24/02/2018, 19:01

Đặc điểm và bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức

– Đặc điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là có tính thực tế, tính toàn diện và tính thống nhất. Tính thực tế trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh biểu hiện ở chỗ nó hình thành không phải do sự suy lý tư biện mà do chính sự tổng kết thực tiễn đạo đức xã hội Việt ...

– Đặc điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là có tính thực tế, tính toàn diện và tính thống nhất.

Tính thực tế trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh biểu hiện ở chỗ nó hình thành không phải do sự suy lý tư biện mà do chính sự tổng kết thực tiễn đạo đức xã hội Việt Nam, đạo đức của con người Việt Nam, nhất là tổng kết kinh nghiệm rèn luyện tu dưỡng đạo đức của chính bản thân Hồ Chí Minh mà nâng lên tầm lý luận, và qua sự làm gương và nêu gương, qua các gương người tốt, việc tốt hàng ngày mà đúc kết thành luân lý, thành chuẩn mực điều chỉnh hành vi của người Việt Nam trong hoạt động sống.

Tính toàn diện trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ vấn đề đạo đức được Hồ Chí Minh đề cập cho mọi đối tượng (sĩ, nông, công, thương, chính khách, tu hành… nam, nữ. ấu, phụ), cho mọi lĩnh vực (lao động, sản xuất, học tập, công tác. chiến đấu…), mọi phạm vi (từ gia đình đến xã hội, từ giai cấp đến dân tộc, từ quốc gia đến quốc tế…). Không chỉ bàn đến đề cập đến mà Hồ Chí Minh còn nêu các tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức để mỗi đối tượng rèn luyện tu dưỡng theo, như ở điều Bác Hồ dạy thiếu nhi 6 lời dạy công an nhân dân..

Tính thống nhất trong vấn đề đạo đức được Hồ Chí Minh bàn nhiều, nói nhiều. Đó là thống nhất giữa đức với tài, giữa hồng với chuyên, thống nhất giữa hành vi đạo đức với ý thức đạo đức. thống nhất giữa đạo đức với pháp luật, giữa đạo đức với chính trị, đạo đức đời thường với đạo đức cách mạng,… nhất là sự thống nhất trong văn hóa đạo đức, trong từng nội dung khái niệm, chuẩn mực đạo đức, trong quan hệ cần, kiệm, liêm, chính với chí công vô tư… quan hệ thống nhất giữa vai trò làm người lãnh đạo của cán bộ, đảng viên với trách nhiệm công bộc, phục vụ nhân dân của họ. Đặc biệt quan trọng là “nói phải làm” và tấm gương sáng của Hồ Chí Minh nói đi đôi với làm, nhiều khi trong quan hệ đạo đức Hồ Chí Minh làm nhiều hơn những điều đã nói, luôn làm gương và nêu gương cho mọi người xung quanh.

– Bản chất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là đạo đức của người cách mạng trong thời kỳ giải phóng dân tộc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, lấy ý thức phục vụ nhân dân, chăm lo, quan tâm, hy sinh cho người khác… Nói ngắn gọn đó là đạo đức “vì dân”, “vì mọi người" làm trung tâm. Trên thực tế, Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng sâu sắc trong lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam. Người đã đưa các nội dung mới vào các khái niệm, mệnh đề đạo đức cũ, chính Người đã khẳng định: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất đầu ngẩng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân ta phải tuân theo để phục vụ quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân”. Cũng trung, hiếu nhưng xưa là trung với vua, hiếu với cha mẹ. nay là trung với nước, với Đảng, hiếu với dân.

Đạo đức cách mạng đối lập với đạo đức tư sản. Đạo đức tư sản là kiểu đạo đức được xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh đã vạch trần tội ác của giai cấp tư sản “chúng cướp của chung do xã hội sản xuất ra làm của riêng…, để chúng ngồi mát ăn bát vàng, nhưng miệng chúng luôn luôn huênh hoang những từ đạo đức, tự do, bác ái, dân chủ”. Nhận rõ bản chất đạo đức của giai cấp tư sản là chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh luôn nêu cao chủ nghĩa tập thể của giai cấp công nhân và kiên quyết tìm cách ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, không muốn nó nảy nở, phát triển và tồn tại trong ý nghĩ và hành động hàng ngày của cán bộ, nhân dân ta. Người kêu gọi mọi người Việt Nam hãy thực hiện công việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng một cách thường xuyên, hàng ngày.

0