04/06/2017, 23:53

Cảm nghĩ của em về nhân vật cô Thu, nữ giao liên (truyện “Chiếc lược ngà” - Nguyễn Quang Sáng) và ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường (truyện “Những ngôi sao xa xôi” - Lê Minh Khuê).

Viết về những người con gái của quê hương trong thời kháng chiến chống Mĩ , truyện “Chiếc lược ngà ” của Nguyễn Quang Sáng và truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã để lại trong tâm trí đọc giả tuổi thơ bao ấn tượng sâu sắc tuyệt đẹp. Hình ảnh cô Thu giao liên và hình ảnh ba cô gái ...

Viết về những người con gái của quê hương trong thời kháng chiến chống Mĩ , truyện “Chiếc lược ngà ” của Nguyễn Quang Sáng và truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã để lại trong tâm trí đọc giả tuổi thơ bao ấn tượng sâu sắc tuyệt đẹp.

Hình ảnh cô Thu giao liên và hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường: chị Thao, Nho, Phương Định - sao trở nên thân thương, quý mến lạ. Có lúc tôi cảm thấy những cô gái dũng cảm mà bình dị ấy như người cô, người dì, người chị gái yêu quý trong mỗi gia đình chúng ta.
 
Tôi thương cô Thu, nữ giao liên nhiều quá. Cô không nhận ra người ba của mình chỉ vì cái sẹo do bom đạn giặc gây ra. Lúc cô kịp nhận ra ba của mình thì cũng là giây phút người ba yêu thương ra đi chiến đấu và ba cô đã đi mãi không về. Chiếc lược ngà - vật kí thác thiêng liêng của người ba liệt sĩ phải mấy năm sau cô giao liên mới nhận được. Bi kịch thời chiến tranh ấy làm nhói đau mỗi trái tim chúng ta.

Cô giao liên quê ở Cù Lao Giềng, quận Chợ Mới, tỉnh Long Châu Sa ấy trong lửa đạn gian khổ nguy hiểm “mà mặt cứ phơi phới ”, “cặp mắt trong sáng ”, “deo bông tòn teng”. Người cô mảnh khảnh nhưng rất hiên ngang vai mang cây cạc-bin báng xếp, đầu chít khăn, dáng điệu gọn gàng . Điều khiển một chiếc thuyền máy đưa đón đoàn cán bộ đi công tác, gặp bao thử thách nguy nan, có lúc rơi vào ổ phục kích của giặc, cô vẫn mưu trí và dũng cảm tìm mọi cách để thoát hiểm. Mới 18 tuổi nhưng đồng đội gọi cô bằng những tiếng thân thương: chị Hai, chị út. Cô gắn liền với huyền thoại : cô có cái mũi rất thính, cô dùng mũi để nghe mùi địch và có thể phân biệt được thằng nào là Mĩ, thằng nào là ngụy nữa!
 
Có hôm cô vừa chặn địch về, áo quần bùn đất bê bết và đẫm ướt, vừa bước ra khỏi chỗ nguy hiểm mà niềm lạc quan cứ hiện trên nét mặt, giọng nói lại dịu dàng, dễ thương. Nhiều cán bộ vào sinh ra tử, qua trạm giao liên gặp cô ai cũng quý mến, cảm phục.
 
Cũng hình ảnh cô giao liên ấy, mặt tròn to, chớp mắt, dòng lệ tràn ra, giọng tắc nghẽn, run run khi nhận chiếc lược ngà từ tay người cán bộ già - chiến hữu của ba mình - trao cho, lại khiến cho nhiều bạn đọc không cầm được nước mắt.
 
Thời kháng chiến chống Mĩ, ở hai miền Nam Bắc đất nước ta có biết bao cô gái của quê hương đã tiếp bước cha anh lên đường chiến đấu, đem máu xương lập lên bao chiến tích anh hùng như thế. Hình ảnh cô Thu giao liên trong truyện “Chiếc lược ngà ” làm tôi nhớ một vần thơ của Tố Hữu nói về các thế hệ anh hùng của dân tộc:
 
“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành ".
 
Ông Sáu - ba cô đã và đang yên nghỉ giữa rừng sâu dưới “ngôi mộ bằng” cũng như hàng nghìn hàng vạn liệt sĩ hẳn vô cùng tự hào về con, cháu mình như cô Thu giao liên, như mười cô thanh niên xung phong anh hùng nơi ngã ba Đồng Lộc, tự hào về những thế hệ nối tiếp anh hùng đã đem máu xương tô thắm trang sử vàng chói lọi của dân tộc.
 
Thời chống Mĩ cả dân tộc ta đã anh dũng đứng dậy, xốc tới, đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Con đường chiến lược Trương Sơn là một kì tích huyền thoại của dân tộc ta. Đọc truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, tôi vô cùng ngưỡng mộ chị Thao, cô Nho, Phương Định, những cô thanh niên xung phong anh hùng đã “xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”.
 
Mỗi chị, mỗi cô có một nét đẹp riêng. Họ rời ghế nhà trường, rời xóm làng quê thân yêu, lên đường đi chiến đấu. Nho bé nhỏ xinh xắn “mát mẻ như một que kem trắng". Chị Thao thích thêu chỉ màu lên áo lót, thích tỉa lông mày làm duyên, thích hát, dù hát sai nhạc, nhưng vẫn có ba quyển sổ dày chép bài hát. Hát lúc rỗi rãi, hát lúc căng thẳng ác liệt. Hễ thấy máu và vắt là “nhắm mắt lại, mặt tái mét ”, nhưng trong công việc, trong chiến đấu cô vô cùng bình tĩnh, cương quyết, táo bạo. Phương Định xinh đẹp, con gái Hà Nội, “một cô gái khá”; có cái cổ cao , kiêu hãnh như đài hoa loa kèn , có cặp mắt đẹp, được các anh lái xe cảm mến khen là “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm ”. Phương Định hát hay, thuộc nhiều dân ca, thuộc nhiều bài hát nước ngoài,...
 
Cả ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường, sống trong một cái hang cách cao điểm độ 300 mét, suốt ngày bị bom đạn giặc Mĩ gầm réo, đào xới tan hoang. Không một lá cây. Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Thân cây bị khô cháy, ngổn ngang thương tích, phế tích chiến tranh: thùng xăng hoặc thành ô tô đã méo mó, hoen gỉ, v.v ... Công việc của họ lúc nào cũng đối diện với thần chết; thần chết lẩn trong ruột những quả bom. Có ngày 5 trận, có ngày 3 trận, có lúc phải thức đêm. Họ chạy trên mặt đường, tính khối lượng hố bom, tính bom nổ, phá bom nổ chậm. Phải chạy trên cao điểm dưới nắng nóng hơn 30 độ. Khát nước đến cháy bỏng. Sau khi phá được một đợt bom nổ chậm, ba cô gái vốn xinh đẹp thế, bỗng trở thành “những con quỷ mắt đen” lúc trở về hang!
 
Họ bình tĩnh, mưu trí và quả cảm một cách kì lạ. Trên cao điểm có những khoảnh khắc vắng lặng, im ắng đến căng thẳng cực độ. Có những lúc dữ dội khốc liệt: tiếng máy bay trinh sát rè rè. Từng bầy phản lực gầm gào lao theo sau. Từng đợt bom trút xuống. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trên không trung. Cô đơn và khiếp sợ khi bom gào thét xung quanh mà không có tiếng súng đáp trả. Khi cao xạ bắn, tiếng 12 li 7 của bộ đội ta vang lên dồn dập, Phương Định “muốn la toáng lên và thích thú”. Phá bom nổ chậm là việc nguy hiểm diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Phương Định “không đi khom”, cô “cứ đàng hoàng mà bước tới”. Đất rắn, lưỡi xẻng chạm vào quả bom, tiếng động sắc đến gai người, vỏ quả bom nóng lên... Hai mươi phút trôi qua. Gói thuốc mìn cô đặt vào lỗ đào cạnh quả bom, khỏa đất, châm ngòi nổ, chạy lại chỗ ẩn nấp. Tiếng còi chị Thao rúc lên, các quả bom nổ chậm phát nổ. Váng óc, ngực nhói, mắt cay sè, miệng buồn nôn vì mùi thuốc bom. Họ có nghĩ tới cái chết; một cái chết mờ nhạt không cụ thể. Căng thẳng và lo âu: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Phương Định bị thương ở đùi, vết thương chưa khép miệng vẫn cùng chị Thao, Nho đi phá bom. Nho bị thương, bị bom vùi, máu tua ra ngấm vào đất, mắt nhắm nghiền. Không một tiếng rên. Phương Định băng vết thương cho Nho, tiêm thuốc cho Nho, pha sữa cho Nho uống. Chị Thao lại cất tiếng hát. Áo quần các chị bê bết bụi đất và phủ đầy thuốc bom màu xám. Tinh đồng đòi., tình chị em, tinh thần quả cảm chiến đấu, tinh thần lạc quan yêu đời đã tạo nên sức mạnh thần kì để tổ trinh sát mặt đường chiến thắng bom đạn giặc Mĩ. Các cô gái đã sống và chiến đấu trong thầm lặng, viết nên những tráng khúc anh hùng.
 
Lê Minh Khuê đã kể lại một cách chân thực cuộc sống chiến đấu vô cùng quả cảm của tổ trinh sát mặt đường. Tác giả vốn là một nữ thanh niên xung phong trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mĩ nên mới viết chân thực, hồi hộp và xúc động như thế!
 
Máu của các cô gái trong tổ trinh sát mặt đường, sự gan góc và hi sinh của hàng ngàn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ đã làm cho truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam thêm chói lọi.
 
Tóm lại, cô Thu giao liên, chị Thao, Nho, Phương Định trong tổ trinh sát mặt đường là những cái tên đẹp, mãi mãi xứng đáng với danh hiệu “Người con gái Việt Nam anh hùng”. Cuộc đời của các chị, các cô là những bài ca chiến đấu. Trong công việc và vị thế trên mọi trận tuyến đánh quân thù, các chị, các cô đã thể hiện cốt cách và dáng đứng hiên ngang của người phụ nữ Việt Nam. Tấm gương sáng của họ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, của đất nước ta.
 
Để nhân dân ta biết ơn!
Để nhân dân ta ngưỡng mộ!

0