Bạn nghĩ gì về việc chúng ta tự học - Ngữ Văn 12
"Người siêng học lần lần tự khoác cho mình một cái tôn trọng mà chức tước, của cải đều không cho được" ...
"Người siêng học lần lần tự khoác cho mình một cái tôn trọng mà chức tước, của cải đều không cho được"
GIỚI THIỆU BÀI VĂN THAM KHẢO TỰ HỌC LÀ MỘT CÁI THÚ
(Trích)
Ta không thể ghét sự tự học được: nó là một cuộc du lịch.
J.J Ru-xô và V. Huy-gô, hai văn hào ở Pháp đều ca tụng thú đi chơi bộ.
J.J Ru-xô nói: “Lúc nào muốn đi thì đi, muôn ngừng thì ngừng, muốn vận động nhiều hay ít tùy ý. Cái gì thích thì nhận xét, cảnh nào đẹp thì ngừng lại. Chỗ nào tôi thấy thú thì tôi ở lại. Hễ thấy chán thì tôi đi, tôi chỉ tùy thuộc tôi, tôi được hưởng tất cả sự tự do mà một người có thể hưởng được”.
Còn V. Huy-gô thì viết: “Người ta được tự chủ, người ta tự do, người ta vui vẻ. Người ta đi, người ta ngừng, người ta lại đi, không có gì bó buộc, không có gì ngăn cản”.
Cái thú tự học cũng giống như cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian. Những hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Kể làm sao hết được những sự vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở?
Ta cũng được tự do, muốn đi đâu thì đi, ngừng đâu thì ngừng. Bạn thích cái xã hội thời Đường bên Trung Quốc thì đã có những thi nhân đại tài tả viên “Dạ minh châu” của Đường Minh Hoàng, khúc “Nghê thường vũ y” của Dương Quý Phi cho bạn biết. Tôi thích nghiên cứu đời con kiến, con sâu - mỗi vật là cả một thế giới huyền bí đây, bạn ạ - thì đã có J. H. Pha-brơ và hàng chục nhà sinh vật học khác sẵn sàng kể chuyện cho tôi nghe một cách hóm hỉnh hoặc thi vị.
Đương học về kinh tế, thấy chán những con số ư thì ta bỏ nó đi mà đi coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non ở Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha- oai. Hoặc không muốn học nữa thì ta gấp sách lại, chẳng ai ngăn ta cả.
Ta lại được quyền lựa chọn giáo sư.
Ta được học họ mà bỏ ngang, họ không hề giận, lúc khác muốn học lại thì họ vẫn sẵn sàng chỉ bảo. Giáo sư của ta nhiều vô kể, ta tha hồ lựa chọn. Họ sống đồng thời với ta hoặc trước ta cả chục thế kỉ, ở ngay trong xứ ta hoặc cách ta cả vạn cây số. Hết thấy đều tự thân đem những tinh hoa nhất của họ ra dạy ta mà đối với ta lễ phép và ôn tồn, thân mật như bạn bè.
Nào phải họ chỉ dạy ta mà thôi. Họ còn an ủi ta nữa, kể lể tâm sự với ta. Ta thấy trong nỗi buồn khổ, lo lắng của họ, nỗi buồn khổ, lo lắng của ta và ta hiểu rằng chúng ta không phải cô độc trong thế giới này.
[...] Tự học còn là một thú vui thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta thấy như tự bắc được một cái cầu giữa tâm hồn ta và tâm hồn của các danh nhân trong muôn thuở.
Chắc bạn còn nhớ lời của Vôn-te: “Người siêng học lần lần tự khoác cho mình một cái tôn trọng mà chức tước, của cải đều không cho được”.
[...] Thiêng liêng thay sự tự học! Mỗi lần vào một thư viện công cộng, tôi đều có cảm giác rờn rợn mà lâng lâng như vào một tòa đền. [...] Ở đây không có hương, không có trầm nhưng có hàng chục hàng trăm người đang tụng niệm, vì đọc sách có khác chi tụng kinh và sách nào đứng đắn mà chẳng là một cuốn kinh?
(Theo Nguyễn Hiến Lê, Tự học - một nhu cầu thời đại,
NXB. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 2003).
soanbailop6.com