Hà Nội - Lễ hội làng Triều Khúc
Làng Triều Khúc cách Hà Nội gần chục cây số, thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì - Hà Nội. Đây là vùng quê nổi tiếng với những chiếc nón quai thao xinh xắn được ca ngợi trong ca dao, tục ngữ. Tại đây, hàng năm hội làng vẫn diễn ra từ mùng 10 đến 12 tháng giêng âm lịch, thu hút đông đảo khách ...
Làng Triều Khúc cách Hà Nội gần chục cây số, thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì - Hà Nội. Đây là vùng quê nổi tiếng với những chiếc nón quai thao xinh xắn được ca ngợi trong ca dao, tục ngữ. Tại đây, hàng năm hội làng vẫn diễn ra từ mùng 10 đến 12 tháng giêng âm lịch, thu hút đông đảo khách thăm quan.
Mỗi du khách khi đến làng Triều Khúc đều bị hấp dẫn bới sự nguyên vẹn của một làng cổ nằm kề ngay cạnh trung tâm chính trị và công nghiệp náo nhiệt là Hà Nội. Ở đây, chùa, đình, giếng nước, cây đa… tất cả dường như không có gì thay đổi từ đời này sang đời khác. Những ngõ xóm được lát gạch sạch sẽ, gợi nhớ sự đóng góp của những cô gái khi đi lấy chồng phải nộp gạch cho làng. Những mái nhà nhấp nhô nối tiếp nhau với nhiều kiểu loại đường gạch, mái ngói khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ trong lòng các hoạ sĩ. Bên trong những bức tường rào của từng nhà, người ta bày phơi la liệt trên sân, trên dây phơi những cuộn tơ, sợi nhiều màu sắc cùng những đám lông gà, lông vịt. Cả làng lúc nào cũng bừng bừng sức sống với không khí ấm áp, vui vẻ do tiếng cười nói của các bà, các chị và tiếng chạy của khung cửi tạo ra. Ai cũng có công việc của riêng mình, người dệt, người thêu, người làm chổi, người nhuộm sợi... Tất cả những nghề thủ công khéo léo này đã làm nên sự tồn tại và phát triển bao đời nay của làng Triều Khúc, tạo nên bộ mặt sung túc cho vùng quê cổ kính này.
Người có công dạy cho dân làng nghề thêu dệt cao quý này là ông tổ họ Vũ. Khi ông mất, dân làng đã lập từ đường thờ ông và đúc tượng ông bằng đồng rồi đem ra đình làng thờ cho đến tận bây giờ.
Du khách nào khi đến dự hội Triều Khúc mà không ghé thăm chùa thì quả là một thiệt thòi lớn. Ngôi chùa làm cho cảnh trí của toàn làng nổi bật lên nên được gọi là chùa Vân Hương. Trước chùa có hồ nước trong xanh dịu mát và có nhà thuỷ tạ. Hồ nước này có thế đất mang hình dáng một con rùa. Người ta nói rằng, con rùa này, xưa kia rất ác, nhiều dân làng đã bị nó hãm hại. Vì thế để trừ con yêu gây hại này, dân làng đã xây nhà thuỷ tạ yểm ngang trên đầu rùa.
Sau chùa phải kể đến đình - trung tâm diễn ra lễ hội. Có hai đình ở Triều Khúc là đình Sắc (nơi để sắc phong) và đình Đại (nơi thờ Phùng Hưng). Kiến trúc của cả hai ngôi đình đều còn nguyên vẹn như xưa. Sự toàn vẹn này, theo những người dân nơi đây, có được là nhờ vào linh khí thiêng liêng của cha ông xưa để lại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân Triều Khúc vẫn luôn có ý chí giữ gìn chu đáo và cẩn thận di tích kiến trúc cổ kính này và coi nó như một phần máu thịt của quê mình.
Ngày hội lớn của làng Triều Khúc thường được bắt đầu sau khi mọi nhà đã làm lễ hạ cây nêu xong. Cửa đình được mở từ ngày mùng 9 dù rằng mùng mười, lễ hội mới chính thức bắt đầu. Sáng mùng 10, lễ tế chính thức được tiến hành ở Đại Đình. Theo truyền thuyết thì đây là lễ Tức vị (lễ lên ngôi) của Phùng Hưng - Một đám rước long trọng với đầy đủ những nghi lễ cần thiết đã được tổ chức trước khi tế để đưa mũ áo hoàng đế của Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Đại. Ở đám rước này, điều đặc biệt là người rước hai bên vừa đi vừa ngoảnh mặt vào nhau trong không khí rất trang nghiêm. Khi đám rước đến nơi, các bô lão sẽ đọc văn tế, mở hòm sắt lấy bút và chính thức bắt đầu cuộc tế lễ đều mặc những bộ trang phục rất đẹp và cầu kỳ với những hình thêu thùa công phu, không hổ danh là quê hương của nghề thêu và dệt. Khi xem tế lễ, dưới ánh đèn, nến hương khói và tiếng nhạc, người xem như lạc vào một thế giới huyền ảo của những câu chuyện thần thoại, dân gian. Vừa tế lễ, người ta vừa múa Rồng - điệu múa đã có từ ngàn xưa. Người tham gia múa có thể là một hay hai người. Có những chàng trai cải trang thành những cô gái mặc những bộ váy áo xúng xính và khuôn mặt được trang điểm cầu kỳ . . . Tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng chuông và điệu múa hoà vào nhau tạo nên sức hấp dẫn lạ kỳ của lễ hội này. Tế xong, người ta bắt đầu tham gia vào các trò chơi dân gian như đấu vật, hát chèo, múa rồng...
Các cuộc thi đấu vật ở làng Triều Khúc trước kia đã từng thu hút rất nhiều đô vật nổi tiếng đến từ Thanh Trì, Mai Động... Còn múa rồng là điệu múa truyền thống của làng, ra đời từ thuở đình thờ Bố Cái được xây dựng. Bao năm nay, đội múa rồng không hề bị mai một dù cho có bất cứ một thay đổi nào.
Khi hội lễ gĩa đám, người dân tổ chức múa cờ để kết thúc buổi tế. Tương truyền, điệu múa này diễn lại tích Phùng Hưng chọn người tài đi đánh giặc. Làng Triều Khúc xưa kia đã từng là đại bản doanh của nghĩa quân Phùng Hưng trước khi đánh vào thành Tống Bình (tức thành Hà Nội). Làng Triều Khúc chính là nơi tập dượt và kén chọn quân sỹ lần cuối cùng. Điệu múa cờ ra đời từ tích truyện này. Khi nghe tiếng trống mõ, tù và thanh la nổi lên dồn dập như khí thế xuất quân thì một lá cờ lớn sẽ được kéo lên trước cổng đình. Sẽ có hai nhóm người chạy theo hai hướng bên phải và bên trái trước cửa đình với khí giới đã chuẩn bị sẵn, họ chạy rầm rập vòng ra các cánh đồng trước đình khoảng 400m thì hai bên quay mặt vào nhau cùng tiến tới. Khi gặp nhau thì họ dừng lại và làm những động tác giao chiến. Sau đó, tiếp tục chạy về đình theo một đường vòng khép kín. Mọi người đứng cách trước cổng đình hò reo cổ vũ hai đội quân trong tiếng trống thôi thúc liên hồi cùng tiếng nhạc, tiếng tù và dồn dập cho tới khi cả hai đội về tới đình mới thôi. Lúc này, tất cả mọi người tề tựu trước hương án đế làm lễ lạy tạ thánh và kết thúc hội. Cuối cùng, họ cùng nhau thụ hưởng chút lộc thành. Hội làng kết thúc, người dân mong chờ một mùa làm ăn mới tốt đẹp hơn mọi năm và cùng đón chờ ngày hội năm sau.
Giữa thủ đô Hà Nội náo nhiệt và sầm uất, thật là tuyệt vời khi bạn chỉ mất chưa đầy nửa tiếng đồng hồ là đã được đắm mình trong khung cảnh yên tĩnh và thú vị của một làng quê cổ với nhiều di tích lịch sử và cùng chung vui những sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Chính vì lẽ đó mà năm nào, hội làng cũng thu hút hàng vạn du khách tham quan.