17/07/2018, 15:13

Bối cảnh lịch sử bài viết Ý kiến về Giá, Lương, Tiền của Vũ Ngọc Phương năm 1985

Vũ Ngọc Phương Hoàn cảnh lịch sử lúc đó Ông Trường Chinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đến tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông rút khỏi các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước và được cử làm Cố vấn ...

ce1baa3i-cc3a1ch-kt-1985-vnp-1.jpg

Vũ Ngọc Phương

Hoàn cảnh lịch sử lúc đó Ông Trường Chinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đến tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông rút khỏi các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước và được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban soạn thảo Cương lĩnh và chiến lược kinh tế và kiêm Trưởng tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng. Trong tình hình nền kinh tế đất nước suy thoái rất nghiêm trọng – đặc biệt vấn đề gay gắt là Giá – Lương – Tiền. Để chuẩn bị cho Công cuộc Đổi Mới tại Đại hội Đảng VI tháng 12/1986,  ông Trường Chinh giao cho Ban thư ký nghiên cứu, đề xuất về Giá – Lương – Tiền. Ông Hà Nghiệp lúc đó là Trợ lý của ông Trường Chinh phụ trách chính. Nhóm công tác gồm có: Phụ trách là Trợ lý Hà Nghiệp, Giáo sư Trần Nhâm, Thư ký bảo mật Nguyễn văn Thanh. Công việc còn có sự tham gia của các ông Phan Diễn, Trần Đức Nguyên, Lê văn Viện, Đào Xuân Sâm, …sau này có thêm Giáo sư Dương Phú Hiệp.

Ngày 10-7-1986, ông Lê Duẩn qua đời. Ngày 14-7-1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên bất thường, chính thức bầu Trường Chinh giữ chức Tổng Bí thư, nhóm công tác được tổ chức thành Tổ Biên tập viết lại toàn bộ Báo cáo Chính trị Đại hội VI gồm mười người, tổ trưởng là Hoàng Tùng, tổ phó là Đào Duy Tùng.  Hà Nghiệp, Lê Văn Viện,Trần Đức Nguyên, Phan Diễn,.. người bổ sung cuối cùng là Lê Xuân Tùng. Tổ biên tập phân công Phan Diễn viết “Đổi mới tư duy về cơ cấu kinh tế”, Hà Đăng viết phần “Chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần”, Trần Đức Nguyên viết “Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế”. Công lao lớn nhất biên soạn Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng VI/1986 là Hà Nghiệp và Trần Đức Nguyên.

Bài viết này được thực hiện khi tác giả Vũ Ngọc Phương là cộng tác viên tham gia trực tiếp với ông Hà Nghiệp. Lúc đó có hai quan điểm, một là “ Tiền định Giá”, hai là “ Thị trường định Giá”, khi vào hội nghị thì quan điểm “ Tiền định Giá” thắng thế. Ngày 14/09/1985, Thủ tướng Phạm văn Đồng chấp hành Nghị quyết ký quyết định đổi tiền.

Thời kỳ này, các thành viên thường đến làm việc và thảo luận tại nhà làm việc của Ban Thư ký Tổng Bí thư Trường Chinh. Nếu đi từ phố Phan đình Phùng vào phố Nguyễn Cảnh Chân thì rẽ tay trái vào ngõ Nguyễn Cảnh Chân. Góc này mặt đường là nhà riêng của ông Trường Chinh, hết tường nhà ông Trường Chinh có một nhà nhỏ một tầng chắn ngang với một cửa rộng ngang khoảng 1,4m là phòng trực của Cảnh vệ. Vào cửa đến một sân lát gạch, trên có giàn nho cằn cỗi là một nhà một tầng, lớp ngói, tường gạch quét vôi vàng đã sỉn. Nhà này chia làm 03 phòng làm việc, mỗi mỗi rộng khoảng 18m2 có cửa gỗ sơn xanh trực tiếp ra sân. Phòng đầu là Hà Nghiệp, giữa là Trần Nhâm, cuối là Nguyễn văn Thanh thì đến sân có cây hồng xiêm rồi đến nhà một tầng lợp ngói dài là nơi ở của Đội Cảnh vệ của ông Trường Chinh. Đôi lúc anh Lợi, Cảnh vệ trực tiếp của ông Trường Chinh vào chơi uống trà. Ngõ Nguyễn Cảnh Chân có trụ sở Ban Tài chính quản trị Trung ương, cuối ngõ là cổng sắt hai cánh rộng phía sau nhà riêng của ông Lê Duẩn (mặt trước là số 6 Hoàng Diệu). Có một lối rẽ trái trước cổng sau nhà ông Lê Duẩn qua khu nhà dài rồi qua một nhà trẻ mặt đường số 4 Hoàng Diệu, Hà Nội. Thời ấy, ra vào theo hai đường này đều được kiểm soát rất nghiêm mật.

Bấy giờ máy chữ hiếm và quý, chỉ có cơ quan nhà nước được cấp trang bị, đánh máy chữ là một Nghề chuyên môn, khi học tra xét lý lịch để bảo mật các văn bản. Sau khi ngồi lỳ tại phòng Anh Nguyễn văn Thanh để đánh máy xong 3 bản lót giấy than bên dưới thì chiều đã muộn, tôi cầm một bản đưa sang để trên bàn Anh Hà Nghiệp, một bản đưa Anh Thanh.

“ Thế còn một bản đâu?” – Anh Thanh hỏi.

Tôi trả lời: “ Em đưa qua Chú Tố Hữu”.

Im lặng hồi lâu, Anh bảo: “ Mày cẩn thận” , rồi Anh vội lách qua cửa nhỏ tường ngăn sang Bác Năm (Trường Chinh).

Tôi ra đường ngõ, sang đầu phố Nguyễn Cảnh Chân đến nhà Chú Tố Hữu đối diện bên kia đường số 76 phố Phan Đình Phùng góc đường là phố Đặng Tất, đối diện bên nhà Chú Tố Hữu là số nhà 74 phố Phan Đình Phùng là nơi ở của ông Nguyễn Công Miều (Lê văn Lương), liền tường phía bên phải là nhà 72 của ông Phạm Hùng, là nơi sau đó ít lâu tôi đến làm việc mấy lần với Ông Hai Hùng về nhập vàng chống lạm phát, khi đó Anh Phan Diễn đang là Trợ lý của Ông.

Người cảnh vệ thấy tôi, cười bảo: “ Chờ nhé”, rồi chạy vào trong nhà ngang phía sau bên tay trái. Một lát có người ra mở cổng. Đi qua khoảng sân trước nhà có cây táo sơ lá cuối hè, qua cửa rẽ trái vào phòng khách đơn sơ, tôi ngồi chờ, có tiếng dép nhẹ, Chú Tố Hữu áo may ô, quần sóc lửng bước vào. Một nụ cười nhẹ trên khuôn mặt nghiêm nghị da trắng tái, Chú nheo nheo mắt có hai quầng sạm, đọc nhanh bản viết tôi vừa đưa Chú.

Chú lặng lẽ không nói,

Chú Tố Hữu rót nước, nhẹ nhàng bảo: “ Thôi, … uống nước,…rồi về, Chú đang bận”.

Chú Tố Hữu ngồi duỗi thẳng hai chân, cổ chân nhỏ gầy, Chú hắng giọng: “Còn tập thể, còn nguyên tắc,..”

Tiễn tôi qua sân nhỏ, chợt Chú nói: “ Nào,…” xòe bàn tay nắm tay tôi hồi lâu. Ông nheo nheo mắt nhìn tôi rồi, hơi mỉm cười, quay vào. Chiều Ba mươi Tết Nguyên đán 1986, tôi mang lên tặng Cô, Chú Tố Hữu mười quả cam sành Hà Giang. Cô Thanh vồn vã: “ Lúc này thật biết lòng người,…”. Trong nhà cha mẹ và các anh chị tôi có anh Vũ Tuyên Hoàng là hay gặp Chú Tố Hữu. Có lần chợt anh Hoàng nói nhận xét của Chú Tố Hữu bảo: “ Thằng Phương là,… nó cương trực”, một lời đánh giá thật cảm động tôi luôn mang theo trong suốt chặng đời còn lại ! Sau này trong một quan hệ công tác 35 năm (1980 – 2015) với Anh Đoàn Duy Thành nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính Phủ cũng có chung nhận xét, nói tới mấy lần: “ Đời tôi ít thấy ai cương trực như chú (Vũ Ngọc Phương),…”

Từ những kỷ niệm ấu thơ tôi mới hai, ba tuổi theo Cha Mẹ làm Ban Văn, Sử, Địa ở trong dẫy nhà lợp tranh, phên nứa ở  ATK Việt Bắc có dòng suối nhỏ chẩy ngang, bên kia là Ngành Văn Nghệ Trung ương. Lâu lâu mới có thịt lợn rừng, Chú Tố Hữu lội qua suối đón tôi, ngày ấy Cô Chú chưa sinh các em Hoa, Hồng,… Có một ảnh đen trắng nhỏ có đông cán bộ văn nghệ đứng giặt rũ dưới suối, tôi gầy bé, đầu to đang được Mẹ tôi lau rửa, Chú Tố Hữu đứng bên. Những bộn bề công việc thời kỳ này, tôi có được gặp, báo cáo Chú Tố Hữu về những công tác cần. Những kỷ niệm ngắn, mong manh của năm tháng xa lại rất rõ ràng về Chú Tố Hữu – một Người thanh liêm, nghiêm khắc, cẩn trọng mà dịu dàng.

Mỗi lần nhớ lại, tôi không khỏi rưng rưng  nước mắt. Khi tổng hợp các bài viết, tôi đã đưa bài viết “ Giá – Lương – Tiền” lên trang đầu sách Vũ Ngọc Phương Trước tác như một sự kính cẩn tưởng nhớ đến Nhà Trí thức – Nhà Cách mạng lỗi lạc Tố Hữu. Ông biết rõ tất cả, hiểu tất cả, Ông đã nói cho tôi về: “Quy luật tiến hóa Nhân loại, tiền và thị trường, … Không có chợ thì sản xuất rồi bán ở đâu?”. Có lần Ông hỏi: “ Cháu đã xem Bi kịch lạc quan chưa? Tên phim thật hay,..” Nhưng Ông cũng chấp nhận quy luật một thời khôi phục kinh tế trong lịch sử trường kỳ vừa kháng chiến, vừa hòa bình với nguyên tắc “ Phục tùng đa số”.

Hình bóng Ông thấp nhưng bệ vệ, mùa nóng Ông thường mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần kaki mầu be, đi dép nhựa Tiền phong. Có lần gặp báo cáo về mấy việc của công tác xây dựng Huyện thấy áo sơ mi của Ông đã sờn vai, cổ áo được mạng lại rất khéo,… chưa từng phai mờ trong tâm trí tôi.

Trong các bút tích của Chú Tố Hữu ghi tặng tôi, xúc động nhất là chữ Chú viết tặng khen thưởng công tác của tôi tại Hội nghị tổng kết công tác Xây dựng Huyện ngày 04 tháng 10 năm1984 do Tổng Bí thư Lê Duẩn chủ trì tại Hội trường Ba đình, Hà Nội. Từ cuối năm 1981 đến năm 1986, Ông là Người Lãnh đạo toàn diện đất nước.

Untitled.png

Đến tháng 5 năm 2004, báo Quân đội Nhân dân trích đăng 2 kỳ và kỳ số 3 ngày 7 tháng 5 năm 2004 một bài viết có nhan đề  Tố Hữu”Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, trích từ bài phỏng vấn Tố Hữu có đầu đề là Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” của tác giả Nhật Hoa Khanh vào năm 1997. Bài phỏng vấn này còn đăng thành nhiều phần trong các báo khác như Nhân dân, Tiền Phong Chủ Nhật, Người Hà Nội,… được công bố sau khi ông mất từ ngày 9 tháng12 năm 2002 tại Bệnh viện 108, Hà Nội. “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” đã được xuất bản ở dạng sách, không ghi nhà xuất bản, bản photocopy của quyển sách này được lưu truyền nhiều người. 

Ngay khi đọc bài viết của Nhật Hoa Khanh, tôi cũng có nhiều cảm nhận không phải là Chú Tố Hữu nói, xin dẫn ra một số đoạn chứng tỏ  Nhật Hoa Khanh viết sai sự thật : “ … Tôi bấm chuông. Một người phụ nữ giúp việc từ trong nhà đi ra nhưng chưa mở cổng sắt lớn. Lát sau, trở ra, chị hỏi tôi có mang giấy tờ gì không. Tôi gửi chị tấm thẻ nhà báo. Chị cầm thẻ đi vào. Khi ra, chị trả lại thẻ và mở cửa. … Chân đi bít tất và dép Thái Lan, …. Tôi đã mười năm ở trong Bộ Chính trị, tôi không cãi nhau với Phạm Duy,.. “Thưa anh, xin được hỏi về hai bài thơ của anh: Mười năm và Tiểu đội anh hùng.” Tố Hữu trả lời trong sự ngạc nhiên: “Tôi không nhớ gì về hai bài thơ đó.” Tôi đọc một đoạn dài trong Mười năm. Nhà thơ bảo: “Thơ của tôi à? Đăng ở đâu? Tôi hoàn toàn không nhớ ra hai bài này.”,… tôi lần lượt nói với anh Ba và anh Văn: tôi giữ ba chức đấy nhé: Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Bí thư Trung ương Đảng,… Quân Đội Nhân Dân không đăng,.. Ngây thơ! Ngốc! Đây là hai câu thơ vui về các chàng lính trẻ,… Nhân Dân cũng không đăng” .

Không thể kể hết những sự cực vô lý mà Nhật Hoa Khanh đã miêu tả về tác phong kẻ cả, nói nhiều chưa từng thấy ở Nhà thơ Tố Hữu.

Thứ nhất, trong nhiều năm đến nhà Chú Tố Hữu không thấy khi nào mở cổng sắt to, thường khách, cán bộ đến gặp, làm việc đã có chương trình, kế hoạch trước đi vào qua cổng sắt nhỏ bên trái sát cạnh là phòng trực của Cảnh vệ. Vì đã có định sẵn, chỉ cần nói tên, không khi nào xuất trình giấy tùy thân vì đề phòng giả mạo. Nguyên tắc an ninh này được thực hiện cho đến khi ông Tố Hữu qua đời.

Thứ hai là tất cả các buổi tối Chú Tố Hữu đọc tài liệu, không tiếp khách thường. Khi rất cấp thiết mới có vài vị Lãnh đạo cao nhất của Đảng – Nhà nước đến làm việc. Với những cuộc gặp thân tình tại nhà riêng nhiều lắm cũng khoảng 20 phút.

Tôi chưa thấy khi nào Chú Tố Hữu đi tất lại đi dép Thái Lan vì phải xỏ ngón cái vào quai giữa rất khó chịu. Hai cổ chân ông có vết sẹo mờ vì bị Pháp cùm lâu trong xà lim, bàn chân bị Pháp tra tấn kẹp sau này vẫn hay đau tê nên ở nhà ông đi dép lê cho thoải mái. Từ lịch sử gia đình, tôi có được gặp gần hết các vị Lãnh đạo lớp đầu tiên của Đảng – Nhà nước, không riêng Ông Tố Hữu, tất cả các Vị Lãnh đạo cao nhất thời đó đều giản dị, khiêm tốn, không khi nào quan cách, tự cho mình là Ông To gì đấy. Vì thế câu “Tôi đã mười năm ở trong Bộ Chính trị, tôi không cãi nhau với Phạm Duy”  tuyệt đối không thể là của Tố Hữu! Rồi chuyện “Tố Hữu trả lời trong sự ngạc nhiên: “Tôi không nhớ gì về hai bài thơ đó.” Là cực vô lý, kể cả khi Tố Hữu sống những năm cuối đời, gặp Chú Tố Hữu trong A11/108, ông có trí nhớ rất minh mẫn, còn nhắc lại mấy kỷ niệm nhỏ cả về tác phong Nhà văn Vũ Ngọc Phan, Nhà thơ Lê Hằng Phương lúc sinh thời, về Anh Vũ Tuyên Hoàng. Tôi đã nhiều lần được nghe Chú Tố Hữu đến chơi nói chuyện với Cha, Mẹ tôi. Ông là một Nhà thơ – Nhà Chính trị lỗi lạc, ông kín đáo, ít lời, ngay cả khi cười cũng nhẹ nhàng. Trong những lần chứng kiến sự nói chuyện riêng tư cũng chưa từng thấy Ông chê bai ai, nhất là khi người đó vắng mặt.

Thời kỳ Tố Hữu đương nhiệm, trong một không khí chính trị, xã hội rất kỷ luật, không thể nghĩ được rằng báo Quân đội Nhân Dân và báo Nhân Dân “ Dám” không đăng thơ của ông (!)

Khi mà thơ Tố Hữu luôn chan chứa tình Người, Tình Đời, trong đau khổ vẫn lạc quan, đằm thắm.

Bà Vũ Thị Thanh – Phu nhân của Nhà thơ Tố Hữu cho đó là những tài liệu giả mạo “Pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình”. Bà yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ sự giả mạo của tài liệu này. Vì sao bài viết của Nhật Hồng Khanh bị chính vợ Nhà thơ Tố Hữu, các đồng chí, bạn bè của Nhà thơ Tố Hữu phẫn nộ? Vì sao cuốn sách của Nhật Hoa Khanh bị coi là một trong những ấn phẩm bị nguy hiểm? 

Nhà văn Hoàng Tiến, trong bài viết “Sự thật ở đâu? (Nhân đọc bản thảo Nhà thơ Tố Hữu tâm sự)” viết ngày 6.6.2004, gửi tới “Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ban Tư tưởng-Văn hoá, Bộ Văn hoá, Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam, Các cơ quan báo chí, thông tấn, Bè bạn văn nghệ sĩ và Các bạn đọc quan tâm”, đăng trên nhiều tạp chí, websites, và các diễn đàn trên mạng, cho biết rằng các báo như Tiền Phong Chủ NhậtNgười Hà Nội cũng đã trích đăng tài liệu này. Ngày 17.7.2004, nhân dịp Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành cuốn sách “Tố Hữu-Người cộng sản kiên trung, nhà văn hoá tài năng” , báo Văn Nghệ đăng bài phỏng vấn bà Vũ Thị Thanh vợ nhà thơ Tố Hữu do Ngọc Tỉnh thực hiện hỏi về tính xác thực của tài liệu này. Cuộc phỏng vấn có mặt các ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá, ông Trịnh Thúc Huỳnh, và ông Hà Minh Đức. 

Lược trích nguyên văn ý kiến của bà Vũ Thị Thanh trên Báo Văn Nghệ, 17.7.2004 như sau:

“Gần đây có một tài liệu cuộc “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” năm 1997. Về tính xác thực của tài liệu đó, tôi xin khẳng định tài liệu đó là giả mạo, pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình. Nội dung tài liệu đề cập rất nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống tư tưởng văn hoá hiện thời, nói đó là ý kiến của Anh Tố Hữu. Tài liệu đó ghi là từ tháng 4-1997 (đã được sửa 20 lần) mà mãi đến tháng 6-2004, tức là sau 7 năm, chờ tới khi Anh Tố Hữu không còn nữa mới dám lưu hành một cách phi pháp. Tài liệu đó không có chứng tích kiểm định (không có bút tích hay ghi âm), lại chưa được Anh Tố Hữu duyệt và cho phép công bố. Hơn nữa nó đã qua “sửa lại khoảng 20 lần”, như vậy tác giả sửa ý của mình, không phải của Tố Hữu. Những vấn đề được đề cập trong đó tôi không hề biết, cho đến khi Nhật Hoa Khanh phát tán, nhiều đồng chí bạn bè phẫn nộ gọi điện thoại và gửi tài liệu cho tôi đọc.

Tôi là người gần Anh Tố Hữu, làm thư ký cho Anh (do Tổ chức phân công) từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, hiện đang lưu giữ tất cả bút tích, thư từ, bài nói, tranh ảnh. vật lưu niệm… của Anh. Là người có quyền công bố tất cả các tác phẩm, di cảo của Anh, tôi khẳng định những vấn đề ghi trong tài liệu của Nhật Hoa Khanh không phải là ý kiến của Anh Tố Hữu. Tôi biết rất rõ Anh Tố Hữu không bao giờ “phẩm bình nhân vật”, khen chê người này kẻ khác, nói đi nói lại một cách tùy tiện. Nhật Hoa Khanh là một người xa lạ, nhiệm vụ công tác không rõ ràng. Anh Tố Hữu từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, người hay thảo văn kiện cho Trung ương, người làm thơ, biết giá từng chữ, từng dấu phẩy, lẽ đâu nói tràn lan cho người không quen biết ghi 70 trang mà không cần xem lại. Anh Tố Hữu không vô ý đến thế! Và làm gì có chuyện một buổi chiều mà một phóng viên ghi tay tới 70 trang giấy. Rất nhiều truyện, nhiều việc thuộc diện Anh Tố Hữu không quan tâm (như tờ Kiến trúc mà anh Nhật Hoa Khanh cộng tác, Anh Tố Hữu đâu có đọc mà Anh nói về nó những 2 trang). Về bối cảnh cuộc phỏng vấn thì sức khoẻ anh Tố Hữu không cho phép Anh nói suốt 7 tiếng đồng hồ (từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối như Nhật Hoa Khanh nói trong tư liệu). Gia đình chúng tôi không để Anh làm việc quá sức như vậy với một việc làm không gấp gáp, quan trọng. Nhật Hoa Khanh lại nói trong lúc nói chuyện có một thanh niên đi qua đi lại nhắc nhở thì là bịa đặt vì thời gian đó trong nhà tôi không có một thanh niên nào vào những buổi chiều.

Tóm lại tài liệu mà Nhật Hoa Khanh đã dùng kỹ xảo để dựng lên những sự kiện biạ đặt có nhiều ý đồ xấu. Ngoài tài liệu giả mạo của Nhật Hoa Khanh , trước đó ít lâu, trong số báo ANTG cuối tháng 5 có một bài của Tạ Chương tựa đề “Tố Hữu và ngọn đèn thơ” cũng là một dạng viết rất chủ quan, cảm tính, ghán ghép tùy tiện, không có kiểm định. Nhưng nó dựng lên một cách tinh vi một Tố Hữu cô đơn, hoang mang, tuyệt vọng, đáng thương. Với tư cách là vợ anh Tố Hữu, thư ký cho anh gần 20 năm, đang có trong tay tất cả những bút tích của Anh, tôi hiểu rõ tư tưởng, quan điểm của Anh Tố Hữu – là thủ trưởng trực tiếp của tôi trên 30 năm, tôi đề nghị các báo, báo chí, xuất bản không đăng hoặc, không lưu hành dưới bất kì dạng nào những loại tài liệu không chính xác, không lành mạnh như trên, và nếu đã đăng hoặc lưu hành thì cần phải được cải chính công khai trên báo chí. Từ đó tôi đề nghị Nhà nước cần biện pháp nghiêm minh để bảo vệ thanh danh cho mọi công dân, bảo vệ tính xác thực của những sự kiện lịch sử đúng đắn, xử lý thích đáng mọi hành vi vu khống, bịa đặt, nói xấu, làm tổn hại uy tín, nhân cách của mọi công dân, tổn hại đến sự nghiệp văn hoá-chính trị, đến sự bình an và phát triển của đất nước mà nhân dân ta đang ra sức bảo vệ” – Trích nguyên văn.

Thứ hai, ngày 29/11/2004 vào lúc 16:20 (GMT +7) báo điện tử VNEXPRESS có đăng bài viết “Mượn danh nhà thơ Tố Hữu truyền bá quan điểm riêng”, nội dung bài phóng sự điều tra có nhiều nội dung chứng tỏ tài liệu của Nhật Hoa Khanh là bịa đặt. Xin lược trích như sau:

“… Một thời gian ngắn sau khi phát tán tài liệu này, chính Nhật Hoa Khanh đã gọi điện cho bà Vũ Thị Thanh nói rằng: “Trong bài viết của em có chi tiết sai, anh Tố Hữu tiếp em đến 7h tối chứ không phải là 9h đêm”. Mặt khác, còn nhiều bất hợp lý quanh sự ra đời của tập tài liệu trên. Theo Nhật Hoa Khanh thì đây là lần đầu tiên ông được gặp nhà thơ Tố Hữu. Với một người mới tiếp xúc lần đầu tiên, nhà thơ Tố Hữu không thể chuyện trò lâu được đến như vậy. Chỉ riêng chuyện về thời lượng cuộc gặp, lời kể của Nhật Hoa Khanh trong tập tài liệu đã không có đủ độ tin cậy. Các cơ quan chức năng thời gian qua đã tiến hành kiểm chứng, đối chứng tài liệu đang phát tán và các tài liệu, sổ tay của tác giả Nhật Hoa Khanh; đã phân tích khách quan, khoa học một số nội dung, sự kiện được ghi trong các tài liệu đó; đã tham khảo ý kiến của những người gần gũi với nhà thơ Tố Hữu và đã có đủ cơ sở để khẳng định: Phần lớn nội dung trong tài liệu “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” của Nhật Hoa Khanh là giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt”.

Đến đây, tôi cho rằng tác giả Nhật Hoa Khanh nào đó viết trong bài “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng,là những tài liệu giả mạo,… Pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình,… tôi đề nghị Nhà nước cần biện pháp nghiêm minh để bảo vệ thanh danh cho mọi công dân, bảo vệ tính xác thực của những sự kiện lịch sử đúng đắn, xử lý thích đáng mọi hành vi vu khống, bịa đặt, nói xấu, làm tổn hại uy tín, nhân cách của mọi công dân, tổn hại đến sự nghiệp văn hoá-chính trị, đến sự bình an và phát triển của đất nước mà nhân dân ta đang ra sức bảo vệ ” đúng như ý kiến của bà Vũ thị Thanh.

Nhật Hoa Khanh tên thật là Nguyễn Huy Đức, sinh năm 1941 tại Hà Nội. Năm 2004 có hộ khẩu thường trú tại Phường 3, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Huy Đức tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà nội 1961, dậy học tại Tây Bắc, sau về làm ở Ty (Sở) Giáo dục Hải Hưng ( tên cũ sát nhập 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Năm 1979, Nguyễn Huy Đức làm phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng, lấy bút danh Nhật Hoa Khanh. Năm 1981 bị kỷ luật buộc thôi việc, có làm hợp đồng cho một số báo. Năm 2002 nghỉ ra sống tại Hà Nội.

Bài  viết Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng của Nhật Hoa Khanh – Nguyễn Huy Đức bị chính vợ Nhà thơ Tố Hữu, các đồng chí, bạn bè của Nhà thơ Tố Hữu phẫn nộ là đương nhiên. Chỉ có sự khó hiểu là tại sao, vì lẽ gì, một số báo chí lúc đó không có kiểm chứng, lại dễ dàng đăng bài viết của Nhật Hoa Khanh với mục đích gì để từ đó đến nay không thiếu những người chống Nhà nước Việt Nam sử dụng truyền bá xuyên tạc?

Trích bản thảo Hồi ký “ Sống giữa cuộc đời” của Vũ Ngọc Phương dự kiến xuất bản năm 2020.

Cải cách KT 1985 VNP (1)

Cải cách KT 1985 VNP (2)Cải cách KT 1985 VNP (3)Cải cách KT 1985 VNP (4)Cải cách KT 1985 VNP (5)Cải cách KT 1985 VNP (6)

0