04/06/2017, 00:36

Cảm nhận của anh chị về bài thơ Tôi yêu em của Puskin.

Từ lâu, văn học Nga luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm hồn và trong tình cảm của mỗi người Việt Nam. Cái chất lãng mạn và hiện thực đan xen với nhau, lối tư duy rành mạch, khúc chiết cộng với sự nồng nhiệt, nhân hậu trong quan điểm nhân sinh đã khiến văn học Nga trở nên gần gũi và làm say đắm ...

Từ lâu, văn học Nga luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm hồn và trong tình cảm của mỗi người Việt Nam. Cái chất lãng mạn và hiện thực đan xen với nhau, lối tư duy rành mạch, khúc chiết cộng với sự nồng nhiệt, nhân hậu trong quan điểm nhân sinh đã khiến văn học Nga trở nên gần gũi và làm say đắm lòng người. Tôi yêu em của A. Puskin là một bài thơ mang đậm đặc trưng của văn học Nga và mang đậm dấu ấn của tâm hồn Nga.

Bài thơ thật giản dị, không cấu tứ cầu kì, không có nhiều các thủ pháp nghệ thuật, cũng chẳng cần tới hàm ngôn, tất cả những điều cần nói đều đã được nói ra, thẳng thắn, chân thành. Và cũng thật lạ lùng, cái làm nên sự cuốn hút của bài thơ lại chính là ở đấy.
 
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai,
 
Tình yêu là như thế, có bao nhiêu bài ca, có bao nhiêu lời hay ý đẹp dành cho nó, dẫu có nói cả một đời vẫn chưa hết, nhưng có lúc lại thật đủ đầy chỉ trong ba tiếng: Tôi yêu em.
 
Không cần đến bất cứ một sự so sánh nào, cũng không cần đến những hình ảnh hoa mĩ (trong nguyên bản không có từ ngọn lửa), lời mở đầu vừa là lời bộc bạch lại vừa là lời khẳng định của tình yêu: Tôi yêu em. Chỉ đơn giản thế thôi bởi tình yêu đích thực đâu cần nhiều lời. Ta biết nhân vật trữ tình đang có một tình yêu, ta biết tình yêu nồng cháy ấy được ấp ủ đã rất lâu rồi và ta cũng biết cô gái không đáp lại tình yêu (không rõ vì lí do gì, thật tiếc!). Tình đơn phương là một đề tài khá phổ biến trong thơ ca. Bởi, hình như khi đau khổ, người ta dễ đến với thơ hơn và trong đau khổ, người ta cũng dễ san sẻ hơn.
 
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen;
 
Tâm trạng của chàng trai ẩn chứa thật nhiều nỗi niềm, những nỗi thường thấy của trái tim đang yêu, vừa muốn thế này lại vừa muốn thế kia. Không muốn làm em buồn (trong nguyên bản không có từ gợn sóng), biết là không hi vọng nhưng ghen tuông lại là điều có thực, muốn kìm nén mà không thể. Mạch cảm xúc và tiếng nói của lí trí cứ đan xen, muốn tách bạch mà không sao tách nổi. Trái tim là thế đấy, trái tim có những lí lẽ riêng, có con đường riêng mà chỉ có trái tim mới biết, chỉ có trái tim mới thấu hiểu.
 
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
 
Với nhiều người, câu kết thật bất ngờ, bởi hình như nó có vẻ mâu thuẫn với tựa đề của bài thơ, nhưng phải đọc kĩ và phải suy ngẫm ta mới thấy, mới hiểu được cái lôgic của nó, cái lôgic thật tuyệt vời của trái tim đang yêu và của lòng nhân hậu. Không thể lí giải khác được. Bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm trạng được dồn nén, được gói ghém, được bộc bạch ở đây. cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em (trong nguyên bản là cầu cho em được một người khác yêu). Phải nói ra những lời này thật không dễ chút nào, nhưng chàng trai Nga Puskin đã nói thế, chân thành và giản dị- biết bao, trung thực, mạnh mẽ và trong sáng, đôn hậu biết bao. Toát lên từ bài thơ là tình cảm nồng hậu, phóng khoáng mang đậm cốt cách, hương vị Nga.
 
Suốt hai thế kỉ qua, hầu như không có văn nghệ sĩ Nga nào lại không ít nhiều chịu ảnh hưởng tốt lành từ ông. Những ai đã từng yêu Puskin sẽ lại yêu tha thiết những trang viết chứa đựng bao nhiêu suy ngẫm, bao nhiêu triết lí, giản dị mà sâu xa của Raxun Gamzatop, sẽ lại say đắm với những câu chuyện đẫm chất nhân văn, lúc thì mộc mạc, chân chất, lúc lại huyền ảo, lung linh của Aimatôp.
 
Dịch giả Thúy Toàn đã có lần trích dẫn lời của nhà văn Gôgôn khi nói về Puskin người tốt như thế phải 200 năm nữa nước Nga mới có. Câu chuyện về cái chết và tình yêu của Puskin với Natalia Gônsarôva, cô gái xinh đẹp nhất thành Moskva vẫn còn mãi trong lòng những người yêu Puskin. Đó là bằng chứng về sự trung thực của nhân cách và sự trong sáng của tâm hồn. Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, tên tuổi của Puskin đã trở thành biểu tượng của văn hóa Nga, tâm hồn Nga.
 
Với riêng tôi, không hiểu sao, Tôi yêu em luôn gợi cho tôi nhớ tới một câu quan họ quen thuộc: Người đi em dặn lời rằng: Đâu hơn người kết, đâu bằng người đợi em. Một cô gái Việt và một chàng trai Nga, xa xôi, cách trở về không gian nhưng sao lại có sự tương đồng đến thế về tình cảm và tâm hồn, cũng mãnh liệt, thẳng thắn mà rất đôn hậu, vị tha; giản dị nhưng có sức quyến rũ đến không ngờ. Phải chăng chính sự đồng điệu đó đã làm cho văn học Nga trỏ nên gần gũi, thân quen với độc giả Việt Nam.

0