02/03/2018, 22:35

Bài viết về chủ đề cánh chim hoà bình

BÀI LÀM (Chuyện kể: "Những con sếu bằng giấy”) Không một đất nước nào lại mong muốn có chiến tranh. Nhân dân khắp nơi trên thế giới đều mong muốn hoà bình. Năm 1945, năm Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc là một năm kinh hoàng. Năm đó, đế quốc Mỹ ném ...


BÀI LÀM

(Chuyện kể: "Những con sếu bằng giấy”)

Không một đất nước nào lại mong muốn có chiến tranh. Nhân dân khắp nơi trên thế giới đều mong muốn hoà bình. Năm 1945, năm Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc là một năm kinh hoàng. Năm đó, đế quốc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hi-ro-si-ma và Na-ga-xa-ki. Di hại của nó để lại cho nhân dân Nhật hết sức thương tâm. Một trong những người chịu ảnh hưởng của hai quả bom đó là Xa-xa-cô Xa-xa-ki.

Ngày 16 tháng 7 năm 1945, nước Mỹ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mỹ quyết định ném cả hai quả bom này xuống Nhật Bản. Hai quả bom ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki đã cướp đi mạng sông của nửa triệu con người. Đến năm 1951, lại có thêm một trăm ngàn người chết vì bị nhiễm phóng xạ nguyên tử.

Cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki chỉ mới hai tuổi may mắn thoát chết nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau em lâm bệnh nặng. Nằm trong bệnh viện, cô bénhẩm đếm từng ngày của đời mình và ngây thơ tin vào một câu chuyện theo truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, cô bé sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và khắp nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu bằng giấy đến cho Xa-xa-cô. Nhưng Xa-xa-cô chết khi em mới gấp được 644 con.

Bàng hoàng, xúc động (dù dự đoán được) trước cái chết của em, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao chín mét là hình một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ "Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hoà bình”.

Những con sếu bằng giấy đã lên tiếng kêu gọi toàn thế giới phải gìn giữ hoà bình và tích cực chống chiến tranh. Chiến tranh nhằm giải quyết vấn đề gì, trẻ em chúng em không thể biết được. Nhưng bảo vệ hoà bình, phản đối chiến tranh (dù xảy ra trên lãnh thổ của nước nào), chúng em xin nhiệt liệt ủng hộ. Trẻ con cần hoà bình và cần hạnh phúc bình yên. Đó cũng là quyền lợi chính đáng của một con người.

BÀI LÀM 2

(Chuyện kể “Tác phẩm của Si-le và tên phát xít”)

Chiến tranh chỉ nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị hoặc một nhóm người cực đoan. Chiến tranh Thế Giới lần thứ hai do Hít-le gây ra đã đấy các nước châu Âu vào nơi hòn tên mũi đạn, nhân dân lao động thống khổ, lầm than. Tại Pháp, lính Đức chiếm đóng tha hồ hạch sách nhân dân Pháp. Để đáp lại thái độ hống hách kệch cỡm của sĩ quan Đức, người Pháp cũng có cách nêu quan điểm của mình khiến sĩ quan Đức phải hổ thẹn như trong câu chuyện kể sau đây: "Tác phẩm của Si-le và tên Phát-xít Đức”.

Trong thời gian nước Pháp bị phát-xít Đức chiếm đóng, một lần có tên sĩ quan cao cấp của bọn phát-xít lên một chuyến tàu ởPa-ri,thủ đô nước Pháp. Hắn bước vào toa tàu, giơ thẳng tay và hô to: “Hít- le muôn năm”. Một người cao tuổi ngồi bên cửa sổ, tay cầm quyển sách, ngẩng đầu, lạnh lùng đáp bằng tiếng Pháp: “Chào ngài”. Tên sĩ quan lừ mắt nhìn ông già người Pháp. Bỗng hắn nhìn vào cuốn sách ông cụ đang đọc và thấy đó là một tác phẩm của Si-le viết bằng tiếng Đức. Bực mình vì ông cụ biết tiếng Đức mà không chào mình bằng tiếng Đức, hắn liền hỏi:

– Lão thích nhà văn Đức hơn lời chào của người Đức chăng?

Ông già người Pháp điềm đạm:

– Sao ngài lại nói thế? Si-le là một nhà văn Quốc tế chứ!

Tên sĩ quan rất ngạc nhiên, ông già nói tiếp:

– Ngài thử xem Si-le đã dành những tác phẩm của mình cho ai nào? Nhà văn đã viết "Vin-hem-ten" cho người Thụy Sĩ, "Nàng dâu ở Mét-xi-na" cho người I-ta-li-a, "Cô gái Oóc-lê-ăng" cho người Pháp…

Càng nghe nói, tên phát xít Đức càng ngây mặt ra. Cuối cùng hắn hỏi:

– Chẳng lẽ Si-le không viết gì cho chúng tôi hay sao?

Ông già mỉm cười trả lời:

– Có chứ. Si-le dành cho các ngài vở “Những tên cướp”

Cuối cùng, kết thúc phần "khẩu chiến” ông già Pháp đã dạy tên phát xít một bài học nhớ đời về phép lịch sự tối thiểu của một con người. Người ta luôn luôn ghi nhớ công lao của một người lính yêu nước và luôn luôn căm ghét bọn cướp nước. Ông già Pháp rất tôn quý nhà văn Đức và khinh bỉ bọn phát xít Đức. Bằng thái độ nhã nhặn, ông đã nói cho tên sĩ quan Đức biết việc làm phi nghĩa của bọn phát xít. Việc làm ấy chỉ bằng "Những tên cướp” mà thôi.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

0