Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn (Số 1)
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn (Số 1) Đề thi thử Đại học môn Văn có đáp án năm 2017 Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn được VnDoc.com sưu tầm và tổng hợp, là tài liệu ...
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn (Số 1)
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
được VnDoc.com sưu tầm và tổng hợp, là tài liệu ôn thi Đại học môn Văn hay dành cho học sinh lớp 12, các bạn thí sinh tự do. Tài liệu này sẽ giúp các bạn ôn tập lại kiến thức đã học, có cơ hội đánh giá lại năng lực của mình trước kỳ thi sắp tới. Chúc các bạn thành công.
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 2
1. Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn - Đề số 1
ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA THPT NĂM 2017 - Số 1
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
(1) Theo thống kê gần đây, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra con số: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số.
So với các nước trong Asean, tỷ lệ này là quá thấp, rất đáng báo động. Một người Thái Lan đọc khoảng 5 cuốn sách 1 năm, một người Malaysia đọc 20 cuốn sách/năm.
(2) Bàn về văn hóa đọc hiện nay của người Việt, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, nhà nghiên cứu Dân Tộc, bày tỏ quan điểm: Không nên máy móc cho rằng đọc sách in mới là văn hóa đọc. Khoa học kỹ thuật phát triển giúp con người có nhiều phương thức tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, kiến thức của nhân loại.
Tư duy hệ thống là phương pháp tư duy hướng đến mở rộng tầm nhìn, xem xét, đánh giá đối tượng trong mối tương quan tổng thể với môi trường. Đọc cái gì, bằng phương pháp nào là do mỗi người tự quyết định nhưng không nên chỉ đọc 1 loại sách vì tư duy hiện nay là tư duy hệ thống và con người là "công dân toàn cầu".
Ngoài ra, theo PGS, bên cạnh những quyển sách giúp người đọc kỹ năng làm giàu, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp... vẫn rất cần những quyển sách bàn về đạo đức, trí tuệ cảm xúc cho mỗi con người Việt Nam, có như vậy thì chúng ta mới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.
(3) Mới đây, trong bài phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội, Tổng thống Obama đã trích dẫn những câu thơ "thần" của Lý Thường Kiệt: "Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận tại sách trời" nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Hay những ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao: "Từ nay người biết yêu người/từ nay người biết thương người..." để khẳng định mối quan hệ bằng hữu khắng khít giữa hai nước trong thời kỳ mới.
Và những câu thơ Kiều (Nguyễn Du) cũng được ngài Tổng thống Hoa Kỳ trích dẫn khá nhuần nhuyễn trước khi kết thúc bài phát biểu với những ẩn ý sâu sắc: "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi".
Nếu không đọc, tìm hiểu về văn hóa, không hiểu biết về lịch sử liệu có làm nên 1 hiệu ứng đầy năng lượng của Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ đến với Việt Nam hay không?
Bởi vậy, để nâng tầm tri thức của cá nhân, mỗi người chúng ta nên bổ sung kiến thức của mình thông qua việc đọc, đọc để hiểu biết, đọc để mình không bị lạc hậu, lỗi thời, đọc để "sánh vai" cùng bè bạn.
Dẫn theo Thanh Vy
http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/201605/ 25-5-2016
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Câu 2. Trong đoạn (2), tại sao PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đưa ra quan điểm: không nên chỉ đọc 1 loại sách?
Câu 3. Trong đoạn (3), những câu trích dẫn của Tổng thống Obama khi phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội có hàm ý gì?
Câu 4. Theo anh/chị, người viết gửi gắm thông điệp gì qua toàn bộ văn bản trên?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ đoạn văn (1) trong phần đọc hiểu:
Theo thống kê gần đây, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra con số: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số.
So với các nước trong Asean, tỷ lệ này là quá thấp, rất đáng báo động. Một người Thái Lan đọc khoảng 5 cuốn sách 1 năm, một người Malaysia đọc 20 cuốn sách/năm.
Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của đoạn trích sau:
Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần.
Thường khi đến gà gáy, Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.
Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.
Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình. Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó. Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...
Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng. Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng. Mị chỉ thì thào được một tiếng "Đi ngay..." rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.
Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
- A Phủ cho tôi đi.
A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:
- Ở đây thì chết mất.
Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.
A Phủ nói: "Đi với tôi". Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.
(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản: Phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận (0,5)
2. Trong đoạn (2), PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đưa ra quan điểm: không nên chỉ đọc 1 loại sách: bởi vì tư duy hiện nay là tư duy hệ thống và con người là "công dân toàn cầu". (0,5)
3. Trong đoạn (3), những câu trích dẫn của Tổng thống Obama khi phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội có hàm ý: (1,0)
- Những câu thơ "thần" của Lý Thường Kiệt: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời" có hàm ý khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
- Những ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao: "Từ nay người biết yêu người/từ nay người biết thương người..." có hàm ý khẳng định mối quan hệ bằng hữu khăng khít giữa hai nước Việt Nam - Mỹ trong thời kỳ mới.
- Những câu thơ Kiều (Nguyễn Du) được trích dẫn khá nhuần nhuyễn trước khi kết thúc bài phát biểu: "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi" có hàm ý gửi gắm niềm tin vào mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
4. Thí sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau như cần thể hiện các ý: (1,0)
- Thông điệp về văn hoá đọc của người Việt hiện nay trong thời kì bùng nổ thông tin;
- Thể hiện sự ngưỡng mộ, thán phục về tầm hiểu biết văn hoá Việt Nam trên các mặt văn thơ, âm nhạc...của Tổng thống Obama nhân chuyến thăm Việt Nam trong thời gian ngắn.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn nghị luận bày tỏ trình bày suy nghĩ của anh/chị về văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay.
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra biện pháp khắc phục hiện tượng.
c.1. Giải thích:
- Qua những con số thống kê so sánh số lần đọc sách trong năm của người Việt với các nước trong Asean, bản tin đưa ra hiện tượng liên quan đến văn hoá đọc hiện nay. Đó là những con số biết nói. Ở đây, người viết phản ánh một thực trạng đáng báo động liên quan đến đọc sách ở nước ta.
- Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức (Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình).
c.2. Phân tích tác hại
- Tác hại
- Số lần đọc sách ít đi đã thu hẹp sự hiểu biết, không thể mở ra "chân trời tri thức" cho mỗi người.
- Chúng ta sẽ tụt hậu so với bạn bè thế giới.
- Tác động đến nhiều mặt trong đời sống, nhất là văn hoá ứng xử
c.3. Nguyên nhân của việc ít quan tâm đến văn hoá đọc của giới trẻ:
- Nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp nhất là do ý thức của giới trẻ chưa cao.
- Do thiếu sự định hướng, giáo dục từ gia đình, nhà trường
- Do sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn.
- Biện pháp khắc phục: Rút ra biện pháp phù hợp cho bản thân.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của đoạn trích.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật của đoạn trích. Bình luận cái nhìn về người nông dân trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong văn học Việt Nam.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm; nêu vấn đề cần nghị luận
- Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của đoạn trích:
- Về nội dung:
- Nêu ý chính của đoạn trích: Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm đông cởi trói cho A Phủ và trốn khỏi Hồng Ngài sang Phiềng Sa.
- Sơ lược số phận và sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do của Mị trong đêm tình mùa xuân ở đoạn trước đó, hoàn cảnh Mị và A Phủ gặp nhau tại nhà thống lí Pá Tra.
- Lúc đầu, thấy A Phủ bị trói, Mị thản nhiên, vô cảm.
- Thấy nước mắt A Phủ, tâm trạng Mị thay đổi, Mị suy nghĩ nhiều.
- Cuối cùng, Mị quyết định cắt dây trói cứu A Phủ và chạy theo A Phủ.
- Tâm trạng thể hiện lòng nhân từ của Mị. Đặc biệt thấy rõ sức phản kháng, lòng khao khát tự do và quyết tâm đi tìm tự do của Mị.
- Nhận xét về nghệ thuật của đoạn trích: Miêu tả tâm trạng nhân vật tinh tế, phù hợp với quy luật tâm lí, ngôn từ sáng tạo, câu văn giàu hình ảnh, giàu chất thơ.
- Đánh giá chung:
- Thông qua đoạn trích, nhà văn có cái nhìn cảm thông cho số phận khổ đau, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, nhất là phát hiện ra sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do của người dân bất hạnh mà còn gửi gắm niềm tin vào khả năng đổi đời của họ. Các nhân vật đã biết đấu tranh từ tự phát đến tự giác, đi từ bóng tối ra ánh sáng, về với cách mạng. Đó là cái nhìn lạc quan, tin tưởng.
- Thể hiện phong cách nghệ thuật của Tô Hoài.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
2. Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THCS&THPT Ngôi Sao, TP. Hồ Chí Minh (tháng 11)
TRƯỜNG THCS – THPT NGÔI SAO
ĐỀ THI THỬ KÌ THI QUỐC GIA 2016-2017
Môn: Ngữ Văn lần 17 (09/11/2016)
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian chép đề)
PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4
"...Ông Lê Đại, Gia Lộc, Hải Dương đưa nhận xét thú vị, khi đến thăm VN, từ các chính khách đến người bình dân đều học một vài từ tiếng Việt, ví dụ: xin chào, cảm ơn... Ông viết: "Đặc biệt, một số chính khách nước ngoài khi đến VN đã dùng thơ (mà đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du) để thể hiện tình cảm của họ với VN. Ông Bill Clinton khi đến thăm đã dùng câu "Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân". Hay mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm cũng đã dùng câu: "Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi". Thật tự hào biết bao khi tiếng Việt được các chính khách dùng tinh tế, ý nghĩa đến vậy. Vì thế, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc cần phải làm từ hôm qua, hôm nay và mãi mai sau nhằm góp phần làm cho đất nước giàu đẹp, văn minh và ngang tầm với các cường quốc trên thế giới."(...)
(Trích Tiếng Việt cần có luật – Báo Thanh Niên, ngày 06/11/2016)
Câu 1. (0,5 điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 2. (0.5 điểm) Hãy đặt cho văn bản trên một nhan đề khác?
Câu 3. (0.5 điểm) Trong đoạn văn trên, theo anh/chị, có vài chỗ còn chưa đúng chuẩn tiếng Việt, hãy chỉ ra?
Câu 4. (1.5 điểm) Viết 5 – 7 dòng giải thích ý nghĩa câu văn cuối đoạn trích.
PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn 200 từ nêu suy nghĩ về câu văn cuối của văn bản trên: "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc cần phải làm từ hôm qua, hôm nay và mãi mai sau nhằm góp phần làm cho đất nước giàu đẹp, văn minh và ngang tầm với các cường quốc trên thế giới".
Cấu 2 (5,0 điểm): Dựa vào đoạn trích bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường (SGK Ngữ Văn 12 tập I), hãy thể hiện sự cảm nhận của anh (chị) về sông Hương trong mối quan hệ với kinh thành Huế.
3. Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn THPT Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh (Lần 1)
SỞ GD & ĐT TP. HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN I NĂM HỌC 2016-2017 MÔN NGỮ VĂN Ngày thi: 13/10/2016 Thời gian làm bài: 120 phút |
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản và trả lời những câu hỏi dưới đây:
… “Nhậu nhẹt suốt ngày như thế làm sao phát triển được. Trước đây, người Việt chúng ta không thua kém chiều cao so với người Nhật, Trung Quốc, nhưng nay chúng ta đã thấp hơn kể cả với các nước láng giềng” - lời Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh trong buổi nói chuyện - chính xác - là “tiếp lửa” cho những người trẻ. Và ông nói đến hiện tượng các bạn trẻ chủ yếu ngồi cà phê, ăn nhậu suốt ngày, thay vì tập thể dục thể thao, như một căn nguyên cho căn bệnh thấp bé nhẹ cân. Ông Bí thư trẻ nhấn mạnh người trẻ sống cần phải có lý tưởng, hoài bão, yêu quê hương... “Tôi tin các bạn ai cũng muốn một ngày nào đó sẽ làm Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố. Đó là ước mơ chính đáng...” - ông nói. Thật buồn với những “kỷ lục ngược” của người Việt nhất khu vực, nhất Châu Á, nhất thế giới. Thật buồn khi những “thánh chém”, “thánh nổ”, hay “anh hùng bàn phím” ngập tràn, trong khi tính theo năng suất lao động thì 15 người Việt mới làm việc bằng một người Singapore. Hay một điều tra xã hội học cho biết: Kiểu sống khép mình, ít tham gia các hoạt động xã hội chiếm tới 60% trong sinh viên. Trước những sự kiện đang xảy ra xung quanh mình, họ luôn tỏ thái độ bàng quan. 10% số sinh viên công việc chính là vui chơi, hưởng thụ, nhiều khi vô bổ, kiểu “Tớ chỉ thích điện thoại nào đời mới...”, “Phim Hàn Quốc đang chiếu tới tập...”, “Hàng hiệu hợp thời ở chỗ...”. Chúng ta không thể cứ tụ tập đàn đúm nhậu nhẹt, tiêu thụ 3 tỉ lít bia mỗi năm và ngồi đó mơ ước thay đổi vận mệnh bản thân. Chúng ta không thể lê la cà phê vỉa hè chém gió chuyện bầu cử Mỹ, chiến tranh Sirya hay khủng bố ở Bỉ mà đòi đất nước hóa rồng, hóa hổ. Chúng ta càng không thể cười khẩy kiểu “tự kỷ”: Chỉ là dài hơn chứ không phải cao hơn. Hãy thắp một ngọn nến, thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm. Tại sao lại không mơ ước một ngày nào đó có thể đàng hoàng trở thành Bí thư, Chủ tịch thành phố?
(Trích Hãy mơ làm Bí thư, chủ tịch thành phố - BáoTuổi trẻ)
- Xác định nội dung chính của văn bản. (1.0)
- Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5)
- Tác giả đã chỉ ra nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh thấp bé nhẹ cân của giới trẻ Việt Nam? (0,5)
- Từ những câu nói “Chúng ta không thể cứ tụ tập đàn đúm nhậu nhẹt, tiêu thụ 3 tỉ lít bia mỗi năm và ngồi đó mơ ước thay đổi vận mệnh bản thân. Chúng ta không thể lê la cà phê vỉa hè chém gió chuyện bầu cử Mỹ, chiến tranh Sirya hay khủng bố ở Bỉ mà đòi đất nước hóa rồng, hóa hổ. Chúng ta càng không thể cười khẩy kiểu “tự kỷ”: “Chỉ là dài hơn chứ không phải cao hơn”, Anh, chị rút cho mình bài học gì?
PHẦN II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần đọc hiểu “Hãy thắp một ngọn nến, thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12)
4. Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn THPT Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh (Lần 2)
SỞ GD – ĐT TP. HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO |
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN II NĂM 2016 - 2017 MÔN: NGỮ VĂN - KHỐI 12 (BAN D+C) Ngày thi: 14/11/2016 (Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề) |
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Trái tim hoàn hảo
Tác giả: Khuyết Danh
Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: "Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!". Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói:
- Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.
- Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè... Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.
Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh...
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về câu nói sau: “Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra.”
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại.”
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu: “Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh…”
Câu 2 (5,0 điểm)
Nhận xét về đoạn trích Đất Nước có ý kiến cho rằng: Cái đặc sắc, độc đáo của đoạn thơ là sự cảm nhận về đất nước trong một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp, nhiều bình diện và làm nổi bật tư tưởng: "Đất Nước của Nhân dân".
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm để làm sáng tỏ nhận định trên
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
...................................................
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.
(Trích trường ca Mặt đường khát vọng, SGK lớp 12, tập một, NXBGD 2015)
5. Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc (Lần 1)
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT YÊN LẠC
(Đề thi có 02 trang) |
ĐỀ KSCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 1 - LỚP 12 NĂM HỌC: 2016-2017 ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian |
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
Pa-xcan
Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng.
Cần gì cả vũ trụ tòng hành nhau mới đè bẹp cây sậy ấy? Một chút hơi, một giọt nước cũng đủ làm chết người. Nhưng dù vũ trụ có đè bẹp người ta, người ta so với vũ trụ vẫn cao hơn, vì khi chết thì hiểu biết rằng mình chết chứ không như vũ trụ kia, khỏe hơn mình nhiều mà không tự biết rằng mình khỏe.
Vậy giá trị của chúng ta là ở tư tưởng.
Ta cậy cao dựa vào tư tưởng, chứ đừng dựa vào không gian, thời gian là hai thứ chúng ta không bao giờ làm đầy hay đọ kịp. Ta hãy rèn tập để biết tư tưởng cho hay, cho đúng, đó là nền tảng của nhân luân.
Tôi không căn cứ vào không gian để thấy giá trị của tôi, mà tôi trông cậy vào sự quy định của tư tưởng một cách hoàn toàn, dù tôi có bao nhiêu đất cát cũng chưa phải là "giàu hơn", vì trong phạm vi không gian này, vũ trụ nuốt tôi như một điểm con, nhưng trái lại, nhờ tư tưởng, tôi quan niệm, bao trùm toàn vũ trụ.
(Theo Bài tập Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.114)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Văn bản trên đề cập đến vấn đề gì? Dựa vào đâu anh/chị xác định được vấn đề đó?
Câu 3. Nêu hiệu quả của một trong những biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: "Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng"?
Câu 4. Qua hình ảnh "cây sậy có tư tưởng", anh/chị rút ta bài học gì về cách nhìn nhận của con người?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Pa-xcan trong văn bản ở phần Đọc hiểu "giá trị của chúng ta là ở tư tưởng".
Câu 2 (5 điểm)
Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng "Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá". Ý kiến khác lại khẳng định "Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực".
Từ việc cảm nhận về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên?
Mời các bạn tải tài liệu về để tham khảo trọn bộ đáp án và đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2017 của các trường.