24/05/2018, 14:41

Biểu tượng và văn hóa biểu tượng trong tư duy xã hội học

Trong bài mở đầu cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tác giả viết rằng: “Thời đại không có biểu tượng là thời đại chết, xã hội thiếu biểu tượng là xã hội chết. Một nền văn minh không còn có biểu tượng thì sẽ chết, nó chỉ còn thuộc ...

Trong bài mở đầu cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tác giả viết rằng: “Thời đại không có biểu tượng là thời đại chết, xã hội thiếu biểu tượng là xã hội chết. Một nền văn minh không còn có biểu tượng thì sẽ chết, nó chỉ còn thuộc về lịch sử” [1, tr. 33]. Biểu tượng là gì mà quan trọng đến thế? Có thể nói, trong cuộc sống hàng ngày – bất luận là chúng ta có nhận ra hay không, song trong khi nghĩ suy, nói năng hay trò chuyện với người khác và thậm chí là cả trong các giấc mơ, mỗi người đều sử dụng các biểu tượng. Biểu tượng, trước hết, là những hình ảnh của thế giới khách quan, ở bên ngoài con người. Một màu cờ đỏ búa liềm, một bông hoa hé nở hay một cánh chim bay… tất cả đều là biểu tượng. Nhưng chưa hết, ngay cả các từ chỉ bộ phận trên cơ thể con người nhiều khi cũng được dùng làm biểu tượng. Khi chúng ta nói: “Lực lượng cảnh sát là tai, là mắt của nhân dân”, “đó là cái bắt tay của tình hữu nghị” hay “chặn đường tiếp tế tức là đã đánh vào cái dạ dày của kẻ địch” thì đấy đã là sự vận dụng hình tượng một cách rất phổ biến trong đời sống hàng ngày của nhiều nhóm xã hội khác nhau. Các nhà văn bản học cũng chỉ ra rằng, trong các luận văn khoa học, nơi mà người ta vẫn quan niệm cần phải dùng các khái niệm trừu tượng để thể hiện tư tưởng, song đối với các tác giả lớn – thông qua các thủ pháp như ẩn dụ, ví von, so sánh - trong trang viết của họ thường vẫn đầy ắp những cách diễn đạt giầu tính hình tượng. Thật đúng như các tác giả Từ điển biểu tượng đã nói, không chỉ là chúng ta sống trong một thế giới biểu tượng, mà còn một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta.

Đâu phải ngẫu nhiên mỗi con người cũng như mỗi cộng đồng đều cần đến các biểu tượng. Thế giới quanh ta vốn được đan dệt bởi vô vàn những điều có thể tri giác trực tiếp và cả những điều không thể tri giác trực tiếp, hay nói theo cách nói của I. Kant, là “bất khả tri”. Những điều có thể tri giác trực tiếp thì con người nhận thức bằng tư duy lý tính. Nhưng bộ công cụ của loại tư duy này là các khái niệm lại không đóng được vai trò của chúng trước những điều không nhìn thấy, không sờ mó thấy như “thần thánh”, “công lý”, “tình thương”, “lẽ phải”, “ý thức cộng đồng”, v.v… Lúc ấy, người ta đã phải cầu viện đến các biểu tượng, bằng cách liên kết những ý tưởng phức tạp, khó hiểu, trừu tượng đó với những từ, những hình ảnh, những hoạt động, tóm lại là với những hiện tượng cảm tính, cụ thể và đơn giản hơn. Nhờ những cái "cảm tính, cụ thể và đơn giản" này mà con người tri giác được về những ý tưởng phức tạp, khó hiểu và trừu tượng kia.

Xem chi tiết tại đây

0