Bài văn thuyết minh về di tích lịch sử Đền Hùng số 5 - 10 Bài văn thuyết minh về di tích lịch sử Đền Hùng lớp 8 hay nhất
Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, về với Đền Hùng là cuộc hành hương trở về nguồn cội, tìm lại những dấu ấn lịch sử hào hùng thời Vua Hùng dựng nước. “Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba Khắp miền truyền mãi câu ca Nước non vẫn nước non nhà ...
Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, về với Đền Hùng là cuộc hành hương trở về nguồn cội, tìm lại những dấu ấn lịch sử hào hùng thời Vua Hùng dựng nước.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Cụm di tích Đền Hùng trên một ngọn núi cao hùng vĩ. Bàn thờ Tổ được đặt trên ngọn núi Nùng (Nghĩa Lĩnh) thuộc thôn cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Núi Nùng cao 175m nổi lên án ngự vùng đồi Phong Châu Bạch Hạc. Đền Hùng là tên chung chỉ bốn ngôi đền và một ngôi lăng trên Núi Nùng. Từ cổng chính đi lên là Đền Hạ, theo truyền thuyết đây là nơi bà Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con tạo thành sức mạnh Việt Nam.
Lên nữa là Đền Trung nơi các vua Hùng bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng và trên đỉnh núi là Đền Thượng với bốn chữ vàng “Nam Việt Triệu Tổ” (Tổ muôn đời nước Việt Nam). Đây là nơi Vua Hùng thờ Thánh Gióng và làm lễ tế trời đất cầu mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân ấm no. Cạnh Đền Thượng là ngôi Lăng nhỏ thường gọi là mộ Tổ mang ý nghĩa tượng trưng. Từ Lăng đi xuống về hướng Đông, dưới chân núi là Đền Gióng nơi xưa hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con Vua Hùng thứ 18 soi gương nước trang điểm, vì thế giếng còn có tên là Giếng Ngọc. Giếng ấy nay ở trong lòng đền.
Đứng trước Đền Thượng (đỉnh Hùng Sơn) nhìn ra tám phương bốn hướng, trải ra trước mắt một vùng trung du tươi đẹp và bạt ngàn đồi cây xanh tốt, lấp lánh ánh nước ngã ba sông. Những ngôi nhà mới và những nhà máy mọc lên khiến cho cảnh vật thêm sinh động. Con người cảm thấy thực sự nhỏ bé trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Sự đổi thay của đất và người Phú Thọ đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho khu di tích Đền Hùng lịch sử. Sừng sững phía Đông là dãy Tam Đảo chạy dài như bức trường thành.
Phía Tây chót vót ngọn Tản Viên trấn ngự. Sông Đà, sông Lô, sông Thao hợp nước chầu về Đền Hùng càng làm tăng vẻ hùng vĩ cho khu di tích: “Xem địa thê trùng trùng long hổ Tả đảo Sơn mà hữu Tản Viên Lô, Đà hai nước hai bên Giữa sông Thao thủy dòng trên Nhị Hà” Cố đô Văn Lang xưa, Nghĩa Lĩnh – Việt Trì là cái nôi của huyền thoại. Sông núi cỏ cây mang nặng hồn đất nước, đem đến cho khách thập phương những câu chuyện nửa thực nửa hư mà rất đẹp. Làng Lúa xưa là nơi Vua Hùng dạy dân trồng lúa.
Các xã dọc sông Lô là nơi Vua Hùng đi săn cùng các Lang và các Mỵ Nương. Làng Hương Trầm, xã Lâu Thượng là nơi hoàng tử Lang Liêu làm ra bánh chưng, bánh dày dâng lễ chúc thọ Vua Hùng. Ngã ba sông là nơi Vua Hùng thứ 18 lập lầu kén rể chọn chồng cho công chúa, nơi diễn ra cuộc so tài giữa thần Núi và thần Nước để giành người đẹp…
“Tháng ba nô nức hội đền
Là ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay”
Về hội Đền Hùng là tìm về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tìm về tuổi ấu thơ trong chiếc nôi với lời ru sông núi của mẹ Âu Cơ; là nhớ về tổ tiên một thời lập quốc với dấu tích của một thời đại Vua Hùng, về với Đền Hùng là về với nguồn cội, về với bản sắc văn hóa của người Việt Nam, cùng cầu chúc mọi điều tốt đẹp đến với tất cả mọi người.