Bán đảo Triều Tiên
là dải đất nằm nhô ra biển ở Đông Á, có đường biên giới đất liền với Trung Quốc. Bán đảo này bắt đầu từ lục địa Châu Á chạy dài về phía nam 1.100 km. Nó được bao bọc bởi biển ở ba phía: Đông – Biển Nhật Bản Nam – Biển Hoa Đông và Tây ...
là dải đất nằm nhô ra biển ở Đông Á, có đường biên giới đất liền với Trung Quốc. Bán đảo này bắt đầu từ lục địa Châu Á chạy dài về phía nam 1.100 km. Nó được bao bọc bởi biển ở ba phía:
- Đông – Biển Nhật Bản
- Nam – Biển Hoa Đông và
- Tây – Hoàng Hải.
Eo biển Triều Tiên là nơi phân cách Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông.
Cho đến cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Triều Tiên vẫn là một thực thể chính trị thống nhất nằm trên bán đảo Triều Tiên. Sau khi chiến tranh Triều Tiên ngừng bắn năm 1953, bán đảo này bị chia cắt lâu dài thành hai quốc gia là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc).
Ranh giới phía bắc của bán đảo Triều Tiền trùng khớp với biên giới của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với Trung Quốc (dài 1.416 km) và Nga (dài 19 km). Đây là các đường biên giới tự nhiên gồm sông Áp Lục và sông Đồ Môn. Tổng diện tích bán đảo Triều Tiên khoảng 220.000 km².
Vì cách tự xưng tên gọi quốc gia khác nhau, bán đảo này được Bắc Triều Tiên gọi là Chosun Bando (조선반도; "Triều Tiên bán đảo"), Hàn Quốc gọi là Han Bando (한반도; "Hàn bán đảo").
Núi non chiếm 70% diện tích bán đảo Triều Tiên, những bình nguyên có thể trồng trọt đều nhỏ và bị chia cắt bởi các dãy núi. Địa hình sơn cước càng điển hình khi tiến xa hơn về phía bắc và phía đông, những đỉnh núi cao nhất của bán đảo nằm ở phía bắc, ngọn cao nhất là Bạch Đầu Sơn, 2.744 m.
Toàn bán đảo có 8.460 km bờ biển, các bờ biển phía tây và nam đặc biệt khúc khuỷu, phần lớn trong số 3.579 đảo của bán đảo phân bố ở bờ biển phía tây và nam.
Khí hậu trên bán đảo Triều Tiên khác biệt rất rõ giữa miền nam và miền bắc. Miền nam của bán đảo có khí hậu khá ấm và ẩm giống với Nhật Bản nhờ ảnh hưởng của các dòng nước ấm từ đại dương trong đó có Dòng nước ấm tây Triều Tiên. Miền bắc mang khí hậu lạnh và thiên về khí hậu lục địa giống như Mãn Châu. Ví dụ, lượng mưa hàng năm ở thung lũng sông Áp Lục là 600 mm, trong khi tại bờ biển phía nam bán đảo là 1.500 mm. Tương tự, nhiệt độ vào tháng Giêng ở hai miền bắc, nam bán đảo chênh lệch nhau tới 20 °C.
Tuy nhiên, toàn bộ bán đảo có mô hình khí hậu tương đồng: giữa mùa hè có gió mùa và thường có bão nhiệt đới vào mùa thu. Mưa chủ yếu xảy ra trong những tháng hè mà gần nửa lượng mưa vào thời gian gió mùa. Mùa đông lạnh giá, nhiệt độ trong tháng Giêng thường dưới không độ, ngoại trừ đảo Jeju. Lượng mưa trong mùa đông là rất ít, chỉ một chút tuyết ngoài những vùng núi.
Thông Triều Tiên
Các cuộc điều tra quần thực vật ở Triều Tiên đã xác định có 3.000 loài, trong đó hơn 500 là loài đặc hữu. Các vùng thực vật được chia thành vùng ôn đới, ôn đới ấm và ôn đới lạnh.
Vùng ôn đới ấm chiếm ưu thế ở các bờ biển phía nam, các hòn đảo ngoài khơi và đảo Jeju. Vùng này đặc trưng bởi các cây lá rộng bản xanh tốt quanh năm.
Vùng ôn đới bao trùm phần lớn bán đảo, ngoại trừ bờ biến phía nam và những ngọn núi cao. Cây chủ yếu của vùng này là thông Triều Tiên và các cây lá rộng bản có thay lá trong năm.
Thực vật vùng ôn đới lạnh có ở các bìa rừng phía bắc và trên núi cao bao gồm cả đỉnh Hallasan cao nhất đảo Jeju. Những cây có lá quanh năm là thông rụng lá và bách xù. Phần lớn thực vật của vùng ôn đới lạnh tương tự Mãn Châu.
Hồ hình thành từ miệng núi lửa trên đảo Jeju
Địa hình bán đảo Triều Tiên nhấp nhô do những dãy núi thấp, cổ. Phần lớn đá có nguồn gốc từ rất lâu, trước Liên đại Hiển Sinh. Song, cũng có những khu vực phân tán, hình thành ở đại Cổ Sinh, đại Trung Sinh và đại Tân Sinh.
Không có núi lửa đang hoạt động trên bán đảo. Nhưng ở Bạch Đầu Sơn phía bắc và Hallasan trên đảo Jeju có các hồ hình thành từ miệng núi lửa cho thấy núi lửa đã hoạt động trước đây không lâu. Thêm vào đó, đảo Ulleungo và nhóm đảo nhỏ Dokdo trên biển Nhật Bản được cho là có nguồn gốc từ núi lửa. Hơn nữa, các suối nước nóng phân bố khắp bán đảo là dấu hiệu của hoạt động núi lửa ở mức độ thấp. Nhìn chung, hàng năm bán đảo chịu hai trận động đất nhưng không gây chấn động đáng kể.