Cà Mau - Nét đẹp trong lễ hội Nghinh Ông sông Đốc
Nghinh Ông là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau có nguồn gốc xa xưa của người Chăm được người Việt tiếp thu, phát triển. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc gắn liền với tín ngưỡng và đền thờ cá Ông ở thị trấn Sông Đốc. Theo các bậc cao niên, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc có từ đầu thế kỷ XX. Đối ...
Nghinh Ông là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau có nguồn gốc xa xưa của người Chăm được người Việt tiếp thu, phát triển. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc gắn liền với tín ngưỡng và đền thờ cá Ông ở thị trấn Sông Đốc.
Theo các bậc cao niên, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc có từ đầu thế kỷ XX. Đối tượng suy tôn ở đây là cá Ông - được vua triều Nguyễn sắc tặng Nam Hải đại tướng quân.
Cửa biển Sông Đốc nằm ở biển Tây (tiến ra xa là vùng vịnh Thái Lan) là nơi hay xuất hiện cá voi, nhiều khi bị thương rất nặng dạt vào bờ được nhân dân cứu chữa, nếu không qua khỏi, bà con ngư dân thường cúng vái và xây cất đền thờ để gìn giữ xương cốt.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức trong ba ngày: 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong đó ngày 15 diễn ra nghi lễ chính bắt đầu từ 14 giờ. Chủ lễ cùng ban trị sự lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Khi diễu hành bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo. Trước đó đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa neo đậu dưới bến sông.
Chủ lễ trực tiếp rước lư hương lên tàu đã được trang trí rất công phu, lộng lẫy và lớn nhất (có khi được kết từ ba chiếc tàu lại). Tàu do chức sắc Lăng Ông và ngư phủ bầu chọn. Ra tới cửa biển nhiều tàu khác tiếp tục được nhập vào đoàn diễu hành. Hàng trăm tàu đủ mọi kích cỡ, công suất, kiểu trang trí tạo ra một khung cảnh đầy màu sắc sống động cả một vùng cửa biển rộng lớn. Tiếng sóng nước, tiếng động cơ ầm ầm vang xa. Hàng ngàn người đủ mọi sắc áo đứng ngồi trên boong tàu vẫy cờ hoa.
Trên đường diễu hành nếu gặp cá Ông phun nước (Ông dội) thì đoàn tàu quay trở về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi và sau đó chủ lễ vái đọc lời nguyện cầu. Thường thì cách đất liền một, hai hải lý, chủ lễ sẽ làm lễ “xin keo”. Xin được keo tức là đã gặp “Ông” và rước “Ông” về. Tại Lăng sẽ tiếp tục diễn ra các nghi lễ, cúng bái đến tận khuya. Điện thờ được bày rất nhiều mâm (xôi, hoa quả, heo…) - chủ yếu là ngư dân tự nguyện hiến cúng. Nhân dịp này ngư dân trong vùng, khách thập phương đến thắp hương, cúng tiền và hiện vật thờ tự rất đông… . Số tiền này niêm yết công khai, sau đó dùng vào việc tổ chức, khánh tiết và xây dựng tu bổ đền…
Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng, gió hoà, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang. Lễ được tổ chức khá lớn, có hàng chục ngàn người trong tỉnh và vùng lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ hội. Trong đó có nhiều ngư phủ của các tỉnh miền Trung và phía Nam đang khai thác cá ngoài khơi cũng nhớ ngày về dự.