06/05/2018, 08:51

Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lý Bạch – Văn mẫu hay lớp 7

Xem nhanh nội dung Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lý Bạch – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lai Châu Nhắc đến Lý Bạch là nhắc đến cây đại thụ của nền văn học cổ điển Trung Hoa. Ông sống vào đời Đường (701-762), học rộng, tài cao, tính tình phóng khoáng ...

Xem nhanh nội dung

Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lý Bạch – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lai Châu

Nhắc đến Lý Bạch là nhắc đến cây đại thụ của nền văn học cổ điển Trung Hoa. Ông sống vào đời Đường (701-762), học rộng, tài cao, tính tình phóng khoáng thích ngao du sơn thuỷ. Thơ ông tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn, khoáng đạt tự do bay bổng. Có lẽ như vậy mà ngọn núi Lư sơn hiện ra như một thắng cảnh tuyệt mỹ trong thơ ông:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

 Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Dịch thơ:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay

Xa trông dòng thác trước sông này

Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước

Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây

(Tương Như dịch)

Lý Bạch đi nhiều, biết rộng. Hầu như tất cả các danh lam thắng cảnh trên đất nước Trung Hoa rộng lớn ông đều đặt chân tới. Bài thơ này tuyệt bút tả cảnh thác núi Lư hùng vĩ, tráng lệ qua đó biểu hiện một tình yêu thiên nhiên, yêu núi sông Tổ quốc.

Mở đầu bài thơ là cảnh thác núi Lư sơn từ xa nhìn lại:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

Hương Lô là ngọn núi cao nằm phía tây bắc của dãy Lư sơn, đứng xa quan sát nó giống như một chiếc Lư Hương, làm cái phông nền cho dòng thác. Ngọn Hương Lô như gợi cho người đọc một sự liên tưởng và hình dung: ánh nắng mặt trời lan toả khoác lên dãy núi Lư lớp áo choàng huy hoàng rực rỡ. Giữa khung cảnh ấy nổi lên ngọn Hương Lô, chiếc Lư Hương khổng lồ nghi ngút khói trầm hương màu tím. Đây chính là sự khúc xạ ánh sáng, trên đỉnh núi lúc này như được thắp lên những luồng sáng hàng nghìn ánh màu rực rỡ, lộng lẫy huy hoàng. Hình ảnh núi Hương Lô quan sát từ xa như vừa thực vừa ảo làm hiện lên vẻ đẹp kỳ lạ của thác núi Lư. Câu thơ như đầy màu sắc, màu trắng của thác, xanh của núi, vàng của nắng và tím của sương khói. Đằng sau câu thơ ta như thấy vị tiên thơ đang trầm ngâm ngắm cảnh, chiêm ngưỡng sự diệu kỳ này.

Cảnh Hương Lô thật kỳ tuyệt, nhưng thu hút và huyền ảo hơn vẫn là ngọn thác:

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Nhan đề là vọng một vị trí quan sát từ xa, nhìn dòng thác, thác nước tuôn trào đổ xuống ầm ầm tựa ngang trời. Dòng thác qua con mắt thi tiên đã biến thành dải lụa trắng xoá mềm mại treo ngang trời.Từ quải được coi như nhãn tự của câu thơ, nó biến cái động thành cái tĩnh, thể hiện rất thực cảm giác khi nhìn thấy dòng thác từ xa. Đỉnh núi khói tía bao phủ, ngang trời, lưng núi dòng sông tuôn chảy như dải lụa mềm mại uyển chuyển, bức tranh tráng lệ kỳ vĩ biết bao:

Phi lưu trực há tam thiền xích

Đến câu thơ thứ ba này cảnh vật từ tĩnh chuyển sang động. Thế nước chảy như bay (phi lưu) được diễn tả qua hai động từ đi kèm hai trạng từ. Ta hình dung thấy núi cao, nước đổ thẳng xuống như dựng đứng, ba ngàn thước là lối nói khoa trương nhưng người đọc vẫn cảm thấy chân thực.

Bằng cảm hứng lãng mạn của mình, sự liên tưởng kỳ lạ nhà thơ đã thấy:

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Câu thơ trác tuyệt thể hiện tài năng quan sát và cảm hứng lãng mạn tuyệt vời của thi nhân. Tả thác nước thần tình giữa cái ảo và cái thực, cái hình và cái thần diễn tả được cảm giác kỳ diệu do hình ảnh thác nước gợi trong tâm khảm nhà thơ. Do vậy nghi thị (ngỡ là) rất thành công. Hồ nghi mà vẫn cho là thật. Từ trên cao ba ngàn thước, thác nước ầm ầm tuôn trào uyển chuyến mạnh mẽ nhưng mềm mại như dải lụa. Hay hơn thế tác giả ngỡ là dòng sông sao tuột khỏi chín tầng mây đang lơ lửng treo ngang trời. Đây là hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ, ở đây ngôn ngữ thơ đã chắp cánh cho hồn thơ bay bổng diệu kỳ. Ngắm dòng thác Lư sơn ngỡ như lạc vào chốn bồng lai ngư phủ.

Với tình yêu thiên nhiên say đắm, thi tiên đã dựng lên bức tranh thác nước Lư sơn hoành tráng tuyệt vời. Hơn một thiên niên kỉ trôi qua đã mấy ai được đến núi Lư sơn để ngắm lại dòng thác khi nắng rọi? Quả vậy thác núi Lư làm cho thơ Lý Bạch vĩnh hằng bất tử với thời gian. Một nhà thơ khác đời Đường là Tử Ngưng phải thẹn thùng khi cất bút.

Bài thơi là một tuyệt tác, nó thể hiện trí tưởng tượng hiếm có, nét thậm xưng tráng lệ, cảm hứng lãng mạn dạt dào. Qua đó ta hiểu rõ một tâm hồn thơ say sưa với cảnh đẹp thiên nhiên đất nước. Biết bao danh lam thắng cảnh đã đi vào thơ ông để mãi mãi muôn đời nhớ đến thi tiên – Lý Bạch.

Phát biểu cảm nghĩ về bài Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) của Lí Bạch – Bài làm 2

Phiên âm chữ Hán:                                  

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,                                  

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.                                  

Phi lưu trực há tam thiên xích,                                  

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

Tương Như dịch thơ :                                  

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,                                  

Xa trông dòng thác trước sông này.                                  

Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,                                  

Tương dải Ngân Hà tuột khỏi mây.

Đây là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt thuộc đề tài tả cảnh ngụ tình. Tuy là bốn câu theo thể Đường thi, nhưng bố cục bài thơ khá độc đáo. Không bố cục từng câu, nêu từng ý kiểu 1/1/1/1, cũng không bố cục hai phần 2 ý kiểu 2/2 mà là 1/3.

Câu thứ nhất:                                  

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,

Phác ra cái phồng nền của bức tranh toàn cảnh thác núi Lư. Nhà thơ Lí Bạch miêu tả thác nước vào lúc mặt trời chiếu rọi, nắng sáng. Thác nước đổ mạnh, tung bọt, bay như sương khói phản quang dưới nắng, hắt ra một màu tía rực rỡ, kì ảo. Ba câu tiếp sau đặc tả hình ảnh dòng thác đang tuôn chảy.

Câu thứ hai tả nét tĩnh của dòng thác. Câu thơ nguyên tác phải hiểu là "Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước". Động từ "quải" nghĩa là "treo" có vẻ như "tĩnh", biến cảnh "động" thành nét "tĩnh". 

Tiếp đó là câu thứ ba:                                  

Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,

Từ nét "tĩnh" chuyển sang cảnh "động". "Nước bay thẳng xuống", nguyên tác chữ Hán "phi" nghĩa là bay, khiến bức tranh trớ nên linh hoạt, sống động.

Và đến câu cuối thì cảnh thác Hương Lô mới thực là tuyệt vời:                                  

Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây

Nghệ thuật so sánh ở đây cũng như phép cường điệu, phóng đại ở hai câu trên có vẻ như vô lí. Song đặt trong văn cảnh, người đọc vẫn cảm thấy chân thực, tự nhiên. Vì ngọn núi Hương Lô có mây mù bao phủ nên nhìn từ xa có cảm giác dòng nước như một dải lụa treo lơ lửng vắt từ trong mây, từ trên đỉnh trời mà trải xuống, chảy xuống. Do dó thi sĩ lãng mạn Lí Bạch mới ngỡ rằng sông Ngân Hà – một dòng sông đầy sao sáng trong huyền thoại cổ xưa – đang tuột khỏi mây, chảy xuống trần gian vậy. Nhiều người coi câu cuối bài thơ này là "danh cú" (câu thơ, câu văn nổi tiếng) bởi nó đã huyền thoại hoá một hình ảnh tạo vật ở trần gian và ngược lại nó trần gian hoá một hình ảnh của huyền thoại. Qua câu thơ, tác giả đã biểu hiện một cái nhìn đầy sáng tạo và một cảm xúc thật mạnh mẽ.

Có thể nói, với những hình ảnh tráng lệ, huyền ảo, bài Xa ngắm thác núi Lư đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp nhìn từ xa của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô, thuộc dãy núi Lư. Qua đó, Lí Bạch thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước đằm thắm và phần nào hộc lộ tính cách mạnh mẽ, hào phóng của một hồn thơ lãng mạn mà người đời thường gọi ông là "Tiên Thi".

Cảm nghĩ của em về cảnh đẹp và tâm hồn tác giả được khắc hoạ trong bài xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch – Bài làm 3

Tuy lớn hơn mười một tuổi,nhưng nhà thơ Lí Bạch cũng là người cùng thời với nhà thơ Đỗ Phủ.Quãng đời hai ông như một bản lề nối giữa hai thời kì cực thịnh và suy vong của nhà Đường,Trung Quốc với những cuộc chiến tranh nội bộ do các tập đoàn phong kiến thời đó gây nên.

Nếu thơ Đỗ Phủ là những bức tranh hiện thực của bao nỗi cơ cực buồn thương thì thơ Lí Bạch là tiếng lòng lãng mạn trữ tình lành mạnh.Chúng ta dễ bắt gặp ở thơ ông sự liên tưởng độc đáo,mạnh mẽ của một trí tưởng tượng phong phú,sự rung động sâu xa của một tấm lòng yêu thiên nhiên đất nước nồng nàn và tha thiết.”Xa ngắm thác núi Lư” là một minh chứng.Sau đây là bản dịch của bài thơ ấy:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây.

Đầu đề của nguyên tác là: “Vọng Lư Sơn bộc bố”,nghĩa là xa ngắm thác bạc trên Lư Sơn.Lư Sơn là dãy núi ở Sơn Tây,Trung Quốc có nhiều ngọn chạy dài,nhưng chỉ có một ngọn là có thác đổ:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác nước sông này.

Hương Lô hay Hương Lư là núi Lư Hương,một ngọn của dây núi Lư trông giống như chiếc bình hương.Hai câu đầu của bài thơ là cảnh tổng quát của bức tranh sông núi hùng vĩ.Nhà thơ đứng ngắm thác từ phía xa và ở một vị trí thấp hơn nhiều so với chiều cao của thác.Do đó,trước mắt ông,cảnh dòng thác và núi Lư đâu khác gì một bức tranh sơn thủy treo ở lưng chừng trời.Bức tranh này có nhiều màu sắc và có vẻ đẹp huyền ảo.Ở độ cao ba ngàn thước,dòng thác đổ xuống như bay hơi nước bốc lên thành những làn khói.Các làn khói nước này với muôn ngàn thấu kính li ti được ánh nắng mặt trời rọi vào,tạo nên một sắc tía cầu vồng kỳ ảo,đó là khói tía.Màu vàng của nắng,sắc tía của khói nước gợi nên vẻ đẹp huyền ảo của toàn cảnh.Dáng núi lại gợi hình giống chiếc bình hương.Bởi vậy,khi nhìn vào,nhà thơ chợt nghĩ đến chiếc bình hương khổng lồ đang tỏa khói nghi ngút giữa trời và nước.

Bức tranh kỳ vĩ của núi sông này như được bàn tay này của người thợ vẽ tài hoa là tạo hóa đã pha màu tạo sắc.Giữa nền xanh của núi,hơi nước trắng rọi tỏa bay như khói hương là dòng nước bạc đồ sộ,tuôn dài như một tấm vải trắng.Chữ Hán “bộc” là thác,”bố” là tấm vải.”Bộc bố” ý nói thác nước tuôn như một tấm vải trắng:

Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,

Lời thơ và nhịp thơ mạnh mẽ làm nổi bật hẳn lên hình ảnh hùng vĩ,kỳ diệu của một dòng thác từ trên cao gần ba ngàn thước bay thẳng xuống.

Chỉ với ba câu thơ ngắn,ngòi bút tài tình của nhà thơ Lí Bạch,khung cảnh Lư Sơn như hiện ra trước mắt ta với đầy đủ màu sắc,hình khối,đường nét…Nhưng dường như ba câu thơ ấy chỉ để chuẩn bị.Sức mạnh của bài thơ,vẻ đẹp huyền ảo kỳ vĩ và đồ sộ của dòng thác núi Lư đã được dồn vào câu kết:

Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.

Câu thơ trước hết là cảm nghĩ của nhà thơ khi đứng trước cảnh thực.Ông so sánh thác bay thẳng xuống như dải Ngân Hà tuột khỏi mây.Thật là một so sánh sáng tạo bất ngờ đầy thú vị và sảng khoái cho người đọc : “Nghi thị Ngân Hà lạc hữu thiên”.Dải Ngân Hà là nơi tập trung dày đặc muôn vàn tinh tú vắt ngang trời.Ánh sáng của dải sao này được so sánh với dòng sông bạc trên trời.Cách so sánh ấy cũng làm tôn thêm vẻ đẹp kỳ vĩ của dòng thác nui Lư có thực ở trần thế.

Thấy dòng thác lấp lánh bạc đổ xuống tưởng như dải Ngân Hà lạc khỏi chín tầng mây ở trời cao,cao lắm,rơi xuống hạ giới,vào thời đại bấy giờ,đây là hình ảnh đầy tự hào về trí tưởng tượng của nhà thơ trước khung cảnh hùng vĩ và đầy thi vị của thiên nhiên.

Bài “Xa ngắm thác núi Lư” của Thi tiên Lí Bạch đã lưu lại muôn đời bằng phương tiện văn học cái đẹp hùng vĩ của một dòng thác khổng lồ kì lạ.

Càng đọc thơ ông,ta càng yêu thiên nhiên đất nước và càng khâm phục thi tài của ông,khâm phục sự phóng khoáng của một nhà thơ có trí tưởng tượng dồi dào,phong phú;có nghệ thuật sử dụng ngôn từ tài hoa vào bậc nhất đời Đường.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch – Bài làm 4

Lí Bạch (701 – 762), là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường. Tên chữ của ông là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, quê ở tình Cam Túc. Lên năm tuổi, ông cùng gia đình định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc đất Miên Châu (Tứ Xuyên). Từ lúc còn trẻ, Lí Bạch đã thích chu du khắp nơi, tìm cách tạo lập công danh, sự nghiệp. Suốt đời, ông ấp ủ lí tưởng cứu đời, giúp dân nhưng chưa bao giờ toại nguyện. Lí Bạch có tài sáng tác thơ và ông được người hâm mộ đặt cho biệt hiệu là Thi tiên. Thơ ông biểu hiện một tâm hồn tự do phóng khoáng. Hình ảnh trong thơ tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên, điêu luyện. Lí Bạch viết nhiều bài rất hay về đề tài chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn. Trong mảng viết về thiên nhiên, Xa ngắm thác núi Lư là bài thơ độc đáo có giá trị muôn đời.

Phiên âm chứ Hán:

Vọng Lư Sơn bộc bố
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

Dịch nghĩa:

Xa ngắm thác núi Lư

Mặt trời chiếu núi Hương Lô, sinh làn khói tía

Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước

Thác chảy như bay đổ thẳng xuống ba nghìn thước

Ngỡ là sông Ngân rơi tự chín tầng mây.

Dịch thơ:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mấy.

Tên chữ Hán của bài thơ là Vọng Lư Sơn bộc bố, có nghĩa là nhìn từ xa, thác nước trên núi Lư chảy xuống giống như một tấm vỉa tắng khổng lồ treo trước mặt . Tên bài thơ đã thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận cảnh vật và tài hoa của thi sĩ.

Với những hình ảnh tráng lệ, huyền ảo, bài thơ đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư; qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phâng nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, khoáng đạt của tác giả.

Nhà thơ ngắm thác nước từ xa. Từ điểm nhìn đó, nhà thơ không thể miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ nhưng lại có lợ thế là được thưởng thức toàn cảnh và ông đã miêu tả thành công vẻ đẹp độc đáo của thác Lư Sơn.

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)

Câu thơ phác họa ra cái phông nền hoành tráng, tương xứng với hình ảnh phi thường của dòng thác. Ngọn Hương Lô hiện lê với những đỉnh núi cao chất ngất, quanh năm mây mù bao phủ. Người đời đã đặt tên cho nó là Hương Lô (lò hương). Lí Bạch không phải là người đầu tiên phát hiện ra nét đặc trưng đó. Ba trăm năm trước, trong Lư Sơn kí (ghi chép về Lư Sơn), nhà sư Tuệ Viễn (334 – 417) đã tả: Khí bao trùm trên đỉnh Hương Lô mịt mù như hương khói. Cái mới mà Lí Bạch đem tới cho Hương Lô là miêu tả vẻ đẹp của nó dưới ánh nắng rực rỡ. Hơi nước bốc lên, phản quang ánh sáng mặt trời đã chuyển thành màu tía lung linh, huyền ảo. Sự thực là hơi khói đã có từ trước, nói đúng hơn là tồn tại thường xuyên, song dưới ngòi bút của Lí Bạch, với động từ sinh, ánh sáng mặt trời xuất hiện như chủ thể làm cho mọi vật trở nên sống động.

Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước được tác giả miêu tả trong ba câu tiếp theo:

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

(Xa trông dòng thác trước sông này
Nước nay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây).

Câu Dao khan bộc bố quải tiền xuyênthể hiện cảm nhận ban đầu của nhà thơ trước khung cảnh hùng vĩ của thác nước. Qua cái nhìn đầy thi vị và trí tưởng tượng bay bổng của Lí Bạch, thác nước tuôn đổ ầm ầm, từ đỉnh núi cao xuống trông giống như một dải lụa trắng khổng lồ treo trên vách núi. Trên đỉnh núi khói tía bốc mịt mù, dưới chân núi dòng sông ầm ầm tuôn chảy, khoảng giữa là thác nước treo cao như dải lụa bạch, quả là một bức tranh đẹp đẽ và hoành tráng lạ thường!

Câu này còn có một cách hiểu khác. Quải là treo, tiền xuyên là dòng sông phía trước. Có người cho rằng dòng sông phía trước không phải là vị trí nơi thác nước đổ xuống mà là hình ảnh so sánh với dòng thác nhìn từ xa.Nếu vạy cả câu có nghĩa là: Đứng xa trông ngọn thác giống như một dòng sông treo trước mặt. Thật là một hình tượng tuyệt mĩ được tạo nên bởi sức liên tưởng vô hạn của nhà thơ.

Ở bản dịch, câu Xa trông dòng thác trước sông này vì đánh rơi mất chữ treo là chữ quan trọng nhất của câu thơ nên ấn tượng kì vĩ do hình ảnh dòng thác gợi ra biến mất. Trực tiếp tả thác song đồng thời tác giả lại giúp người đọc hình dung được thế núi cao và sườn núi dộc đứng, nên mới có cảnh thật ấn tượng như vậy.

Vẻ đẹp huyền ảo của thác nước được nhà thơ miêu tả trong câu kết. Tác giả đã to ra xuất sắc trong việc dùng các từ Nghi (ngỡ là), lạc (rơi xuống) và hình ảnh Ngân Hà. Ví thác nước giống như dải Ngân Hà tuột khỏi mây là một so sánh độc đáo chưa từng có. Sông Ngân Hà là dải sáng màu trắng vắt ngang bầu trời do hàng triều ngôi sao li ti hợp thành, thường nhìn thấy trong những đêm trời quang. Sự xuất hiện của hình ảnh Ngân Hà ở cuối bài đã được chuẩn bị từ hai câu đầu. Vì ngọn núi Hương Lô luôn có mây mù bao phủ nên nhìn xa, thác nước đã được hình dung như tấm lụa bạch lớn treo rủ, khiến người nhìn ngắm dễ liên tưởng tới dải Ngân Hà từ chân mây tuột xuống. Mặt khác, trong thần thoại truyền thuyết Trung Hoa, Ngân Hà cũng được quan niệm như một dòng sông thực sự. Chữ lạc dùng rất đắt vì dòng Ngân Hà vốn nằm theo chiều ngang vắt qua bầu trời, còn thác nước lại đổ theo chiều thẳng đứng từ đỉnh núi cao xuống mặt đất. Câu thơ cuối cùng này được coi là danh cú (câu thơ, câu văn hay nổi tiếng) vì đã kết hợp được một cách tài tình yếu tố chân thực và yếu tố huyền ảo, đặc tả được cảm giác kì diệu do hình ảnh thác nước gợi lên trong tâm khảm nhà thơ và để lại dư vị đậm đà trong lòng người đọc.

Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của lí Bạch ca ngợi một danh thắng của đất nước Trung Hoa. Nhà thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp kì vĩ của thác nước Lư Sơn và gửi gắm vào đó tình yêu thiên nhiên đằm thắm của mình. Văn tức là người. Bài thơ hé lộ cho ta thấy phần nào tâm hồn phong phú, trái tim nhạy cảm và tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng của bậc Thi tiên họ Lí.

Thu Thủy (Tổng hợp)

 

Từ khóa tìm kiếm

0