24/05/2018, 19:01

Bổ thể

(complement) là một nhóm protein huyết thanh có đặc điểm hóa học và MD học khác nhau, có khả năng phản ứng với nhau, với KT và với màng sinh chất của tế bào. Hệ thống bổ thể bao gồm 9 protein được ký hiệu từ C1 đến C9, các yếu tố B, D và ...

(complement) là một nhóm protein huyết thanh có đặc điểm hóa học và MD học khác nhau, có khả năng phản ứng với nhau, với KT và với màng sinh chất của tế bào. Hệ thống bổ thể bao gồm 9 protein được ký hiệu từ C1 đến C9, các yếu tố B, D và propecdin. Các bổ thể muốn hoạt dộng phải được hoạt hóa. Sự hoạt động này theo kiểu phản ứng đôminô. Một bổ thể sau khi được hoạt hóa sẽ kích thích để hoạt hóa bổ thể tiếp theo.

Có hai cách hoạt hóa bổ thể. Cách thứ nhất phát hiện sớm hơn gọi là hoạt hóa theo con đường cổ điển. Cách thứ hai phát hiện sau gọi là hoạt hóa theo con đường nhánh hay con đường propecdin. Hai con đường này chỉ khác nhau giai đoạn đầu, ở phần chót lại giống nhau, ngoài ra gần đây còn phát hiện thêm một con đường nữa gọi là con đường lectin mà về cơ bản cũng giống con đường cổ điển.

Tổng quan về các con đường hoạt hóa bổ thể - (Theo R.Gordon, T.Ian. 2000)

Hoạt hóa theo con đường cổ điển

Cần có sự tham gia của các bổ thể C1, C4, C2 và KT. Có thể chia ra làm 6 bước:

(1) – Tạo phức hợp KN-KT để hoạt hóa C1. C1 (esteaz) cấu tạo gồm 3 protein hợp thành: C1q, C1r và C1s. C1q gồm 3 tiểu đơn vị hợp thành. Mỗi tiểu đơn vị có hình chữ Y, đầu hình cầu. Ba tiểu đơn vị gắn với nhau như 6 bông hoa tulip. Khi C1 gắn vào phần Fc của 2 IgG (thuộc loại IgG1, IgG2, IgG3 hoặc IgM) nằm kề nhau, thì C1q được hoạt hóa. Tiểu phần này kích thích hoạt hóa C1r, rồi C1r đã hoạt hóa lại kích thích C1s. C1s đã hoạt hóa sẽ tham gia hoạt hóa C4 và C2.

(2) – C1s đã hoạt hóa sẽ xúc tác để tách đôi C4 thành C4a (mảnh nhỏ) và C4b (mảnh lớn). C4b sẽ gắn vào màng sinh chất của tế bào và vào C2 tạo thành C4bC2. C1s đã hoạt hóa tiếp tục tách đôi C2 thành C2a (mảnh nhỏ) và C2b (mảnh lớn). C4b kết hợp với C2a thành C4b2a, đó chính là convertaz C3 (enzym bổ thể C3).

(3) – Dưới tác dụng của C4b2a, C3 bị tách đôi thành C3a (mảnh nhỏ) và C3b (mảnh lớn). C3b gắn với C4b2a thành C4b2a3b, đó chính là convertaz C5 (enzym bổ thể C5).

(4) – Dưới tác dụng của C4b2a3b, C5 bị tách thành 2 mảnh là C5a và C5b.

(5) – C5b gắn vào tế bào đích và vào C6 để tạo phức hợp C5b6, sau đó gắn với C7 để tạo thành C5b67. Phức hợp này bám vào lớp lipit kép của màng sinh chất.

Chi tiết hoạt hóa bổ thể theo con đường cổ điển - (Theo R.Gordon, T.Ian, 2000) (6) – C5b67 bám vào C8 sau đó bám tiếp vào C9. C9 trùng hợp với nhau tạo thành phức hợp tấn công màng C5b6789 khoan lỗ thủng, đâm thoát nội chất và giết chết tế bào.

Tương tác giữa C1 và phức hợp KN-KT - (Theo R.Gordon, T.Ian, 2000)

Hoạt hóa theo con đường nhánh

Không cần có sự tham gia của KT, nhưng cần đến yếu tố B, D và màng tế bào vi khuẩn thay cho các bổ thể C1, C2, C4 để dẫn đến tạo thành enzym hoạt hóa C3.

C3b gắn vào màng vi khuẩn, yếu tố B gắn với C3b tạo phức hợp C3bB. Khi gắn với C3b, yếu tố B để lộ vị trí gắn chịu sự tác động của yếu tố D và bị tách ra thành Ba (mảnh nhỏ) và Bb (mảnh lớn). Mảnh Bb được giữ lại tạo thành phức hợp C3bBb (tương đương C4b2a). Đó chính là convertaz C3, dùng để bổ C3. C3bBb gắn thêm C3b tạo thành C3bBb3b (tương đương C4b2a3b). Đó chính là convertaz C5. Từ đây sự hoạt hóa bổ thể sẽ diễn ra giống như phần cuối của con đường cổ điển.

Chi tiết hoạt hóa bổ thể theo con đường nhánh (Theo R.Gordon, T,Ian,2000)

Hoạt hóa theo con đường lectin

Con đường cổ điển có thể được hoạt hóa bởi nhân tố khác chứ không phải bằng kháng thể. ĐTB bắt giữ và tiêu hóa vi khuẩn, virut…tiết ra cytokin kích thích tế bào gan tiết ra lectin. Lectin có khả năng gắn với đường mannoza trên mặt tế bào vi khuẩn nên có tên gọi là protein gắn mannoza (MBP = mannoz binding protein). Lectin (MBP) có cấu trúc không gian ba chiều gần giống như C1q. Hai phân tử MASP-1 và 2 phân tử MASP-2 (MBP-associated serin protein, một loại loteraz) lần lượt giống với C1r và C1s. Quá trình hoạt hóa gồm:

(1) – Lectin gắn vào các gốc đường mannoza trên bề mặt vi khuẩn.

(2) – Lectin được hoạt hóa sẽ hoạt hóa 2 phân tử MASP-1

(3) – Đến lượt mình, MASP-1 được hoạt hóa sẽ hoạt hóa 2 phân tử MASPP-2

(4) – MASP-2 được hoạt hóa sẽ hoạt hóa C2 và C4

(5) – Từ đây sự hoạt hóa bổ thể giống như con đường cổ điển.

Sự hoạt hóa bổ thể được điều hòa bởi các chất ức chế. Chất bất hoạt C1 là C1INH còn chất bất hoạt C3b là yếu tố I, yếu tố H cạnh tranh với yếu tố B để gắn với C3b, ngăn cản sự tạo thành C3bB.

  • Sự hoạt hóa bổ thể dẫn đến nhiều hậu quả sinh học, trước hết là làm tan tế bào nhờ phức hệ tấn công màng (C5b6789). C3b vừa gắn với thụ thể của vi khuẩn, virut vừa gắn với đại thực bào do đó làm tăng khả năng thực bào.
  • C3b bao phủ quanh tế bào đích sẽ làm tăng khả năng tiêu diệt tế bào đích của tế bào K trong hiệu ứng ADCC (gây độc tế bào phụ thuộc KT). Phần Fab của KT đặc hiệu bám vào tế bào đích, còn phần Fc bám vào tế bào K, giúp cho tế bào K diệt tế bào đích.
  • C3a và C5a là độc tố gây phản vệ, chúng tham gia vào sự giải phóng histamin khỏi tế bào mast.
0