Bộ GD giải đáp thắc mắc về kì thi THPTQG 2017 mới nhất
Dưới đây là những giải đáp của TS Trần Văn Nghĩa- Phó cục trưởng cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT về những thắc mắc của phụ huynh và học sinh xoay quanh kì thi THPTQG 2017 Hoàng Thị Oanh Thưa ông Trần Văn Nghĩa! Ông có thể nêu vắn tắt, ngắn gọn về phương án tuyển sinh năm ...
Dưới đây là những giải đáp của TS Trần Văn Nghĩa- Phó cục trưởng cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT về những thắc mắc của phụ huynh và học sinh xoay quanh kì thi THPTQG 2017
Hoàng Thị Oanh
Thưa ông Trần Văn Nghĩa! Ông có thể nêu vắn tắt, ngắn gọn về phương án tuyển sinh năm 2017 có bao nhiêu điểm mới so với năm 2016, những thay đổi đó là gì?
TL: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Quy chế tuyển sinh 2017 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh năm 2016. Như vậy, những quy định cụ thể về phương án tuyển sinh năm 2017 sẽ được công bố sau khi Quy chế Tuyển sinh được ban hành.
Tuy nhiên, về tổng thể, có thể nói phương án tuyển sinh năm 2017 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2016. Các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và có thể chọn một hoặc một số phương thức xét tuyển trong các phương thức xét tuyển như sau:
- Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở Trung học phổ thông;
- Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia
- Sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia (hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT) kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh;
- Các trường cũng có thể sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường khác để xét tuyển;
Điểm điều chỉnh chính của phương án xét tuyển năm 2017 là phương án xét tuyển đợt 1 đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Nguyễn Văn Thanh
Những điểm mới thay đổi này đã khắc phục được những điểm hạn chế của năm vừa qua ra sao?
TL: Như chúng ta đã biết, năm 2015 với việc cho phép thí sinh đăng ký vào 1 trường và cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng, đã tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành phù hợp, các trường không phải xử lý vấn đề "thí sinh ảo". Tuy nhiên, việc cho thí sinh "rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào" đã gây ra sự hỗn loạn ở một số trường trong những ngày cuối của đợt xét tuyển. Năm 2016, với việc không cho thí sinh thay đổi nguyện vọng và đổi lại thí sinh được đăng ký vào tối đa 2 trường đã đảm bảo việc xét tuyển diễn ra một cách trật tự. Tuy nhiên, vấn đề thí sinh ảo đã gây khó khăn cho nhiều trường kèm theo các hệ lụy khác.
Phương án xét tuyển đợt 1 bằng kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 dự kiến sẽ xử lý vấn đề "thí sinh ảo" và vẫn đảm bảo quyền lợi của học sinh được đăng ký nhiều ngành, nhiều trường trên cơ sở ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác xét tuyển.
Hoàng An Ninh
Một số năm gần đây, năm nào Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng có thay đổi, cải cách về quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ. Xin hỏi bao giờ chúng ta mới có một quy chế tuyển sinh chuẩn, để các thí sinh không còn là những con “chuột bạch”?
TL: Về vấn đề này, chúng tôi mong muốn các bậc phụ huynh nhìn nhận một cách toàn diện hơn. Với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để làm cơ sở để các trường xét tuyển đã giảm nặng nề trong thi cử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.
Với phương thức tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trong 2 năm qua và dự kiến cả đối với năm 2017 đều cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi. Điều này rất thuận lợi cho thí sinh, tuy nhiên cũng chính vì thay đổi này mà việc tìm ra một phương án xét tuyển tối ưu trở nên khó khăn hơn nhiều so với việc yêu cầu thí sinh đăng ký xét tuyển trước khi thi. Trên cơ sở kết quả triển khai năm 2015, năm 2016, Bộ đã điều chỉnh một số điểm trong phương án xét tuyển và đã đem lại kết quả là kỳ tuyển sinh diễn ra trật tự. Trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015 và năm 2016, Bộ sẽ hoàn thiện phương án tuyển sinh năm 2017.
Đinh Thu Uyên
Môn Lịch sử từ trước tới giờ đòi hỏi học sinh không chỉ nhớ các mốc thời gian, kiến thức cơ bản mà còn đòi hỏi sự suy luận, phân tích, kết nối các vấn đề với nhau. Nếu thi trắc nghiệm, các em sẽ học một cách máy móc, khô khan và không hiểu cặn kẽ vấn đề, Bộ có thể đưa ra lý do thỏa đáng cho việc chọn trắc nghiệm khách quan làm phương án thi Lịch sử?
TL: Từ thực tế triển khai thi trắc nghiệm môn lịch sử ở một số nước trên thế giói, có thể thấy rằng bằng các câu trắc nghiệm vẫn có thể đánh giá được các kỹ năng trên của học sinh. Để đảm bảo học sinh phải suy luận, phân tích, kết nối các vấn đề khi làm bài thi, cần có đầu tư cho việc xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm.
Đỗ Thu Hương
Việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán có thực sự hiệu quả? Thay vì đánh giá khả năng suy luận và sáng tạo của học sinh qua cách giải và cách trình bày của từng bài toán, đặc biệt là khả năng phân tích hình học phẳng, hình học không gian, việc chỉ tập trung vào chấm kết quả của các bài toán qua bài thi trắc nghiệm có thể đánh giá đúng khả năng của học sinh trong môn học này?
TL: Việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận đều có các ưu, nhược điểm không chỉ đối với môn Toán mà các các môn thi khác, tuy nhiên với mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho các trường tuyển sinh. Với phạm vi rộng trên cả nước với gần 1 triệu thí sinh dự thi thì thi bằng hình thức trắc nghiệm có nhưng ưu điểm vượt trội.
Hữu An
Em muốn hỏi việc thay đổi từ thi tự luận môn Toán sang trắc nghiệm có lợi gì cho học sinh, giáo viên? Và sự thay đổi này liệu có được lâu dài không hay đơn thuần chỉ là thay đổi để thử nghiệm?
TL: Một số ưu điểm khi thi trắc nghiệm có thể nhận ra đó là: khả năng bao phủ chương trình tốt hơn, việc chấm thi chính xác hơn, và đòi hỏi thí sinh phải phân tích, suy xét, xử lý vấn đề một cách khẩn trương. Để đảm bảo phương án tổ chức thi trắc nghiệm được thực hiện một cách ổn định, khi đưa ra phương án thi, Bộ đã phân tích kỹ các ưu, nhược điểm và trên cơ sở đó cùng với việc đưa ra hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ đã chỉ đạo chặt chẽ việc đánh giá thường xuyên ở trường phổ thông kết hợp hình thức tự luận và trắc nghiệm.
Lê Thu Trang
Xuất phát từ đâu Bộ quyết định gộp 3 môn thành 1 bài thi? Bộ sẽ có những công văn hướng dẫn giáo viên về các dạy và lời khuyên nào cho học sinh về cách học bởi đây là điều hoàn toàn mới?
TL: Từ nhiều năm, đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đã yêu cầu thí sinh phải sử dụng kiến thức liên môn trong việc giải quyết các vấn đề của thực tế. Việc gộp 3 môn thành bài thi là hướng phát triển của định hướng trên và đã có kinh nghiệm từ thực tế bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội trong 3 năm qua.
Đối với năm 2017, bài thi mới dừng ở mức tổ hợp các môn thi (ví dụ bài khoa học tự nhiên gồm 3 phần riêng biệt: phần 1 là 40 câu về Vật lý, phần 2 là 40 cầu về Hóa học, phần 3 là 40 cầu về Sinh học), do vậy các thí sinh yên tâm ôn tập từng môn của bài thi như trước kia.
Vũ Thị Hiền
Tôi thắc mắc với phương án tuyển sinh năm 2017, cơ hội vào đại học của các thí sinh có cao hơn năm 2016 không, và quyền lợi của các em được đảm bảo thế nào?
TL: Phương án tuyển sinh năm 2017 sẽ được xây dựng trên cơ sở kế thừa phương án tuyển sinh năm 2016, vẫn đảm bảo mỗi thí sinh được đăng ký nhiều trường, nhiều ngành và việc đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia được thực hiện sau khi học sinh có kết quả thi. Chính vì vậy, các em hoàn toàn có thể yên tâm về cơ hội vào đại học của mình.
Lê Thị Mai
Các thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Vậy, Bộ dựa vào tiêu chí nào để chọn các câu hỏi có độ khó tương đương dành cho các thí sinh có các mã đề thi trong cùng một phòng thi? Liệu có trường hợp một số thí sinh “ăn may” gặp đề thi được đánh giá là dễ hơn?
TL: Hiện nay, đối với các bài thi trắc nghiệm đều cho phép xây dựng các đề thi khác nhau có độ khó cân bằng trên cơ sở ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa. Với kinh nghiệm thực tế xây dựng đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội trong những năm qua, thí sinh có thể yên tâm về việc các đề thi sẽ có độ khó như nhau.
Đào Thu Hà
Việc xuất hiện 2 bài thi tổ hợp liệu có phát sinh ra thêm những tổ hợp xét tuyển mới không?
TL: Đúng là với việc xuất hiện các bài thi, các trường có thể đưa ra tổ hợp xét tuyển mới. Tuy nhiên, các bài thi đều có điểm thành phần của từng môn thi nên các trường vẫn có thể sử dụng các khối thi truyền thống để xét tuyển.
Nguyễn Thị Hạnh
Tôi là phụ huynh có con thi tốt nghiệp TPHT vào năm tới nên rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi có một số câu hỏi muốn gửi tới đại diện Bộ như sau: Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh có gì thay đổi so với năm 2016 không? Thay đổi cấu trúc bài thi trắc nghiệm khách quan có thể dẫn đến thay đổi mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm. Điều này có gây khó khăn cho thí sinh khi làm bài? Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện như thế nào?
TL: Việc xét công nhận tốt nghiệp về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2016, đó là điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50 - 50.
Đúng là với việc thay đổi cấu trúc bài thi trắc nghiệm sẽ phải điều chỉnh mẫu phiếu trả lời trắc nghiệm. Dự kiến sẽ chỉ điều chỉnh tăng số câu trả lời lên 120 câu nên về cơ bản sẽ không gây khó khăn cho thí sinh.
Việc chấm thi bằng máy đã thực hiện nhiều năm đối với các bài thi trắc nghiệm (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ). Thí sinh phải trả lời trên phiếu trả lời trắc nghiệm và trên cơ sở vị trí các điểm tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm, máy sẽ xác định được câu trả lời của thí sinh là đúng hay sai.
Nguyễn Tuấn Kiệt
Nếu em thi khối A1 và D thì điểm các môn còn lại như Hóa, Sinh trong bài thi tổ hợp TNXH thấp có ảnh hưởng gì không ạ?
TL: Nếu em là thí sinh tự do thi khối A và D1 thì em cần phải đăng ký thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi khoa học tự nhiên. Trong bài thi khoa học tự nhiên, em có thể được lựa chọn chỉ thi phần liên quan đến môn Vật lý và môn Hóa học.
Dương Thị Minh Loan
Xin TS nói rõ hơn về quy trình tuyển sinh đại học năm 2017 (cách tính điểm theo tổ hợp môn). Có phải tính riêng các môn trong môt tổ hợp theo các khối A, B, C... như các năm trước hay có gì mới. Rất cám ơn được trả lời!
TL: Trong năm 2017, các bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ có điểm chung của toàn bài và điểm riêng cho từng môn trong bài thi. Do vậy, các trường Đại học vẫn có thể xét tuyển bằng các tổ hợp truyền thống như năm 2016. Ngoài ra, các trường Đại học cũng có thể quy định các tổ hợp xét tuyển mới trên cơ sở kết quả của bài thi.
Trịnh Thị Huệ
Em muốn hỏi tiến sĩ là nếu tổ chức kì thi như việc đã công bố thì việc thí sinh tự do như em sẽ phải thi như thế nào. Nếu như thi khối A1 thì trong bài thi khoa học tự nhiên chỉ làm mỗi lí vậy bộ sẽ xử lí như thế nào để công bằng với các bạn khối khác không?
TL: Trong bài thi khoa học tự nhiên, các em sẽ thi lần lượt môn Vật lý, sau đó là môn Hóa học, cuối cùng là môn Sinh học. Mỗi một môn như vậy, thời gian làm bài sẽ là 50 phút. Như vậy, em có thể yên tâm về sự công bằng trong việc làm bài thi của các thí sinh đăng ký dự thi các khối thi khác nhau.
Tổng hợp