25/05/2017, 00:29

Cảm nghĩ về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

Đề bài: Em hãy trình bày cảm nghĩ của mình về bài thơ Khúc hát ru của những em bé lớn trên lưng mẹ. Viết về tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không khai thác ở những khía cạnh thông thường mà hướng đến một khía cạnh hoàn toàn mới, đó chính là đặt tình mẫu tử vào trong khung ...

Đề bài: Em hãy trình bày cảm nghĩ của mình về bài thơ Khúc hát ru của những em bé lớn trên lưng mẹ. Viết về tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không khai thác ở những khía cạnh thông thường mà hướng đến một khía cạnh hoàn toàn mới, đó chính là đặt tình mẫu tử vào trong khung cảnh của thời chiến, tình cảm của người mẹ dành cho con của mình được khúc xạ qua những hành động anh hùng, đầy ý nghĩa, đó chính là lao động sản xuất để nuôi bộ đội cách mạng. Và ...

Đề bài: Em hãy trình bày cảm nghĩ của mình về bài thơ Khúc hát ru của những em bé lớn trên lưng mẹ.

Viết về tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không khai thác ở những khía cạnh thông thường mà hướng đến một khía cạnh hoàn toàn mới, đó chính là đặt tình mẫu tử vào trong khung cảnh của thời chiến, tình cảm của người mẹ dành cho con của mình được khúc xạ qua những hành động anh hùng, đầy ý nghĩa, đó chính là lao động sản xuất để nuôi bộ đội cách mạng. Và tất cả nguồn cảm hứng ấy được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm gửi gắm thông qua bài thơ “Khúc hát ru của những em bé lớn trên lưng mẹ”.

Ngay phần mở đầu bài thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã gợi ra hình ảnh của em cu Tai thật độc đáo:

“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”

Qua những câu thơ trên, ta có thể thấy đó là một em bé người miền núi tên cu Tai, nhưng khác với những đứa trẻ khác, thường nằm trong nôi hay trong vòng tay của mẹ thì cu Tai lại nằm trên lưng của mẹ, với giấc ngủ thật yên bình. Đây cũng là một đặc trưng của người miền núi, vì gia đình neo người, không có người chăm nom nên người mẹ khi đi lên nương thường mang theo những đứa con nhỏ của mình thông qua một chiếc địu trên lưng. Vì vậy mà ta bắt gặp hình ảnh em cu Tai ngủ trên lưng mẹ, càng đặc biệt hơn là em cùng mẹ tham gia sản xuất, không chỉ là nuôi sống gia đình mà còn nhằm một mục đích cao cả hơn, thiêng liêng hơn “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội”.

Những hạt thóc được sản xuất ra đầy nhọc nhằn nhưng người mẹ ấy không quản dãi dầu mưa nắng, cũng không kể đến những vất vả của bản thân mà một ngày của người mẹ ấy thật bận bịu, trách nhiệm trên đôi vai gầy ấy sao mà cao cả, là trách nhiệm của một người mẹ thương con; là trách nhiệm của một người lao động trong gia đình; là trách nhiệm của một người dân yêu nước, hết lòng ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Hành động cao cả của người mẹ thể hiện tấm lòng của con người miền núi nói chung đối với cách mạng. Và theo nhịp điệu lao động của mẹ, giấc ngủ của em theo mẹ vào những công việc, giấc ngủ em vẫn ngon lành vì có sự che chở, bao bọc bởi hơi ấm của mẹ, bởi giọng hát ru của mẹ:

“Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng mẹ đưa nôi và tim hát thành lời
Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội”

Ở đây, tình thương con đã hòa quyện làm một với tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc, yêu con nhưng người mẹ ấy cũng ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình, dù không thể trực tiếp tham gia kháng chiến nhưng lại tích cực hỗ trợ kháng chiến, giúp đỡ bộ đội. Hành động ấy thật cao cả làm sao, càng đáng quý hơn nữa khi người mẹ thông qua lời ru, truyền cho con ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa trách nhiệm và hi vọng vào một tương lai tươi sáng cho đứa con:

“Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân”

Người mẹ mong muốn đứa con lớn lên khỏe mạnh, trưởng thành và tiếp tục thực hiện trách nhiệm chiến đấu, sản xuất để phục vụ đất nước. Tình yêu của mẹ dành cho cu Tai cũng thật sâu sắc, cảm động: “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”, đối với bắp, mặt trời mang lại sự sống, thì đối với mẹ em là toàn bộ tình yêu, niềm hi vọng của mẹ. Thương con nhưng người mẹ ấy cũng chưa bao giờ quên đi trách nhiệm của mình, luôn tích cực, hăng say lao động sản xuất, và cũng chưa bao giờ ngừng hi vọng vào đứa con, mong muốn con mau trưởng thành, sống mạnh mẽ, vững vàng:

“ Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi
Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười ka- lưi”

Không chỉ lao động, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh thì người mẹ ấy còn cùng bộ đội, những người đồng bào khác tham gia chiến đấu chống bọn quân xâm lược:

“Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ địu em đi đến dành trận cuối
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”

Đúng như câu tục ngữ “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”, khi kháng chiến nổ ra, mẹ của cu Tai cũng như bao người đồng bào khác đều tích cực tham gia chiến đấu, mẹ chuyển lán, mẹ đạp rừng rời căn cứ, mở đường cho bộ đội. Rồi khi giặc Mỹ vào làng, chúng ngang ngược dùng bạo lực đuổi đồng bào khỏi làng bản “Thằng Mĩ đối ta phải rời con suối”. Và khi chúng đã dồn dân ta vào đường cùng thì toàn dân làng đồng loạt đứng lên chiến đấu “Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông”, khi lòng căm thù bị kích động, lòng tự tôn dân tộc bị động chạm thì không kể gái trai, già trẻ dù với những vũ khí đơn sơ nhất nhưng cũng trở thành vũ khí chống quân thù. Địu em trên lưng mẹ cùng mọi người đánh giặc, từ trên lưng mẹ em đến chiến trường, từ trong gian khổ em vào TRường Sơn. Đến khổ thơ cuối, ước muốn giản dị của mẹ thật đẹp, khát vọng của mẹ là đất nước được độc lập, và con cũng như toàn thể đồng bào được tự do:

“Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự Do…”

Như vậy, bài thơ “Khúc hát ru của những em bé lớn trên lưng mẹ” không chỉ gợi ra tình mẫu tử thiêng liêng mà tình mẫu tử ấy còn được đặt trong mối quan hệ với đất nước, quê hương. Mẹ mong cho con lớn khôn, trưởng thành, ước muốn con trở thành một người mạnh mẽ, một người có trách nhiệm, biết dùng sức mạnh của mình để cứu dân, cứu nước, giải phóng mình thành người tự do, kế thừa, phát huy được tinh thần yêu nước, sức mạnh quật cường của đồng bào, của dân tộc.

0