chết của mình đang đến gần. Sự sống của cỗ bỗng trỏe nên mong manh hơn bao giờ hết. Cô bất lực và buông xuôi, càng khiến cho cụ Bơ-men và Xiu lo lắng: “Họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì” cam nhan cua em ve truyen ngan chiec la cuoi cung. Đặc biệt là Xiu. Cô âu lo thổn thức, bồn chồn “tỉnh dậy sau khi chợp mắt được một tiếng đồng hồ”.

Đêm mưa gió dữ dội, chiếc lá kia chắc cũng đã bị vùi dập. Cái khoảnh khắc Giôn-xi nhìn tấm mành kéo xuống thật đáng sợ. Không một ai có thể khiến cho cô từ bỏ suy nghĩ sẽ lấy số lá còn sót lại trên cành thường xuân làm thước đo mạng sống của mình. Bản thân Xiu có lẽ cũng không thể chịu nổi cái ý nghĩ rằng đã đến lúc phải chia tay người bạn đồng nghiệp của mình trong mãi mãi. Nhưng điều kì diệu đã xảy ra: vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Niềm vui trong Xiu như vỡ òa. Còn đối với Giôn-xi, cô cũng có chút ngạc nhiên, miễn cưỡng chấp nhận sự thật để rồi lại chìm đắm trong suy nghĩ từ bỏ cuộc đời : “Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết”. Ta thấy Giôn-xi vừa đáng trách mà lại đáng thương.

Mùa đông khắc nghiệt vẫn kéo dài. Thế nhưng chiếc lá thường xuân vẫn còn đó. Rồi một ngày kia, mưa gió tràn về trong đêm. Vậy mà “chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”. Chống chọi với thiên nhiên khắc nhiệt, chiếc lá vượt qua mọi khó khăn, bám vững trên cành cây khẳng khiu. Giôn-xi cảm thấy khó hiểu, và cũng như bừng tỉnh. Cô mơ ước: “một ngày nào đó em sẽ vẽ được vịnh Na- plơ”. Điều đó chứng tỏ cô đã có niềm tin vào cuộc sống. Chiếc lá thường xuân kia đã tiếp thêm cho cô sức mạnh vô hình để chống chọi bệnh tật.

Kết thúc câu chuyện đã khiến cho cả người trong cuộc lẫn độc giả phải bất ngờ. Chiếc lá cuối cùng còn sót lại tren cây thường xuân kia, hóa ra là một tác phẩm tài hoa của một người nghệ sĩ lão làng. Đó chính là cụ Bơ-men. Vì sự sống của một cô gái, cụ đã vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, để mang lại cho cô chút niềm tin vào cuộc sống. Người họa sĩ già với mong ước cả một đời được vẽ nên một kiệt tác, và cuối cùng điều đó cũng trở thành hiện thực. Tác phẩm của ông chân thật và sống động đến không ngờ. Không chỉ vậy, nó đã cứu rỗi tâm hồn của một cô gái trẻ đang đưa tay về Thần Chết. Không một ai biết được sự thật này cho đến khi ra đi. Cụ Bơ-men quả thật không chỉ là một người họa sĩ tài năng, mà còn là một người nghệ sĩ chân chính với tâm hồn cao cả.

“Chiếc lá cuối cùng” mang đậm tình cảm giữa con người với con người trong tình cảnh nghèo khó. Đồng thời, tác phẩm còn mang đến một thông điệp: Nghệ thuật vị nhân sinh.

Cảm nhận về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng – Bài số 4

Bản thân trong cuộc đời mỗi người nghệ sĩ, ai cũng đều khao khát có ít nhất một lần trong đời tạo ra được một kiệt tác nghệ thuật có thể coi là bất hủ. Đó là ước muốn chung của tất cả những con người đi theo lĩnh vực nghệ thuật, nhận lấy trách nhiệm gìn giữ và tạo ra những tinh hoa văn hóa cho thế giới tinh thần đầy màu sắc của nhân loại. Bất kể đó là hội họa, âm nhạc hay văn học, người nghệ sĩ nào cũng đều mong ước đứa con tinh thần của mình có thể vươn tới những ánh hào quang rực rỡ của nữ thần kiệt tác, được cả thế giới công nhận và yêu mến. Nhưng trong những cuộc hành trình tạo ra cái đẹp ấy, không phải ai cũng đủ kiên trì và may mắn để bước tới được con đường cuối cùng huy hoàng và thắng lợi. Có đôi khi, cái đẹp của nghệ thuật không phải nằm ở dáng vẻ bóng bảy, hào nhoáng bề ngoài mà nằm ở giá trị và ý nghĩa của nó đối với cuộc sống con người. Chung quy lại, cái đích mà mọi lĩnh vực nghệ thuật đều muốn hướng tới đó là làm cho cuộc sống thêm lạc quan và tích cực.

Đó cũng là những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà tác giả người Mĩ O’Henry muốn gửi gắm đến tất cả chúng ta qua tác phẩm truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”. Được rút ra từ tập truyện ngắn cùng tên, “Chiếc lá cuối cùng” là một câu chuyện đầy cảm động và giàu giá trị suy ngẫm cho tất cả chúng ta và đặc biệt là những người nghệ sĩ đang rong ruổi trên con đường sáng tạo nghệ thuật nói riêng. “Chiếc lá cuối cùng” như là bức thông điệp màu xanh mà tác giả gửi đến người đọc để ca ngọi tình bạn thủy chung cao quý, nhắn nhủ mọi người,  hãy yêu thương con người, hãy biết hy sinh vì sự sống của con người.

Mở đầu tác phẩm, nhà văn O’ Henry đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về những con phố ngoằn nghèo được gọi là “biệt khu” – nơi sinh sống của những con người lao động nghèo khổ. Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh của những khu nhà trọ tồi tàn, ẩm ướt với những mái nhà cũ rích, run lẩy bẩy giữa bão tố sau mỗi cơn mưa. Trong cái khu phố nghèo nàn ấy, có những con người cháy rực ngọn lửa đam mê đối với nghệ thuật nhưng lại chưa đủ may mắn để tạo nên những kì tích. Họ vẫn ở đó, ngày ngày nuôi lớn khát vọng có một ngày, những đứa con tinh thần ấy được mọi người biết đến, tài năng của họ được người khác công nhận. Họ vẫn chờ đợi trong cái vòng đời và số phận nghiệt ngã bởi chính tình yêu nghệ thuật.

Ở đâu đấy qua hình ảnh của Xiu và ông lão Bơ – men chợt hiện ra hình ảnh của những người nghệ sĩ lang thang trên con đường mòn mỏi để kiếm tìm một vùng đất hào quang cho riêng mình. Hẳn Xiu và ông lão Bơ – men cũng đã nung nấu, ấm ủ trong lòng mình hy vọng sẽ tạo nên một ác phẩn nghệ thuật – một kiệt tác dành cho đời. Cho dù có người hiểu thì thông cảm, có người không hiểu thì cho rằng những người nghệ sĩ thường hay mơ mộng mà với cao. Nhưng đó là tất cả những tình cảm yêu thương chân thành và thiêng liêng nhất của họ đối với những đứa con của mình.

Có thể họ không cần sự nổi tiếng. Mà họ cần là một sự quan tâm và đánh giá đúng mực đối với niềm đam mê của chính bản thân mình. Đó là một khát vọng chính đáng mà có lẽ không chỉ riêng tôi, không chỉ riêng các nhà văn hay họa sĩ, mà của tất cả những người đang có niềm đam mê và nhiệt huyết theo đuổi những ước mơ chân chính. Đoạn tác giả O’Henry miêu tả cô bạn Xiu khi cô nói chuyện với Giôn – xy  mà cảm thấy có chút gì đó cay đắng, ngậm ngùi. Cô dựng bảng vẽ và bắt đầu vẽ bức minh họa cho câu chuyện tạp chí bằng bút sắt. Những họa sĩ trẻ phải lát con đường đến nghệ thuật bằng các bức tranh minh họa cho những truyện trên tạp chí do các cây bút trẻ đã lát xuống để đến với văn học. Những họa sĩ trẻ phải lát con đường đến nghệ thuật bằng các bức tranh minh họa cho những truyện trên tạp chí do các cây bút trẻ đã lát xuống để đến với văn học.Con đường để đến với thành công đôi khi không công bằng với những nghệ sĩ trẻ, và không phải ai cũng thật sự được khởi đầu từ những tấm thảm đã được trải sẵn hoa.

Thế rồi, cô gái Giôn – xy ở trong tác phẩm, dường như cô ấy đã bước ra từ trong truyện mà bước chân vào cả trong thế giới đời thường này. Khi cô ấy đã quá mệt mỏi và tuyệt vọng, Giôn – xy đã buông xuôi, bỏ cuộc, đã phó mặc cho thần chết và đã đưa ra một dấu chấm hết mà không một lần chịu đứng dậy đấu tranh, bảo vệ lấy cuộc sống của chính mình. Những người như cô gái ấy, yếu đuối nhưng lại không thể làm cho người ta thương hại, luôn lẩn tránh cuộc sống, chỉ muốn thu mình vào cái vỏ ốc bé tí tẹo mà chết dần chết mòn.  Cô ấy đã nói với Xiu “Khi chiếc lá lìa cành thì chắc chắn em cũng lìa đời”. Cô diễn tả tâm trạng của mình trong tuyệt vọng “chờ đợi làm em chán lắm rồi. Nghĩ ngợi cũng làm em chán lắm rồi. Em muốn buông tay ra khỏi tất cả …hệt như một trong những chiếc lá mệt mỏi đáng thương đó”. Đến đây người đọc cảm thấy nghẹt thở tưởng như vô phương cứu chữa trước một con người không còn một tơ vương nào vào cuộc sống. Nhưng kì diệu thay, chiếc lá cuối cùng không rụng. Nó còn đó mãi mãi như sự bất tử của cuộc đời. Rồi Giôn- xi bắt đầu bình phục.

Nếu như không có một người bạn nhiệt tình giống như Xiu, một người cha, người chú cao thượng giống như bác họa sĩ già Bơ – men giúp Giôn – xy tìm lại niềm tin giành lấy sự sống, cũng không thể biết được, cô ta sẽ chết vì căn bệnh viêm phổi hay sẽ chết vì đói khát, chết vì chẳng còn ý chí sinh tồn. Cuối cùng thì bài học về giá trị của cuộc sống, về khát vọng tồn tại, cô ta cũng học được. Nhưng cái sự nhận thức muộn màng ấy, chẳng phải là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của bác họa sĩ già vô tội hay sao?

Nếu cô ta biết mạnh mẽ hơn, biết đương đầu với bệnh tật bằng chính ý chí của mình để chiến thắng nó ngay từ đầu thì có lẽ sẽ không có câu chuyện đau lòng mà chúng ta nhận ra sau đó. Càng đọc, càng ngẫm và càng thấm thía. Dưới ngòi bút tài tình của O’Henry, bạn sẽ khó có thể rời bỏ trang sách khi chưa đọc hết toàn bộ câu chuyện, và cũng thật khó để sau khi gấp trang sách lại, bạn không có điều gì để suy ngẫm.

Nhân vật ấn tượng nhất chính là bác họa sĩ già Bơ – men, một điển hình tiêu biểu cho chính hình ảnh của những con người với khát khao vươn tới nghệ thuật chân chính. Lão đã ngoài sáu mươi, có bộ râu xoăn như bức tượng Moses của Michael Angelo, lượn như tóc từ đầu của thần Satyr xuống thân hình một con quỷ nhỏ. Bơ – men không thành công trong nghệ thuật. Ðã bốn mươi năm múa bút mà lão chưa hề chạm tới được gấu áo Nữ thần của mình. Lão luôn ấp ủ ý định vẽ một kiệt tác, nhưng vẫn chưa bắt đầu. Suốt nhiều năm nay, lão chẳng vẽ được gì ngoại trừ thỉnh thoảng làm mấy đường quảng cáo hay chào hàng. Lão kiếm được ít tiền bằng cách ngồi mẫu cho mấy nghệ sĩ trẻ trong khu “hoạ sĩ” ấy, những người không đủ tiền thuê người mẫu chuyên nghiệp. Lão uống rượu gin quá độ, nhưng vẫn nói về kiệt tác sắp vẽ của mình. Còn những lúc khác, lão là một lão già nhỏ thó hung tợn, luôn chế nhạo tính nhu mì của bất kì ai và luôn tự xem mình như loại khuyển đặc biệt, canh phòng bảo vệ hai nghệ sĩ trẻ ở xưởng vẽ bên trên. Trên con đường nghệ thuật của mình, ông là một người không may mắn. Già nua, nghèo khó, nhưng bên trong con người của ông họa sĩ ấy, tình yêu nghệ thuật luôn cháy bỏng và mãnh liệt. Tôi chợt nhớ đến những con người giống như ông trong cái xã hội đời thường này. Họ lặng thầm cống hiến, hoặc chỉ đơn giản là say mê theo đuổi những ước mơ của mình. Có những người sớm thành công, nhưng cũng có những người kém may mắn hơn, họ vẫn kiên trì trên con đường mình đã chọn. Có đến hàng trăm nhà văn, nhà thơ, đến hàng nghìn, hàng vạn tác phẩm, làm thế nào để người ta có thể chọn riêng được chúng, để chúng không lẫn lộn với những tác phẩm tương tự, người nghệ sĩ làm được điều đó sẽ tạo nên kiệt tác. Và để làm được điều đó, không gì hợp lí hơn là biến nó thành một thứ làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Cái cách mà O’Henry xây dựng tình tiết không chỉ khiến chúng ta bị lôi cuốn vào những xung đột kịch tính trong diễn biến tâm lí của các nhân vật mà còn ngay từ đầu đã gieo vào ý thức của chúng ta những suy nghĩ đồng cảm cho từng nhân vật. Còn gì kích thích hơn khi bạn đọc một tác phẩm mà các nhân vật trong đó, bạn đều bắt gặp được bóng dáng của họ đâu đấy ngoài đời thực. Cái đời thực được đưa vào cái nghệ thuật, cả hai cùng hòa quyện tạo nên chính cái giá trị giáo dục và nhân văn trong đó.

Cái cách mà O’Henry để câu chuyện kết thúc qua lời kể của cô bạn Xiu thật khiến mọi người phải suy ngẫm. Không ai được nhìn thấy cái cảnh bác Bơ – men cặm cụi trong cái đêm bão táp dữ dội ấy để vẽ thêm một chiếc lá cuối cùng cho cây thường xuân. Nhưng chúng ta lại có thể hình dung được rõ mồn một, chiếc lá ấy nằm trên bức tường mạnh mẽ và hiên ngang đến mức nào. Có lẽ O’Henry cũng cố tình không miêu tả cảnh ấy là vì thế. Bác họa sĩ già trong cái đêm tối tăm bão táp ấy đã âm thầm và lặng lẽ vẽ nên bức họa cuối cùng của đời mình. Để rồi, khi người con gái bé nhỏ và yếu đuối Giôn – xy vượt qua cơn hiểm nghèo thì chính bác lại âm thầm ra đi trong cô độc. Hôm nay, bác Bơ – men mất vì viêm phổi ở bệnh viện. Bác chỉ ốm có hai ngày. Sáng hôm đầu tiên, người gác cổng đã thấy bác quằn quại đau trong phòng của bác nơi tầng trệt. Giày và quần áo bác ướt sũng, lạnh băng. Họ không thể hình dung bác đã ở đâu vào cái đêm khủng khiếp như thế. Rồi khi họ tìm thấy chiếc đèn lồng, hãy còn sáng và cái thang đã bị kéo khỏi chỗ của nó, mấy chiếc bút lông vương vãi và một bảng pha mầu với xanh vàng hòa lẫn. Khi đọc tới trích đoạn này, mắt tôi đã thật sự nhòe đi lúc nào không hay. Bởi vì cái kết thúc ấy quá éo le và nghiệt ngã. Éo le ở chỗ cả cuộc đời người họa sĩ đó mải miết đi tìm kiếm thành công, cuối cùng khi quả ngọt ở ngay trước mắt thì ông lại không thể thấy được. Bức kiệt tác cuối cùng đó của ông, trở thành giá trị nghệ thuật đối với người khác, nhưng đối với chính bản thân ông, nó lại được trả giả bởi chính sinh mạng. Nhưng cuối cùng, cái kết ấy lại làm cho tôi có thể yên lòng thanh thản. Bởi lẽ nó cũng có thể đem trả về một sinh mạng khác cho Giôn – xy. Hóa ra, nghệ thuật lại có lúc có tác dụng lớn lao đến vậy.

Như vậy kiệt tác “chiếc lá cuối cùng” của cụ Bơ – men chính là một hình ảnh, một minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng của O’Henry cũng như những người làm nghệ thuật. Kiệt tác ấy giàu giá trị nhân văn, mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc khó quên. Tôi khép lại trang sách, mân mê đến từng con chữ cuối cùng, giống như vừa trải qua một cuộc hành trình dài đầy mê hoặc. Đó là cuộc trải nghiệm đầy ý nghĩa của chính bản thân tôi, khi đang loay hoay tìm đủ mọi cách để thực hiện một tác phẩm để đời để rồi ngỡ ngàng mà phát hiện ra khái niệm nghệ thuật chân chính. Cho đến bây giờ, nếu có ai đó hỏi tôi: Nghệ thuật là gì? Có lẽ tôi sẽ không cần phân vân mà đáp lại ngay rằng: Nghệ thuật chính là cuộc sống.

Vũ Hường tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

  • nêu suy nghủ của em về văn bản chiếc lá cuối cùng
  • tình cảm yêu thương con người tình yêu thương cảm thông con người của O Henry trong truyện ngắn chiếc lá cuối cùng
  • bai van cua lop 8 noi ve chiec la cuoi cung
  • Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh chiếc lá cuối cùng
  • cảm nhận của em về bức tranh chiếc lá cuối cùng
  • cam nhan cua em ve lan keo manh thu 1 van ban chiec la cuoi cung
0