Vẻ đẹp nữ tính của người con gái qua bài ca dao Sáng ngày tôi đi hái dâu
Hướng dẫn Tỏ tình cũng khéo mà chối từ cũng hay. Đọc ca dao, ta nhận ra rất rõ sự ý nhị đó của người xưa. Lời tỏ tình nào hay hơn việc mượn cớ xin lại cái áo bỏ quên, qua lời của mận và đào, qua cái hồ bán nguyệt anh xây cho nàng rửa chân. Và lời chối từ cũng hay hơn, ý nhị ...
Hướng dẫn
Tỏ tình cũng khéo mà chối từ cũng hay. Đọc ca dao, ta nhận ra rất rõ sự ý nhị đó của người xưa. Lời tỏ tình nào hay hơn việc mượn cớ xin lại cái áo bỏ quên, qua lời của mận và đào, qua cái hồ bán nguyệt anh xây cho nàng rửa chân. Và lời chối từ cũng hay hơn, ý nhị hơn khi ta bắt gặp cách nói của cô gái trẻ hái dâu buổi sáng ấy:
"Sáng nay tôi đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
Thưa rằng tôi đi hái dâu
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn
Thưa rằng bác mẹ tôi răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người."
Chắc chắn bài ca dao này là của một nhà Nho làm ra để dạy cách xử thế cho con gái rồi được lưu truyền. Có thể gọi đây là một bài gia huấn ca, song nó mang tính chất nhân dân sâu sắc. Cái hay là nó không khô héo như gia huấn ca mà cứ xanh rười rượi như bật ra từ sự sống. Toàn bộ câu chuyện là một giả thiết mà cứ hồn nhiên như câu chuyện thật xảy ra "sáng ngày". Chọn thế tự sự trong trường hợp này thật là đắt. Người nghe bị cuốn hút ngay từ đầu vì giọng ngọt ngào, vì cách dẫn dắt câu chuyện nhanh, lẹ, tình thế kịch đến ngay: một lúc gặp những "hai anh". Rắc rối chưa! Tình thế khó xử ấy cứ tăng dần lên mãi. Phải chi một anh bớt nồng nhiệt đi cho. Đằng này "hai anh đứng dậy hỏi han". Trả lời sao đây? Ngúng nguẩy bỏ đi, hay chua ngoa đều không đẹp.
Thưa rằng tôi đi hái dâu
Hai anh hỏi một điều đã biết rồi, đây là một lời chào. Cô gái trả lời một điều cũng đã biết rồi, đấy là một lời chào lại. Cho đến tận bây giờ nhân dân mình vẫn thường chào hỏi nhau như thế. Trong lời thưa của cô gái có sáu tiếng thì năm thanh bằng cứ êm như ru. Tưởng không còn gì nhã nhặn hơn. Nhưng cũng chính sự nhã nhặn dẫn cô đến một tình thế khó xử hơn. Kịch là thế:
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.
Chúng ta đương sống lại với cái thời xa xưa, con trai con gái lấy miếng trầu làm đầu câu chuyện. Trầu này là trầu tình trầu nghĩa đây:
Từ ngày ăn phải miếng trấu
Miệng ăn, môi đỏ, dạ dầu đăm chiêu.
Biết rằng thuốc dấu hay là bùa yêu
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
Làm cho quên mẹ, quên cha, quên cửa, quên nhà
Làm cho quên cả đường ra lối vào
Làm cho quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời.
Dễ gì ăn thứ "thuốc dấu bùa yêu" huống hồ lại của hai anh cùng mời, ăn của ai và không của ai? Hay ăn cả? Ăn của anh nào trước, của anh nào sau? Cô gái đã vượt qua tình thế khó xử một cách nhẹ nhàng:
Thưa rằng bác mẹ tôi răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Rất khéo. Nết na. Gia giáo. Không chê vào đâu được. Đặt một giả thiết cụ thể, oái oảm dưới hình thức tự sự, tươi rói, bài ca dao nhằm giáo dục các cô gái biết cách xử thế nào cho vừa nhã nhặn vừa tế nhị, lại cũng vừa lịch thiệp khôn khéo, giữ được lòng mình mà cũng vừa lòng bạn, hay ít ra thì cũng không mất lòng anh nào, nói rộng ra, cách xử thế với bạn bè như vậy cũng là cách xử thế được nhân dân ta ưa chuộng. Và, thật là thú vị cách xử thể VỚI hai ông anh ấy đâu phải chỉ là câu chuyện của cái thuở con trai con gái còn ăn trầu?
Thu Trang