Cảm nhận của em về những triết lí nhân sinh mà Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi gắm qua bài thơ Nhàn
Cảm nhận của em về những triết lí nhân sinh mà Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi gắm qua bài thơ Nhàn Bài làm Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), ông đã sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của lịch sử Việt Nam (Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh). Ông đã dùng những bài ...
Cảm nhận của em về những triết lí nhân sinh mà Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi gắm qua bài thơ Nhàn
Bài làm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), ông đã sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của lịch sử Việt Nam (Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh). Ông đã dùng những bài thơ chất triết lí và nhân tình thế thái để vừa vạch trần những thế lực đen tối làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân vừa bảo vệ và c ngợi cho những triết lí đạo đức tốt đẹp. Trong số đó có bài thơ “Nhàn” là bài thơ Nôm nổi tiếng của ông. Bài thơ đã nêu lên quan niệm sống, triết lí nhân sinh của một bậc sĩ ẩn danh thanh cao, vượt qua tấm màn danh lợi, vinh hoa phú quý.
Đứng trên lập trường đạo đức của một nhà Nho, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhiều lần bộc lộ quan điểm sống của mình, suy nghĩ của ông gắn liền với quan niệm đạo lí của nhân dân, thể hiện nhân sinh quan lành mạnh giữa thời thế đảo điên. Sống “nhàn” cũng là cách xử thế quen thuộc của nhà Nho trước thực tại, muốn xa lánh chốn quan trường, tìm vui trong tâm hồn và thiên nhiên, giữ cho cốt cách thanh cao. Và cuộc sống hưởng nhàn của ông đã được hiện lên rất thú vị:
“Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên thật dân giã và bận rộn như một lão nông dân thực thụ, đó là cuộc sống hưởng thụ thanh nhàn mà cao quý của một nhà nho, cuộc sống “ngư, tiều, canh, mục” đối lập hẳn so với các thú vui khác, càng góp phần khẳng định ý nghĩa thanh cao trong cuộc sống đậm chất dân quê. Tác giả “thơ thẩn” là đang ung dung với cuộc sống nhàn tản, cuốc và cần câu chỉ là tô điểm cho cái thơ thẩn của nhà thơ mà thôi. Những dụng cụ lao động đó chính là hiện thân của một cuộc sống không vướng bận lo toan tục lụy, ông đã nhìn thấy từ trong cuộc sống của nhân dân chứa đựng những vẻ đẹp cao cả, triết lí nhân sinh vững bền. Bên cạnh đó tác giả đã khẳng định được một thái độ sống khác người đầy bản lĩnh:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
Những sự đối lập hay chính là đối cực trong câu thơ: giữa “ta” và “người”, giữa “nơi vắng vẻ” và “chốn lao xao” là những ngụ ý khẳng định thái độ sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông tự nhận mình là “dại” nhưng thực chất cái “dại” của ông là cái mà người ta phải ngưỡng mộ, mong ước, cái “dại” ấy thực chất là cái khôn hơn người. Còn khen “người khôn” lại chính là lời mỉa mai, châm biếm những người “khôn” hám công danh chốn quan trường, ông chủ động tìm nơi vắng vẻ không vướng bụi trần.
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”
Cuộc sống ở ẩn an nhàn của ông khác hẳn với lối sống hưởng thụ vinh hoa phú quý, ông đã tận hưởng những ưu ái của thiên nhiên hào phóng bằng một tấm lòng hòa hợp với tự nhiên. Cuộc sống ấy mang dấu ấn lánh đời thoát tục, tiêu biểu cho quan niệm “độc thiện kì thân” của nhà Nho, có nét gần gũi với triết lí “vô vi”, “thoát tục” của nhà Phật. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hòa hợp với tự nhiên bằng tất cả những tấm lòng trong sạch của mình, hình ảnh “măng, trúc, giá, sen” không chỉ mang ý nghĩa thức ăn dân giã thiên nhiên mà còn tượng trưng cho phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với lòng mình. Mùa nào thức ấy, mùa nào sinh hoạt nấy, thuận theo tự nhiên và đắm mình trong thiên nhiên, sống đúng với thiên lương của mình. Quan niệm về “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được đúc kết trọn vẹn trong hai câu thơ cuối:
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
Tác giả mượn điển tích một cách rất tự nhiên, qua đó nói lên thái độ sống dứt khoát, quyết rũ bụi trần, đoạt tuyệt công danh phú quý. Nếu như ở các thời đại trước đó, cách sống như vậy là tiêu cực thì đến thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại rất đúng đắn và tích cực. Cội rễ triết lí nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với quan niệm sống lành mạnh, tốt đẹp của nhân dân, sống đạm bạc mà thanh cao, đem lại sự thanh thản cho tâm hồn, giữ cho nhân cách không bị hoen ố, vẩn đục.
Bài thơ “Nhàn” đã bao quát toàn bộ triết lí, tình cảm và trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bộc lộ một cách rõ nét nhất nhân cách của bậc đại ẩn tìm về với thiên nhiên. Bài thơ là kinh nghiệm sống và bản lĩnh cứng cỏi của một con người chân chính.