Bài văn thuyết minh về đôi dép lốp thời kháng chiến số 7 - 16 Bài văn thuyết minh về đôi dép lốp thời kháng chiến - lớp 8 hay nhất
"Đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ Bác đi từ ở chiến khu Bác về, Phố phường trận địa nhà máy đồng quê Đều in dấu dép Bác về Bác ơi." Đôi dép xuất hiện trong lời bài hát trên chính là đôi dép lốp mà Bác đã sử dụng hơn hai mươi năm kể từ năm 1947 cho đến khi Bác qua đời. Có thể ...
"Đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ
Bác đi từ ở chiến khu Bác về,
Phố phường trận địa nhà máy đồng quê
Đều in dấu dép Bác về Bác ơi."
Đôi dép xuất hiện trong lời bài hát trên chính là đôi dép lốp mà Bác đã sử dụng hơn hai mươi năm kể từ năm 1947 cho đến khi Bác qua đời. Có thể thấy rằng hiếm có quốc gia nào như Việt Nam, rất nhiều những thứ tưởng đơn sơ giản dị nhưng lại trở thành những biểu tượng mang trong mình giá trị tinh thần sâu sắc vô cùng, ví như hình ảnh cây lúa nước, lũy tre làng, con trâu cày, rồi ngay đến cả đôi dép lốp cũng trở thành một hình ảnh bất hủ, là biểu tượng cho một thời kì kháng chiến chống đế quốc gian khổ và kiêu hùng của dân tộc Việt Nam.
Không có một mốc thời gian cụ thể cho sự ra đời của dép lốp, chỉ biết rằng người đưa ra ý tưởng làm loại dép này chính là Đại tá Hà Văn Lâu. Vào năm 1947, nhân lúc thấy đồng đội của mình là ông Nguyễn Văn Sáu sở hữu một chiếc lốp xe cũ, đã không còn sử dụng được nữa, ông đã đề nghị cắt lốp thành nhiều phần để chế tạo một loạt dép lốp kiểu dáng như loại dép sandal phổ biến ngày hôm nay được nhiều giới trẻ ưa chuộng. Ý định này của Đại tá Hà Văn Lâu có lẽ xuất phát từ những điều kiện gian khổ và thiếu thốn quân nhu trong chiến tranh, bộ đội ta thường phải đi chân trần hoặc những loại giày dép tàn tệ, không bảo vệ được bàn chân. Vừa hay với độ bền, dai của cao su những tác động của mảnh chai, đinh nhọn, than đỏ đều không thể tổn hại bàn chân, giảm được đáng kể những thương tích không đáng có, trong điều kiện y tế còn hạn chế, một vết thương cũng đủ khiến bộ đội ta chật vật. Loại dép này có nhiều tên khác nhau như dép lốp, dép cao su, dép cụ Hồ.
Đôi dép lốp là biểu tượng nổi tiếng của bộ đội cụ Hồ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nó tượng trưng cho sự gian khổ, thiếu thốn về vật chất đồng thời cũng là biểu tượng cho những đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam, một dân tộc có thể thiếu thốn về vật chất nhưng chưa bao giờ thiếu sự sáng tạo, thiếu sức chiến đấu mạnh mẽ, họ sẵn sàng khắc phục và vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt để lao mình vào cuộc chiến. Đặc biệt, Hồ Chủ tịch cũng là một trong số những người rất ưa thích dép lốp bởi sự tiện dụng và bền bỉ, phù hợp với phong cách cần kiệm của Bác. Chỉ một đôi dép, nhưng Bác đã sử dụng nó đến tận hơn 20 năm trời, kể cả khi nó hỏng Bác vẫn cố gắng tu sửa, và cho đến cuối đời Bác vẫn chỉ gắn bó với một đôi dép lốp ấy, cuối cùng nó đã trở thành huyền thoại, một ví dụ kinh điển về sự giản dị và đức tính tiết kiệm, là biểu tượng cho "cuộc đời cách mạng" vì nước, vì dân của Bác.
Chính vì sự gắn bó thân thiết với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và với các chiến sĩ cách mạng thế nên dép lốp chính là đôi dép hiếm hoi được đưa vào trong các tác phẩm nghệ thuật. Nổi tiếng nhất là bài hát Đôi dép Bác Hồ của nhạc sĩ Văn An, hoặc trong một bài báo có tiêu đề Đôi hài vạn dặm đã viết về dép lốp với những lời thấm thía:"Đôi dép ấy rất đỗi bình dị, mộc mạc đơn sơ, nhưng thật nhiều ý nghĩa như chính cuộc đời Bác kính yêu. Bởi đôi dép cao su đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của Bác. Ngày nay, đôi dép ấy đã trở thành kỉ vật thiêng liêng và vô giá của dân tộc ta". Và có một điều thú vị rằng, dép lốp phối hợp với quân phục xanh lá, thắt lưng quân dụng đã từng là một xu hướng thời trang vào những năm 70-80 của thế kỷ trước.
Dép lốp cũng có hình dáng và cấu tạo tương đối giống các loại dép thông thường, bao gồm hai quai bắt chéo trên mu bàn chân và hai quai bắt ngang cổ chân, giữ cho dép khỏi tụt khi di chuyển. Đế dép phẳng và dày, mặt dưới là mặt ngoài của lốp xe chống trơn trượt rất tốt. Việc chế tạo đôi dép lốp khá đơn giản, vật liệu chủ yếu là lốp và săm xe đã cũ, người ta cắt lấy phần giữa của lốp xe theo khuôn hình bàn chân làm đế dép, sau đó đục 8 lỗ để xỏ quai. Phần quai dép được làm từ săm xe, người ta cắt các mảnh quai rộng khoảng 1-1,5cm, chiều dài khoảng 12-15cm tùy cỡ chân, rồi dùng tay luồn qua các lỗ đã được đục trên đế dép, không cần sử dụng keo dán hay dùng chỉ cố định, đế dép sẽ tự động mút chặt quai dép nhờ sự giãn nở của cao su.
Dép lốp là loại dép giản dị, rẻ tiền nhưng vô cùng tiện dụng, có đặc tính chống trơn trượt, đi được trên mọi địa hình, đặc biệt với phần đế cao su cứng và dày hầu như khó có loại gai góc, đinh nhọn, hay mảnh chai nào có thể xuyên qua, thậm chí đi trên than, trên lửa nóng cũng không hề hấn chi. Đặc biệt với chất liệu cao su và phần quai dép ôm lấy cổ chân và mu bàn chân thế nên người chiến sĩ có thể dễ dàng băng rừng lội suối mà không sợ tuột dép, trễ nải quân hành. Không chỉ thế, dép lốp còn rất phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu của nhân dân ta thời bấy giờ, bởi được làm từ vật liệu tái chế, rẻ tiền và vô cùng bền vững, cứ nhìn vào ví dụ kinh điển đôi dép cao su 20 năm vẫn vẹn nguyên của Bác trong lăng Chủ tịch là đủ để đánh giá điều này. Một lý do nữa là dép lốp khá tiện dụng, lại thoáng mát, dễ cọ rửa, mau khô không sợ những điều kiện thời tiết thất thường, nên rất được ưa chuộng.
Dép lốp là một biểu tượng kinh điển gợi nhắc đến hình ảnh người bộ đội cụ Hồ trong những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, thể hiện tinh thần tiết kiệm, giản dị thanh cao của Hồ Chủ tịch, nó đã nâng bước đôi chân Bác cùng các cán bộ chiến sĩ đi hết dải Trường Sơn, làm nên chiến thắng oanh liệt cho dân tộc. Ai có thể ngờ rằng một dân tộc chân mang dép lốp, đầu đội mũ cối, thân bọc áo trấn thủ, lấy sức người kéo pháo, lấy xe đạp thồ lương thực và vũ khí lại có thể chiến thắng cả 2 đế quốc hùng mạnh bậc nhất lúc bấy giờ. Tất cả đều nhờ vào lòng kiên trì, tinh thần dũng cảm, đoàn kết, cùng tấm lòng yêu nước tột độ, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của một dân tộc kiêu hùng xứng danh con cháu của Hùng Vương, hậu duệ của giống Rồng, Tiên.