Cảm nhận về công ơn cha mẹ qua bài ca dao: "Công cha như núi ngất trời. Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông. Núi cao biển rộng mênh mông. Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!"
Cảm nhận về công ơn cha mẹ qua bài ca dao: “Công cha như núi ngất trời. Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông. Núi cao biển rộng mênh mông. Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!” Hướng dẫn Con người Việt Nam vốn xem trọng và đề cao gia đình. Cội nguồn của tình cảm bao giờ ...
Cảm nhận về công ơn cha mẹ qua bài ca dao: “Công cha như núi ngất trời. Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông. Núi cao biển rộng mênh mông. Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”
Hướng dẫn
Con người Việt Nam vốn xem trọng và đề cao gia đình. Cội nguồn của tình cảm bao giờ cũng bắt đầu từ tình cảm gia đình, tình yêu thương và lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ. Điều này được diễn tả phong phú, sâu sắc, tinh tế qua văn học dân gian nói chung và đặc biệt là qua ca dao, dân ca. Bài ca dao sau đây là một trong số bài rất hay về tình cảm gia đình:
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Chân thành, thân mật, ấm áp mà vẫn thiêng liêng, trang trọng, bài ca dao đem đến cho ta khúc dạo nhẹ nhàng, âm điệu thủ thỉ của giai điệu hát ru. Có lẽ đây là lời ru của mẹ giành cho đứa con bé bỏng đang ngủ ngon trong vòng tay yêu thương. Lời ru con đồng thời là lời nhắc nhở con về công lao trời biển của cha mẹ và trách nhiệm, bổn phận của đạo làm con. Cha mẹ những người gần gũi nhất với chúng ta ấy đã cho chúng ta biết bao điều. Trước tiên là cho ta sự sống, cho ta được có mặt trên cuộc đời này. Rồi bằng vòng tay êm ái mẹ nâng niu ta, ru vỗ ta, bằng dòng sữa ngọt lành, mẹ nuôi ta lớn khôn và bằng những lời ru êm dịu mẹ nuôi phần hồn ta, đem đến cho ta những bài học của đạo làm người. Những bài học mà "ta đi trọn kiếp con người" cũng không đi hết. Không chỉ có mẹ, ta còn có vòng tay và bờ vai vững chãi của cha. Vòng tay và bờ vai ấy cho ta điểm tựa để bước vào đời, ta đem theo nó để làm hành trang trong suốt hành trình dài rộng của cuộc sống. Điều thiêng liêng ấy được tác giả dân gian nói thật giản dị. Phép so sánh ngang bằng:
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
đã làm nổi bật công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Lấy cái trừu tượng (công cha, nghĩa mẹ) để so sánh với những sự vật, hình ảnh cụ thể (núi ngất trời, nước biển Đông), tác giả dân gian không chỉ đem đến cho ta nhận thức về nghĩa mẹ bao la, công cha vời vợi mà còn giúp ta cảm nhận về sự vĩnh hằng bất biến của công cha, nghĩa mẹ. Như núi cao kia, như nước biển kia đã có mặt và tồn tại ngàn đời trên trái đất, công cha, nghĩa mẹ hiện diện quanh ta từ lúc ta được làm người cho đến tận cùng của cõi người. Cách so sánh, ví von rất quen thuộc của ca dao xưa đã đem đến cho ta những nhận thức thật sâu sắc, thật thấm thía. Không chỉ thế ngọn núi cao và biển rộng còn được cụ thể hoá bằng những tính từ chỉ mức độ: núi – ngất trời biển rộng mênh mông. Cụ thể, hài hoà mà vẫn rất gợi cảm, và vì thế nó tác động mạnh vào nhận thức con người. Đỉnh núi cao loà nhoà ẩn hiện trong mấy kia liệu ta có đo nổi như chính công lao của cha làm sao ta kể hết? Biển mênh mông kia như lòng mẹ yêu ta có thể nào vơi cạn? Thật khéo léo và chính xác khi lựa chọn núi cao ngất trời và nước biển mênh mông để so sánh với công lao cha mẹ. Bời chỉ có những hình ảnh cao lớn, không cùng và sự tồn tại đời đời của nó mới xứng đáng để tả và diễn tả được đầy đủ, chính xác công sinh thành, dưỡng dục, thứ công lao không bao giờ tính đến được bằng giá trị vật chất, thứ công lao bất tử qua thời gian, năm tháng. Bằng hình ảnh so sánh xưa mà không cũ, bằng âm điệu ngọt ngào của lời hát ru, tác giả dân gian vừa khẳng định, vừa ca ngợi công lao cha mẹ. Lời ca ngợi không khố khan, nặng giáo huấn mà là tiếng nói của tấm lòng, tình cảm, tiếng nói tâm tình từ trái tim tìm đến với trái tim làm lay động lòng ta. Ngoài cách nói trên, ta còn bắt gặp nhiều bài ca dao khác cũng nội dung tương tự:
Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
hay:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Và dù cách nói có chút khác nhau những câu ca dao ấy vẫn đem đến cho chúng ta cảm nhận sâu sắc về công cha, nghĩa mẹ. Tiếp tục dòng tâm tình ấy, tác giả dân gian đi đến cái kết rất tự nhiên nhưng vô cùng thấm thía:
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi
Cách sử dụng sáng tạo thành ngữ "chín chữ cù lao" để nhắc lại một lần nữa nỗi khó nhọc, vất vả của mẹ cha. Chín chữ ấy là: sính – đẻ, cúc – nâng đỡ, phủ – vuốt ve, súc – bú mớm, trưởng – nuôi lớn, dục – dạy dỗ, cố – trông nom, phục – theo dõi, phúc – giữ gìn. Thử hỏi có ai trong chúng ta không được cha mẹ giành cho những điều ấy, không chỉ góỉ gọn ở con số chín chữ bởi công lao cha mẹ là vô cùng, vô tận. Để rồi từ đó, ta nhận được lời nhắc nhở về thái độ và hành động của mỗi người: "ghi lòng con ơi". Lời nhắc nhở ngắn gọn mà thấm thía sâu sa, chân thành và có sức lay động lòng ta. Tác giả dân gian không nhắc ta phải trả công cho những hi sinh của cha mẹ, trả công cho những gì mà ta được đón nhận. Điều đó là không tưởng bởi trên đời này, chỉ tình cảm là thứ không bao giờ người ta đo đếm và sòng phẳng được với nó. Tình cảm của cha mẹ lại càng vô giá. Bởi vậy chỉ cần ghi lòng thôi nhưng đó là sự tạc ghi trong sâu thẳm tâm hồn không phai nhạt qua thời gian.
Giản dị mà sâu sắc. Nhẹ nhàng mà xuyên thấm, bài ca dao gieo vào lòng người cảm giác bâng khuâng, tác động vào trí tuệ người đọc để đi đến những nhận thức sâu sắc. Và dù tác động bằng con đường nào, bài ca dao ấy thực sự đã làm cho ta luôn "ghi lòng" công ơn cha mẹ.
Thu Trang