Bước đầu áp dụng lý thuyết điển mẫu vào nghiên cứu thành phần chủ ngữ trong câu tiếng Việt
Lí thuyết điển mẫu (prototype theory) không phải là một lí thuyết mới mẻ, càng không phải là một lí thuyết chưa có nhiều ứng dụng. Manh nha từ những năm 40 trong tác phẩm “Những khám phá triết học” (Philosophical Investigations - ...
Lí thuyết điển mẫu (prototype theory) không phải là một lí thuyết mới mẻ, càng không phải là một lí thuyết chưa có nhiều ứng dụng. Manh nha từ những năm 40 trong tác phẩm “Những khám phá triết học” (Philosophical Investigations - 1945) của Ludwig Wittgenstein, áp dụng cho phạm trù “trò chơi” (game), đến năm 1969, lý thuyết này xuất hiện rất ấn tượng trong một nghiên cứu của Berlin và Kay về phạm trù màu sắc. Năm 1973, có thêm một nghiên cứu có giá trị cột mốc về lý thuyết điển mẫu, đó là tác phẩm “Ranh giới từ và nghĩa của chúng” (The boundaries of words and their meanings) của Labov nghiên cứu về sự phạm trù hóa các vật dụng gia đình như cốc, bát, bình… (cups, bowls, vases…). Sau đó, lý thuyết điển mẫu đã chính thức được định nghĩa trong tác phẩm “Các phạm trù tự nhiên” (Natural categories – Cognitive Psychology) của Elanor Rosch (1973).
Đây là một lí thuyết ra đời nhằm phản bác lại học thuyết cổ điển của Aristotle. Theo đó, nếu học thuyết cổ điển quan niệm một sự vật được xác định có thuộc vào phạm trù hay không dựa trên cơ sở điều kiện cần và đủ, thì lý thuyết điển mẫu tập trung xác định tư cách của các thành viên trong phạm trù, xem chúng địa vị cao thấp như thế nào, thành viên nào ở trung tâm và thành viên nào ở ngoại biên. Như vậy, vấn đề cốt lõi của lý thuyết điển mẫu chính là vấn đề mức độ.
Lý thuyết điển mẫu đã ngày càng được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu theo hướng ngôn ngữ học tri nhận như Lakoff (1982), Langacker (Ngữ pháp tri nhận – 1987), Taylor (Phạm trù hóa ngôn ngữ học – 1995). Càng về sau, lí thuyết điển mẫu càng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu của ngôn ngữ học: từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ âm.
Theo John Taylor, có hai cách để hiểu về thuật ngữ điển mẫu (prototype). Điển mẫu có thể là thành viên (hoặc nhóm thành viên) trung tâm của một phạm trù. Hoặc điển mẫu có thể là lõi ý niệm của một phạm trù. Tùy theo mỗi cách nghiên cứu mà người ta có những áp dụng cụ thể theo cách hiểu nào. Trong mỗi ví dụ, người ta đều phải đặt nó vào các dạng khác nhau có thể phái sinh từ điển mẫu, để nhận diện nó đứng ở góc độ nào trong phạm trù. Tất nhiên, nhiều khi điển mẫu không thể đề cập hết được các khía cạnh tất yếu của một phạm trù, mấu chốt của vấn đề là ở mức độ khái quát hóa các đặc trưng để đưa vào định nghĩa của điển mẫu.
Các nghiên cứu về lí thuyết điển mẫu đã được làm rất kĩ trong tiếng Anh, trên tất cả các bình diện trong nghiên cứu ngôn ngữ. Tuy nhiên, từ vựng luôn là địa hạt có nhiều ứng dụng của lí thuyết này nhất, và ngữ pháp có lẽ là địa hạt được ứng dụng ít hơn cả.
Trong tiếng Việt, một số tác giả cũng đã đề cập đến vấn đề điển mẫu với các cách gọi khác nhau như điển hình, nguyên mẫu (Đỗ Hữu Châu), điển dạng (Lý Toàn Thắng), điển mẫu (Nguyễn Văn Hiệp) … Khái niệm điển mẫu đã được áp dụng trong các lĩnh vực Ngôn ngữ học xã hội, Từ vựng… nhưng về cú pháp thì gần đây nhất mới chỉ có công trình nghiên cứu của Khánh Hà (Luận án tiến sĩ, 2008) bàn về điển mẫu câu điều kiện. Theo suy nghĩ của chúng tôi, cú pháp là địa hạt còn gây ra rất nhiều tranh cãi, và qua thành công bước đầu của những nghiên cứu trên đây, lí thuyết điển mẫu tỏ ra là một trong những cách tiếp cận có hiệu quả để giải quyết ít nhiều những mâu thuẫn này, thông qua đó xác lập những mô hình cú pháp điển hình cho tiếng Việt, trong đó vấn đề xác định chủ ngữ là một trong những vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc các nhà ngôn ngữ học. Nhưng trước khi đi vào vấn đề này, chúng tôi thiết nghĩ nên tìm hiểu một ví dụ về cách giải quyết vấn đề ngữ pháp bằng lý thuyết điển mẫu trong tiếng Anh.
Trong số các nghiên cứu về điển mẫu trong phạm trù ngữ pháp, John Tayler đã có một nghiên cứu về điển mẫu của kết cấu sở hữu cách.
Về hình thức, cấu trúc sở hữu cách được thể hiện bởi công thức NP’s N. Biểu thức này chỉ ra rằng, thành tố đầu tiên trong cấu trúc là một danh ngữ. Tuy nhiên, bản thân danh ngữ này lại có thể được đại diện bởi một công thức thứ hai là DET N, với chức năng của NP là chỉ định. (Chẳng hạn, danh ngữ The teacher’s wife’s car (xe của vợ thầy giáo) có thể trình bày bởi các biểu thức DET N, NP’s N, NP’s N’s N, và DET N’s N’s). Đặc tính của cấu trúc thứ 2 có thể được bắt nguồn từ đặc tính của cấu trúc thứ 1. Mỗi cấu trúc trên thực tế lại được xem như sự mở rộng của cấu trúc kia.
Về ngữ nghĩa, sở hữu cách trong những trường hợp cơ bản nhất, sẽ xác định một vật thể gọi là “vật được sở hữu”, và quy chiếu tới một vật sở hữu khác được gọi là “người sở hữu”.
Một sở hữu điển hình có thể được xác định bởi một số đặc điểm sau đây:
- Chủ thể sở hữu là một người được xác định, đồ vật hay động vật không thể sở hữu vật.
- Đối tượng sở hữu là một vật xác định (thường là đồ vật) chứ không phải vât trừu tượng
- Quan hệ là quan hệ độc nhất, mỗi đối tượng sở hữu sẽ chỉ có một chủ thể sở hữu.
- Chủ thể sở hữu có quyền sử dụng đối tượng sở hữu, người khác có thể sử dụng đối tượng sở hữu chỉ khi được sự cho phép của chủ thể sở hữu
- Quyền của chủ thể sở hữu đối với đối tượng sở hữu có được là nhờ thông qua trao đổi, chẳng hạn mua bán, tặng, thừa kế. Anh ta sẽ bảo toàn được quyền lợi đó cho tới khi xảy ra hoạt động trao đổi tiếp theo (bán, tặng, di chúc), chuyển vật sở hữu đó cho một người khác
- Chủ thể sở hữu có trách nhiệm với vật sở hữu. Anh ta cần phải chăm sóc và giữ nó ở điều kiện tốt
- Để chủ sở hữu có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ đối với vật được sở hữu, chủ sở hữu và vật được sở hữu cần ở gần nhau cả về không gian và thời gian
- Quan hệ sở hữu là quan hệ lâu dài, tính theo tháng hay năm hơn là theo giây hay phút.
Những hiện dạng của các đặc tính trên là các trường hợp của sở hữu điển hình.
Bất cứ khi nào một quan hệ của sở hữu điển hình (tức là một trong những đặc tính ở trên) tồn tại giữa hai thực thể, thì quan hệ đó có thể thể hiện bằng nghĩa của cấu trúc sở hữu cách. Cấu trúc này có thể được sử dụng để mã hóa rất nhiều loại quan hệ giữa hai thực thể. Những quan hệ này có thể được mở rộng, tức là đi trệch ra ngoài điển mẫu, có thể gần, hoặc rất xa so với điển mẫu.
Một sự mở rộng tối thiểu được minh họa bằng ví dụ “the dog’s bone” (xương của con chó). Một con chó không phải là chủ sở hữu điển hình và quan hệ của nó với cái xương cũng chỉ gần với trường hợp điển hình. Con chó không sở hữu cái xương trên cơ sở mua bán trao đổi mà con chó chỉ tìm thấy cái xương, và giành lấy quyền quyết định nó.
Trong một ví dụ khác, “the secretary’s typewriter” (cái máy gõ chữ của người thư kí), quan hệ này cũng đã đi trệch khỏi sở hữu điển hình, bởi “cái máy gõ được giao cho người thư kí quyền sử dụng”, và trên thực tế người thư kí chỉ có quyền trong giới hạn đối với cái máy. Cô ta không thể mua bán trao đổi nó, mà chỉ được sử dụng nó. Nếu không xét đến thực tế này, mối quan hệ trên có khá nhiều điểm tương đồng với mối quan hệ điển mẫu.
Với “John’s train” (chuyến tàu của John - trong trường hợp chuyến tàu mà John đi), chúng ta lại thấy trường hợp mà “quyền sử dụng vật được sở hữu” là trung tâm trong quan hệ giữa người sở hữu và vật được sở hữu. Quyền đó là có giới hạn và không có ngoại lệ (tức là không tồn tại một quyền sở hữu nào khác giữa John và chuyến tàu, John không có quyền quyết định giờ đi giờ đến hay bán chuyến tàu đó).
Với các mối quan hệ có thể suy diễn từ cấu trúc sở hữu cách, các nhà ngôn ngữ học cho rằng rất khó xác định ngữ nghĩa của sở hữu cách, họ cho rằng chỉ nên nhìn nhận sở hữu cách từ phương diện đơn giản là xác định một thực thể và một số mối quan hệ giữa thực thể đó và một thực thể khác; nếu không nghĩa của chúng khá mơ hồ (Kempson 1977: 125). Một số hình thức diễn đạt sở hữu cách cũng cho nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ: John’s car (ô tô của John) có thể được hiểu theo nhiều nghĩa như cái ô tô mà John đang lái, hay cái ô tô mà anh ta đã thuê, cái ô tô mà anh ta sở hữu, cái ô tô anh ta thiết kế. Thực tế, ví dụ trên có thể chỉ bất kì mối quan hệ nào của chiếc ôtô với một người. Tương tự, với ví dụ “John’s paragraph” (tấm ảnh của John”), đó có thể là tấm ảnh John sở hữu, tấm ảnh anh ta chụp, hay tấm ảnh chụp anh ta. Tuy nhiên có một số dấu hiệu nhận biết mối quan hệ sở hữu. Chẳng hạn câu hỏi dạng nghi vấn “whose car”? (ô tô của ai), người hỏi không yêu cầu người nghe phải nêu tên người có mối quan hệ nào đó với cái ô tô mà yêu cầu nêu tên chủ sở hữu (cấp 1) của cái ôtô. Mối quan hệ sở hữu được thể hiện bằng cách sử dụng các cụm từ sở hữu cách tương phản, như “not John’s photograph, Max’s photograph”.
Nếu xem xét ngữ cảnh sau: một người cho tôi mượn chiếc ôtô của anh ta, sau đó tôi làm hỏng xe. Khi tìm kiếm sự trợ giúp của một người đi đường, tôi vẫn có thể nói “tôi làm hỏng xe của tôi”, “ô tô của tôi” chỉ có nghĩa là “ô tô tôi đang lái”. Tuy nhiên khi thuật lại tình huống đó cho người bạn cho mình mượn xe, phải thận trọng nếu sử dụng cụm từ “tôi làm hỏng xe của tôi” bởi trong ngữ cảnh đó, cấu trúc sở hữu cách có ý nghĩa nhấn mạnh quyền sở của chủ thể được nêu.
Phương pháp tiếp cận điển mẫu có thể giúp làm sáng tỏ một số vấn đề. Về mặt ngữ nghĩa học, cấu trúc sở hữu cách thông thường cho phép sự mở rộng đáng kể từ những đặc trưng nguyên mẫu của nó. Tuy nhiên không phải chủ thể nào cũng nằm trong mối quan hệ với chủ thể khác. Một điểm hạn chế là “chủ sở hữu” không được quá cách xa đặc tính điển mẫu, tức là con người. Nếu so sánh với cấu trúc NP’s N, các cấu trúc mang yếu tố sở hữu khác có rất ít sự mở rộng từ sở hữu điển mẫu. Xem xét chủ thể sở hữu trong ví dụ sau: This car is John’s (cái xe này là của John), ta thấy không có nhiều cách hiểu về “John’s car” (xe của John). Ví dụ nêu ra mối quan hệ sở hữu đích thực, hoặc mối quan hệ gần như sở hữu (ví dụ ủy quyền sử dụng, giao dịch với công ty cho thuê xe). Theo đó, cách diễn đạt NP’s N với mối quan hệ khá xa với hình thức sở hữu điển mẫu không cho phép được diễn đạt lại theo hình thức “This rival is Mary’s” (Đối thủ này là của Mary), “This door is the car’s”(Cái cửa này là của cái xe), “This invasion was Poland’s” (Sự xâm lấn này là của Ba Lan), “These arrests are yesterday’s” (Những sự trì hoãn này là của ngày hôm qua). Một cấu trúc câu khác cũng bao gồm yếu tố sở hữu là cấu trúc sở hữu cách dạng đuôi: a book of John’s (một quyển sách của John), a friend of Mary’s (một người bạn của Mary). Cấu trúc này chỉ cho phép sự mở rộng hạn chế từ sở hữu điển mẫu. Ví dụ đối tượng sở hữu phi con người đã bị loại trừ (“a bone of the dog’s” (một cái xương của con chó) (-) ). Cụm từ “John’s photograph” có thể có nhiều cách hiểu khác nhau thì cụm từ “a photograph of John’s” chỉ có thể hiểu là “bức ảnh mà John sở hữu”.
Tóm lại người ta đã có rất nhiều nỗ lực nhằm phân tích ngữ nghĩa của sở hữu cách bắt nguồn từ cấu trúc tương ứng với nội dung ngữ nghĩa (Jacobs and Rosenbaum 1968; Chomsky 1970). Nếu xét trên đặc điểm của cấu trúc, biện pháp tiếp cận này cũng tương đối mơ hồ (Xem Hawkins 1981) nhưng không phải không có ích.
Như vậy có thể thấy, khi đặt một đơn vị nào đó trong hoàn cảnh giao tiếp, người ta sẽ phải xét mối quan hệ của nó với điển mẫu ở phạm vi gần hay xa để từ đó thiết lập những mối quan hệ ngữ nghĩa và ngữ pháp cần yếu. Trong một phạm trù có thể có rất nhiều những biến thể mở rộng từ tâm điển mẫu, và sự mở rộng càng lớn thì càng đẩy biến thể ra xa tâm. Tuy nhiên, bộ tiêu chí để xét một ví dụ nào là điển mẫu hay không điển mẫu không bao giờ có thể thiết lập một cách thật đầy đủ. Vì thế mà việc xác định ví dụ nào là điển mẫu và ví dụ nào là không điển mẫu cũng hoàn toàn mang tính tương đối mà thôi, điều cần thiết là phải xác định cho được, ví dụ đó nắm giữ đặc tính nào trong bộ tiêu chí là quan trọng nhất.
Áp dụng kinh nghiệm của cấu trúc sở hữu cách điển mẫu trong tiếng Anh, có thể nghĩ đến việc giải quyết một số vấn đề cú pháp tiếng Việt trên cơ sở các thao tác của lý thuyết điển mẫu. Ở đây chúng tôi sẽ thử nghiệm trên cơ sở cấu trúc chủ ngữ tiếng Việt. Bước đầu chúng tôi sẽ xác lập một bộ tiêu chí của một chủ ngữ “điển mẫu”, để từ đó tìm ra các cấu trúc thuộc phần tâm và những trường hợp ngoại lệ thuộc phần “biên” của phạm trù chủ ngữ.
Qua nhiều nghiên cứu của các tác giả đi trước, có thể thấy khái niệm “chủ ngữ tiếng Việt” đã được bàn luận đến rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời thống nhất. Cách xác lập một điển mẫu chủ ngữ của chúng tôi, có lẽ gần với ý kiến của E.L.Keenan trong “Tiến tới một định nghĩa phổ quát về chủ ngữ”. Keenan đã đưa ra một danh sách 30 tiêu chí nhằm thiết lập một chủ ngữ tổng quát cho tất cả các ngôn ngữ, nhưng ý đồ đó thật khó thực hiện hay nói như nhiều tác giả khác thì đó là “một thất bại hoàn toàn”. Bởi mỗi ngôn ngữ có một hệ thống những đặc điểm riêng, không thể có tham vọng lấy cái gì làm tiêu chuẩn chung cho tất cả những thành tố khác nhau ấy. Sau này, Comrie (1981) cũng đi tìm một định nghĩa phổ quát cho chủ ngữ nhưng trên cơ sở đi tìm một nguyên mẫu lí tưởng mà tất cả các loại chủ ngữ đều vươn tới ở mức độ này hay mức độ khác. Ông cũng đã thất bại cũng vì một tư tưởng đánh đồng tất cả các ngôn ngữ với nhau mà quên đi rằng mỗi ngôn ngữ đều yêu cầu một bộ tiêu chí riêng không thể trộn lẫn. Cách làm của hai tác giả này, về một mặt nào đó là có ý tưởng và phương pháp, nhưng đã không thể đi đến thành công bởi hạn chế là quá ôm đồm đối tượng.
Trong bài viết này, chúng tôi theo Keenan và Comrie là tiến hành tổng kết các tiêu chí để xác lập mô hình một chủ ngữ điển mẫu, nhưng trong định hướng khắc phục nhược điểm của hai học giả này, ở đây chúng tôi chỉ áp dụng riêng cho tiếng Việt, một ngôn ngữ mà hiện tại người ta vẫn còn đang tranh luận là ngôn ngữ “thiên chủ ngữ hay thiên chủ đề” (xem Dyvik 1984, Cao Xuân Hạo 1991). Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng các thao tác của lý thuyết điển mẫu, để tránh việc chỉ nêu ra những điều kiện “đủ” giống như Keenan.
Trên cơ sở tham khảo bộ tiêu chí của Keenan, kết hợp với những tiêu chí rút ra từ thực tế tư liệu đã tổng hợp được, chúng tôi tiến hành tổng kết và xác lập một bộ tiêu chí tạm gọi là “điển mẫu” cho chủ ngữ tiếng Việt:
Tiêu chí ngữ pháp
- Thành phần chính của câu song phần
- Về mặt ngữ pháp không phụ thuộc các thành phần khác của câu
- Là thành tố bắt buộc, không thể bị lược bỏ mà không ảnh hưởng đến tính trọn vẹn của câu
- Chủ thể ngữ pháp của vị ngữ
- Tạo ra cùng vị ngữ một kết cấu có khả năng nguyên nhân hóa.
Tiêu chí ngữ nghĩa
- Có thể diễn đạt bất kì sự vật hữu sinh hay vô sinh, hiện tượng hay khái niệm, có tư cách là vật có đặc trưng do vị ngữ biểu thị
- Thường là chủ thể của hành động (chủ thể sở hữu, chủ thể tiếp nhận, chủ thể phẩm chất…). Chủ ngữ còn có ý nghĩa như một chủ tố, còn gọi là yếu tố trung tâm thu hút các yếu tố biên để làm thành nhóm chủ ngữ.
- Biểu thị kẻ được sai khiến trong câu mệnh lệnh
- Có vị trí như danh ngữ chỉ kẻ gây khiến trong những câu khiên động điển hình
- Sự vật khách quan là sở chỉ của chủ ngữ điển mẫu tồn tại không phụ thuộc vào hành động hay tính chất biểu thị ở vị ngữ.
Tiêu chí hình thức
- Thường đứng đầu câu, trong những câu có nhiều thành phần phụ ở đầu câu thì đứng trước vị từ trung tâm
- Biểu thị bằng danh từ, đại từ, động từ, tính từ, tổ hợp danh từ hoặc bất kì một từ có ý nghĩa từ vựng nào, theo sự phân biệt truyền thống giữa những thực từ (có ý nghĩa từ vựng) và hư từ (chỉ có ý nghĩa ngữ pháp).
- Trong sơ đồ thành tố trực tiếp, chủ ngữ đứng trước bổ ngữ trực tiếp, được cấu tạo bởi thể từ hay ngữ thể từ không có giới từ
Theo một cách phân biệt rất truyền thống, câu tiếng Việt có hai loại kết cấu chủ vị: có hệ từ là và không có hệ từ là (Đây chính là cơ sở để các nhà ngữ pháp phân biệt câu luận với câu tả).
Với các câu có hệ từ là (A là B), A được xác định là chủ ngữ do có sự đánh dấu của hệ từ “là”:
- a. Tôi là sinh viên
b . Con đường ấy là huyết mạch của cả làng.
c. Đấu tranh là hạnh phúc
d . Ở đầu giường là một cái phích
e. Dưới nhà là một bà già to béo phục phịch
g . Tôi yêu nó là chuyện của tôi
Tuy vậy, mức độ điển mẫu của chủ ngữ trong các câu này có khác nhau. Nếu như 1a, 1b có chủ ngữ điển mẫu rất rõ ràng (đáp ứng được tất cả các tiêu chí) thì 1c, 1d, 1e, 1g lại có phần ở xa trung tâm hơn. Ở 1c, từ “đấu tranh” là động từ, được danh hóa nhờ vị trí trước hệ từ “là”, nên đã trở thành chủ ngữ danh từ và đáp ứng được khung cấu trúc khiên động (Tôi coi đấu tranh là hạnh phúc). Như vậy “đấu tranh” là một từ được danh hóa trong cấu trúc, rõ ràng không thể là một chủ ngữ điển hình như chủ ngữ đại từ và danh từ trong 1a, 1b. Tuy nhiên, vị trí của 1c là rất gần biên. Đây là một sự mở rộng hẹp từ điển mẫu.
Chủ ngữ của 1d, 1e được cấu tạo bởi tổ hợp “giới từ + thể từ”, 1g được cấu tạo bởi một kết cấu chủ vị, không đáp ứng tiêu chí C2 của bộ tiêu chí chủ ngữ điển mẫu. Tuy nhiên, về ngữ nghĩa, đây là một dạng cấu trúc mang ý nghĩa quy loại. Nếu xét với điển mẫu chủ ngữ ở trung tâm (như 1a, 1b), thì nó đi trệch ra về hình thức và một phần ngữ nghĩa, và như vậy chủ ngữ trong 1d, 1e, 1g nằm ở phần biên hơn so với 1a, 1b, 1c.
Với các câu có hệ từ “là”, sơ đồ điển mẫu chủ ngữ có thể phác họa như sau:
Với các câu không có hệ từ là, việc xác định chủ ngữ có phần phức tạp hơn. Dưới đây là những cấu trúc chủ ngữ đã được mở rộng từ điển mẫu, nhưng sự mở rộng cũng có mức độ gần hay xa
* Với các câu không đáp ứng tiêu chí hình thức C1:
- a. Cay nghiệt làm sao những lời búa rìu của dư luận
b. Đau đớn thay phận đàn bà
- a Giỏi nó cũng giỏi vừa phải,chăm nó cũng chăm vừa phải.
b. Bà ấy ai chẳng biết
c. Nó thì tôi lạ gì
. Nhóm (2) có kết cấu chủ vị đảo, vị ngữ đứng trước chủ ngữ nhằm nhấn mạnh sự tình. Nếu làm một phép cải biến đảo vị trí:
Những lời búa rìu của dư luận cay nghiệt làm sao
Phận đàn bà đau đớn thay
thì chúng lại trở lại nguyên dạng của chủ ngữ điển mẫu (đáp ứng cả tiêu chí C2). Thiếu một tiêu chí hình thức, chủ ngữ nhóm (2) nằm rất gần so với trung tâm điển mẫu chủ ngữ.
Nhóm thứ (3) các bộ phận “giỏi/chăm”, “bà ấy”, “nó” đã được xác định là khởi ngữ (Nguyễn Kim Thản – 1964, Nguyễn Văn Hiệp – 1998, 2006), bổ ngữ đảo trí (Nguyễn Minh Thuyết - 1998) đề ngữ (Cao Xuân Hạo - 1990). Như vậy là xét về mặt ngữ pháp, mặc dù đứng đầu câu nhưng chúng không đóng vai trò là chủ ngữ, vì chúng không làm phần phụ thể từ tính khi câu phát triển thành kiến trúc nguyên nhân. Bộ phận đứng sau: nó, ai, tôi mới đáp ứng được các tiêu chí để đóng vai trò là chủ ngữ trong câu. Thiếu đi một tiêu chí hình thức, chúng chỉ nằm ở phần gần trung tâm điển mẫu.
* Với các câu có chủ ngữ không đáp ứng tiêu chí hình thức C2, C3 (xét với các nhóm có cấu trúc giới từ + X). Nhóm chủ ngữ này gây ra nhiều tranh cãi hơn so với các nhóm khác.
- a. Trên đồn cứ nã hàng băng pháo xuống chân núi.
b. Trong nhà nói vọng ra: “không đi đâu”
c. Ngoài sân đã lạnh lắm
d. Ở trên đã chỉ thị cho chúng ta
Nhóm 4): Nhiều nhà nghiên cứu cho “trên đồn”, “trong nhà” chỉ là trạng ngữ chỉ nơi chốn, và chủ ngữ của câu đã bị lược bỏ (khôi phục lại chủ ngữ: “Lính trên đồn cứ nã hàng băng pháo xuống dưới chân núi; Người trong nhà nói vọng ra “Không đi đâu”, Thời tiết ngoài sân đã lạnh lắm, Sếp ở trên đã chỉ thị cho chúng ta). Tuy nhiên, đây thực ra là các vai nghĩa chỉ vị trí, theo bảng tôn ti các vai nghĩa có thể gán định chức năng cú pháp là chủ ngữ hay bổ ngữ của câu (Dik 1989, Van Valin 1993), thì nó đứng ở gần cuối cùng:
Tác thể > Bị thể > Tiếp thể > Lợi thể > Công cụ > Vị trí > Thời gian
Như vậy, về hình thức, “trên đồn”, “trong nhà” có thể không phải là chủ ngữ điển mẫu, nhưng nó vẫn đủ tư cách để đứng làm chủ ngữ ở phần ngoại biên so với trung tâm phạm trù. Về tiêu chí ngữ nghĩa, mặc dù nó không chỉ trực tiếp đối tượng, nhưng theo David Lee, các trường hợp này được coi là các hoán dụ không gian. “Trong nhà” là hoán dụ thay cho “người trong nhà”. “Trên đồn” là hoán dụ thay cho “Người trên đồn/Lính trên đồn”, bởi vậy nếu đối chiếu với các tiêu chí ngữ nghĩa như trên thì “trong nhà” “trên đồn” vẫn đáp ứng được và vẫn được coi là chủ ngữ. Trong cách giải quyết của Nguyễn Minh Thuyết, đây được coi là “chủ ngữ chỉ vị trí”, có được nhờ tính bắt buộc trong câu (A1), và khả năng làm phần phụ thể từ tính khi câu được nguyên nhân hóa (A5). Đối với các ngôn ngữ châu Âu biến hình, giới từ và giới ngữ không có sự hợp dạng phù ứng với động từ nên rất khó có thể làm chủ ngữ. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề đối với tiếng Việt, một ngôn ngữ không biến hình và thiên ngữ dụng (thuật ngữ của Lê Đông, qua những bài giảng về Ngữ dụng học), nên các trường hợp như nhóm (4) vẫn có thể giải quyết được là những chủ ngữ không điển hình.
Tuy nhiên, tình hình lại không phải như vậy đối với nhóm 5)
- a. Trên bàn đặt cuốn sách
b. Ở đó bày bán đủ các thứ mặt hàng của sự giả dối (trích theo Nguyễn Minh Thuyết)
Nhìn về hình thức, thì nhóm 4) và 5) giống nhau về cấu trúc đầu câu, nên dễ xảy ra hiện tượng xử lí “trên bàn”, “ở đó” là chủ ngữ không điển mẫu như 4). Song xét về ngữ nghĩa, “Trên bàn” không phải là một hoán dụ “chỉnh thể - bộ phận” (không thể có “người trên bàn đặt cuốn sách”) giống như nhóm 4), mà “trên bàn”, “ở đó” là những trạng ngữ chỉ không gian thuần túy. Theo Nguyễn Minh Thuyết, khi cải biến loại câu này sang dạng bị động:
Cuốn sách được đặt trên bàn
Đủ các thứ mặt hàng của sự giả dối đang được bày bán ở đó
thì “cuốn sách, đủ các thứ mặt hàng của sự giả dối” là chủ ngữ của câu bị động, tức là bổ ngữ trong câu chủ động tương ứng. Và như vậy thì câu này có cấu trúc gồm “trạng ngữ + vị từ + bổ ngữ” mà thiếu đi chủ ngữ. Ở đây chủ ngữ là zero, mà nếu khôi phục lại sẽ là:
Trên bàn (người ta) đặt cuốn sách
Ở đó (người ta) bày bán đủ các thứ mặt hàng của sự giả dối.
Vậy giải quyết như thế nào với trường hợp chủ ngữ zero?
Chủ ngữ zero là một trường hợp khuyết thiếu chủ ngữ trong câu nhưng vẫn có thể khôi phục được nhờ phương pháp cải biến. Có nghĩa là về tiêu chí ngữ nghĩa và ngữ pháp, chúng vẫn đứng được ở cương vị một chủ ngữ. Còn về tiêu chí hình thức, sự khuyết thiếu chủ ngữ dẫn đến việc phải hồi chỉ đến câu trước đó để nhận diện đồng chủ ngữ đã bị lược bỏ. Thiếu hoàn toàn các tiêu chí về hình thức, chủ ngữ zero nằm ở rất xa so với trung tâm điển mẫu. Tuy nhiên, đây là một trong những loại chủ ngữ được dùng rất nhiều trong các phát ngôn khi giao tiếp.
Nhưng cũng giống như ta thấy trong sở hữu cách tiếng Anh, một ví dụ đi trệch ra khỏi trung tâm thì không thể đi quá xa so với nguyên mẫu, bởi khi đã đi quá xa thì không những tính chất điển hình mà cả những đặc tính cơ bản để xác định nó thuộc phạm trù cũng rất khó để nhận biết. Ví dụ như:
- a. Trong nhà có người
b. Ở làng nọ có một nàng công chúa rất xinh đẹp
thì “trong nhà”, “ở làng nọ” không thể giải quyết giống như 4) vì không đáp ứng tiêu chí nào trong bộ tiêu chí chủ ngữ, đặc biệt là không phù hợp cấu trúc khiên động. Chúng được giải quyết giống 5), đây là thành phần trạng ngữ. Vậy chủ ngữ ở đâu? Trường hợp này từ trước đến nay vẫn được giải quyết là các câu tồn tại, cấu trúc gồm “Trạng ngữ + Vị từ tồn tại + Bổ ngữ”. Hầu hết các nhà ngữ pháp học đều công nhận rằng, đây là một cấu trúc khuyết thiếu chủ ngữ. Tuy nhiên, trong trường hợp những câu tồn tại, thì chủ ngữ mặc dù khuyết thiếu nhưng không thể khôi phục được giống 5). Người ta chỉ có thể cải biến bỏ giới từ chỉ địa điểm để biến cấu trúc trạng ngữ thành chủ ngữ, như:
Nhà có người
Làng nọ có một nàng công chúa rất xinh đẹp
Chứ không thể chêm xen khôi phục một cấu trúc chủ ngữ nào khác. Như vậy 6) không có chủ ngữ.
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi thử đề xuất một ý kiến khác, theo tinh thần của lý thuyết điển mẫu, tức là chỉ có cấp độ cao thấp, chứ không có sự khẳng định “có/không” trong phạm trù.
Với các cấu trúc câu kiểu câu tồn tại như 6) hay rất nhiều các ví dụ khác tương tự, chúng ta có thể thấy các cụm “trong nhà”, “ở làng nọ” chỉ một không gian nhất định. Chúng không phải là các hoán dụ bởi chúng không thay thế cho cái gì, mà bản chất chúng là những từ chỉ không gian đơn thuần. Có thể hiểu rằng, cái không gian “trong nhà” ấy tồn tại con người (6a) và không gian “ở làng nọ” ấy tồn tại một nàng công chúa rất xinh đẹp (6b). Có nghĩa là “trong nhà”, “ở làng nọ” được coi là những thực thể không gian, những thực thể này không sờ mó được, không nhìn thấy tận mắt được, nhưng có giới hạn, có “đường viền” để xác định vị trí nó đến đâu (chỉ “trong nhà” và “ở làng” thôi, “ngoài nhà” và “ngoài làng” sẽ không được chấp nhận”). Chúng là những ẩn dụ vật chứa, theo cách giải thích của Lakoff và Johnson (1984) về ẩn dụ tri nhận. Trong thực thể vật chứa này, có thể tồn tại rất nhiều sự vật, sự tình khác nhau.
Vậy thì, khi coi “trong nhà”, “ở làng nọ” là những ẩn dụ vật chứa, thì mặc dù không được sự ủng hộ của cấu trúc khiên động, chúng vẫn đáp ứng được từ tiêu chí A1 đến A4, các tiêu chí B1, B2, B5 và C1. Vậy có thể đặt ra một giả thiết, là chúng vẫn là chủ ngữ, nằm trên đường biên của phạm trù chủ ngữ.
Vậy có thể tạm kết luận sơ bộ về vị trí của các cấu trúc chủ ngữ trên bằng sơ đồ như sau:
Việc xem xét và đặt chủ ngữ này nằm ở phần biên hơn so với chủ ngữ khác chỉ mang tính chất tương đối, thực chất chỉ nhằm làm giảm bớt đi một số vấn đề còn băn khoăn. Đặc biệt là việc xếp các cấu trúc đáp ứng được rất ít tiêu chí trong bộ tiêu chí chủ ngữ (nhưng không phải là hoàn toàn không đáp ứng) ở vị trí nào so với các cấu trúc chủ ngữ khác. Có nghĩa, đây là một cách để xử lí những phần tử có ranh giới mờ trong phạm trù, hoặc nằm ở vị trí trung gian so với các phần tử khác rõ ràng hơn. Đây cũng chính là tinh thần của lý thuyết điển mẫu, nhấn mạnh ranh giới mờ và tính tương đối về vị trí của các phần tử khác nhau trong một cùng phạm trù, bất kể đó là phạm trù từ vựng, ngữ âm, hay ngữ pháp.
- Diệp Quang Ban. Ngữ pháp Việt Nam – Phần câu. Hà Nội. NXB Đại học Sư phạm. 2004
- Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Quyển 1. TP Hồ Chí Minh. NXB Khoa học Xã hội. 1991
- Nguyễn Văn Hiệp. Vài nét về lịch sử nghiên cứu cú pháp tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, số 10/2002
- Nguyễn Văn Hiệp. Cơsở ngữ nghĩa phân tích cú pháp. Hà Nội. NXB Giáo dục. 2008
- Lê Xuân Thại. Câu chủ vị trong tiếng Việt. Hà Nội. NXB Khoa học Xã hội. 1995
- Lý Toàn Thắng. Ngôn ngữ học tri nhận – Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt. Hà Nội. NXB Khoa học Xã hội. 2005
- Nguyễn Minh Thuyết – Nguyễn Văn Hiệp. Thành phần câu tiếng Việt. Hà Nội. NXB Đại học Quốc gia. 1998
- Dik S.M. Functional Grammar. Dordrecht, Foris (Bản dịch của Nguyễn Vân Phổ - Trần Thủy Vịnh – Nguyễn Hoàng Trung – Đào Mục Đích – Nguyễn Thanh Phong. NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. 2005)
- Dyvik H.J.J. Subject of Topic in Vietnamese? Bergen. University of Bergen. 1984
- John Taylor. Linguistic categorization – Prototype in Linguistic Theory. Oxford. Clarendon Press.1995
- Keenan. “Towards a Universal Definition of Subject”” in Li (ed): Subject and Topic. New York Academic Press. 1976
- Lee, David. Cognitive Linguistics – An Introduction. Oxford University Press. 2001
- Li Ch.N - Thompson S.A. “Subject and Topic: a new typology of language”. In Li (ed): Subject and Topic. New York: Academic Press. 1976