24/02/2018, 19:01

Cảm nhận của em về những biểu hiện và những nét đẹp truyền thống riêng mà I. Ê-ren-bua nói đến trong bài “Lòng yêu nước”.

Cảm nhận của em về những biểu hiện và những nét đẹp truyền thống riêng mà I. Ê-ren-bua nói đến trong bài "Lòng yêu nước". Ê-ren-bua (1891 – 1962) là một nhà văn lớn của Liên Xô trước đây, cũng là một trong những nhà văn tầm cỡ của nước Nga ngày nay. Ngoài những ...

Cảm nhận của em về những biểu hiện và những nét đẹp truyền thống riêng mà I. Ê-ren-bua nói đến trong bài "Lòng yêu nước".

Ê-ren-bua (1891 – 1962) là một nhà văn lớn của Liên Xô trước đây, cũng là một trong những nhà văn tầm cỡ của nước Nga ngày nay. Ngoài những tập thơ, nhiều cuốn tiểu thuyết, Ê-ren-bua còn viết hàng nghìn bài báo chính luận thể hiện sâu sắc lòng yêu nước và niềm tin sắt đá vào chiến thắng quân phát xít xâm lược.

Bài "Lòng yêu nước" trích từ bài báo "Thử lửa" viết cuối tháng 6 năm 1942, vào thời kì ác liệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược (1941 – 1945). Bài báo từng được đánh giá là "một thiên tùy bút trữ tình, tráng lệ".

Tác giả có một cách nói giản dị mà rất hay, rất xúc động về lòng yêu nước. Nhà văn đang tâm tình, đang thổ lộ và san sẻ với mọi người dân Liên Xô, với các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô mà có lúc người đọc, chúng ta cảm tưởng Ê-ren-bưa đang đối thoại với mình về lòng yêu nước.

Lòng yêu nước rất cụ thể và có những nét đẹp truyền thống riêng.

Ông nói rất ý vị, độc đáo về nguồn gốc của lòng yêu nước; yêu những cái cụ thể, gần gũi, thân thương với mỗi con người: "Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…". Chất thơ lan tỏa trong từng con chữ. Có cả mồ hôi, sắc màu, hương vị, kí ức về hồn người, tình người hòa tan vào cảnh vật, ủ ấp thành tình yêu quê hương.

Tiếp theo, Ê-ren-bua chỉ rõ một nguyên cớ làm cho tình yêu quê hương trở nên sâu sắc, mạnh mẽ: "Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô Viết nhận ra vẻ thanh tú của mỗi quê hương". Niềm tự hào đối với quê hương như mạch nước ngọt tràn ra trên trang giấy và lòng người Xô Viết. Nhà văn đang thủ thỉ tâm tình với người thân thương. Mỗi con người, mỗi miền có tình yêu quê sao mà sâu nặng và rất riêng, rất lạ. "Cánh rừng bên dòng sông Vi-na","những đêm tháng sáu sáng hồng" và tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu "là hình bóng quê hương của người vùng Bắc. Người dân Uy-cơ-ren lại nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh"…Đó là vẻ đẹp êm đềm, trong sáng và thơ mộng của quê hương. "Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động…" cũng gợi bao niềm thương nỗi nhớ. Và đây là một câu thơ bằng văn xuôi óng ánh màu sắc tuyệt đẹp nói về tình yêu tha thiết nơi chôn nhau cắt rốn của mình:

"Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của dòng nước đóng thành băng, rượu vang cay sè từ trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt vọng lại".

Tình yêu quê hương đa dạng, phong phú như hương sắc của vạn loài hoa, như vị ngọt của ngàn cây trái. Người ở thành Lê-nin-gơ-rát ám ảnh về "sương mù" và nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như "nước Nga đường bệ", nhớ những tượng chiến mã bằng đồng lồng lên. Còn người dân Mạc Tư Khoa lại "nhớ những phố cũ chạy ngoằn ngoè lan man như một hoài niệm", nhớ những tháp cổ, những ánh sao đỏ, nơi điện Krem-li.

Đoạn tùy bút nói về nỗi nhớ, niềm tự hào đối với quê hương rất đặc sắc: cảm xúc dào dạt tuôn trào, cái đẹp phong phú của đất nước được ca ngợi, ngôn ngữ biến hóa trong hình tượng và biểu cảm; nghệ thuật lựa chọn các yếu tố tiêu biểu nhất, đẹp nhất nói về quê hương. Chất thơ, chất trí tuệ chan hòa trên trang văn đẹp.

0