03/02/2018, 20:32

Cách điền bản khai nhân khẩu

Cách điền bản khai nhân khẩu Hướng dẫn ghi bản khai nhân khẩu Bản khai nhân khẩu hộ khẩu - mẫu HK01 Bản khai nhân khẩu được dùng cho người đủ 14 tuổi trở lên để làm thủ tục đăng ký thường trú hoặc tạm ...

Cách điền bản khai nhân khẩu

Bản khai nhân khẩu hộ khẩu - mẫu HK01

Bản khai nhân khẩu được dùng cho người đủ 14 tuổi trở lên để làm thủ tục đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại địa phương. Để điền các thông tin trên Bản khai nhân khẩu một cách đúng và chính xác nhất, mời các bạn tham khảo bài viết sau đây.

Mẫu bản khai nhân khẩu

Mẫu bản khai nhân khẩu

1. Cách ghi thông tin cá nhân

- Khi ghi thông tin về cá nhân phải căn cứ vào giấy khai sinh và các giấy tờ hộ tịch khác. Nếu không có các giấy tờ trên thì ghi theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.

a) Mục “Họ và tên”: Ghi bằng chữ in hoa, đủ dấu;

b) Mục “Ngày, tháng, năm sinh”: Xác định theo ngày, tháng, năm dương lịch và được ghi đầy đủ 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số cho các tháng sinh là tháng 01 và tháng 02, 04 chữ số cho năm sinh;

c) Mục “CMND số” và mục “Hộ chiếu số”: Ghi đầy đủ số CMND và số hộ chiếu (nếu có cả hai giấy tờ này);

d) Mục “Giới tính”: Nếu giới tính Nam thì ghi là Nam, nếu giới tính Nữ thì ghi là Nữ;

đ) Mục “Nơi sinh”: Ghi nơi sinh theo giấy khai sinh;

e) Mục “Quê quán”: Ghi quê quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại;

g) Mục “Quốc tịch”: Ghi quốc tịch Việt Nam, quốc tịch khác (nếu có);

h) Mục “Dân tộc” và “Tôn giáo”: Ghi dân tộc, tôn giáo theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh thì ghi theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp;

i) Mục “Nghề nghiệp, nơi làm việc”: Ghi rõ hiện nay làm nghề gì và tên cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa chỉ nơi làm việc.

2. Cách ghi thông tin về địa chỉ cư trú

- Ghi cụ thể, đầy đủ số nhà, phố, đường phố; tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc; xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Trường hợp ở nước ngoài về đăng ký cư trú thì ghi rõ địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ tên nước phiên âm bằng tiếng Việt).

3. Cách ghi thông tin về cơ quan có thẩm quyền đăng ký, quản lý cư trú

Dòng trên ghi cơ quan Công an cấp trên trực tiếp, dòng dưới ghi tên cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký, quản lý cư trú.

4. Mục nội dung chính

- Mục “Trình độ học vấn”: Ghi rõ trình độ học vấn cao nhất (Tiến sỹ, Thạc sỹ, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp phổ thông cơ sở…; nếu không biết chữ thì ghi rõ “không biết chữ”);

- Mục “Trình độ chuyên môn”: Ghi rõ chuyên ngành được đào tạo hoặc trình độ tay nghề, bậc thợ, chuyên môn kỹ thuật khác được ghi trong văn bằng, chứng chỉ;

- Mục “Trình độ ngoại ngữ”: Ghi rõ tên văn bằng, chứng chỉ cao nhất được cấp (Anh A, Anh B hoặc Pháp A, Pháp B hoặc Nga A, Nga B …);

- Mục “Tóm tắt về bản thân (từ đủ 14 tuổi trở lên đến nay ở đâu, làm gì)”: Ghi rõ từng khoảng thời gian (từ tháng, năm nào đến tháng, năm nào) thay đổi về chỗ ở và nghề nghiệp, nơi làm việc.

- Mục “Tiền án, tiền sự”: Ghi rõ tội danh, hình phạt theo bản án số, ngày, tháng, năm của Tòa án; đã được xóa án tích hay chưa hoặc đang trong giai đoạn bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; đã hoặc đang chấp hành hình phạt; bị kết án phạt tù được hưởng án treo; hình phạt bổ sung; đã hoặc đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự hoặc bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng. Thời gian bị áp dụng biện pháp đó.

0