25/05/2017, 09:37

Cảm nhận của em về hình ảnh quê hương đất nước qua ca dao, dân ca – Văn mẫu lớp 7

Đánh giá bài viết Cảm nhận của em về hình ảnh quê hương đất nước qua ca dao, dân ca – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Hình ảnh quê hương đất nước in dấu đậm đà trong ca dao, dân ca. Đọc ca dao, dân ca, ta cảm thấy tâm hồn nhân dân ôm trọn bóng hình quê hương đất nước. Mỗi ...

Đánh giá bài viết Cảm nhận của em về hình ảnh quê hương đất nước qua ca dao, dân ca – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Hình ảnh quê hương đất nước in dấu đậm đà trong ca dao, dân ca. Đọc ca dao, dân ca, ta cảm thấy tâm hồn nhân dân ôm trọn bóng hình quê hương đất nước. Mỗi vùng quê có một cách nói riêng, cảm nhận riêng về sự giàu đẹp của nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đọc ...

Cảm nhận của em về hình ảnh quê hương đất nước qua ca dao, dân ca – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An

Hình ảnh quê hương đất nước in dấu đậm đà trong ca dao, dân ca. Đọc ca dao, dân ca, ta cảm thấy tâm hồn nhân dân ôm trọn bóng hình quê hương đất nước. Mỗi vùng quê có một cách nói riêng, cảm nhận riêng về sự giàu đẹp của nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đọc những bài ca ấy, chúng ta như vừa được đi tham quan một số danh lam thắng cảnh đặc sắc của đất nước từ Bắc vào Nam.

Với nhân dân ta, quê hương là nơi quê cha đất mẹ, là cái nôi thân thiết, yêu thương. Quê hương là mái nhà, luỹ tre, cái ao tắm mát, là sân đình, cây đa, giếng nước, con đò, là cánh đồng xanh, con cò trắng, cánh diều biếc tuổi thơ. Đất nước với quê hương chỉ là một, là cơ đồ ông cha để lại, là núi sông hùng vĩ thiêng liêng. Quê hương đất nước được nói đến trong ca dao, dân ca đã thể hiện biết bao tình cảm yêu thương, tự hào của nhân dân ta từ bao đời nay.

Đất nước ta nơi nào cũng đẹp. Cảnh trí non sông như gấm như hoa; sản phẩm phong phú, con người cần cù, thông minh sáng tạo đã xây dựng quê hương đất nước ngày thêm giàu đẹp.

Lên ải Bắc đến thăm Chi Lăng, núi trập trùng cao vút tầng mây, nơi Liễu Thăng bỏ mạng. Ta đến thăm thành Lạng, soi mình xuống dòng sông xanh Tam Cờ, thăm chùa Tam Thanh, đến với nàng Tô Thị trong huyền thoại:

Ai ai, đứng lại mà trông

Kia núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ

Đồng Đăng có phố Kì Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Hai tiếng ai ơi mời gọi vang lên. Chữ "kìa", chữ "có" được nhấn đi nhấn lại biểu thị niềm tự hào của bà con xứ Lạng đang say sưa ngắm nhìn và đưa tay chỉ về từng ngọn núi, con sông, ngôi chùa, dấu tích của bức thành cố…

Các tên núi tên sông được nhắc đến, biểu lộ niềm tự hào của nhân dân ta về một chiến công, một vùng đất được coi là linh địa (vùng đất thiêng) gắn liền với một anh hùng dân tộc, với một huyền tích kì diệu:

Nhất cao là núi Ba Vì,

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.

Sâu nhất là sông Bạch Đằng,

Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan.

Cao nhất là núi Lam Sơn

Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra.

Ai đã từng đến thăm Bắc Cạn, ngồi thuyền độc mộc du ngoạn trên hồ Ba Bể, ngắm thác nước trắng xoá vắt ngang sườn núi, nghe vượn hót trong ánh tà dương, gặp cô nàng áo xanh đi hái măng trở về…Câu ca như mời gọi với bao tình thân thương:

Bắc Cạn có suối đãi vàng,

Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh

Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là trái tim của đất nước ta, nơi ngàn năm văn vật. Kinh thành xưa nổi tiếng phồn hoa:

Phồn hoa thứ nhất Long Thành

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.

Cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn,Tháp Bút, Đài Nghiên, hồ Hoàn Kiếm… mỗi thắng cảnh là một di tích gợi nhớ về cội nguồn hoặc nói lên một nét đẹp của nền văn hiến Đại Việt, để ta yêu quý, tự hào về Kinh thành xưa:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai xây dựng nên non nước này?

Qua xứ Nghệ vào miền Trung, ta vô cùng tự hào về đất nước đẹp tươi hùng vĩ. Non xanh nước biếc một màu trải dài mở rộng bát ngát như vẫy gọi:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.

Hãy đến với Huế đẹp và thơ, ngắm sông Hương, núi Ngự Bình, nghe giọng hò dịu ngọt, đến chơi hồ Tĩnh Tâm, tham quan lăng tẩm vua chúa nhà Nguyễn, và những ngôi chùa cổ kinh, uy nghiêm:

Đông Ba, Gia Hội hai cầu

Ngó lên Diệu Đế bốn lần hai chuông.

Vượt qua đèo Hải Vân đến thăm khu Năm, đến với Đồng Nai, Nam Bộ mến yêu. Đất nước ta bao la một dải:

Hải Vân bát ngát nghìn trùng

Hòn Hồng ở đấy là trong Vịnh Hàn.

Nhà Bè nước chảy phân hai,

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh.

Nước tháp mười lóng lánh cá tôm.

Ca dao dân ca nói lên lên bao nỗi nhớ đất nước quê hương. Càng yêu quê hương nhiều , thì mỗi khi đi xa lại nhớ quê nhiều lắm. Nhớ Phong Châu là nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Nhớ Đồ Sơn là nhớ lễ hội dân gian Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về. Quê hương sầu nặng nghĩa tình.

Anh về Bình Định thăm cha,

Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hoà thăm em.

Ca dao nói về tình yêu quê hương đất nước vô cùng phong phú và gợi cảm. Mỗi chôn quê là một bức tranh đẹp nên thơ. Mến thương, tự hào, thương nhớ là những tình cảm sâu nặng của nhân dân ta gửi gắm qua những vần ca đao ngọt ngào sâu lắng về đất nước quê hương.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết:

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu…?

Hình ảnh quê hương đất nước trong ca dao dân ca đã giúp ta hiểu sâu ý thơ trên. Ca dao dân ca như dòng sữa ngọt nuôi dưỡng tâm hồn ta. Ta cảm thấy tâm hồn mình lớn lên cùng đất nước quê hương, cùng ca dao dân ca.

Tình yêu quê hương đất nước trong những bài ca dao mà em đã được học và đọc thêm – Bài làm 2

Trong kho tàng ca dao, nơi thể hiện phong phú đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam, dân gian đã dành nhiều lời ca ca ngợi non sông gấm vóc tươi đẹp. Chỉ riêng qua những bài ca dao trong chương trình Ngữ văn 7, tập một ta đã hiểu điều đó.

Phải yêu mến, say mê vẻ đẹp của quê hương đến nhường nào dân gian mới họa nên thơ nên nhạc phong cảnh của từng góc hồ, tưởng tượng về dáng vẻ của từng ngọn núi hay đơn giản chỉ là ví von hình ảnh của những con đường. Mỗi lời ca dao là một lời ngợi ca vẻ đẹp trong sáng, nên thơ cua quê hương đất nước.

"Gió dưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ".

Chỉ vài nét phác qua nhưng hình ảnh của một cành trúc la đà, một mặt hồ lãng đãng sương phủ, âm thanh của tiếng gà sáng, của tiếng chuông chùa đã gợi được không khí yên bình, êm ả của buổi sớm mai Hà Nội. Phải yêu mảnh đất ấy đến nhường nào, gắn bó với từng sự vật nhỏ bé nhất nơi dây, người viết mới phát hiện ra những vẻ đẹp tinh tế ấy.

Sống gắn bó với quê hương đất nước chính là cơ sở để dân gian tạc rõ hình hài của từng dòng sông, từng ngọn núi vào trong tâm thức. Đặc điểm riêng của từng địa danh được đưa vào những lời hát rất thú vị:

“Sông nào bên đục bên trong
 Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?”

" Nước sông Thương bên đục bên trong
Núi Đức Thánh Tản thắt cổ bồng lại có thánh sinh ".

Từ trên cao nhìn xuống, hình dáng quê hương đẹp đẽ nên họa nên thơ biết bao:

"Đường vô xứ Huế quanh quanh
 Non xanh nước biếc như tranh họa đồ".

Cảnh trí xứ Huế được phác hoạ qua vẻ đẹp của con đường. Đó là con đường được gợi nên bằng những màu sắc rất nên thơ, tươi tắn: non xanh, nước biếc. Cảnh ấy đẹp như trong tranh vẽ: “tranh hoạ đồ” – trong cái nhìn thẩm mĩ của người Việt xưa, cái đẹp thường được ví với tranh (đẹp như tranh). Bức tranh xứ Huế như thế vừa khoáng đạt, lại vừa gần gũi quây quần. Biện pháp so sánh vẫn là biện pháp tu từ chủ đạo tạo nên vẻ đẹp trong những câu ca dao này.

Nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn cây trên mảnh đất này đều có được từ bàn tay dựng xây, vun đắp của con người:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn

Kiếm Hồ tức Hồ Hoàn Kiếm (hay còn gọi là Hồ Gươm), một thắng cảnh thiên nhiên đồng thời cũng là một di tích lịch sử, văn hoá, gắn với truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nơi Rùa Vàng nổi lên đòi lại thanh gươm thần từng giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh hung bạo ngày nào. Câu Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ thực ra là một câu dẫn, hướng người đọc, người nghe đến thăm hồ Gươm với những tên gọi nổi tiếng (cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút), góp phần tạo nên vẻ đẹp hài hoà, đa dạng vừa thư mộng vừa thiêng liêng. Thủ pháp ở đây là gợi chứ không tả, hay nói cách khác là tả bằng cách gợi. Chỉ dùng phương pháp liệt kê, tác giả dân gian đã gợi lên một cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Những địa danh và cảnh trí đó gợi lên tình yêu, niềm tự hào về cảnh đẹp, về truyền thống lịch sử, văn hoá của đất nước, quê hương. Vì vậy, bài thơ kết lại bằng một câu thơ đầy ý nghĩa:

"Hỡi ai gây dựng nên non nước này?"

Đó là một câu hỏi tu từ, có ý nghĩa khẳng định, nhắc nhở về công lao xây dựng non nước của ông cha ta. Hồ Gươm không chỉ là một cảnh đẹp của Thủ đô, nó đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp, cho truyền thống văn hoá, lịch sử của cả đất nước. Đó cũng là lời nhắc nhở các thế hệ mai sau phải biết trân trọng, gìn giữ, xây dựng và tiếp nối truyền thống đó.

Tình yêu quê hương đất nước được dân gian thể hiện qua ca dao là tình cảm có chiều sâu và giàu tính nhân văn. Không chi ngợi ca vẻ đẹp thuần túy của tự nhiên, ca dao còn nhắc đến công lao của những con người đã cống hiến, hi sinh cho mảnh đất ấy, qua đó gợi niềm tự hào đồng thời nhắc nhở ý thức bảo vệ và giữ gìn non sông của mỗi chúng ta.

Cảm nhận của em về hình ảnh quê hương đất nước qua ca dao, dân ca – Bài làm 3

Nếu ca dao – dân ca về tình cảm gia đình thường là những bài hát ru, thì ca dao – dân ca về tình yêu quê hương, đất nước, con người thường là những bài hát đối đáp, những khúc ca ngẫu hứng tự nhiên cất lên trong sinh hoạt cộng đồng, trong lễ hội, khi ngoạn cảnh, lúc đứng ngắm đồng ruộng quê hương,… Chùm ca dao Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người (Ngữ văn 7, tập một) có lẽ là những bài ca tiêu biểu. Điều thú vị là chỉ bốn bài ca ngắn gọn mà chúng ta nghe được nhiều giọng điệu khác nhau, nhìn ngắm, thưởng thức được nhiểu địa danh, nhiều phong cảnh kì thú khác nhau.

Ở bài ca dao thứ nhất, chàng trai, cô gái hỏi – đáp về những địa danh mang những đặc điểm nổi bật. Thành Hà Nội năm cửa, sông Lục Đầu sáu khúc chảy êm đềm, nước sông Thương bên đục bên trong, núi Tản Viên, đền Sòng, thành tiên ở Lạng Sơn… Chàng trai hỏi, cô gái đáp, hỏi đáp rất hài hoà, ăn ý. Đây là một hình thức ca hát dân gian thường xuất hiện trong những lễ hội, hội mùa xuân, hội mùa thu ở nhiều vùng quê Việt Nam : hội hát xoan Phú Thọ, hội Lim Bắc Ninh, hát phường vải Nghệ – Tĩnh, hát ví ghẹo, giao duyên ở đồng bằng Bắc Bộ, ở miền Trung và nhiều tỉnh Nam Bộ,… Qua hát đối đáp, đồi bên nam, nữ (có thể là chàng trai cô gái, cũng có thể là cụ ông, cụ bà,…) thử tài nhau về kiến thức lịch sử, địa lí, văn hoá, cũng là để chia sẻ với nhau tình yêu nam nữ, tình bạn, tình yêu quê hương, đất nước. Lắng nghe lời hỏi, đáp của hai nhân vật trữ tình trong bài ca ơ đâu năm cửa nàng ơi… chúng ta thấy hiện lên nhiều địa danh từ thủ đô Hà Nội đến Hải Dương, Bắc Giang, vào Thanh Hoá, rồi ngược Lạng Sơn. Mỗi vùng có một nét đẹp riêng, hợp thành một bức tranh non nước Việt Nam thơ mộng, giàu truyền thống văn hoá. Không trực tiếp nói ra, nhưng cả nsười hỏi lẫn người đáp đều biểu hiện tình yêu, niềm tự hào vể quê hương, Tổ quốc mình. Bài ca còn kéo dài hơn nữa. Chẳng hạn, chàng trai hỏi tiếp :

Ở đâu có chín từng mây 

Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?

Chùa nào mủ lại ở hang 

Ở đâu lắm gỗ thì nàng biết không?…

Cô gái đáp :

Trên trời có chín từng mây 

Dưới sông lắm nước, núi nay nhiều vàng

Chùa Hương Tích thì lại ở hang 

Trên rừng lắm gỗ, hỡi chàng biết không…

Như vậy, chàng trai, cô gái trong cuộc hát giao duyên này nói riêng, nhân dân lao động Việt Nam ta nói chung không chỉ say đắm, mến yêu, tự hào về giang sơn Việt Nam cẩm tú mà còn tỏ ra là những người lịch lãm, hào hoa, tế nhị và giàu hiểu biết, thật đáng noi theo.

Tiếp sau những cuộc hát đối đáp là những chuyến du lịch. Một nhóm người, hoặc cả đoàn người đông vui chung niềm khao khát được thưởng thức cảnh đẹp ở đất kinh kì, ở xứ Huế cố đô "rủ nhau", gọi nhau… Cảnh ở kinh kì thật phong phú, có hồ (Kiếm Hồ), có cầu (Thê Húc), có đền (Ngọc Sơn), có đài, có tháp, cảnh thiên tạo hài hoà với cảnh nhân tạo, nét đẹp tự nhiên hài hoà với nét đẹp lịch sử, văn hoá. Còn ở Huế, cảnh mới thơ mộng làm sao, đường quanh quanh uốn lượn hài hoà với "non xanh", "nước biếc", sơn thuỷ hữu tình. Với cảnh ở Hà Nội, tác giả dân gian không tả mà chỉ kể, theo kiểu liệt kê, các chi tiết cảnh nối nhau thật phong phú, đa dạng. Còn với Huế, cảnh được miêu tả theo kiểu chấm phá lướt qua: đường, núi, nước. Mỗi đối tượng được nhấn mạnh bằng một tính từ gợi hình. Đường thì "quanh quanh", núi thì "xanh", nước (sông Hương) thì "biếc". Thêm nữa, từ láy hoàn toàn "quanh quanh" và phép so sánh "như tranh hoạ đồ" khiến cho xứ Huế càng… mộng và… thơ. Thăm Hà Nội kinh kì, rồi vô xứ Huế cố đô, chúng ta được ngắm cảnh, được thăm viếng những di tích lịch sử, văn hoá, lòng càng thêm yêu Tổ quốc tươi đẹp, trí càng thêm rộng mờ và lắng sâu, ghi nhớ công ơn người xưa đã tôn tạo và giữ gìn "bức tranh hoạ đồ" quý giá.

Bài ca dao thứ tư, thú vị thay, giọng ca, lời ca phóng khoáng linh hoạt, cảnh thiên nhiên và nhân vật trữ tình hoà hợp, đậm chất đồng quê, khác hẳn hai bài trước :

Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.

Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

Về bố cục, bài ca dao này gồm hai phần vừa độc lập vừa gắn bó với nhau. Hai câu đầu tả cảnh đồng lúa trong buổi bình minh. Hai câu sau miêu tả dáng hình cô thôn nữ đẹp đẽ, thơ mộng như đồng lúa, như những chẽn lúa… về giọng điệu, đây là loại bài ca tự do, ngôn ngữ được nới rộng theo đối tượng miêu tả và tâm trạng nhân vật trữ tình. Hai câu đầu, mỗi câu kéo dài mười hai tiếng. Câu thứ ba không phái sáu tiếng mà là bảy tiếng. Chỉ câu bốn mới trở lại tám tiếng bắt vần với câu ba giống thể thơ lục bát. Đây là bài ca dao lục bát biến thể, một thể thơ khá phố biến trong kho tàng ca dao Việt Nam.

Điều cần trao đổi về bài ca này là chủ thể trữ tình. Ai "đứng… ngó" cánh đồng ? Ai nói: "thân em" ? Đây là lời người khác hỏi, hay lời cô gái tự than ? Có người cho rằng đây là lời chàng trai làng. Chàng trai thấy cánh đồng mênh mông, bát ngát, thấy cô gái xinh đẹp, mảnh mai…, tỏ lời ca ngợi cánh đồng, tỏ tình với cô gái. Có người lại hiểu: đây là lời cô gái. Đứng ngắm đồng quê xanh tốt, lúa đang ngậm đòng, cô thôn nữ đã cất lời ca, ca ngợi cảnh giàu đẹp của cánh đồng, từ đó nghĩ về mình, nhan sắc và thân phận mình…

Nếu hiểu theo cách thứ nhất – lời chàng trai – thì bài ca này thuộc nhóm ca dao tỏ tình, ví ghẹo. Ví dụ :

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.

Hoặc :

Ai đi đâu đấy hỡi ai 

Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm.

Mở đầu các bài ca này thường là tiếng gọi, rồi tiếp sau là một câu hỏi ỡm ờ, dưa duyên. Hoặc nếu không thì cũng là những lời ca ngợi khéo léo để làm đẹp lòng người mình đang hướng tới. Ví dụ:

Trúc xinh trúc mọc đầu đình 

Em xinh, em đứng một mình cũng xinh.

Nếu hiểu theo cách hai – lời cô gái – thì bài ca này thuộc nhóm ca dao mượn cảnh ngụ tình, trước thiên nhiên và cuộc sống, con người giãi bày tâm sự. Ví dụ:

Một ngày hai buổi cơm đèn 

Còn gì má phấn, răng đen, hỡi chàng.

Hoặc :

– Thân em như tấm lụa đào 

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

– Thân em như hạt mưa sa…

Suy ngẫm trên cơ sở văn bản, cả nội dung, cảm hứng lẫn giọng diệu, ngôn từ, có lẽ hiểu bài ca dao "Đứng bên ni đồng…" theo cách hai là sát hợp hơn. Đây là lời cô thôn nữ trước đồng ruộng quê hương, vừa ca ngợi cảnh đẹp cánh đồng vừa tự ngắm rồi dự cảm về thân phận mình. Nếu là lời chàng trai, e rằng không sát, vì không ai tỏ tình lại nói với đối tượng bằng từ "thân em" nghe không duyên dáng, thiếu tế nhị.

Dù hiểu thế nào thì chúng ta cũng đều cảm nhận rằng bài ca dao này là tiếng hát chứa chan tình cảm đối với đồng ruộng, quê hương và con người quê hương. Hai câu đầu, hai dòng thơ kéo dài, kết hợp điệp từ, đảo từ và đối xứng (đứng bên tê đồng – đứng bên ni đồng ; mênh mông bát ngát – bát ngát mênh mông) đặc tả vẻ đẹp của đồng lúa. Nhìn từ đâu, nhìn ở phía nào cũng thấy đồng ruộng mênh mông, rộng lớn, đẹp đẽ, trù phú và mang sức sống trẻ trung, phơi phới. Trước một cánh đồng như thế, ai chẳng xúc động, chẳng mến yêu quê hương mình, nhất là các cô thôn nữ. Bởi vì, tất cả nét đẹp và trù phú kia không phải trời cho mà chính từ đôi bàn tay, từ công sức của con người, trong đó có mình. Từ cảnh mà sinh tình, ngắm cánh đồng, cô gái tự ngắm mình, vui thú, tự hào về vóc dáng nhỏ xinh, mềm mại của mình "Thân em như chẽn lúa đòng đòng…". Mình xinh đẹp, tràn trề sức sống, nhưng tương lai ra sao thì… khó đoán được. Nghệ thuật so sánh (như chẽn lúa) kết hợp các từ "thân em", "phất phơ" vừa tả vẻ đẹp vừa biểu hiện tâm trạng cô gái. Cô gái tự hào vì mình đang tuổi thanh xuân, tươi tắn hoà hợp trong vẻ đẹp và sức sống của đồng ruộng quê hương. Nhưng cô không khỏi bâng khuâng, lo lắng về số phận ngày mai. "Nắng sớm thì đẹp, cánh đồng thì rất rộng, nhưng chẽn lúa thì nhỏ nhoi, vô định giữa một biển lúa không bờ. Chẽn lúa phất phơ trong cánh đồng quá rộng này cũng như dải lựa đào phất phơ giữa chợ, không biết số phận mình sẽ được an bài như thế nào đây"… Tâm sự của cô gái trong bài ca dao này cũng là nỗi niêm của rất nhiều cô gái xinh đẹp trong nhiều bài ca dao khác gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về thân phận con người trong xã hội ngày xưa.

Những bài ca dao trên có giọng điệu khác nhau nhưng mang vẻ đẹp nghệ thuật và nội dung, ý nghĩa thật phong phú. Điều chúng ta ghi nhớ nhất là: Những câu hát về quê hương, đất nước, con người thường gợi nhiều hơn tả, nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc vê hình thể, cánh trí, lịch sử, văn hoá của từng địa danh. Đằng sau những câu hỏi, lời đáp, lời mời, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh luôn là tình yên chân chất, tinh tế và niềm tự hào đối với quê hương, đất nước, con người…

Cảm nhận của em về hình ảnh quê hương đất nước qua ca dao, dân ca – Bài làm 4

Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luôn chuyển, con người cũng chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng một lần đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật thì còn lại với thời gian. Văn học dân gian chính là một hệ thống các hình ảnh, âm thanh quyện lẫn với tâm trí, tình cảm của con người. Những lời ca, điệu hò mẹ hát ru chúng ta trong những buổi trưa hè chắc sẽ trường tồn và sống mãi trong tim mỗi người. Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, của cuộc sống, những làn điệu dân ca, ca dao vẫn còn đó, vẫn êm đềm như khúc hát mẹ ru. Ca dao được thể hiện thật đầy đủ, phong phú với đủ cung bậc của nó. Đặc biệt tình yêu quê hương, gia đình chính là mảng đề tài được nhiều tác giả khuyết danh chú ý đến.

Ngược dòng thời gian qua từng trang sách, chúng ta sẽ cảm nhận một cách sâu sắc những bài ca dao tuyệt diệu ấy!

Ca dao chính là những câu hát có vần, có điệu được cha ông đúc kết từ cuộc sống để lại đến ngày nay. Những câu ca dao ấy có sức sống mãnh liệt kì lạ! Nó ban đầu được truyền miệng từ người này sang người khác, từ thời này sang thời kia và cứ thế, cứ thế… Mỗi người dân Việt Nam ai cũng có sẵn trong bụng mình một kho tàng vô giá, hễ mở miệng là có trong mỗi bài ca thấm đượm tình cảm tha thiết, sâu sắc về quê hương, về gia đình ta đọc nó và thấy mình như lớn khôn, trưởng thành trong vòng tay của người mẹ văn học.

Quê hương! Hai tiếng gọi giản dị mà thiêng liêng, tha thiết! Bởi vì đó chính là nơi ta đã sinh ra, đã oa oa cất tiếng khóc chào đời và cũng là nơi ta trưởng thành. Quên sao được hình ảnh bến nước, gốc đa, dòng sông quê hương, luỹ tre làng… Tất cả, tất cả như máu thịt ăn sâu vào tâm hồn của mỗi một con người. Ta lớn lên với vòng tay vỗ về và dòng sữa ngọt ngào của mẹ và quê hương cũng chính là người mẹ thứ hai – người mẹ tinh thần  đã nuôi lớn ta. Do vậy, người dân Việt Nam dù đi đâu xa vẫn nhớ về quê hương với tình cảm của người con nhớ về đất mẹ:

Anh đi anh nhớ quê nhà 

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương 

Nhớ ai dãi nắng dầm sương 

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Thật mộc mạc, chân chất mà cao quí biết bao! Thế đó, tình cảm quê hương trong anh lớn mãi, lớn mãi. Nó không bị thời gian, không gian chia cách mà ngược lại đó là nguồn nuôi dưỡng tình cảm ấy lớn mạnh thêm. Ta đón nhận vào lòng mình vị ngọt của tình yêu đất mẹ. Sung sướng thay! Tự hào thay! Ta hướng về quê hương không phải vì những gì xa hoa, lộng lẫy, những món ăn sơn hào hải vị mà nhớ về quê hương với canh rau muống – cà dầm tương. Chao ôi! Cái hương vị ấy sao đậm đà quá, nó không thể trộn lẫn với bất kì một cái gì khác – hương vị của món ăn đồng quê, giản dị rất con người. Lời ca lại khiến ta nhớ đến món cá kho khế, nồi canh cua đồng mẹ thường nấu vào buổi trưa hè nắng gắt. Những món ăn bình dân mà đậm vị quê hương nhà thân thiết, chan hoà, tràn ngập yêu thương. Lời ca còn đưa về với làng xóm, ở đó, có những con người một nắng hai sương, chân lấm tay bùn.

Ta thường tự hào vì mình là người con của đất Việt, của dòng giống cao quí con Rồng cháu Tiên. Là người con của những con người không bao giờ khuất. Truyền thống ấy đã đi vào lời ca, điệu hò mà nam nữ thanh niên vẫn hát mỗi dịp hội hè, trong những buổi lao động:

Em đố anh từ Nam chí Bắc 

Sông nào là sông sâu nhất 

Núi nào là núi cao nhất nước ta?

Hình ảnh núi sông đã đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc Vỉệt Nam ta. Trải qua bao thế kỉ, những lời ca về một thời oanh liệt như vẫn còn đó, vẫn ngân vang bài ca của một thời không thể nào quên.

Cây đã cũ, bến đò xưa 

Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ. 

Tấm lòng sắt son, chung thuỷ với quê hương thật đáng khâm phục thay! Cây đa cũ – bến đò xưa vẫn đứng vậy, đón đợi những người con thân yêu sẽ trở về như người mẹ Việt Nam luôn chờ đợi những đứa con thân yêu của mình vậy.

Gió đưa cành trúc la đà 

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương 

Mịt mờ khói toả ngàn sương 

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Trước mắt ta như hiện ra khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, bình yên ấy. Những cành trúc cứ la đà đung đưa soi bóng trên mặt hồ, và những làn gió mơn man nhè nhẹ như đang cùng những cành trúc hoà tấu bản nhạc – bản tình về tình yêu cuộc sống, yêu quê hương: tiếng chuông Trấn Vũ – canh gà Thọ Xương hoà quyện với nhịp chày Yên Thái tạo nên một khung cảnh bình yên đến là! Ta chợt thấy lòng mình thanh thản, yêu đời và thêm yêu cuộc sống. Làn khói toả ngàn sương mơ màng như xua đi những ưu phiền, bon chen của cuộc sống đời thường để ta lại trở lại về là ta – là người dân Việt Nam với phẩm cách tuyệt vời như bông sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Thế đó, yêu quê hương chính là gắn bó, tự hào về quê hương. Ôi! Thương quá quê hương với mảnh đất khô cằn, sỏi đá, với những con người chán lấm tay bùn. Ta lớn lên nhưng với quê hương – người mẹ hiền dịu, ta mãi là đứa trẻ thơ. Chính tình cảm tha thiết mãnh liệt về quê hương sẽ là nhân tố thúc đẩy và hình thành nhân cách của mỗi chúng ta. Hãy trở về với quê hương, với lời ru của mẹ, bạn sẽ thấy lòng mình ấm áp, tràn ngập yêu thương.

Bên cạnh tình yêu quê hương, tình cảm gia đình cũng là một đề tài quen thuộc và gần gũi mà các ca dao dân gian đã để lại cho chúng ta. Tình cảm gia đình là gì? Đó chính là sự yêu thương gắn bó, quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong một gia đình. Tình cảm ấy thật tốt đẹp và phong phú: tình mẹ con, cha con, anh em, vợ chồng, ông bà – con cháu… con người sinh ra và lớn lên không thể thiếu những nguồn tình cảm yêu thương này.

Không có gì nghệ thuật hơn tình yêu thương con người mà trước hết là mối quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình. Gia đình có tốt thì xã hội mới đẹp. Ta vẫn ngân nga những lời ca dao ngọt ngào, sâu lắng:

Công cha như núi Thái Sơn 

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Công lao trời biển của cha mẹ, ta phải đền đáp bằng cách nào đây. Chữ hiếu đó là truyền thống đạo đức tốt đẹp tự bao giờ của dân tộc Việt Nam. Ngọn núi Thái Sơn cao lớn sừng sững ấy, dòng nước nguồn dạt dào trong trẻo ấy khiến ta thấm thía nguyện cầu: Cầu cho cha mẹ sống đời với con. Công lao to lớn ấy ta chỉ biết bày tỏ có vậy thôi ư? Hãy kính trọng, thương yêu và luôn nghĩ về cha mẹ, có như vậy ta mới không hổ thẹn, hối hận khi nghĩ về mái tóc đen huyền của mẹ, sức khoẻ của người cha đã dần dần thay đổi để chúng ta được nên vóc nên hình.

Ơn cha nặng lắm ai ơi 

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Chí lí thay! Những câu ca dao âm vang lời khuyên bảo, nhắn nhủ chân tình. Đừng làm mẹ cha buồn lòng. Sống sao cho xứng với ơn cha, nghĩa mẹ đã dành cho ta.

Trong gia đình, anh chị em thương yêu giúp đỡ nhau, có như vậy cha mẹ mới vui lòng:

Chị em như chuối nhiều tàu 

Lá lành che lá rách chớ nói nhau nặng lời.

Nếu không lá lành che lá rách thì làm sao chống đỡ với mưa gió? Máu chảy ruột mềm, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, đó là lời khuyên nhủ sâu sắc, cảm động. Bài học làm người – sống đề làm gì? Và sống như thế nào? Chắc câu trả lời đầy đủ toàn vẹn nhất là tình yêu con người.

Ngó lên nuộc lạt mái nhà 

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.

Ông bà sinh ra cha mẹ của ta, phải chịu bao cực nhọc, con cháu nhớ đến ông bà, đó là đạo lí đạo đức. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Nỗi nhớ được hình ảnh hoá, lớp lớp tầng tầng in sâu trong mắt, trong lòng cháu con. Và ta chợ nhận ra rằng:

Phải nhớ kẻ trồng cây. Nỗi nhớ được hình ảnh hoá, lớp lớp tầng tầng in sâu trong mắt, trong lòng cháu con. Và ta chợt nhận ra rằng:

Cây khô đâu dễ mọc chồi

Bác mẹ chưa dễ ở đời với ai

Non cao bao tuổi mà già

Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.

Tim ta chợt nhói đau khi nhìn mái tóc hoa râm của mẹ, cha, ông, bà. Ta ước ao, níu kéo mong thời gian sẽ trở lại nhưng tiếc thay đó lại là qui luật của trời đất, để rồi… Mẹ có thể không còn nữa, nhưng trong tất cả các kì quan, kì quan đẹp đẽ nhất là tấm lòng người mẹ. Mẹ chính là người họa sĩ, nhà kiến trúc đã sáng tạo và xây dựng nên con.

Có lúc nào đó ta ngồi nghĩ về cha mẹ, ông bà và về chính bản thân mình như câu ca dao đã nhắc nhở:

Ngày nào em bé cỏn con 

Bây giờ em đã lớn khôn thế này 

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy 

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.

Ca dao còn hát lên tình cảm vợ chồng:

Rủ nhau xuống bể mò cua 

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng 

Em ơi chua ngọt đã từng 

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Cay đắng, gian khổ của cuộc sống có làm nhạt phai hương vị của hạnh phúc không? Không! Trái lại gian nan, cay đắng càng giúp cho hạnh phúc nảy nở. Tình cảm gắn bó thuỷ chung ấy tha thiết, mặn mà đáng cho ta trân trọng, cảm phúc. Rồi đây nữa:

Rủ nhau lên núi đốt than 

Chồng mang quang gánh vợ mang quang giành 

Củi than nhơn nhuốc với tình 

Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.

Với đốt than, xuống bể, lên rừng vất vả nhưng người lao động vẫn sát cánh bèn nhau, cùng sẻ chia ngọt – bùi – cay – đắng. Vị mặn – vị đắng của mồ hôi đã tạo thành vị ngọt của hạnh phúc. Và hạnh phúc ấy luôn ngọt ngào bởi tình cảm của họ vàng đá chẳng phai.

Những cây ca dao từ Nam chí Bắc có đất, có nước, có biển có mồ hôi người… dần dần tụ lại nơi khoé mắt người một giọt sáng ngời. Giọt đó là? Giọt sương? Giọt nước mắt? Hay giọt nghĩa tình hạnh phúc? Có lẽ là tất cả, ca dao đã phản ánh thật đầy đủ và rõ nét đời sống tình cảm của con người Việt Nam. Ngày nay, văn học hiện đại đã kế thừa và học tập người mẹ ấy. Ta vẫn bắt gặp tình cảm tha thiết, sâu lắng trong thơ ca:

Con đi con lớn lên rồi

Chỉ thương mẹ ở nhà ngồi nhớ con.

Tấm lòng người mẹ và lòng anh chiến sĩ với mẹ được Tố Hữu vẽ lên như thế đó.

Hay:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là môt trưa hè

Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng.

(Nhớ con sông quê – Tế Hanh)

Và còn thật nhiều, thật nhiều nữa, những sáng tác của các nhà thơ sau này, sự phát triển của văn học ngày một thêm phong phú, các thể hiện cũng đa dạng.

Song chúng ta càng thêm yêu mến dân ca – ca dao hay nói rộng hơn là văn học dân gian. Bởi chính văn học dân gian là sự khởi đầu đẹp đẽ cho nền văn học. Đến với ca dao, ta như đến với thế giới của tâm hồn. Ca dao đã thể hiện rõ nét tâm tư tình cảm của con người Việt Nam bởi một lẽ các tác giả dân gian xưa cũng chính là người dân Việt Nam – người lao động. Tâm tình của họ tưới lên mảnh đất khô cằn và những lời ca tuyệt vời ấy cũng như là hoa quả mà học thu được từ mồ hôi, giúp chúng ta khôn lớn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hiểu biết và cảm xúc.

Dư vị ngọt ngào của ca dao như vẫn còn đó. Ta vui sướng thay bởi thấy mình như đang lớn khôn thêm giữa trời đất, quê hương, gia đình thương yêu.

Từ khóa tìm kiếm

  • cảm nghĩ của em về vẻ đẹp non sông đất nước
  • cảm nhận của em về bài ngợi ca quê hương đất nước qua Đèo dân ca xứ Huế qua bài Mùa Xuân Nho Nhỏ
  • xem vẽ tranh ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước con người việt nam

Bài viết liên quan

0