04/06/2017, 23:27

Cảm nghĩ về người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, bạn, thầy, cô…) (bài hay nhất)

Trong cuộc sống có những con người bình thường mà thật cao đẹp. Các thầy cô giáo thường cứ lặng lẽ làm việc, tỉ mỉ trong sự nghiệp “trồng người”. Rất nhiều người trong số họ chẳng được ai biết tới, trừ những học trò nhỏ của họ; nhưng họ không hề để ý đến điều đó. Tiễn đưa một lứa học trò này, họ ...

Trong cuộc sống có những con người bình thường mà thật cao đẹp. Các thầy cô giáo thường cứ lặng lẽ làm việc, tỉ mỉ trong sự nghiệp “trồng người”. Rất nhiều người trong số họ chẳng được ai biết tới, trừ những học trò nhỏ của họ; nhưng họ không hề để ý đến điều đó. Tiễn đưa một lứa học trò này, họ lại để hết tâm trí vào lứa tiếp theo, không bao giờ dừng lại tính toán công lao. Thật hạnh phúc cho tôi có một cô giáo bình thường mà cao quý như thế.

Hồi tôi còn học Tiểu học, tất cả những kỉ niệm sâu sắc nhất của tôi đều gắn bó với cô Nga, tuy cô chỉ dạy tôi năm lớp hai, lớp ba. Hồi lớp hai tôi nghịch lắm. Bố mẹ tôi đã nhiều lần được mời đến trường vì những “chiến tích” của tôi. Khi thì bỏ học đi chơi, khi thì gây mất trật tự trong lớp, khi thì không làm đủ bài tập. Cô giáo đã nhiều lần khuyên bảo tôi, răn đe tôi, dùng nhiều biện pháp mà tôi vẫn chẳng tiến bộ gì. Có khi tôi còn nghĩ: “Tại sao cô cứ xét nét mình kĩ thế, mình có phải con cô đâu!”. Câu hỏi tôi vừa đặt ra thì mấy hôm sau đã có câu trả lời. Hôm đó, vội về để đi chơi, nên tôi để quên hộp bút ở ngăn bàn. Vì chìa khóa xe đạp cũng để trong đó nên vừa xuống tới nhà xe là tôi vội quay lên lớp. Vừa vào tới cửa lớp, tôi nghe tiếng cô Nga cùng một cô giáo khác đang đi ra từ phòng họp giáo viên. Hình như hai cô đang nhắc đến tôi:
 
- Sao chị không xin chuyển em Tùng vào lớp cô Liên. Em ấy làm sao theo được lớp của chị?
 
- Thực ra mình thấy sức học của Tùng không yếu, nó chưa chăm thôi. Để mình cố thêm một thời gian kèm cặp nó đã. Mà em biết không, nó rất giống con chị, đứa con đã mất vì bệnh nặng hồi năm ngoái.
 
Nói đến đấy, cô bật khóc. Sau lời nói của cô, tôi có cảm giác thật lạ lùng. Tôi chợt thấy mình thật có lỗi làm sao. “Cô ơi! Thì ra từ trước tới nay đối với em ngoài tình thương học trò cô còn coi em như con cô mà sao em không cảm thấy được cơ chứ? Em thật có lỗi khi làm cô buồn, làm cô lo lắng.”. Từ hôm ấy tôi tự thấy mình phải chăm chỉ hơn để không làm cô phiền lòng nữa. Sang học kì hai, tôi càng cố gắng học, không lêu lổng nữa. Nhưng kiến thức học kì một của tôi bị hổng. Cô Nga ra sức kèm cặp, hiểu bài tôi càng ham học. Chữ tôi rất xấu, cô chưa hài lòng nên tìm cho tôi cuốn vở tập viết, rồi uốn nắn tôi từng chữ. Tôi cảm nhận được biết bao sự dịu dàng, âu yếm của cô mỗi khi cô cúi xuống cầm tay tôi giúp tôi nắn nót từng chữ, cô thực sự là người mẹ thứ hai của tôi. Trong lớp cô rất hay gọi tôi lên bảng để kiểm tra kiến thức và chữ viết của tôi. Tôi tiến bộ trông thấy.
 
Đến nửa kì hai tôi cảm thấy cô như ít quan tâm đến tôi, vì cô hay gọi Hà lên bảng. Mặc dầu biết Hà học kém rất cần được rèn cặp của cô, nhưng trong tôi vẫn nảy sinh lòng ghen tị, mà không hề đồng cảm. Vì buồn mà tôi có phần chểnh mảng học hành. Tuy không có điểm yếu kém, nhưng vì có nhiều điểm trung bình, cuối năm tôi không được học sinh tiên tiến. Tôi xấu hổ và lảng tránh cô, không khỏi cho rằng đó là do cô không quan tâm đến tôi. Trong lễ bế giảng, tôi chợt được cô thì thầm bên tai: “Sau buổi lễ, đợi cô đèo em về nhé, hình như bố em không đến dự phải không?”, vẫn là những lời dịu ngọt của người mẹ. Lúc đầu tôi hơi lo cô hỏi tại sao bố không đến, tôi muốn về luôn. Nhưng ngay lập tức chen vào trong tâm trí tôi là những giây phút tôi có cảm giác cô là người mẹ thứ hai, tôi quyết định ở lại đợi cô. Cô kia rồi, tôi thong thả đi bên cô, cô không nhắc gì đến bố tôi mà lại nhẹ nhàng:
 
- Có phải em ghen tị với Hà không? Cho cô xin lỗi, vì quá lo Hà sẽ bị lưu ban, nên cô không nhận ra ngay là em buồn. Mà cô cũng chủ quan rằng trẻ con mau quên, em sẽ chẳng buồn lâu. Vậy mà cô đã không kịp nhận ra em buồn đến ảnh hưởng học tập.
 
Cô nói với tôi rằng, cô coi tất cả học sinh là con của cô. Đối với ai cô cũng phải quan tâm giúp đỡ, kèm cặp, như thế chất lượng của lớp mới đều. Cô nghĩ và tin rằng sau khi cô đã phụ đạo cho tôi có tiềm lực rồi, với trí thông minh vốn có cùng với sự nỗ lực thường xuyên, tôi sẽ giữ vững và phát huy được sức học. Hãy coi kết quả hơi sút vừa qua là điều đáng tiếc nhưng chưa phải là thất bại. Tôi hiểu rằng cô muốn nói với tôi tuy không được quan tâm nhiều như đầu học kì nhưng đáng ra tôi không nên để cho sự ganh tị làm ảnh hưởng đến học tập. Lỗi là ở tôi rồi.
 
- Em hứa sẽ học tốt hơn chứ?
 
Và cô thì thầm vào tai tôi: “Tuy vậy, em là người con mà cô yêu thương nhất”. Tôi cảm thấy da mặt tê tê vì ân hận: “Mình đá ghen tị một cách vô lí. Cô ơi! Cô cho em xin lỗi!”.
 
Sang lớp Ba, tôi quyết chí học tập và đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lúc nào đi đâu tôi cũng nhìn thấy đôi mắt mỉm cười của cô. Khi tôi lên lớp Bốn cô không còn dạy chúng tôi nữa, nhưng mỗi lần thấy cô tôi lại càng vững bước hơn. Tôi không chỉ đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện mà còn được vào đội tuyển môn Toán đi thi học sinh giỏi quận và giành được giải Nhì. Tôi không ngờ, trong lễ tuyên dương học sinh giỏi cuối năm, người trao phần thưởng cho tôi là cô Nga. Tôi vui sướng không thể tả được. Cô xiết chặt tôi trong vòng tay ấm áp: “Chúc mừng cậu học trò của cô, chúc mừng con trai của mẹ!”.
 
Năm lớp Năm là một năm học gian khổ không phải chỉ vì lớp học cuối cấp mà cái chính là tai nạn ập xuống gia đình tôi. Bố tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Mẹ tôi hầu như ở trong bệnh viện chăm sóc bố tôi, hằng ngày chỉ ghé qua nhà mua thức ăn, làm thức ăn đem vào viện cho bố tôi. Tôi phải tự nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà,... vất vả cũng không làm tôi sút đâu, cái chính là tôi lo buồn bố bệnh nặng. Mẹ tôi cũng vậy, Trước kia, gia đình tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, nay vắng lạnh như nhà hoang. Những đêm ngủ một mình vì mẹ phải ở lại trong viện, tôi không sợ mà chỉ thấy trống vắng và bao ý nghĩ dại dột cứ ào đến, tôi ngồi bó gối và khóc.

Trưa hôm ấy, đi học về, tôi bỗng thấy dây phơi đầy áo quần mới giặt, nhà cửa quang đãng, sạch bóng, mùi xào nấu từ bếp ngào ngạt. “Bố khỏi rồi chăng?”. Tôi lao vút vào bếp: “Mẹ ơi!”.
 
- Mẹ đây con. Con đi học về rồi à?
 
- Ơ, cô ạ... Cô ơi!
 
Tôi ôm chầm lấy cô và khóc òa lên.
 
- Con trai, can đảm lên con. Sao con không cho cô biết bố con ốm nặng? Sáng nay cô chủ nhiệm mới cho cô biết. Cô đã vào thăm bố con. Mẹ con gầy đi nhiều quá. Cô xin được chăm việc nhà, để mẹ con yên tâm chăm nom bố con, để con tập trung học, sắp thi học kì rồi. Mẹ con đã đồng ý.
 
Không có lời nào nói lên được lòng biết ơn của tôi. Tôi chỉ nghẹn ngào. Cô vuốt ve mái tóc tôi, đợi tôi bình tâm, rồi lau mặt cho tôi. Tôi thấy tôi như bé lại thuở lên ba, ngoan ngoãn ngồi vào bàn cùng cô ăn cơm. Tôi biết cô rất bận, việc trường, việc dạy dỗ, nhà cô cũng neo đơn, con cô còn nhỏ. (Cô sinh em bé sau khi con đầu của cô mất được hai năm, khi tôi học lớp ba), nhưng ngày nào cô cũng đến mấy tiếng buổi chiều chăm lo cho tôi, xem bài vở của tôi, có gì chưa hiểu cô gợi ý để tôi tự học tốt. Chính là tình yêu thương và niềm tin của cô dành cho tôi đã khiến tôi lấy lại được thành tích học tập. Bệnh tình bố tôi hầu như không giảm, mỗi lần vào thăm bố, tôi lại buồn ngơ ngác. Như cô tiên, cô Nga lại xuất hiện, nâng đỡ tôi. Cuộc chiến đấu gian khổ của hai người mẹ giúp bố tôi chống chọi với bệnh tật giành giật sự sống, giúp tôi giữ thăng bằng giành giữ điểm 9,10. Tôi biết ơn cả hai mẹ hiền!
 
Những tháng ngày sóng gió đã qua. Lễ bế giảng năm học cũng là lễ ra trường của học sinh lớp năm, bố tôi còn yếu chưa đến dự được. Mẹ tôi đến, ôm một bó hoa to là tấm lòng tri ân của bố mẹ tôi kính tặng cô Nga. Bó hoa của tôi là bằng tốt nghiệp loại giỏi với điểm tối đa, là phần thưởng học sinh giỏi môn Toán của quận, là bằng khen “Trò giỏi con hiếu thảo” của Quận Đoàn. Tôi thấy đôi mắt cô long lanh ngấn lệ.
 
Tôi đã xa mái trường Tiểu học, nhưng không lúc nào tôi quên cô, nhà giáo tận tâm với bao thế hệ học sinh.

0