Các thể ẩn nhập trong tế bào
Các thành phần không phải chất nguyên sinh là sản phẩm trao đổi chất của thành phần nguyên sinh, nằm trong tế bào chất như không bào chứa dịch tế bào, các hạt tinh bột, hạt alơron, các giọt dầu và các sản phẩm trao đổi chất cuối cùng như các tinh thể vô cơ, ...
Các thành phần không phải chất nguyên sinh là sản phẩm trao đổi chất của thành phần nguyên sinh, nằm trong tế bào chất như không bào chứa dịch tế bào, các hạt tinh bột, hạt alơron, các giọt dầu và các sản phẩm trao đổi chất cuối cùng như các tinh thể vô cơ, chúng nằm vùi trong tế bào chất nên gọi là thể vùi hay thể ẩn nhập. Vách tế bào là sản phẩm trao đổi chất của thành phần nguyên sinh, nhưng nó nằm ngoài màng sinh chất, nên không được coi là một thành phần của tế bào chất. Các thành phần nguyên sinh và không phải chất nguyên sinh (trừ các sản phẩm bài tiết, các tinh thể vô cơ) là các thành phần cơ bản của tế bào thực vật chúng tác động qua lại với nhau tạo ra tế bào sống.
Thể ẩn nhập là các sản phẩm thứ sinh được tạo ra do tổng hợp thứ cấp hoặc do sự phân giải qua sự trao đổi chất trong đời sống tế bào. Chúng là những sản phẩm dự trữ hay thải bả thường có cấu trúc đơn giản hơn chất nguyên sinh. Các sản phẩm thứ sinh được nghiên cứu nhiều nhất là các hạt tinh bột, xenluloza, chất béo, protein ... và chất vô cơ ở dạng tinh thể và các chất hữu cơ thuộc sản phẩm phân giải như tanin, nhựa, gôm, cao su, ancaloit mà chức năng của chúng chưa được hiểu biết đầy đủ. Các chất thứ sinh nằm trong không bào, trong vách tế bào và có thể phối hợp với các thành phần của chất nguyên sinh tế bào.
Hạt tinh bột là những chất tổng hợp thứ sinh chính của chất nguyên sinh, tinh bột tồn tại như một nguyên liệu dự trữ trong thể nguyên sinh, chất này có những phân tử chuổi dài mà những đơn vị cơ bản của chúng là gốc glucoza, mất một phân tử nước và có công thức C6H10O5.

Các phân tử tinh bột đều có cấu tạo từ một số lớn các nhóm monosaccharit, kết hợp với nhau thành chuỗi dài và thẳng (amiloza) hoặc phân nhánh (amilopectin). Các phân tử tinh bột của các loại khác nhau, đều có công thức phân tử tổng quát là (C6H10O5)n. Các lạp không màu có chức năng tổng hợp các tinh bột thứ cấp để dự trữ, gọi là lạp bột. Những thay đổi hình thái, kích thước của các hạt tinh bột thường rất đa dạng, có thể sử dụng chúng để góp phần xác định đặc tính các loài cây ([link]). Chẳng hạn kích thước hạt tinh bột khoai tây là 70 – 100 μm, lúa mì là 30 - 40 μm, ngô là 12 - 18μm và hình thái cấu tạo rất khác nhau. Các hạt tinh bột ở nhiều cây có sự phân lớp đồng tâm rõ rệt, vì sự luân phiên các lớp khúc xạ nhiều hay ít do sự ngậm nước hay không ngậm nước của các phân tử tinh bột. Các lớp này sắp xếp quanh một cái rốn mà vị trí của chúng ở trung tâm hoặc lệch tâm. Các hạt bán kép có hai hay nhiều rốn nhưng nằm chung trong một màng của lạp không màu. Tinh bột phổ biến trong cơ thể thực vật nhưng thường có trong mô mềm dự trữ của hạt, mô mềm của các mô dẫn thứ cấp ở thân và rễ, mô mềm của các cơ quan dự trữ như thân, rễ, củ, thân hành ... ([link])

Hạt alơrôn là thành phần chính trong chất nguyên sinh, nhưng chúng cũng tồn tại như những chất thứ sinh, tạm thời không hoạt động, xem như là chất dự trữ. Chúng tồn tại ở dạng kết tinh hoặc vô định hình. Protein vô định hình có thể tạo ra các chất định hình hoặc vô định hình như ở Tảo, Nấm, noãn cầu hạt trần. Protein kết tinh phối hợp những thuộc tính keo, vì vậy chúng có dạng tinh thể. Protein vô định hình quen thuộc là gluten, nó là một chất liên kết với tinh bột ở nội nhũ lúa mì, ở nhiều hạt, phôi nhũ, nội nhũ hoặc ngoại nhũ có chứa protein dự trữ ở dạng hạt alơron. Các hạt này có thể là đơn hoặc có chứa các thể vùi dạng cầu (á cầu) và dạng tinh thể của protein. Những dạng tinh thể protein hình khối lập phương có trong tất cả tế bào mô mềm ở vùng ngoại vi củ khoai tây ([link]). Nguồn gốc của các thể vùi protein đã được nghiên cứu chủ yếu bằng cách theo dõi sự phát triển các hạt alơrôn, protein đầu tiên nằm trong không bào, protein cô đặc lại chuyển thành alơron.
Chất chất dầu phân bố rộng rải trong cơ thể cây và chúng tồn tại với một lượng nhỏ trong tế bào cây. Thuật ngữ chất béo không chỉ dùng để diễn đạt các este của axit béo với glyxerol mà còn liên quan với những chất được tập hợp dưới tên lipit. Dầu được coi là chất béo lỏng. Các chất sáp, suberin và cutin có bản chất là chất béo và thường xuất hiện như những chất bảo vệ ở trong và trên vách tế bào. Phophatit và sterol cũng có liên quan với chất béo. Chất béo và dầu là các thể vùi, thường là nguyên liệu dự trữ trong hạt, bào tử, phôi, trong các tế bào mô phân sinh và đôi khi nằm trong mô vĩnh viễn. Chúng xuất hiện như những thể rắn hoặc thông thường là những giọt nhỏ kích thước khác nhau hoặc phân tán vào tế bào chất hoặc được tập hợp thành khối lớn. Về mặt nguồn gốc, chất béo hoặc hình thành trong tế bào chất (không bào dầu) hoặc hình thành trong lạp không màu (lạp dầu).
Tinh dầu là một chất dễ bay hơi, có mùi thơm, thường thấy phổ biến trong cây như ở Tùng bách, chúng có trong tất cả các mô của các loài cây khác, chúng chỉ phát triển ở cánh hoa, vỏ quả, lá hoặc trong quả.
Tanin là một nhóm các chất phenol, thường có liên quan với glucozit. Với nghĩa hẹp, tanin chỉ là một loại hợp chất phenol đặc biệt, có trong lượng phân tử cao. Những chất khan nước của tanin như phlobaphen là những chất vô định hình có màu vàng, màu đỏ hoặc màu nâu. Chúng xuất hiện như những khối hạt nhỏ, thô hoặc mịn hoặc như các thể với kích thước khác nhau. Tanin đặc biệt phong phú trong nhiều lá cây có ở phloem và chu bì của thân, rể, ở quả chưa chín, có ở vỏ hạt và các khối u bệnh lý như các mụn cây. Tuy nhiên, dường như không có mô nào là không có tanin hoàn toàn và chúng còn tìm thấy ở mô phân sinh của các cây một lá mầm, thường rất nghèo tanin. Ở các tế bào riêng lẽ, tanin nằm trong nguyên sinh chất và cũng có thể xâm nhập vào vách chẳng hạn như mô bần. Trong chất nguyên sinh, tanin là một thành phần thông thường của không bào hoặc ở trong tế bào chất ở dạng giọt nhỏ và những giọt này hợp lại với nhau.
Về chức năng, tanin được giải thích như những chất bảo vệ nguyên sinh chất chống lại sự khô héo, thối rửa hoặc hư hại do động vật, hoặc như những chất dự trữ gắn liền với sự trao đổi chất của tinh bột theo một phương thức chưa xác định nào đó, như những chất chống oxy hoá và như những chất keo bảo vệ và giữ vững tính đồng nhất của tế bào.
Tinh thể này thường thấy ở các không bào. Một số tinh thể canxi oxalat hình thành trong tế bào biểu bì, hay tế bào mô mềm. Một số tinh thể khác hình thành trong dị tế bào. Còn một số tinh thể của chúng lắng đọng trong vách tế bào. Các tinh thể thường nhỏ hơn tế bào chứa chúng, hoặc lấp đầy toàn bộ tế bào, thậm chí còn làm biến dạng tế bào. Các tinh thể hình kim thường nằm trong các tế bào dị hình lớn, khi trưởng thành là những tế bào chết, chứa đầy chất nhầy, có phồng lên, nhưng vách tế bào vẫn mỏng nên tế bào có thể bị vỡ và các tinh thể hình kim bị tống ra ngoài. Các tinh thể canxi oxalat có thể kết tinh đồng đều khắp mô hoặc bị giới hạn vào một vùng mô. Canxi cacbonat ít khi thấy tồn tại ở những tinh thể có hình dạng rõ rệt. Nang thạch và tinh thể canxi cacbonat nằm trong mô mềm và biểu bì. Ở mô biểu bì, chúng có thể tạo ra ở lông hoặc ở các nang thạch tế bào đã tăng trưởng. Silic được lắng đọng hầu hết trong vách tế bào, nhưng đôi khi hình thành trong khoang tế bào. Silic thường tồn tại ở dạng vô định hình ([link]).
