Bài văn thuyết minh về cây phượng vĩ số 3 - 12 bài văn thuyết minh về cây phượng vĩ hay nhất
Mỗi loài cây, mỗi loài hoa sinh ra trên đời đều mang một ý nghĩa và biểu tượng riêng. Nếu cây phát lộc biểu tượng cho sự may mắn, cây liễu là chuẩn mực cho vẻ đẹp yêu kiều của người phụ nữ, cây tùng thể hiện khí chất hiên ngang, ngay thẳng của người quân tử thì cây phượng vĩ - loài ...
Mỗi loài cây, mỗi loài hoa sinh ra trên đời đều mang một ý nghĩa và biểu tượng riêng. Nếu cây phát lộc biểu tượng cho sự may mắn, cây liễu là chuẩn mực cho vẻ đẹp yêu kiều của người phụ nữ, cây tùng thể hiện khí chất hiên ngang, ngay thẳng của người quân tử thì cây phượng vĩ - loài cây hết sức giản dị và thân thuộc lại là biểu tượng của tuổi học trò, là sự báo hiệu cho một mùa chia tay đầy thương nhớ. Cây phượng vĩ đã trở thành một người bạn thân thiết của tuổi học trò.
Ngay từ cái tên phượng vĩ đã gieo vào lòng người nhiều bí ẩn. Đó là chữ ghép Hán Việt, có nghĩa là đuôi con chim phượng. Cách gọi này cũng khá hợp lí và tinh tế bởi các lá cây đặc biệt là các lá non trông giống như hình vẽ đuôi của loài chim phượng. Phượng vĩ còn có tên gọi khác là xoan tây hay điệp tây, thuộc loại thực vật có hoa, thường sinh sống ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.
Theo các nghiên cứu thì phượng vĩ có nguồn gốc từ những cánh rừng ở Madagascar. Còn ở Việt Nam, phượng vĩ được du nhập vào khoảng cuối thế kỉ XIX bởi một người Pháp. Khi ấy, loài cây này thường xuất hiện ở các tỉnh thành như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Ở Việt Nam, phượng vĩ được trồng khá phổ biến, đặc biệt là ở dọc các con đường, ở trong sân trường học bởi khả năng tạo bóng mát của cây. Đây là loại cây dễ trồng, thích hợp với mọi loại đất từ khô cằn đến màu mỡ; phát triển tốt trên mọi địa hình từ đồng bằng đến trung du và núi cao. Tuy nhiên, loài cây này lại có tuổi thọ không cao, trung bình từ 30 đến 50 năm tùy vào điều kiện chăm sóc và thời tiết.
Một cây phượng vĩ lớn có thể cao đến 20m, tán tỏa ra tứ phía với đường kính lên tới 8m. Rễ cây thuộc loại rễ chùm, đâm sâu xuống lòng đất hút chất dinh dưỡng nuôi cây đồng thời bám sâu vào lòng đất để cây luôn đứng vững trước những bão tố dữ dội. Những chiếc rễ cây lâu năm to như những con rắn khổng lồ, chồi lên ngoằn nghèo trên mặt đất lại là chỗ ngồi lí tưởng cho các bạn học sinh.
Thân cây to tròn đến hai học trò ôm cũng không xuể. Nó khoác lên mình bộ áo màu nâu sẫm, khi sờ vào có cảm giác xù xì và hơi thô ráp. Từ những cành cây nhỏ bé, mọc ra hàng nghìn, hàng vạn chiếc lá nhỏ li ti màu xanh lục như những lá me. Lá cây mọc đối xứng qua một xương lá trông rất mềm mại, thỉnh thoảng lại rung rinh, đu đưa làm dáng khi chị gió thoảng qua ghé thăm. Hình ảnh khiến mọi người nhớ mãi có lẽ là hoa phượng.
Mỗi bông hoa có bốn cánh tỏa rộng màu đỏ hay màu đỏ cam, cánh thứ năm mọc thẳng và lớn hơn các cánh hoa còn lại một chút. Cánh hoa cuối cùng này khá đặc biệt, có lấm tấm những đốm màu vàng, màu trắng. Hoa phượng không mọc riêng lẻ mà kết thành từng chùm từ năm đến tám bông hoa.
Khi nắng ngày càng chói chang và ve cất tiếng râm ran cũng là lúc phượng nở. Mới ngày nào còn e lệ, chúm chím, điểm vài sắc đỏ giữa màu xanh bát ngát thì hôm nay đã bật tung ra, đỏ rực cả một khoảng trời. Phượng nở lại báo hiệu một mùa chia tay sắp đến, gieo vào lòng người những bồi hồi, xao xuyến; những tiếc nuối, nhớ nhung.